Cấy ghép tế bào gốc tự thân: Tổng hợp những điều cần biết

Mục lục

Cấy ghép tế bào gốc tự thân được đánh giá là một biện pháp an toàn trong việc khôi phục tế bào bị tổn thương hoặc đã chết, áp dụng sau khi người bệnh phải tiến hành hóa trị và xạ trị. Phương pháp này có một số nguồn tế bào gốc cụ thể, có tỷ lệ thành công cao, ít xảy ra biến chứng, nhưng đòi hỏi cơ sở thực hiện phải được cấp phép.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.

1. Phương pháp ghép tế bào gốc tự thân và nguồn tế bào

Trong quá trình điều trị ung thư, người bệnh sẽ phải trải qua quá trình hóa trịxạ trị, có thể khiến cho những tế bào khỏe mạnh bị tổn thương hoặc chết đi. Để khôi phục những tế bào này, y học hiện nay có thể áp dụng liệu pháp cấy ghép tế bào gốc tự thân, tách một phần tế bào gốc từ chính cơ thể người bệnh, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để tăng sinh và truyền trở lại. Lợi ích của phương pháp này là để đảm bảo an toàn cho người bệnh và phòng ngừa những trường hợp tế bào không tương thích dẫn đến thải ghép. 

Tế bào gốc tự thân có thể giúp tái tạo tế bào bị tổn thương hoặc chết sau quá trình điều trị ung thư.
Tế bào gốc tự thân có thể giúp tái tạo tế bào bị tổn thương hoặc chết sau quá trình điều trị ung thư.

Hiện nay, có ba nguồn thu thập tế bào gốc tự thân chủ yếu được áp dụng, bao gồm:

  • Máu ngoại vi: Đây là nguồn tế bào gốc tự thân không xâm lấn. Bác sĩ sẽ sử dụng thuốc huy động tế bào gốc trưởng thành di chuyển từ tủy xương ra vùng máu ngoại vi để có được một số lượng tế bào gốc. Sau đó, bác sĩ tiến hành thu thập và cấy ghép tự thân cho người bệnh.
  • Tủy xương: Trong tủy xương lưu trữ nhiều tế bào gốc tạo máu và một tỷ lệ nhỏ tế bào gốc trung mô, là nơi sản xuất tế bào máu. Để thu thập tế bào gốc tự thân từ tủy xương, quá trình phải được tiến hành trong phòng vô khuẩn và người bệnh được gây mê. Sau khi bác sĩ tiến hành chọc hút tủy xương sẽ chuyển phần sản phẩm đó đến phòng thí nghiệm để xử lý. Cuối cùng, bác sĩ sẽ đông lạnh sản phẩm từ tủy xương để dự trữ cho thời điểm thích hợp có thể mang ra sử dụng.
  • Máu cuống rốn: Nguồn tế bào gốc quý giá chỉ có thể được thu thập từ khi còn là trẻ sơ sinh, do đó cần được phụ huynh đăng ký dịch vụ thu thập, lưu trữ tế bào gốc trong máu cuống rốn ngay từ lúc chào đời. Khi lớn lên nếu mắc bệnh có thể sử dụng tế bào gốc này để chữa bệnh.

2. Quy trình cấy ghép tế bào gốc tự thân

Tùy vào việc chọn sử dụng nguồn tế bào gốc tự thân nào mà sẽ có những quy trình thực hiện khác nhau. Nếu là nguồn từ máu ngoại vi thì trước hết cần huy động tế bào gốc tủy xương ra máu ngoại vi thông qua một số loại thuốc. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành lọc máu để phân tách tế bào gốc, lưu trữ và truyền trở lại cơ thể người bệnh sau khi đã điều trị ung thư bằng các biện pháp hóa trị hoặc xạ trị.  

Trường hợp lấy từ máu cuống rốn, cần thực hiện thu thập máu cuống rốn trước, phân tách tế bào gốc, sau đó lưu trữ và truyền trở lại cơ thể người bệnh. Nếu lấy nguồn từ tủy xương thì thu thập tủy xương xong tách tế bào gốc, mang đi lưu trữ để sau đó truyền trở lại cơ thể người bệnh. Cả ba trường hợp đều phải theo dõi điều trị sau khi tiến hành cấy ghép tế bào gốc. 

Tế bào gốc sau khi tách ra cần được đem đi lưu trữ trước khi truyền lại vào cơ thể người bệnh.
Tế bào gốc sau khi tách ra cần được đem đi lưu trữ trước khi truyền lại vào cơ thể người bệnh.

3. Tỷ lệ thành công và những rủi ro tiềm năng của phương pháp ghép tế bào gốc tự thân

Sau một thời gian dài nghiên cứu và tiến hành điều trị, cho đến thời điểm hiện tại mức độ thành công của phương pháp ghép tế bào gốc tự thân đạt được khoảng 70%. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trung bình những trường hợp ghép tế bào gốc tự thân xuất hiện tình trạng tái phát bệnh sau 5 năm rơi vào khoảng 40% và sau 7 năm là khoảng 70%.  

Tỷ lệ thành công cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ người bệnh như tình trạng bệnh nền, mức độ nghiêm trọng của bệnh lý đang mắc phải, sức khỏe tổng thể và sức khỏe tinh thần. Đồng thời để đảm bảo tiên lượng thành công cao đòi hỏi phải có một đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên sở hữu trình độ chuyên môn cao, kết hợp với công nghệ máy móc hiện đại đủ tiêu chuẩn. 

Khả năng điều trị thành công còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố từ phía người bệnh, như tình trạng bệnh nền, mức độ nghiêm trọng của bệnh, sức khỏe toàn thân và cả sức khỏe tinh thần.
Khả năng điều trị thành công còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố từ phía người bệnh, như tình trạng bệnh nền, mức độ nghiêm trọng của bệnh, sức khỏe toàn thân và cả sức khỏe tinh thần.

Bản thân phương pháp cấy ghép tế bào gốc tự thân cũng có những rủi ro nhất định và nguy cơ xảy ra rủi ro hoặc biến chứng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:  

  • Cơ địa của người bệnh.
  • Chất lượng nguồn tế bào gốc.
  • Chất lượng cơ sở y tế thực hiện cấy ghép và tay nghề của bác sĩ cùng các kỹ thuật viên.  

Đồng thời, rủi ro có thể xảy ra dưới dạng biến chứng sớm như tình trạng xuất huyết, mệt mỏi, nhiễm trùng, sổ mũi, đau nhức cơ thể, khó thở, phát ban, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn,… hoặc tái phát bệnh sau vài năm kể từ khi thực hiện cấy ghép.

4. Quá trình phục hồi sau khi tiến hành ghép tế bào gốc tự thân

Sau khi kết thúc quá trình truyền tế bào gốc trở lại cơ thể, người bệnh sẽ phải ở lại bệnh viện trong khoảng 15 đến 20 ngày để bác sĩ theo dõi quá trình phục hồi. Người bệnh được sắp xếp trong phòng vô trùng để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng và được theo dõi liên tục để phòng ngừa các trường hợp gặp biến chứng.  

Tùy vào mức độ bệnh lý, sức khỏe bản thân người bệnh và độ hiệu quả của tiến trình cấy ghép mà quá trình phục hồi của mỗi người sẽ khác nhau. Nếu phục hồi nhanh có thể trở lại trạng thái bình thường sau khoảng 3 tháng hoặc 6 đến 12 tháng đối với phần lớn trường hợp. Điều quan trọng nhất là bệnh nhân cần giữ được tinh thần lạc quan và kiên nhẫn trong quá trình hồi phục. 

Bệnh nhân cần ở phòng vô trùng để được theo dõi và tránh tình trạng nhiễm trùng sau khi cấy ghép tế bào gốc tự thân.
Bệnh nhân cần ở phòng vô trùng để được theo dõi và tránh tình trạng nhiễm trùng sau khi cấy ghép tế bào gốc tự thân.

5. Những lưu ý về địa điểm thực hiện ghép tế bào gốc tự thân và chi phí trung bình

Ghép tế bào gốc tự thân là một kỹ thuật hiện đại với quy trình khắt khe, do đó đòi hỏi cơ sở y tế thực hiện phải quy tụ đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị máy móc và công nghệ tiên tiến, quan trọng nhất là phải được các cơ quan y tế có thẩm quyền cấp phép để thực hiện. Tùy vào loại bệnh, nguồn lấy tế bào gốc tự thân, công nghệ thu thập, phân tách tăng sinh, lưu trữ và truyền vào lại cơ thể người bệnh mà chi phí sẽ khác nhau.  

Với những tiến bộ trong khoa học kỹ thuật hiện nay, việc cấy ghép tế bào gốc tự thân trong nước là hoàn toàn khả thi và sẽ tốn ít tiền hơn so với đi ra nước ngoài nhưng người bệnh cần đảm bảo lựa chọn cơ sở uy tín được cấp phép để hạn chế rủi ro và biến chứng có thể gặp phải. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ