Căng cơ thắt lưng được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đau sâu ở vùng lưng, khiến người bệnh phải đối mặt với cảm giác khó chịu. Những cơn đau này thường gây trở ngại trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, khi xuất hiện các dấu hiệu bị căng cơ lưng, người bệnh nên đi gặp bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Phan Bá Quỳnh - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Căng cơ thắt lưng là bệnh gì?
Ở những người bị chấn thương thắt lưng, phần gân hoặc cơ ở thắt lưng thường bị kéo căng hoặc rách, điều này dễ gây ra tình trạng căng cơ thắt lưng.
Các cơ và dây chằng ở lưng vốn có chức năng giữ xương cột sống. Khi các bộ phận này bị căng ra quá mức thì căng cơ thắt lưng sẽ xảy ra. Tình trạng này dẫn đến sự suy yếu của các cơ khiến cho cột sống trở nên không ổn định và gây đau lưng. Tình trạng bị căng cơ lưng thường xảy ra ở vùng cơ vuông thắt lưng (cơ lưng rộng) hoặc các cơ lưng dưới.
2. Triệu chứng khi bị căng cơ thắt lưng
Khi mọi người thực hiện một hành động đột ngột, bê một vật nặng hoặc khi hoạt động sai tư thế (lao động chân tay kéo dài hoặc đi giày cao gót) thì căng cơ thắt lưng sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng có thể do rung xóc khi đi xe đường dài dẫn đến đau ở mông và chân hoặc do nhiễm lạnh và các cử động đột ngột.

Khi mọi người thực hiện hành động đột ngột hoặc do thói quen sinh hoạt và vận động không đúng cách trong thời gian dài thì tình trạng bị căng cơ lưng sẽ xảy ra.
Khi bị đau lưng, người bệnh thường trải qua tình trạng co cứng các khối cơ cạnh cột sống và tư thế cột sống trở nên lệch vẹo mất đường cong sinh lý. Bác sĩ sẽ xác định vị trí đau bằng cách ấn ngón tay vào các mỏm gai sau hoặc khe liên đốt bên cột sống.
Một số triệu chứng khi bị căng cơ lưng bao gồm cảm giác đau khi ho, hắt hơi hoặc uốn duỗi lưng.
3. Nguyên nhân gây căng cơ thắt lưng?
Căng giãn dây chằng quá mức gây ra tình trạng căng cơ thắt lưng. Nguyên nhân bao gồm:
- Ít vận động dẫn đến yếu cơ và dễ gặp chấn thương.
- Béo phì.
- Hút thuốc lá.
- Ho nhiều.
- Một nguyên nhân chính gây ra tình trạng căng cơ vuông thắt lưng là ngồi một tư thế quá lâu khi làm việc. Tư thế này khiến cho cơ của dây thần kinh cơ vuông thắt lưng bị co lại liên tục hoặc thắt chặt dẫn đến mỏi cơ. Nếu lượng máu chảy vào cơ giảm sẽ gây căng cứng cơ lưng và đau đớn.
- Bị ngã hoặc chấn thương trước đó.
- Nếu không thực hiện một số động tác khởi động hoặc không kéo duỗi cơ trước khi tham gia thể thao thì sẽ có khả năng gây căng cơ thắt lưng. Khi vận động nặng không đúng cách, cơ sẽ không được giãn dẫn đến việc hạn chế tầm vận động của khớp, làm tăng nguy cơ bị căng cơ lưng và gặp phải chấn thương.
Căng cơ vuông lưng thường xảy ra do các hoạt động làm mỏi thắt lưng, chẳng hạn như duỗi, gập người, nâng vật nặng sai cách, kéo tạ (cử tạ) hoặc động tác xoắn vặn cơ thể trong các môn thể thao như bóng chày, bóng rổ và golf.

4. Có phương pháp nào để điều trị bệnh căng cơ lưng không?
Nguyên nhân gây căng cơ lưng rất đa dạng. Do đó, bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân, dấu hiệu và tình trạng bệnh để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh. Trong trường hợp bệnh trở thành mãn tính với mức độ đau nhẹ, người bệnh bị căng cơ lưng có thể áp dụng các biện pháp điều trị căng cơ thắt lưng như sau:
- Thực hiện những hoạt động và công việc nhẹ nhàng, đồng thời nghỉ ngơi đầy đủ.
- Chườm đá hoặc chườm nóng tại vùng bị đau để làm giảm cơn đau và tình trạng sưng.
- Tuân theo liệu trình thuốc uống được bác sĩ chỉ định.
- Tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên.
- Tắm hoặc ngâm mình trong nước nóng.
- Các loại thuốc như NSAID (thuốc kháng viêm không steroid) và thuốc giãn cơ có khả năng làm giảm cơn đau. Tuy nhiên, người bệnh cần phải có sự chỉ định và hướng dẫn liều dùng từ bác sĩ trước khi sử dụng. Người bệnh bị căng cơ lưng không nên tự ý mua thuốc bởi vì mỗi loại thuốc đều gây ra tác dụng phụ. Cụ thể, NSAID dẫn đến các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, loét, đau đầu, chóng mặt, suy giảm thính lực hoặc phát ban. Trong khi đó, thuốc giãn cơ gây ra những tác dụng phụ như buồn ngủ, chóng mặt hoặc phát ban.
- Các bài tập thể dục và liệu pháp vật lý trị liệu sẽ hỗ trợ trong việc củng cố cơ bắp vùng bụng, đồng thời kéo duỗi và tăng cường sức mạnh cơ thắt lưng trong và sau khi lành bệnh.

Để giảm thiểu cơn đau do căng cơ lưng, người bệnh cần lưu ý những điều sau:
- Nếu đang bị béo phì, người bệnh bị căng cơ lưng cần giảm cân.
- Uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Đảm bảo tham gia các buổi khám định kỳ theo lịch hẹn với bác sĩ.
- Hàng ngày, người bệnh hãy thực hiện các bài tập kéo duỗi và tăng cường sức mạnh cơ lưng nhẹ nhàng.
- Khi ngồi, đứng hoặc nâng vật, người bệnh nên chú ý sử dụng tư thế đúng, đặc biệt là khi nhấc vật nặng, cần gập đầu gối.
- Tránh mang vác vật quá nặng để không tạo áp lực lên lưng.

Trong trường hợp có các triệu chứng hoặc dấu hiệu như đã đề cập, người bị căng cơ lưng hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có bất kỳ câu hỏi nào. Tình trạng bệnh lý và cơ địa của mỗi người có thể khác nhau. Vì vậy, người bệnh cần luôn trao đổi với bác sĩ để nhận được phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.