Có nên tập luyện khi đang ốm?

Mục lục

Tập luyện thể chất cường độ nhẹ đến vừa thường không gây vấn đề gì khi bạn chỉ mắc cảm thường và không bị sốt. Tuy nhiên, khi có một số triệu chứng, bạn không nên vận động mạnh để tránh tác động xấu. “Có nên tập thể dục khi đang ốm?” là thắc mắc của rất nhiều người.

Vận động thể chất thường xuyên là một biện pháp tuyệt vời để giữ sức khỏe. Trên thực tế, tập luyện đã được chứng minh là giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch, duy trì cân nặng khoẻ mạnh và tăng cường hệ miễn dịch.

Vai trò quan trọng của tập luyện đối với sức khoẻ là không thể phủ nhận, tuy nhiên, có nên tập luyện khi đang ốm, và khi nào nên nghỉ ngơi tại nhà?

1. Có nên tập luyện khi đang ốm?

Nhanh chóng hồi phục luôn là mục tiêu mà chúng ta hướng đến khi chẳng may bị ốm, nhưng không dễ để nắm rõ khi nào nên tập luyện lại với cường độ như trước, hay bản thân cần thêm vài ngày nghỉ ngơi.

Rất nhiều chuyên gia sử dụng nguyên tắc “Từ cổ trở lên”, khi tư vấn cho người bệnh về thời điểm thích hợp tập luyện lại. Theo nguyên tắc này, nếu bạn chỉ gặp phải các triệu chứng từ cổ trở lên như nghẹt mũi, hắt hơi hoặc đau tai, thường thì bạn có thể tiếp tục tập luyện.

Mặt khác, nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng từ cổ trở xuống, như buồn nôn, đau cơ, sốt, tiêu chảy, ho có đờm hoặc khó thở, bạn nên ngừng tập cho đến khi khoẻ lại. .

2. Vậy khi nào là an toàn để tập luyện?

Khi có các triệu chứng dưới đây, thường thì tập luyện sẽ không gây vấn đề gì, tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước nếu bạn cảm thấy không chắc chắn:

2.1 Cảm nhẹ

Cảm nhẹ do nhiễm siêu vi vùng mũi và họng. Do triệu chứng ở mỗi người là khác nhau, hầu hết mọi người bị nghẹt mũi, đau đầu, hắt hơi và ho nhẹ.

Nếu là cảm nhẹ, không cần phải dừng tập thể dục nếu bạn cảm thấy đủ sức. Nếu bạn cảm thấy không đủ sức để theo kịp cường độ thường ngày, hãy giảm cường độ hoặc tập trong thời gian ngắn hơn.

Một điều rất quan trọng là dù tập luyện khi bị cảm nhẹ không sao cả, nhưng bạn có thể lây tác nhân gây bệnh cho người khác và làm họ bị ốm. Bạn nên chú ý vệ sinh cá nhân để ngăn ngừa lây nhiễm cảm cho người khác, như rửa tay thường xuyên và che miệng mũi khi ho hay hắt hơi.

2.2 Đau tai

Đau tai thường có tính chất đau chói, đau âm ỉ hay đau buốt ở một hay cả 2tai. Ở trẻ em, đau tai thường do nhiễm trùng, nhưng ở người lớn, đau tai thường do nguyên nhân khởi phát ở một nơi khác, ví dụ như họng. Đau tai có thể do nhiễm trùng xoang, viêm họng, nhiễm trùng răng hay thay đổi áp lực.

Tập luyện khi bị đau tai được cho là ổn, miễn là khả năng giữ thăng bằng không bị ảnh hưởng và loại trừ được nguyên nhân nhiễm trùng. Một số loại nhiễm trùng tai có thể làm ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng, gây sốt và các triệu chứng gây mất an toàn khác. Hầu hết bệnh nhân cảm thấy khó chịu khi bị đau tai, có cảm giác nặng hoặc chướng đầu. Bạn nên tránh các bài tập tạo áp lực lên khu vực xoang, dù tập luyện thường an toàn khi bị đau tai.

2.3 Nghẹt mũi

Nghẹt mũi làm chúng ta cực kì khó chịu. Nếu nghẹt mũi kèm theo các triệu chứng khác như ho có đờm hoặc tức ngực, bạn không nên tập thể dục mà nên chờ một thời gian. Tuy nhiên, nếu chỉ là nghẹt mũi, bạn có thể tập bình thường. Tập luyện có thể giúp khơi thông đường mũi, giúp thở dễ dàng hơn.

Hãy luôn lắng nghe cơ thể để xác định xem bản thân có thể tập luyện tốt nhất khi mũi nghẹt cứng không. Bạn có thể điều chỉnh cường độ tập phù hợp với mức năng lượng của bản thân. Ngoài ra, đi bộ nhanh hoặc đạp xe đạp cũng là các cách tốt khác để duy trì lối sống năng động khi cơ thể không thật sự khỏe mạnh để tiếp tục các bài tập thường làm.

Luôn giữ vệ sinh cho bản thân và môi trường tại phòng tập, nhất là khi bạn bị chảy mũi, như lau thiết bị sau khi tập để tránh lây lan vi khuẩn vi rút.

2.4 Đau họng nhẹ

Đau họng thường do nhiễm siêu vi như cảm thường hoặc cúm. Trong một số trường hợp, khi đau họng đi kèm với sốt, ho có đờm hoặc khó nuốt, bạn nên dừng tập một khoảng thời gian cho đến khi bác sĩ đồng ý để bạn tập luyện lại.

Tuy nhiên, nếu bạn chỉ bị đau họng nhẹ do cảm thường hay dị ứng, tập luyện thường không sao. Khi có các triệu chứng khác như mệt, tức ngực, bạn nên giảm cường độ tập.

Giảm thời gian tập luyện cũng là một cách khác để điều chỉnh lượng vận động khi bạn cảm thấy khoẻ nhưng sức chịu đựng thấp hơn bình thường. Uống đủ nước mát giúp giảm đau họng khi tập thể dục.


Tập luyện thể chất cường độ nhẹ đến vừa thường không gây vấn đề gì khi bạn chỉ mắc cảm thường và không bị sốt
Tập luyện thể chất cường độ nhẹ đến vừa thường không gây vấn đề gì khi bạn chỉ mắc cảm thường và không bị sốt

3. Không nên tập luyện khi nào?

Cần tránh tập luyện khi bạn có một trong số bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:

3.1 Sốt

Khi bạn bị sốt, nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn bình thường. Nguyên nhân của sốt có rất nhiều, nhưng thường gặp nhất là do nhiễm vi khuẩn hoặc siêu vi.

Sốt gây những triệu chứng khó chịu như yếu nhược, mất nước, đau cơ và chán ăn. Tập luyện khi bị sốt tăng nguy cơ mất nước và khiến sốt nặng hơn.

Thêm vào đó, khi bị sốt, sức mạnh và độ bền của cơ bắp giảm, đồng thời làm giảm độ chính xác và khả năng phối hợp, làm tăng nguy cơ chấn thương. Vì vậy, tốt nhất nên nghỉ ngơi bị bạn bị sốt.

3.2 Ho có đờm, ho kéo dài

Ho từng cơn là phản ứng bình thường trước các tác nhân hoặc dịch trong đường thở, giúp cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, ho kéo dài có thể là triệu chứng của nhiễm khuẩn đường hô hấp như cảm lạnh, cúm hay thậm chí viêm phổi.

Ho kèm ngứa họng không phải lí do để nghỉ tập luyện, nhưng ho kéo dài có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần nghỉ ngơi.

Ho kéo dài khiến bạn khó hít sâu, đặc biệt khi nhịp tim tăng lên trong quá trình tập, gây khó thở và mệt mỏi.

Ho có đờm có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác, mà bạn cần thăm khám bác sĩ để điều trị và nghỉ ngơi. Hơn thế nữa, ho là một trong những đường lây chính của các bệnh như cúm, khi bạn đến phòng tập, bạn đang đưa mọi người ở phòng tập vào nguy cơ mắc phải vi khuẩn của bạn.

3.3 Đau dạ dày

Bệnh lý đường tiêu hoá như viêm dạ dày ruột có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hạn chế tập luyện như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, đau quặn bụng và chán ăn. Tiêu chảy và nôn gây mất nước, không phù hợp với các hoạt động thể chất. Cảm giác mệt mỏi khi bị bệnh cũng làm tăng nguy cơ chấn thương. Hơn thế nữa, nhiều bệnh lý dạ dày có khả năng lây cao. Nếu bạn không muốn thụ động khi mắc bệnh lý dạ dày, kéo giãn nhẹ hoặc tập yoga tại nhà là phương án an toàn nhất.

3.4 Cúm

Cúm là bệnh truyền nhiễm tác động đến hệ hô hấp, với các triệu chứng như sốt, rét run, đau họng, đau cơ, mệt mỏi, đau đầu, ho và khó thở.

Cúm có thể nhẹ hoặc nặng, phụ thuộc vào mức nhiễm siêu vi, thậm chí gây tử vong trong những trường hợp nghiêm trọng.

Mặc dù không phải ai cũng bị sốt khi mắc cúm, nhưng với nguy cơ mất nước hiện hữu, bạn không nên tập luyện.

Mặc dù đa số mọi người hồi phục sau khi mắc cúm trong vòng 2 tuần, tập luyện cường độ cao có thể kéo dài mắc bệnh và làm chậm quá trình hồi phục, là do hoạt động cường độ cao như chạy tạm thời ngăn chặn phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Thêm vào đó, cúm là loại vi rút có tốc độ lây lan nhanh, chủ yếu qua giọt bắn khi người mắc bệnh giải phóng vi rút vào không khí khi nói chuyện, ho và hắt hơi. Nếu bạn bị cúm, tốt nhất là nên tránh tập luyện khi vẫn còn triệu chứng.


Mặc dù tập luyện sau khi mắc bệnh mang lại lợi ích tổng thể cho sức khỏe, bạn cần lắng nghe cơ thể mình
Mặc dù tập luyện sau khi mắc bệnh mang lại lợi ích tổng thể cho sức khỏe, bạn cần lắng nghe cơ thể mình

4. Khi nào nên quay lại cường độ tập luyện trước đây?

Tập thể dục thường xuyên giảm nguy cơ mắc bệnh ngay từ đâu bằng cách tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên, cần để cơ thể hoàn toàn hồi phục sau khi mắc bệnh trước khi tập luyện bình thường trở lại, và bạn không nên lo lắng nếu không thể tập luyện lại thêm vài ngày. Một số người lo lắng không tập luyện vài ngày, cơ thể họ sẽ trở nên sồ sề, mất cơ bắp và sức lực.

Nhiều nghiên cứu cho thấy ở hầu hết mọi người, mất cơ bắp bắt đầu sau khoảng 3 tuần không tập luyện, còn sức lực giảm sau khoảng 10 ngày.

Khi triệu chứng giảm dần, hãy từ từ tập luyện trở lại, cẩn trọng không tập luyện quá sức.

Vào ngày đầu sau khi tập luyện lại, hãy bắt đầu với cường độ thấp, tập trong thời gian ngắn và uống đủ nước trong quá trình tập.

Cơ thể bạn có thể cảm thấy yếu, đặc biệt khi bạn vừa mắc viêm dạ dày ruột cấp hoặc cúm, nhưng quan trọng là để tâm đến cảm giác của bản thân. Nếu bạn có thắc mắc liên quan đến việc tập luyện an toàn khi bị ốm, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.

Thêm vào đó, hãy nhớ là bạn có thể đang truyền bệnh cho người khác. Người trưởng thành có thể lây cúm cho người khác trong tới 7 ngày kể từ khi có triệu chứng đầu tiên.

Mặc dù tập luyện sau khi mắc bệnh mang lại lợi ích tổng thể cho sức khỏe, bạn cần lắng nghe cơ thể mình và lời khuyên của bác sĩ khi quyết định bản thân đã phù hợp để tập luyện lại chưa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, healthline.com

Chia sẻ