Viêm khớp dạng thấp tái phát là một bệnh lý tự miễn mạn tính ảnh hưởng nghiêm trọng đến khớp gây sưng, đau và cứng khớp. Khi không được điều trị đúng cách hoặc chẩn đoán sai, bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc phân biệt chính xác bệnh và điều trị kịp thời là rất quan trọng để giảm thiểu tổn thương và duy trì chất lượng sống.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Triệu chứng viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp có thể xuất hiện với các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như:
- Đau và sưng khớp, kèm theo mệt mỏi và sốt.
- Tình trạng viêm khớp ngày càng trầm trọng, lan rộng ra các mô xung quanh.
- Sụn khớp bị phá hủy, xuất hiện mô xương.
- Khớp sưng và cứng hơn, gây khó khăn khi di chuyển.
- Biến dạng khớp và mất đi khả năng chức năng của khớp.

2. Nguyên nhân viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn mạn tính ảnh hưởng đến khớp, tổn thương ban đầu thường xảy ra ở lớp màng hoạt dịch. Thông thường, phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với nam giới, giai đoạn trung niên là độ tuổi dễ mắc bệnh. Trong đó, các triệu chứng, biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân sẽ phù hợp với kết quả cận lâm sàng đặc hiệu.
Cơ chế bệnh sinh của bệnh viêm khớp dạng thấp liên quan đến hiện tượng tự miễn, hệ thống miễn dịch của cơ thể không thực hiện nhiệm vụ bảo vệ mà lại tấn công lớp màng hoạt dịch của khớp. Tình trạng này dẫn đến phản ứng viêm, làm dày bao hoạt dịch, từ đó phá hủy cấu trúc sụn và xương trong khớp. Đồng thời, các cấu trúc khác cũng bị tổn thương, các gân và dây chằng giữ khớp trở nên căng và yếu đi. Cuối cùng, khớp bị biến dạng, mất đi hình dáng và cấu trúc ban đầu.
Nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm khớp dạng thấp hiện vẫn chưa được các nhà nghiên cứu xác định dù có nhiều ý kiến cho rằng bệnh tự miễn này có liên quan đến yếu tố di truyền. Thực tế, gen không trực tiếp gây tổn thương khớp nhưng một số trường hợp gen bất thường lại khiến cơ địa trở nên nhạy cảm hơn trước các yếu tố môi trường, vi khuẩn, virus... dẫn đến nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp tăng cao.
3. Các giai đoạn của viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp trong quá trình tiến triển thường gây ra nhiều thay đổi cho cơ thể người bệnh. Một vài hình ảnh bệnh có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận rõ ràng nhưng bệnh viêm khớp dạng thấp cũng có một số biến đổi ngầm không gây bất kỳ dấu hiệu nào. Bên cạnh đó, hình ảnh viêm khớp dạng thấp ở mỗi giai đoạn cũng khác biệt nên mục tiêu điều trị cũng sẽ khác nhau ở từng giai đoạn.
3.1 Giai đoạn 1
Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường gặp phải triệu chứng như đau, sưng đỏ hoặc cứng các khớp bị tổn thương, đồng thời phản ứng viêm trong khớp khiến các mô bị sưng to hơn. Lúc này, tuy chưa có tổn thương xương nhưng lớp màng hoạt dịch khớp đã bị tổn thương.
3.2. Giai đoạn 2
Lớp màng hoạt dịch trong giai đoạn này đã bị viêm nặng, dẫn đến tổn thương sụn khớp ở người bệnh. Vì sụn bao phủ phần cuối của các xương trong khớp nên khi sụn bị tổn thương, người bệnh sẽ bị đau khớp nhiều hơn và hạn chế vận động.
3.3. Giai đoạn 3
Giai đoạn 3 của bệnh viêm khớp dạng thấp ở người lớn cho thấy tình trạng bệnh đã nghiêm trọng. Lúc này, tổn thương không chỉ diễn ra tại sụn mà còn ảnh hưởng đến cấu trúc xương. Khi phần sụn giữa các xương bị mài mòn, xương sẽ va chạm trực tiếp vào nhau gây ra cảm giác đau đớn và tình trạng sưng nặng nề hơn. Trong một vài trường hợp, người bệnh ở giai đoạn này đã xuất hiện tình trạng yếu cơ hoặc không còn khả năng vận động vì xương bị tổn thương và biến dạng.
3.4. Giai đoạn 4
Ở giai đoạn muộn của bệnh viêm khớp dạng thấp, khi chức năng của các khớp đã bị mất hoàn toàn, người bệnh không chỉ bị đau dữ dội mà còn phải đối mặt với hiện tượng sưng, cứng khớp và mất khả năng vận động. Tình trạng này còn kéo theo nguy cơ dính khớp do sự tổn hại nặng nề của các khớp.
4. Cảnh giác bệnh viêm khớp dạng thấp tái phát và các biến chứng
Một số người bệnh có thể nhầm lẫn viêm khớp dạng thấp với các bệnh cơ xương khớp khác do biểu hiện và hình ảnh lâm sàng tương tự. Các bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm bao gồm viêm khớp phản ứng, viêm khớp vảy nến, loãng xương hay lupus ban đỏ… Trong đó, phổ biến nhất là sự nhầm lẫn giữa chẩn đoán viêm khớp dạng thấp tái phát ở giai đoạn cấp tính và bệnh gout (thống phong), đặc biệt ở nam giới độ tuổi trung niên. Việc phân biệt chính xác hai bệnh lý này cần dựa trên các xét nghiệm huyết thanh đặc hiệu như yếu tố dạng thấp hoặc anti CCP - vốn chỉ xuất hiện trong bệnh viêm khớp dạng thấp.
Nếu không có biện pháp can thiệp phù hợp, viêm khớp dạng thấp tái phát nhiều lần có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng sau:
- Loãng xương: Nguy cơ loãng xương tăng lên do bản chất của viêm khớp dạng thấp và tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị, khiến xương yếu dần, dễ giòn và gãy hơn.
- Ở những khu vực khớp chịu áp lực lớn như khuỷu tay, các hạt thấp dưới da gây cản trở khả năng vận động. Không những thế, các hạt này còn có khả năng xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào khác trên cơ thể, kể cả trong phổi.
- Khô mắt, khô miệng: Hội chứng Sjogren là một rối loạn làm giảm độ ẩm ở mắt và miệng có nguy cơ cao xuất hiện ở những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.
- Nhiễm trùng: Chức năng hệ thống miễn dịch có thể bị suy giảm do viêm khớp dạng thấp và các loại thuốc điều trị, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Thay đổi thành phần cơ thể: Ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, tỷ lệ mô mỡ so với mô cơ thường cao hơn dù chỉ số khối cơ thể (BMI) vẫn nằm trong phạm vi bình thường.
- Hội chứng ống cổ tay: Đây cũng là một biến chứng viêm khớp dạng thấp, khi bệnh ảnh hưởng cổ tay, gây chèn ép dây thần kinh ở cổ tay.
- Bệnh tim mạch: Ngoài tình trạng viêm màng ngoài tim, viêm khớp dạng thấp tái phát còn làm tăng nguy cơ xơ cứng và tắc nghẽn các động mạch nuôi tim.
- Biến chứng phổi: Những người mắc viêm khớp dạng thấp tái phát có khả năng cao gặp phải tình trạng viêm và hình thành sẹo trong nhu mô phổi, dẫn đến khó thở nếu kéo dài
- Ung thư hạch: Đối với người bị viêm khớp dạng thấp, nguy cơ phát triển ung thư hạch là khá cao. Đây một dạng ung thư máu xảy ra trong hệ thống bạch huyết.
Nhìn chung, một số người bệnh có thể nhầm lẫn bệnh viêm khớp dạng thấp với các bệnh lý cơ xương khớp khác như viêm khớp vảy nến, viêm khớp phản ứng, lupus ban đỏ hay loãng xương…do những biểu hiện và hình ảnh của bệnh tương tự.
Một trong những sai lầm thường gặp là chẩn đoán nhầm giữa bệnh gout và viêm khớp dạng thấp tái phát đợt cấp tính. Việc này dẫn đến điều trị sai, ảnh hưởng đến sức khỏe và chi phí điều trị. Vì vậy, bệnh nhân nên tuân thủ lịch tái khám theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để nhận được tư vấn và hỗ trợ điều trị hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.