Theo các nghiên cứu đã được khẳng định, hợp chất triterpenoids trong vỏ táo có khả năng tiêu diệt những tế bào ung thư, đặc biệt ung thư đại tràng, ung thư vú hay ung thư gan. Do vậy, việc ăn táo cả vỏ chắc chắn sẽ mang đến một số lợi ích nhất định cho cơ thể con người.
1. Có nên ăn vỏ táo không?
Nhiều người thường hay thắc mắc không biết “có nên ăn vỏ táo không?”, thực tế thì trong 1 quả táo chứa rất nhiều các vitamin và khoáng chất như: Vitamin C, kali, chất xơ, carbohydrate, axit chlorogenic, quercetin hay catechin.
Mặc dù 1 quả táo cỡ vừa chỉ chứa 95 calo nhưng lại có hàm lượng chất polyphenol (có đặc tính chống oxy hóa) cao. Chất chống oxy hóa này được tìm thấy cả trong vỏ của quả táo. Do vậy, vấn đề “có nên ăn vỏ táo không?” thì câu trả lời là có.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc ăn táo cả vỏ sẽ mang đến một số lợi ích nhất định cho cơ thể con người như:
- Cung cấp chất xơ cho cơ thể: Theo ước tính, trong vỏ của 1 quả táo cỡ vừa sẽ chứa khoảng 4,4 g chất xơ (bao gồm cả chất xơ hòa tan và không hòa tan). Chất xơ này có công dụng chính là ngăn ngừa táo bón, giúp bạn cảm thấy no lâu, hạn chế tình trạng đường huyết tăng cao quá mức và làm chậm quá trình hấp thu chất dinh dưỡng, hỗ trợ giảm cholesterol trong cơ thể một cách hiệu quả.
- Vỏ táo cung cấp nhiều vitamin thiết yếu cho cơ thể: Cụ thể là trong vỏ của 1 quả táo sẽ chứa khoảng 8,4 mg vitamin C và 98 IU vitamin A. Khi ăn táo, nếu gọt vỏ đi thì lượng vitamin này sẽ giảm xuống còn 6,4 mg Vitamin C và 61 IU Vitamin A. Do đó, việc ăn táo cả vỏ rất là rất có lợi cho sức khỏe.
- Phòng ngừa ung thư: Theo các nghiên cứu được khẳng định, hợp chất triterpenoids có trong vỏ của quả táo có khả năng tiêu diệt những tế bào ung thư và đặc biệt là ung thư đại tràng, ung thư vú hay ung thư gan. Vì lẽ đó, không có lý do gì mà không nên ăn táo cả vỏ.
- Vỏ táo làm giảm những vấn đề liên quan đến hô hấp: Có một số chất như Quercetin, flavonoid chủ yếu được tìm thấy trong vỏ của quả táo chứ không phải là thịt. Do đó, những người ăn táo cả vỏ sẽ giúp cho quá trình hoạt động của phổi được tốt hơn, từ đó làm giảm các nguy cơ bị hen suyễn. Đặc biệt, chất Quercetin trong vỏ táo cũng có khả năng chống lại các tổn thương mô ở trong não của người mắc bệnh Alzheimer hoặc một số rối loạn thoái hóa khác.
- Vỏ táo có tác dụng giúp giảm cân: Đây là một trong những thông tin hữu ích cho những người đang muốn giảm cân. Sở dĩ ăn táo cả vỏ có thể hỗ trợ giảm cân hiệu quả là bởi nó chứa axit ursolic (một hợp chất thiết yếu chống lại bệnh béo phì). Hiểu một cách đơn giản, axit ursolic có cơ chế làm tăng mỡ cơ bắp, đốt cháy mỡ trong cơ thể thành calo, từ đó làm giảm nguy cơ gây béo phì.
Ngoài những lợi ích tốt cho sức khỏe được kể ở trên thì trong vỏ táo còn có chứa các khoáng chất quan trọng cho cơ thể như kali, canxi, folat, sắt và phốt pho. Những khoáng chất này giúp cho cơ thể phát triển đầy đủ, từ việc duy trì xương chắc khỏe đến việc điều hòa sự phát triển tế bào và tạo ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh.

2. Nguy cơ khi ăn táo cả vỏ
Vỏ táo có thể mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe con người, tuy nhiên khi ăn táo cả vỏ cũng sẽ gây ra một số nguy cơ nhất định, bao gồm:
- Ăn táo cả vỏ có thể chứa thuốc trừ sâu
Thuốc trừ sâu vẫn tồn tại nhiều ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thông thường, sau khi được phun vào rau củ quả thì thuốc trừ sâu sẽ chỉ bám bên ngoài, sau đó gặp mưa hay sương xuống thì trôi đi. Theo ước tính, sau khoảng 3 ngày, thuốc trừ sâu trên lớp vỏ của hoa quả sẽ giảm đi gần 70% và mất khoảng 7 ngày để chúng biến mất trên lớp vỏ.
Nếu không may bạn có được quả táo mới được phun thuốc trừ sâu thì việc ăn táo cả vỏ sẽ vô cùng bất lợi và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
- Nguy cơ nhiễm ký sinh trùng khi ăn táo cả vỏ
Dù có được vệ sinh tốt tới mức nào thì trong hoa quả vẫn luôn có ký sinh trùng phát triển, chúng có thể là ruồi, bọ, mạt, rệp, giun hay sán, nấm,...
Trong lúc trồng, mặc dù không có ký sinh trùng bám vào hoa quả nhưng không gian ngoài đường, sân, vườn hay bên ngoài không khí lại có chứa rất nhiều mầm bệnh. Mặt khác, trên vỏ của các loại hoa quả cũng có những điểm gồ ghề giúp ký sinh trùng tồn tại, do vậy, chỉ cần 1 vết nứt nhỏ hay chỗ khoét trên thân quả đều giúp chúng sinh sôi, phát triển. Việc ăn táo cả vỏ đôi khi lại là cách gián tiếp giúp cho các ký sinh trùng đi vào cơ thể người và làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
3. Làm thế nào để ăn táo cả vỏ?
Với những nguy cơ và lợi ích nhất định thì việc có nên ăn vỏ táo không khiến nhiều người phải đau đầu suy nghĩ. Hiện nay, làm cách nào để có thể ăn táo cả vỏ nhưng vẫn hạn chế được tối đa các nguy cơ đi kèm là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cách tốt nhất để ăn táo cả vỏ an toàn chính là cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi ăn. Mỗi người nên học cách chọn những quả táo tươi ngon rồi sau đó đem rửa sạch, ngâm nước muối để loại bỏ thuốc trừ sâu hay ký sinh trùng gây bệnh, khiến chúng không thể đi vào cơ thể và làm tổn hại sức khỏe.
Nếu bạn muốn ăn táo cả vỏ thì có thể áp dụng 2 cách an toàn nhất sau đây:
- Dùng baking soda rửa táo: Đầu tiên bạn cần phải rửa táo sơ qua với nước sạch 1 lần, việc làm này nhằm mục đích loại bỏ bớt bụi bẩn trên lớp vỏ. Tiếp theo là cho vào chậu khoảng 1.5 lít nước, thêm vào 4 thìa nhỏ baking soda và khuấy đều hỗn hợp. Sau khi hoàn thành có thể cho táo vào ngâm trong khoảng 10 - 15 phút rồi rửa lại với nước sạch, vớt ra để ráo và thưởng thức.
- Dung dịch giấm trắng và tinh dầu bưởi: Nếu muốn ăn táo cả vỏ một cách an toàn thì khi rửa bạn cần ngâm chúng khoảng 40 phút với dung dịch gồm 1 phần nước, 2 phần giấm trắng và một vài giọt tinh dầu bưởi.
Lưu ý: Cần phải rửa kỹ phần núm quả vì đó chính là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn và hoá chất độc hại, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu không may ăn phải.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.