Chữa viêm mũi dị ứng bằng tỏi có mang lại hiệu quả không?

Mục lục

Chữa viêm mũi dị ứng bằng tỏi cũng là một cách để điều trị bệnh hiệu quả, bên cạnh việc sử dụng thuốc. Đây là một nguyên liệu phổ biến và cách thực hiện khá đơn giản nhưng có thể mang lại hiệu quả vô cùng tốt. Hãy cùng Vinmec tìm hiểu về những cách chữa bệnh viêm mũi dị ứng bằng tỏi trong bài viết sau nhé!

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng Vinmec.

1. Tổng quan về bệnh

Viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi người bệnh bị sưng, viêm bởi chất gây dị ứng. Các chất gây dị ứng cũng rất đa dạng, có thể kể đến như bụi, phấn hoa hay lông động vật. Ngoài ra, các thay đổi về thời tiết, độ ẩm và nhiệt độ cũng gây ra tình trạng viêm mũi dị ứng.

Viêm mũi dị ứng xảy ra do các tác nhân gây dị ứng từ môi trường ảnh hưởng đến người bệnh.
Viêm mũi dị ứng xảy ra do các tác nhân gây dị ứng từ môi trường ảnh hưởng đến người bệnh.

Triệu chứng của bệnh thường là sổ mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi kèm đau đầu. Ngoài ra cũng có một số triệu chứng khác như sau:

  • Mệt mỏi do nghẹt mũi, khó ngủ.
  • Ngứa vùng hầu họng, ho khan.
  • Hắt hơi liên tục.
  • Ngứa mắt, cổ họng, có thể ngứa ở các vị trí khác.

Theo thống kê, có hơn 1/10 dân số thế giới mắc viêm mũi dị ứng. Con số này ngày càng tăng lên do thời tiết khắc nghiệt và ô nhiễm.  

Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng mang tới rất nhiều phiền phức cho người mắc. Cùng với đó, bệnh nhân sẽ khó tập trung vào các hoạt động thường ngày như công việc và học tập.

Nếu không được điều trị dứt điểm, viêm mũi dị ứng có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như phù nề, polyp mũi, viêm xoang hay viêm phế quản,… Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm phế quản, từ đó gây viêm phổi hoặc suy hô hấp.

Chính vì thế, việc điều trị dứt điểm tình trạng này đang là vấn đề được nhiều bệnh nhân tìm kiếm. Ngoài sử dụng dùng thuốc, chữa viêm mũi dị ứng bằng tỏi cũng là một cách được nhiều người tin dùng.

2. Cách chữa viêm mũi dị ứng bằng tỏi

Tỏi là một thực phẩm tốt nhờ chứa nhiều chất dinh dưỡng, trong đó có thể kể đến như các vitamin nhóm B, E, C, canxi, sắt, magie, photpho hay kali. Ngoài ra, tỏi có chứa chất kháng sinh allicin. Chất này có thể tiêu diệt và ức chế các mầm bệnh, chống lại các tác nhân gây viêm và các phản ứng dị ứng.

Không chỉ vậy, allicin còn có tác dụng giảm cholesterol, làm đẹp da, ngăn ngừa mụn. Vì thế, việc dùng tỏi chữa viêm mũi dị ứng được nhiều bệnh nhân tin dùng vì sự hiệu quả. 

Tỏi là một gia vị tốt và phổ biến trong các hộ gia đình, ngoài ra còn có tác dụng chữa bệnh viêm mũi dị ứng.
Tỏi là một gia vị tốt và phổ biến trong các hộ gia đình, ngoài ra còn có tác dụng chữa bệnh viêm mũi dị ứng.

Có rất nhiều cách để dùng tỏi chữa viêm mũi dị ứng. Dưới đây là một số cách phổ biến mà người bệnh có thể tham khảo:

2.1 Nấu ăn với tỏi

Tỏi là một gia vị phổ biến, vì thế kết hợp vào các món ăn hàng ngày trong gia đình cũng thường xuyên sử dụng tỏi. Để phát huy tác dụng tốt nhất, người bệnh nên giã nát hoặc băm tỏi nhuyễn. Khi này, các enzyme và hoạt chất trong tỏi sẽ được phóng thích tối đa. Quá trình này cũng biến alliin trở thành allicin có lợi cho cơ thể.

Người bệnh có thể thêm tỏi sống vào bữa ăn để giảm nhẹ tình trạng dị ứng, nếu không thể ăn tỏi sống, chúng ta có thể dùng tỏi để ướp thức ăn hoặc thêm tỏi vào nước chấm.

2.2 Chữa viêm mũi dị ứng bằng tỏi ngâm mật ong

Người bệnh có thể kết hợp hai loại thực phẩm này nếu không có vấn đề với tỏi sống. Mật ong có tác dụng giảm viêm và làm dịu các cơn ngứa họng, ngứa mũi.  

Chữa viêm mũi dị ứng bằng tỏi kết hợp với mật ong có thể làm tăng hiệu quả chữa bệnh.
Chữa viêm mũi dị ứng bằng tỏi kết hợp với mật ong có thể làm tăng hiệu quả chữa bệnh.

Cách làm như sau:

  • Lột vỏ và giã tỏi cùng một chút nước, sau đó lọc lấy phần nước cốt.
  • Trộn nước cốt này cùng với mật ong theo tỷ lệ 1:2.
  • Sử dụng tăm bông thấm hỗn hợp nào và đưa vào bên trong mũi, thoa đều khắp niêm mạc mũi.
  • Để yên trong khoảng 10 phút, sau đó rửa sạch mũi với nước muối sinh lý.

Người bệnh có thể thực hiện phương pháp này thường xuyên để thấy được kết quả.

2.3 Dầu mè trộn tỏi

Dầu mè chứa rất nhiều khoáng chất quý giá như vitamin B, E và chất chống oxy hoá. Ngoài ra, dầu mè còn có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn, cải thiện miễn dịch cơ thể.

Người bệnh có thể giã tỏi với nước và lấy nước cốt, sau đó trộn với dầu mè theo tỷ lệ 1:1. Dùng tăm bông thấm hỗn hợp và thoa đều trong mũi, tương tự như cách sử dụng mật ong và tỏi. Sau đó, bệnh nhân hãy rửa sạch mũi bằng nước muối sinh lý.

2.4 Rượu tỏi

Rượu tỏi cũng là một cách chữa viêm mũi dị ứng bằng tỏi cực kì tốt. Rượu có khả năng thẩm thấu cao, tăng hiệu quả chữa bệnh của tỏi khả năng tăng tác dụng của dược chất trong tỏi.  

Người bệnh có thể giã tỏi và ngâm với rượu trắng, theo tỷ lệ 1kg tỏi ngâm cùng 2L rượu. Sau đó, để ở nơi kín gió, tránh ánh nắng trong khoảng 2 tuần là có thể sử dụng. Người bệnh nên uống một ít rượu tỏi vào buổi sáng và tối, mỗi lần khoảng 15ml.

Người bệnh cần nhớ rằng, phải kiên trì với các bài thuốc này thì mới thấy được hiệu quả. Tuy nhiên, nếu bệnh nghiêm trọng, bệnh nhân hãy đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán và hướng dẫn điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ