Phương pháp kỹ thuật nào chẩn đoán polyp đại tràng là mối quan tâm hàng đầu của những ai muốn bảo vệ sức khỏe đường ruột. Polyp đại tràng có thể là tiền đề cho ung thư nếu không được phát hiện sớm. Hiện nay, nội soi đại tràng là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán, cho phép bác sĩ quan sát trực tiếp niêm mạc ruột, phát hiện và xử lý polyp ngay lập tức.
Tư vấn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Hồng Chiến - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bác sĩ,
Em năm nay 25 tuổi và hiện đang gặp các triệu chứng có vẻ giống với polyp đại tràng. Bác sĩ có thể cho em biết hiện nay có những phương pháp kỹ thuật nào chẩn đoán polyp đại tràng không ạ? Em xin cảm ơn!
Khách hàng ẩn danh.
Chào bạn,
Về câu hỏi: “Những phương pháp kỹ thuật nào giúp chẩn đoán polyp đại tràng?”, bác sĩ xin được giải đáp như sau:
Hiện nay, để đánh giá các bệnh lý đại tràng, bao gồm polyp đại tràng, có nhiều phương pháp kỹ thuật được áp dụng như X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT scan) và đặc biệt là nội soi đại tràng. Trong số đó, nội soi đại tràng kết hợp sinh thiết được xem là phương pháp hiệu quả nhất, giúp chẩn đoán chính xác tình trạng polyp đại tràng.
Do đó, bạn nên sớm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa Tiêu hóa để được bác sĩ tư vấn cụ thể hơn về triệu chứng và lựa chọn phương pháp chẩn đoán cũng như điều trị phù hợp nhất.
Tuy nhiên, để giúp bạn có thêm thông tin tham khảo, dưới đây là phần giải đáp về tất cả các phương pháp kỹ thuật chẩn đoán polyp đại tràng.
1. Polyp đại tràng là gì?
Polyp đại tràng là sự tăng trưởng bất thường của mô ở lớp niêm mạc bên trong đại tràng (ruột già). Đây là một dạng khối u thường xuất hiện dưới dạng cụm hoặc khối tế bào bất thường. Polyp có thể phát triển trong các cơ quan rỗng của cơ thể như đường tiêu hóa, mũi hoặc cơ quan sinh sản nữ.
Polyp đại tràng khá phổ biến và phần lớn là lành tính, không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, một số polyp có khả năng tiến triển thành ung thư nếu không được loại bỏ kịp thời. Vì lý do này, bác sĩ thường kiểm tra sự hiện diện của polyp trong đại tràng khi thực hiện nội soi - một phương pháp giúp quan sát bên trong ruột già. Mặc dù bản thân polyp không phải là ung thư nhưng hầu hết các trường hợp ung thư đại trực tràng đều bắt nguồn từ polyp.
Polyp đại tràng được chia thành ba nhóm chính:
- Polyp tăng sản: Loại này chiếm khoảng 90% trường hợp, thường xuất hiện ở vùng đại tràng sigma ở người trưởng thành. Đây là dạng lành tính và ít có nguy cơ phát triển thành ung thư.
- Polyp u tuyến: Bao gồm hai dạng chính là u tuyến ống và u tuyến ống nhung mao. Polyp thuộc nhóm này có nguy cơ chuyển thành ung thư cao hơn so với polyp tăng sản.
- Polyp ác tính: Đây là loại polyp mà khi kiểm tra dưới kính hiển vi, người ta phát hiện các tế bào ung thư.

2. Triệu chứng polyp đại tràng như thế nào thì cần chẩn đoán?
Polyp đại tràng cũng như ung thư đại tràng, thường phát triển một cách âm thầm mà không gây ra các dấu hiệu rõ ràng. Khi triệu chứng xuất hiện, thường không đặc hiệu và có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Dưới đây là một số dấu hiệu polyp đại tràng mà mọi người cần chú ý:
- Thay đổi màu sắc phân: Phân có thể chuyển sang màu đen hoặc xuất hiện máu tươi do polyp bị chảy máu. Tuy nhiên, việc thay đổi màu sắc phân cũng có thể bắt nguồn từ các yếu tố khác như thực phẩm hoặc tác dụng phụ của thuốc.
- Biến đổi thói quen đại tiện: Người bệnh có thể gặp tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón kéo dài không rõ nguyên nhân, thường trong khoảng một tuần. Khi polyp phát triển lớn hoặc bị loét, người bệnh có thể cảm thấy đau quặn bụng hoặc có cảm giác mót rặn.
- Thiếu máu: Polyp chảy máu âm thầm trong thời gian dài có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Điều này khiến cơ thể mệt mỏi, da dẻ xanh xao và suy nhược rõ rệt.
- Các triệu chứng khác: Polyp lớn có thể gây tắc nghẽn một phần ruột, dẫn đến các biểu hiện như bí trung đại tiện, nôn mửa, hoặc thậm chí tắc ruột.
3. Các phương pháp kỹ thuật nào chẩn đoán polyp đại tràng?
Các triệu chứng của polyp đại trực tràng thường rất mơ hồ, khó nhận biết bằng các dấu hiệu thông thường. Chính vì vậy, việc thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu như nội soi, xét nghiệm phân, chụp X-quang và CT là vô cùng cần thiết.
- Nội soi đại tràng: Đây là phương pháp cho phép bác sĩ quan sát trực tiếp tình trạng bên trong đại tràng. Ngoài ra, nội soi còn có thể loại bỏ hầu hết các polyp để phân tích và kiểm tra nguy cơ phát triển thành ung thư.
- Chụp cắt lớp CT (nội soi đại tràng ảo): Phương pháp này sử dụng hình ảnh từ bên ngoài để chụp đại tràng, giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, cách này không thể loại bỏ polyp. Nếu phát hiện nghi ngờ, người bệnh sẽ cần thực hiện nội soi đại tràng truyền thống để đánh giá chi tiết hơn.
- Nội soi đại tràng sigma: Đây là một xét nghiệm tương tự nội soi đại tràng nhưng chỉ kiểm tra phần dưới của đại tràng và ít phức tạp hơn. Trong trường hợp phát hiện polyp, phương pháp này cũng có thể loại bỏ để phân tích.
- Xét nghiệm phân: Phương pháp này kiểm tra sự thay đổi gen trong DNA của mẫu phân, giúp phát hiện các dấu hiệu liên quan đến polyp hoặc ung thư. Nếu kết quả xét nghiệm có bất thường, người bệnh cần thực hiện nội soi đại tràng để xác nhận và xử lý.
Dựa trên các kết quả thu được từ chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Nếu còn băn khoăn về việc sử dụng phương pháp kỹ thuật nào chẩn đoán polyp đại tràng, bạn có thể đến khám tại các bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để nhận được sự hỗ trợ và tư vấn chi tiết. Cảm ơn bạn đã tin tưởng đặt câu hỏi. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.