Điều trị loãng xương bằng Đông y là một phương pháp cổ truyền được nhiều người tin tưởng. Theo quan điểm của y học cổ truyền, loãng xương thường liên quan đến sự suy giảm chức năng của thận, can và khí huyết. Vì vậy, mục tiêu của điều trị là bổ thận tráng dương, bổ huyết sinh tinh, tăng cường khí huyết lưu thông.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Nguyên nhân và cơ chế bệnh của loãng xương
1.1 Nguyên nhân loãng xương theo y học hiện đại
Cơ chế bệnh sinh của loãng xương gắn liền với các quá trình chuyển hóa và điều chỉnh nồng độ calci trong cơ thể, cụ thể là:
- Đối với chuyển hóa calci trong cơ thể: Khoảng 40% calci từ thức ăn được ruột hấp thu nhờ một cơ chế đặc biệt phụ thuộc vào vitamin D. Sau khi vào máu, calci được loại bỏ qua nước tiểu và phân. Tuy nhiên, phần lớn calci trong nước tiểu được giữ lại nhờ quá trình tái hấp thu tích cực ở ống thận và quá trình này chịu sự điều khiển của hormon tuyến cận giáp. Vì lý do này, thận được xem là cơ quan quan trọng trong điều hòa nồng độ calci trong máu.
- Điều hòa chuyển hóa calci: Quá trình điều hòa chuyển hóa calci trong cơ thể có sự tham gia của ba hormon chính: hormon tuyến cận giáp (PTH), calcitonin và vitamin D. Bên cạnh đó, estrogen và testosterone cũng góp phần vào cơ chế này.
Bệnh loãng xương là gì? Loãng xương là một bệnh lý khiến xương trở nên xốp và giòn hơn. Bệnh này đặc trưng bởi sự giảm sút đáng kể về mật độ khoáng chất trong xương, làm suy yếu cấu trúc xương. Hậu quả là xương dễ gãy ngay cả khi chỉ chịu tác động nhẹ, thường xảy ra ở các vị trí như cột sống, cổ tay và hông.
Nguyên nhân loãng xương không xuất phát từ một nguyên nhân duy nhất mà là kết quả của sự mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương trong cơ thể. Sau tuổi 30–40, khả năng tạo xương suy giảm đáng kể, trong khi quá trình hủy xương vẫn tiếp diễn. Sự mất cân bằng này làm giảm số lượng tế bào xương, lâu dần dẫn đến loãng xương.
Sau mãn kinh, phụ nữ trải qua sự suy giảm đáng kể của hormone estrogen, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành xương. Khi lượng estrogen thiếu hụt, hoạt động của các tế bào xương suy giảm, khung protein nâng đỡ xương yếu đi, quá trình tích lũy calci và phosphat trong xương giảm sút trong khi quá trình hủy xương lại gia tăng.
Giai đoạn này cho thấy tốc độ mất xương tăng nhanh, trung bình khoảng 1-2% mỗi năm. Việc suy giảm khối lượng xương do tác động của giai đoạn mãn kinh có thể kéo dài từ 15 đến 20 năm với mức độ mất xương khác nhau ở từng người.
Một số trường hợp có thể mất đến 30% tổng số tế bào xương cơ thể trong khoảng thời gian này. Nếu xảy ra mãn kinh sớm do nguyên nhân như phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, quá trình mất xương sẽ diễn ra sớm hơn so với bình thường.
Một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến loãng xương thứ phát bao gồm:
- Lạm dụng glucocorticoid hoặc sử dụng heparin trong thời gian dài.
- Cơ thể ít vận động trong thời gian dài do thừa cân nghiêm trọng hoặc bị liệt nửa người.
- Tiêu thụ nhiều rượu.
- Suy dinh dưỡng.
- Hội chứng giảm hấp thu..
- Bệnh Scorbut.
- Hội chứng Sudeck-Kienbock.
- Rối loạn nội tiết tố như suy tuyến yên, cường giáp, đái tháo đường,...
1.2 Nguyên nhân loãng xương theo y học cổ truyền
Theo quan điểm của y học cổ truyền, nguyên nhân loãng xương có thể được giải thích thông qua các cơ chế sau:
- Thận hư: Nguyên nhân do tiên thiên bất túc, hậu thiên thất dưỡng hoặc phòng sự sinh dục quá độ mà làm tổn thương chân âm, nguyên dương. Điều này dẫn đến tinh huyết bất túc, thận dương suy yếu không thể sinh tủy, làm mạnh cốt. Hoặc khi nam giới quá 64 tuổi, nữ quá 49 tuổi mà không chú ý bảo dưỡng thân thể, thận hư tinh yếu không thể làm mạnh cốt sinh tủy sẽ sinh bệnh loãng xương.
- Tỳ vị hư nhược: Việc ăn uống thiếu điều độ, ăn cao lương mỹ vị nhiều hoặc uống nhiều rượu có thể làm tổn hại tỳ vị. Việc ăn uống kém, thiếu chất dinh dưỡng cũng khiến tinh hậu thiên bất túc không thể dưỡng được thận tinh, từ đó cốt bị thất dưỡng mà sinh bệnh loãng xương.
- Can thận âm hư, tà khí xâm nhập: Trong giai đoạn lão hóa, thận tinh suy giảm, can thận âm hư, suy giảm hệ miễn dịch, tà khí (phong thấp) xâm nhập vào cơ thể, gây ứ trệ tại gân cốt, khí huyết vì thế mà trở trệ dẫn đến lưng, gối, khớp đau mỏi, làm bệnh loãng xương thêm trầm trọng.
2. Chẩn đoán loãng xương
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 1994 đã đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán loãng xương, trong đó sử dụng phương pháp DXA để đo mật độ xương tại vùng cột sống thắt lưng và cổ xương đùi.
Chỉ số T-score:
- T-score ≥ -1 SD: Xương bình thường.
- -1 SD ≤ T-score < -2,5 SD: Xương yếu (thiếu xương).
- T-score < -2,5 SD: Loãng xương.
- T-score < -2,5 SD + gãy xương (hiện tại hoặc trước đó): Loãng xương nặng.
3. Phân loại thể bệnh và điều trị loãng xương bằng Đông y
3.1 Thể thận dương hư
- Biểu hiện bệnh: Người bệnh chủ yếu cảm thấy đau, lạnh vùng lưng và vùng thắt lưng, cảm thấy đau mỏi, vô lực. Cơ thể có xu hướng gù cong thắt lưng, sợ lạnh, tay chân lạnh, các khớp ở tứ chi có nguy cơ biến dạng và hạn chế vận động. Lưỡi to bè, bề mặt lưỡi phủ một lớp rêu trắng mỏng, mạch trầm tế.
- Hướng điều trị loãng xương bằng Đông y: Ôn thận ích tủy.
- Bài thuốc điều trị loãng xương bằng Đông y: Hữu Quy Hoàn, gồm các thành phần:
- Thục địa: 320g
- Hoài sơn: 160g
- Đỗ trọng: 120g
- Phụ tử chế: 40g
- Đương quy: 120g
- Sơn thù: 160g
- Kỷ tử: 120g
- Thỏ ty tử: 120g
- Nhục quế: 40g
- Lộc giác giao: 40g
- Hướng dẫn sử dụng bài thuốc điều trị loãng xương: Tán mịn toàn bộ dược liệu thành bột, luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống từ 12-16g, ngày dùng 2-3 lần, uống với nước ấm hoặc nước muối loãng.

3.2 Thể thận âm hư
- Biểu hiện bệnh lý: Người bệnh có cảm giác đau mỏi vùng lưng và tứ chi kèm theo cốt chưng, triều nhiệt, đạo hãn, ngũ tâm phiền nhiệt. Một số triệu chứng khác có thể gặp là hồi hộp, đánh trống ngực, đau tức ngực, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, lưỡi có màu đỏ, rêu lưỡi ít, mạch huyền vi sác.
- Hướng điều trị: Bổ thận âm.
- Bài thuốc điều trị loãng xương bằng Đông y: Lục vị địa hoàng hoàn, gồm các thành phần sau:
- Thục địa: 320g
- Sơn thù: 160g
- Hoài sơn: 160g
- Bạch linh: 120g
- Trạch tả: 120g
- Đan bì: 120g
- Hướng dẫn sử dụng bài thuốc điều trị loãng xương: Tán mịn toàn bộ dược liệu thành bột, luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống từ 8-12g, ngày uống 2-3 lần, dùng cùng nước ấm hoặc nước muối pha loãng.
3.3 Thể can thận âm hư, phong thấp xâm nhập
- Triệu chứng: Đau mỏi lưng, vô lực, vận động khó khăn. Họng khô, bàn tay và bàn chân đỏ, tự hãn hoặc đạo hãn. Lưỡi hồng, khô, có rêu lưỡi mỏng hoặc không có rêu, mạch tế sác.
- Hướng điều trị loãng xương bằng Đông y: Bổ dưỡng can thận kết hợp trừ phong thấp.
- Bài thuốc chữa loãng xương: Độc hoạt tang ký sinh thang, gồm các vị:
- Độc hoạt: 8g
- Tang ký sinh: 15g
- Tần giao: 8g
- Cam thảo: 6g
- Đỗ trọng: 15g
- Ngưu tất: 15g
- Bạch thược: 10g
- Bạch linh: 12g
- Phòng phong: 15g
- Tế tân: 8g
- Đương quy: 15g
- Quế chi: 10g
- Đẳng sâm: 15g
- Thục địa: 15g
- Xuyên khung: 15g
- Hướng dẫn sử dụng bài thuốc điều trị loãng xương: Mỗi ngày sắc một thang, chia làm hai lần uống sau bữa ăn 20-30 phút.
3.4 Thể tỳ vị hư nhược
- Triệu chứng: Tay chân mỏi, không muốn vận động, chóng mặt, nhạt miệng, ăn uống kém, chướng bụng, đại tiện ra phân nát hoặc sống. Lưỡi có màu nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch tế nhược vô lực.
- Hướng điều trị loãng xương bằng Đông y: Kiện tỳ ích vị.
- Bài thuốc điều trị loãng xương bằng Đông y: Tứ quân tử thang gia giảm, gồm các vị:
- Đẳng sâm: 12g
- Bạch truật: 12g
- Hoàng kỳ: 10g
- Hoài sơn: 12g
- Bạch linh: 12g
- Chích cam thảo: 10g
- Đương quy: 10g
- Hướng dẫn sử dụng bài thuốc điều trị loãng xương: Sắc thuốc mỗi ngày một thang, chia thành hai lần uống, nên uống sau bữa ăn khoảng 20-30 phút.
4. Phòng bệnh loãng xương theo y học cổ truyền như thế nào?
Theo y học cổ truyền, cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa loãng xương là thực hành tự xoa bóp kết hợp với luyện tập khí công và dưỡng sinh đều đặn mỗi ngày. Bên cạnh đó, duy trì một chế độ dinh dưỡng khoa học cũng góp phần hỗ trợ phòng bệnh:
- Massage bấm huyệt: Hỗ trợ cơ thể vận động thụ động, góp phần bảo toàn sức mạnh cơ bắp, đồng thời tác động gián tiếp giúp duy trì mật độ và độ chắc khỏe của xương.
- Luyện khí công – dưỡng sinh: Dành khoảng 20-30 phút mỗi ngày để thực hiện các bài tập kết hợp điều khiển ý niệm, điều hòa hơi thở và vận động cơ thể phù hợp với tình trạng sức khỏe cá nhân. Việc tập luyện này giúp cơ thể thả lỏng, tinh thần thư thái, từ đó hỗ trợ duy trì các chức năng sinh lý bình thường. Đặc biệt, luyện khí công ngoài trời vào buổi sáng còn giúp tăng cường tổng hợp vitamin D, góp phần phòng tránh loãng xương.
- Thực đơn dinh dưỡng: Chúng ta cần quan tâm đến các thực phẩm giàu canxi như trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại đậu, hải sản như tôm, cua, cá,... Để bổ sung vitamin D, mọi người nên tăng cường tiêu thụ các thực phẩm có nguồn gốc từ cá, gan, sữa, nước cam và ngũ cốc. Hạn chế tiêu thụ quá nhiều đạm vì có thể làm tăng lượng canxi bị đào thải qua nước tiểu. Ngoài ra, mọi người nên ăn nhiều rau củ như mùi tây, bắp cải, cà chua, dưa chuột, tỏi,... để hạn chế mất xương và giúp xương chắc khỏe hơn.
Loãng xương là một bệnh lý xảy ra khi mật độ xương suy giảm nghiêm trọng, khiến xương trở nên yếu và dễ gãy. Chúng ta cần thực hiện các biện pháp phòng tránh ngay từ khi còn trẻ hoặc trung niên thay vì đợi đến khi bệnh phát triển mới tìm cách điều trị loãng xương.
Bên cạnh đó, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện những cách điều trị loãng xương bằng đông y nhằm hạn chế những tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra. Nếu tình trạng bệnh trở nặng, việc khám và tham khảo ý kiến từ các bác sĩ chuyên gia là điều cần thiết để có hướng điều trị phù hợp với thể trạng của bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.