Cây cỏ hôi trị viêm mũi dị ứng có nhiều cách khác nhau, từ xông mũi, nhỏ mũi, đắp lên mũi cho đến pha nước uống, do đó phù hợp với nhiều đối tượng. Những bài thuốc sử dụng cây cỏ hôi có tác dụng làm giảm bớt triệu chứng viêm, giảm tình trạng nghẹt mũi, qua đó tăng cường sức khỏe tổng quát cực kỳ hiệu quả
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Miễn Dịch Dị Ứng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Lợi ích của cây cỏ hôi trong điều trị viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là một bệnh lý thường gặp, gây ra nhiều khó chịu cho người mắc phải với các triệu chứng như hắt hơi liên tục, ngứa mũi và chảy nước mũi. Bên cạnh việc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng có thể tìm hiểu thêm các bài thuốc Nam sử dụng thảo dược để khắc phục triệu chứng. Trong đó, cây cỏ hôi cũng là một lựa chọn phù hợp nhờ vào các đặc tính kháng viêm và kháng khuẩn hiệu quả.

Cây cỏ hôi còn có tên gọi khác là cây cứt lợn hoặc hoa ngũ sắc, thường dùng để trị nhiều bệnh lý, bao gồm cả viêm mũi dị ứng. Các hợp chất Saponin và Flavonoid trong cây cỏ hôi giúp giảm sưng, giảm viêm ở niêm mạc mũi, nhờ đó giảm bớt những triệu chứng thường gặp như chảy nước mũi và ngạt mũi. Cây hoa ngũ sắc cũng có thể ức chế những phản ứng dị ứng do viêm mũi gây ra. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần lưu ý một số vấn đề trước khi sử dụng cây cỏ hôi trị viêm mũi dị ứng.
2. Những điều cần chú ý khi sử dụng cây cỏ hôi
Cũng giống như các loại thảo dược khác, việc sử dụng cây cỏ hôi để điều trị viêm mũi dị ứng cần được thực hiện cẩn thận, đặc biệt là phải rửa sạch thảo dược trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn và ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng. Đồng thời, người bệnh không nên lạm dụng bài thuốc này, chỉ nên dùng theo đúng những gì được hướng dẫn và kết hợp với việc uống thuốc trị viêm mũi dị ứng để phát huy tác dụng.
Đối với một số trường hợp bệnh mạn tính khác hoặc bị dị ứng với thảo dược nên hỏi ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn khi sử dụng.

3. Những cách dùng cây cỏ hôi trị viêm mũi dị ứng phổ biến
3.1. Dùng nước cỏ hôi tươi để nhỏ mũi
Đây là một liệu pháp khá đơn giản, sử dụng những hoạt chất kháng khuẩn tự nhiên có trong nước cốt của cỏ hôi để làm sạch niêm mạc mũi, từ đó giúp thông mũi, giảm viêm và giảm ngứa khá hiệu quả. Lấy một nắm lá cỏ hôi tươi đem đi rửa sạch, để ráo xong giã nát hoặc xay nhuyễn.
Sau đó bỏ vào miếng vải sạch vắt lấy nước cốt, rồi dùng tăm bông thấm nước cốt chấm vào hai bên mũi. Mỗi ngày làm khoảng 1 đến 2 lần trong thời gian ngắn để phát huy tác dụng và không kích ứng mũi.
3.2. Kết hợp nước cỏ hôi với bạc hà và cam thảo
Lá bạc hà có tính mát giúp giảm ngứa mũi và dịu đường hô hấp nên có thể kết hợp với cỏ hôi để tăng độ hiệu quả trong việc giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng. Lấy khoảng 15gr lá cỏ hôi tươi, 10gr lá bạc hà, 10gr rễ cây cam thảo đem đi rửa sạch và đun sôi với khoảng 600ml. Nấu cho đến khi nước cạn đi phân nửa thì chia ra làm hai lần để uống trong ngày.

3.3. Dùng cây cỏ hôi xông hơi
Xông hơi trị viêm mũi dị ứng bằng lá cỏ hôi tươi có thể làm sạch đường hô hấp, cải thiện tình trạng ngạt mũi và giảm viêm. Lấy 1 nắm lá cỏ hôi tươi đem đi rửa sạch rồi cho vào nồi đun sôi với khoảng 500ml nước. Sau đó đổ ra chậu sạch, để nguội bớt rồi tiến hành xông hơi trong khoảng 10 đến 15 phút. Cố gắng hít thở đều đặn để hơi nước đi vào mũi, giúp đường thở thông thoáng và giảm nghẹt mũi.
3.4. Đắp lá cỏ hôi lên mũi
Đắp lá cỏ hôi cũng là một cách trị viêm mũi dị ứng khá hiệu quả, giảm đáng kể tình trạng ngứa ngáy khó chịu, đặc biệt thích hợp với những người nhạy cảm. Chỉ cần lấy một nắm lá cỏ hôi tươi mang đi rửa sạch, để ráo rồi giã nhuyễn. Sau đó đắp lên vùng mũi và hai bên cánh mũi trong khoảng 10 đến 15 phút. Cuối cùng, rửa sạch mũi bằng nước ấm.
3.5. Uống nước nấu từ cỏ hôi khô
Một biện pháp cực kỳ đơn giản khác là nấu cây cỏ hôi khô để uống nước, qua đó giúp cải thiện những triệu chứng viêm ngay từ bên trong, giảm bớt tình trạng kích ứng.
Người bệnh cần chuẩn bị khoảng 10–15g cây cỏ hôi tươi, đem phơi khô và cắt thành từng khúc nhỏ. Sau đó đun sôi với 500ml nước, để khoảng 10 đến 15 phút cho tinh chất trong cây cỏ hôi ra hết. Cuối cùng đem đổ nước đó vào chai để trữ qua ngày, mỗi ngày uống hai lần. Để đạt hiệu quả tốt nhất, nên duy trì uống liên tục trong vòng 7–10 ngày
Việc sử dụng cây cỏ hôi trị viêm mũi dị ứng rất hữu ích để làm giảm bớt các triệu chứng ngứa ngáy khó chịu, đồng thời còn tăng cường sức khỏe tổng quát và hạn chế ngạt mũi. Tuy vậy, quan trọng nhất là có một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học để có thể phát huy tác dụng tối đa, đồng thời vẫn phải đảm bảo uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.