Công dụng thuốc Aumakin

Mục lục

Aumakin thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus và kháng nấm. Thuốc được chỉ định điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu thuốc Aumakin về cách sử dụng và những lưu ý khi dùng thuốc để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người bệnh trong bài viết dưới đây.

1. Aumakin là thuốc gì?

Aumakin chứa thành phần Amoxicillin hàm lượng 250mg, Acid Clavulanic 62,5mg và các tá dược khác vừa đủ. Thuốc được bào chế ở dạng thuốc bột uống, cách thức đóng gói dạng hộp gồm 12 gói.

Dược lực học:

Aumakin là thuốc kháng sinh thuộc nhóm phổ rộng. Sự phối hợp 2 thành phần của thuốc là Amoxicillin và acid Clavulanic giúp cho Amoxicillin không bị các beta - lactamase phá hủy, đồng thời mở rộng thêm phổ kháng khuẩn của Amoxicillin một cách có hiệu quả đối với nhiều vi khuẩn đã kháng lại Amoxicillin, các Penicillin khác và các Cephalosporin.

Dược động học:

Cả 2 thành phần chính có trong thuốc Aumakin là Amoxicillin và acid Clavulanic đều hấp thu dễ dàng qua đường uống. Sau khi uống, thuốc đạt nồng độ đỉnh trong huyết thanh khoảng 1 - 2 sau đó. Khả dụng sinh học đường uống của Amoxicillin là 90% và của acid Clavulanic là 75%. Nửa đời sinh học của Amoxicillin trong huyết thanh khoảng 1 - 2 giờ và của acid Clavulanic khoảng 1 giờ. Acid Clavulanic được đào thải qua nước tiểu ở dạng không thay đổi.

2. Thuốc Aumakin có tác dụng gì?

Thuốc Aumakin được chỉ định điều trị trong các trường hợp dưới đây:

  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên: Viêm amidan, viêm xoang, viêm tai giữa đã được điều trị bằng các kháng sinh thông thường nhưng không giảm.
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới với các chủng vi khuẩn H. Influenza và Branhamella catarrhalis sản sinh ra beta - lactamase như: Viêm phế quản cấp và mãn, viêm phổi - phế quản.
  • Nhiễm khuẩn mức độ nặng đường tiểu bởi các chủng E. Coli, Klebsiella và Enterobacter sản sinh sinh beta - lactamase như: Viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm bể thận (nhiễm khuẩn đường sinh dục nữ).
  • Nhiễm khuẩn phần da và tổn thương phần mềm như: Mụn nhọt, áp xe, nhiễm khuẩn vết thương.
  • Nhiễm khuẩn xương và các khớp lớn: Viêm tủy xương.
  • Nhiễm khuẩn vùng răng: Áp xe ổ răng.
  • Các trường hợp nhiễm khuẩn khác như nhiễm khuẩn sau sinh, phụ khoa hay nhiễm khuẩn ổ bụng sau phẫu thuật.

Ngoài ra, thuốc Aumakin chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Người bệnh dị ứng với hoạt chất Amoxicilin, acid Clavulanic hoặc các tá dược khác có trong thành phần của thuốc.
  • Người bệnh dị ứng với nhóm Beta - lactam (các Penicillin, Cephalosporin).
  • Người bệnh có tiền sử vàng da hoặc rối loạn gan mật do dùng thuốc Aumakin hay các thuốc Penicillin.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Aumakin

Thuốc Aumakin được bào chế dưới dạng thuốc bột pha uống. Người bệnh nên uống thuốc theo đường uống. Pha gói thuốc với một ít nước sôi để nguội và khuấy tan đều thuốc trước khi uống. Nên uống thuốc vào đầu bữa ăn để giảm thiểu hiện tượng không dung nạp thuốc ở dạ dày - ruột. Người bệnh không nên uống thuốc cùng với các thức uống khác như nước trái cây, nước uống có gas...

Dưới đây là liều dùng của thuốc Aumakin:

Người lớn và trẻ trên 12 tuổi:

  • Trường hợp mức độ nhiễm khuẩn nhẹ và vừa: Dùng với liều 2 gói mỗi ngày, uống cách nhau 12 giờ mỗi lần.
  • Trường hợp mức độ nhiễm khuẩn nặng: Dùng với liều 2 gói mỗi ngày, uống cách nhau 8 giờ mỗi lần.

Trẻ em < 12 tuổi (có thể trọng dưới 40kg):

  • Liều dùng được tính theo hàm lượng Amoxicilin với liều từ 20 - 45mg/ kg/ ngày. Tùy vào mức độ nhiễm khuẩn của bệnh nhân để chia liều thuốc trên thành nhiều lần cách nhau 8 - 12 giờ.

Liều dùng thông thường như sau:

  • Trẻ em từ 6 - 12 tuổi: Dùng với liều mỗi lần uống là 1 gói mỗi ngày, uống cách nhau 8 giờ mỗi lần.
  • Trẻ em từ 2 - 6 tuổi: Dùng với liều mỗi lần uống là 1/2 gói, uống cách nhau 8 giờ mỗi lần.
  • Trẻ em từ 9 tháng - 2 tuổi: Dùng với liều mỗi lần uống là 1/4 gói, uống cách nhau 8 giờ mỗi lần.

Thời gian điều trị:

  • Người bệnh không nên được chỉ định điều trị bằng thuốc Aumakin quá 14 ngày mà không được thăm khám đánh giá tiến triển của bệnh.

Chú ý: Trên đây chỉ là liều sử dụng thuốc được khuyến cáo. Liều thuốc cụ thể dùng để điều trị cho từng người bệnh được bác sĩ chỉ định dựa vào tình trạng bệnh và sức khỏe của mỗi người bệnh để chỉ định liều dùng thích hợp.

4. Tác dụng phụ của thuốc Aumakin

Bác sĩ luôn xem xét giữa lợi ích mà thuốc Aumakin đem lại cho bệnh nhân và nguy cơ có thể xảy ra các tác dụng phụ để chỉ định dùng thuốc thích hợp.

Thuốc Aumakin được dung nạp khá tốt, các tác dụng không mong muốn này thường xuất hiện trong thời gian đầu khi dùng thuốc.

Một số tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc Aumakin bao gồm:

Thường gặp:

Ít gặp:

  • Tăng bạch cầu ái toan, buồn nôn, nôn, viêm gan, vàng da ứ mật và tăng men transaminase.

Hiếm gặp:

  • Phản ứng phản vệ, phù Quincke, giảm nhẹ tiểu cầu, giảm bạch cầu, thiếu máu tán huyết, viêm đại tràng giả mạc, hội chứng Stevens - Johnson, nổi ban đỏ toàn thân, viêm da bong vảy, hoại tử biểu bì do ngộ độc thuốc và viêm thận kẽ.

Lưu ý: Có thể có những tác dụng phụ khác có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc. Trường hợp người bệnh thấy nghi ngờ với bất kỳ tác dụng phụ nào cần báo ngay bác sĩ hoặc người phụ trách y khoa nếu thấy nghi ngờ ngờ về các tác dụng phụ của thuốc Aumakin.

5. Tương tác thuốc Aumakin

Dưới đây là một số thuốc khi dùng phối hợp với thuốc Aumakin có các tương tác xảy ra như:

  • Có thể có nguy cơ kéo dài thời gian chảy máu và thời gian prothrombin khi sử dụng phối hợp với các thuốc chống đông máu.
  • Thuốc Aumakin có thể làm giảm hiệu quả thuốc tránh thai dùng bằng đường uống, do đó cần báo trước cho người bệnh nếu đang dùng thuốc tránh thai đường uống về tương tác này.
  • Thuốc Probenecid khi dùng phối hợp với Aumakin có thể làm tăng thời gian đào thải của hoạt chất Amoxicillin.

Ngoài những tương tác trên, thuốc Aumakin có thể có các tương tác khác khi dùng đồng thời với thức ăn hoặc các thuốc khác. Vì vậy, nhằm hạn chế có thể xảy ra những tương tác khác người bệnh nên cho bác sĩ biết các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng, thảo dược,...

6. Các lưu ý khi dùng thuốc Aumakin

Một số lưu ý khi người bệnh dùng thuốc Aumakin như sau:

  • Thận trọng khi dùng thuốc này cho người bệnh đang có tình trạng rối loạn chức năng gan, suy thận.
  • Không nên dùng thuốc Aumakin cho người bệnh đang có tình trạng phenylceton niệu do trong thành phần của thuốc có chứa hoạt chất Aspartame, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
  • Người bệnh nên dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị. Mặc dù người bệnh có thể thấy triệu chứng đã được cải thiện nhưng không được ngưng sử dụng thuốc. Tuyệt đối không được đưa thuốc Aumakin cho người khác uống nếu thấy họ có các triệu chứng tương tự.
  • Trước khi dùng thuốc, người bệnh cần kiểm tra hạn dùng của thuốc, nếu thuốc đã hết hạn sử dụng thì không nên dùng, vì có thể thuốc có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh hiện có hoặc gây ra những tác dụng có hại khác.
  • Phụ nữ có thai: Trong suốt thai kỳ, đặc biệt trong giai đoạn 3 tháng đầu phụ nữ mang thai không nên tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào. Nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra khi người mẹ dùng các thuốc không theo chỉ định của bác sĩ gây ảnh hưởng đến thai nhi như sảy thai, dị tật,... Vì vậy, chỉ được sử dụng thuốc khi đã được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và kê đơn thuốc.
  • Phụ nữ cho con bú: Theo nghiên cứu lâm sàng, thuốc Aumakin được biết có bài tiết qua sữa mẹ, nên thuốc có thể ảnh hưởng đến trẻ trong thời gian người mẹ cho con bú. Trong trường hợp phải dùng thuốc này cho quá trình điều trị, người mẹ nên ngưng cho con bú. Người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.

7. Làm gì khi quên liều, quá liều thuốc Aumakin?

  • Khi người bệnh quên uống thuốc, hãy uống ngay liều thuốc đó khi nhớ ra. Theo khuyến cáo đa số các thuốc đều được uống trễ khoảng 1 - 2 giờ so với thời gian uống thuốc hàng ngày thì không gây ảnh hưởng đến việc điều trị. Có thể bỏ qua liều đã quên nếu đã tới thời điểm dùng thuốc trong ngày. Tuyệt đối người bệnh tránh uống bù với liều gấp đôi khi đã quên thuốc.
  • Nếu lỡ dùng thuốc quá liều quy định, có thể có nguy cơ tăng potassium huyết vì acid clavulanic được dùng dưới dạng muối potassium. Trường hợp người bệnh gặp bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ có liên quan đến việc dùng quá liều thuốc Aumakin, người bệnh nên ngừng dùng thuốc ngay lập tức và thông báo cho bác sĩ điều trị để được tham khảo ý kiến. Người bệnh cần đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời tránh xảy ra các biến chứng nghiêm trọng. Người bệnh khi đi cũng nên nhớ mang theo các thuốc đã sử dụng để bác sĩ nắm thông tin, xử trí nhanh chóng và kịp thời.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Aumakin, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Aumakin là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Chia sẻ