Thuốc đông y trị viêm mũi dị ứng hiệu quả và lưu ý

Mục lục

Thuốc đông y trị viêm mũi dị ứng là những bài thuốc dân gian đã được chứng thực về mức độ hiệu quả đối với các tình trạng nhiễm bệnh giai đoạn đầu, không quá nghiêm trọng. Tuy vậy, việc sử dụng các bài thuốc này phải theo hướng dẫn từ bác sĩ và cần áp dụng kiên trì trong thời gian dài để phát huy tác dụng.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Vinmec.

1. Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh lý đường hô hấp cực kỳ phổ biến, xảy ra do sự kích thích của các tác nhân dị ứng từ môi trường. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng viêm mũi.

  • Yếu tố di truyền: Trong trường hợp cha mẹ có tiền sử viêm mũi dị ứng, tỷ lệ con cái sinh ra mắc bệnh khá cao.
  • Dị ứng thời tiết: Một số trường hợp nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết có thể dẫn đến viêm mũi dị ứng. 
Yếu tố thời tiết có thể gây ra tình trạng viêm mũi dị ứng, đặc biệt ở trẻ nhỏ do đề kháng yếu.
Yếu tố thời tiết có thể gây ra tình trạng viêm mũi dị ứng, đặc biệt ở trẻ nhỏ do đề kháng yếu.
  • Yếu tố dị nguyên: Những tác nhân như phấn hoa, lông động vật, hạt bụi từ thảm, nệm hoặc khói bụi xe cộ có thể khiến cho hệ miễn dịch phản ứng quá mức, dẫn đến những triệu chứng dị ứng.
  • Dị ứng thực phẩm: Một số loại thực phẩm như trứng, sữa, tôm, cua, đậu phộng, … có khả năng gây ra viêm mũi dị ứng kèm theo triệu chứng trên da hoặc trong đường ruột.  
  • Vấn đề cá nhân: Những trường hợp không thường xuyên vệ sinh tay chân, mặt mũi sạch sẽ hoặc nhóm đối tượng sức đề kháng kém như trẻ em, người cao tuổi có thể tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào mũi, gây ra bệnh viêm mũi.

Nếu như tình trạng không quá nghiêm trọng, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp sử dụng thuốc đông y trị viêm mũi dị ứng được đánh giá là khá hiệu quả. Tùy vào cơ địa mỗi người mà thời gian khỏi bệnh là khác nhau, do đó cần sự kiên trì trong suốt quá trình áp dụng liệu pháp này. 

Nếu tình trạng không quá nghiêm trọng, bệnh nhân có thể tham khảo sử dụng thuốc đông y trị viêm mũi dị ứng.
Nếu tình trạng không quá nghiêm trọng, bệnh nhân có thể tham khảo sử dụng thuốc đông y trị viêm mũi dị ứng.

2. Những bài thuốc đông y trị viêm mũi dị ứng phổ biến

2.1. Dùng cây hoa ngũ sắc điều trị viêm mũi dị ứng

Còn có tên gọi khác là hoa cứt lợn, cỏ hôi hoặc cây bông ổi, hoa ngũ sắc giúp giải độc, thanh nhiệt, sát trùng và trị viêm mũi dị ứng cực kỳ hiệu quả, lại hết sức an toàn. Trong hoa ngũ sắc có nhiều tinh dầu và các hoạt chất kháng khuẩn, tăng khả năng chống viêm, chống phù nề, dị ứng,… Người bệnh có thể xông mũi hoặc sử dụng dịch từ cây hoa ngũ sắc đều được.  

Đầu tiên, rửa sạch cây hoa ngũ sắc tươi, để ráo xong cắt ra thành những đốt nhỏ. Mang đi đun với nước sôi tầm 5 phút để hoa tiết hết tinh dầu, sau đó xông mũi khoảng 2 lần một ngày. Liệu pháp này nên áp dụng kéo dài khoảng 10 ngày sẽ có thể phát huy hiệu quả. Đối với biện pháp dùng dịch hoa, lấy khoảng 100gr hoa ngũ sắc tươi đem đi rửa sạch rồi giã để lấy nước cốt. Sau đó, bệnh nhân cần vệ sinh mũi sạch sẽ, rồi nhỏ trực tiếp nước cốt hoa ngũ sắc hoặc dùng bông y tế thấm nước cốt nhét vào lỗ mũi.  

Để tầm 15 đến 20 phút thì xì mũi nhẹ ra để loại bỏ dịch mũi, duy trì áp dụng 2 lần một ngày để giảm triệu chứng sau tầm 2 đến 3 ngày. Biện pháp dùng dịch hoa ngũ sắc có hiệu quả tốt hơn nhưng thường có cảm giác đau rát khi dung dịch tiếp xúc niêm mạc mũi. Tình trạng này không có gì nguy hiểm và sau khoảng 1 giờ sẽ hết đau.

2.2. Bài thuốc dùng quả ké đầu ngựa

Còn được gọi là thương nhĩ, xương nhĩ hoặc phắc ma, quả ké đầu ngựa có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, giúp giảm đau, ho và các triệu chứng viêm mũi dị ứng. Hữu hiệu nhất là sử dụng độc vị có trong quả ké đầu ngựa hoặc kết hợp với các vị thuốc khác tùy vào đề nghị của bác sĩ đông y.  

Lấy quả ké đầu ngựa mang đi rửa sạch rồi nấu tới khi ngả màu xám đen, sau đó mang đi tán thành bột mịn. Mỗi ngày pha khoảng 3 - 4gr bột ké đầu ngựa với nước uống 3 lần, kéo dài 2 đến 3 tuần cho một liệu trình. Kết thúc liệu trình thì nghỉ vài ngày rồi lặp lại 1 đến 2 liệu trình nữa để bệnh tình thuyên giảm.

2.3. Trị viêm mũi dị ứng bằng lá cây ngải cứu

Sử dụng lá ngải cứu là một trong những bài thuốc đông y trị viêm mũi dị ứng cực kỳ phổ biến, nhờ vào thành phần chứa nhiều tinh dầu và hoạt chất kháng khuẩn, giúp sát khuẩn, giảm đau, giảm bớt tình trạng viêm nhiễm ở mũi. Lá ngải cứu cũng có thể dùng để điều trị một số bệnh lý khác liên quan đến đường hô hấp, với hai hình thức phổ biến là xông hơi và ngâm chân. 

Lá cây ngải cứu được dùng rất nhiều trong điều trị viêm mũi dị ứng.
Lá cây ngải cứu được dùng rất nhiều trong điều trị viêm mũi dị ứng.

Với liệu pháp xông hơi, lấy 20gr ngải cứu đem đi rửa sạch với nước muối, sau đó phơi khô tầm 5 đến 10 tiếng. Phơi xong đem vào giã nát, cuộn trong một miếng giấy thành hình điếu thuốc. Đốt một đầu điếu và đưa lên mũi xông với khoảng cách phù hợp, mỗi ngày làm khoảng 2 đến 3 lần, sau khoảng 7 ngày triệu chứng bệnh có thể thuyên giảm. Bệnh nhân cũng có thể lấy lá ngải cứu (tươi hay khô đều được) mang đi đun với 1 lít nước sôi trong vòng 15 phút. Đổ nước ra thau để cho nguội bớt rồi ngâm chân trong khoảng 30 phút, hoặc tới khi nước nguội hẳn. Mỗi tuần nên kiên trì thực hiện 3 đến 4 lần để đạt hiệu quả tốt nhất.

3. Những lưu ý khi sử dụng thuốc đông y trị viêm mũi dị ứng

Thuốc đông y chỉ có tác dụng đối với các trường hợp bệnh nhẹ, triệu chứng viêm mũi dị ứng mới xuất hiện giai đoạn đầu và cần kiên trì sử dụng do tác dụng tương đối chậm. Ngoài ra, những người cơ địa nhạy cảm nên chú ý khi áp dụng các biện pháp dùng thuốc đông y để tránh bị phản tác dụng. Tốt hơn hết là hãy đến gặp bác sĩ đông y để trao đổi về các bài thuốc phù hợp, nhất là với các trường hợp phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người mắc bệnh nền, bệnh mạn tính và trẻ em. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ