Thuốc Binozyt chứa thành phần chính là Azithromycin, có công dụng điều trị các bệnh nhiễm khuẩn như viêm xoang, viêm phổi, viêm tai giữa,... Để dùng thuốc Binozyt an toàn và hiệu quả thì người bệnh nên tham khảo tư vấn từ dược sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.
1. Thành phần thuốc Binozyt
Thuốc Binozyt được bào chế dưới dạng bột pha hỗn dịch uống. Mỗi lọ Binozyt chứa các thành phần sau đây:
- Azithromycin hàm lượng 200mg.
- Các thành phần tá dược khác vừa đủ 5ml.
Azithromycin thuộc kháng sinh bán tổng hợp loại Azalide, một phân nhóm của Macrolide. Về mặt cấu trúc, Azithromycin khác với Erythromycin bởi sự thêm nguyên tử nitrogen được thay thế nhóm methyl vào vòng lactone. Do đó, về mặt hóa học, Azithromycin là một kháng sinh thuộc họ macrolide phân nhóm Azalide.
2. Tác dụng - Chỉ định thuốc Binozyt
2.1. Thuốc Binozyt có tác dụng gì?
Thuốc Binozyt chứa hoạt chất chính là Azithromycin, có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Azithromycin gắn vào tiểu phân 50S của ribosome, ức chế sự giải mã của tARN, gây ức chế tổng hợp protein, vì vậy vi khuẩn không thể phát triển và gây bệnh được.
Azithromycin có phổ kháng khuẩn rộng, tác dụng trên cả vi khuẩn Gram dương và Gram âm, trong đó nó có tác dụng mạnh trên M.catarrhalis, Neisseria, H.influenzae, vi khuẩn cơ hội ở bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.
2.2. Chỉ định dùng thuốc Binozyt
Thuốc Binozyt được chỉ định trong điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn nhạy cảm với kháng sinh Azithromycin như:
- Viêm xoang cấp tính;
- Viêm tai giữa nhiễm khuẩn cấp tính;
- Viêm họng, viêm amidan;
- Đợt cấp viêm phế quản mãn tính;
- Viêm phổi ở mức độ nhẹ đến vừa;
- Nhiễm trùng da và mô mềm;
- Viêm niệu đạo do Chlamydia trachomatis không biến chứng;
- Viêm cổ tử cung.
3. Cách sử dụng, liều dùng thuốc Binozyt
Cách sử dụng thuốc Binozyt:
- Thêm nước và lắc kỹ để được 15ml hỗn dịch uống.
- Uống thuốc Binozyt ít nhất 1 giờ trước ăn hoặc 2 giờ sau ăn.
- Hỗn dịch thuốc Binozyt đã pha có thể để ổn định ở nhiệt độ dưới 25 độ C trong vòng 10 ngày.
- Lắc đều lọ hỗn dịch Binozyt ngay trước khi uống.
- Không sử dụng thuốc Binozyt đã hết hạn sử dụng.
Liều dùng thuốc Binozyt:
Liều dùng Binozyt cho người lớn:
- Điều trị viêm niệu đạo do Chlamydia trachomatis không biến chứng và viêm cổ tử cung: Sử dụng liều 1000mg uống 1 lần duy nhất.
- Các chỉ định khác: Tổng liều Binozyt không quá 1500mg/ ngày chia thành 500mg/ ngày x 3 ngày, hoặc sử dụng trong 5 ngày với liều 500mg vào ngày đầu tiên và 250mg từ ngày 2-5.
Với trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi:
- Tổng liều Binozyt là 30mg/ kg/ ngày. Chia làm 10mg/ kg/ ngày và sử dụng trong 3 ngày.
- Hoặc điều trị 5 ngày với liều Binozyt duy nhất 10mg/ kg ngày đầu tiên, sau đó dùng 5mg/ kg vào 4 ngày tiếp theo.
Trẻ em dưới 1 tuổi:
- Không khuyến cáo sử dụng thuốc Binozyt do chưa có dữ liệu an toàn.
Với người già:
- Liều Binozyt tương tự như người lớn, nhưng thận trọng với nguy cơ rối loạn nhịp tim và xoắn đỉnh.
Cách xử trí khi quên liều, quá liều Binozyt:
- Nếu quên liều Binozyt thì phải uống thuốc ngay khi nhớ ra. Nếu liều quên gần với liều tiếp theo thì bỏ qua và uống liều tiếp theo như chỉ định. Không được uống gấp đôi liều Binozyt để bù cho liều đã quên.
- Khi quá liều Binozyt, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, giảm thính lực. Do đó, nếu người bệnh sử dụng quá liều Binozyt thì cần phải thông báo ngay với bác sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.
Lưu ý: Liều thuốc Binozyt trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều thuốc Binozyt cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều Binozyt phù hợp, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
4. Chống chỉ định dùng thuốc Binozyt
Binozyt chống chỉ định trong trường hợp quá mẫn cảm với các hoạt chất Azithromycin, Erythromycin, kháng sinh Macrolide và bất kì thành phần tá dược nào có trong thuốc.
Chống chỉ định là tuyệt đối. Điều này có nghĩa là không vì bất cứ lý do gì mà có thể dùng thuốc Binozyt trong trường hợp bị chống chỉ định. Mọi quyết định về liều lượng và cách dùng thuốc Binozyt cần phải tuân theo chỉ định từ bác sĩ.
5. Tác dụng phụ của thuốc Binozyt
Thuốc Binozyt được dung nạp tốt. Hầu hết tác dụng phụ thường ở mức độ vừa và nhẹ, có thể hồi phục khi ngưng điều trị.
Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm:
- Đau đầu;
- Buồn nôn, nôn;
- Đau bụng, tiêu chảy.
Các tác dụng phụ ít gặp:
- Viêm họng;
- Viêm dạ dày ruột;
- Nấm miệng;
- Rối loạn hô hấp;
- Giảm bạch cầu trung tính;
- Phù mạch;
- Mất ngủ, chóng mặt;
- Chán ăn;
- Rối loạn thính giác;
- Phát ban, ngứa, mề đay, da khô;
- Viêm xương khớp, đau cơ;
- Khó đi tiểu.
Hiếm gặp:
- Rối loạn chức năng gan;
- Vàng da ứ mật;
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Suy giảm thị lực, mờ mắt.
Ngoài các dấu hiệu trên, thuốc Binozyt có thể gây ra các tác dụng không mong muốn khác. Cần theo dõi chặt chẽ và khuyến cáo bệnh nhân thông báo cho bác sĩ những tác dụng phụ gặp phải trong quá trình sử dụng thuốc Binozyt.
6. Tương tác với các thuốc khác
Thận trọng khi phối hợp Binozyt với các loại thuốc sau:
- Thuốc kháng Acid: Nên dùng thuốc Binozyt ít nhất 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi uống thuốc kháng Acid.
- Digoxin và Colchicine: Sử dụng đồng thời với Binozyt làm tăng nồng độ của các chất này trong huyết thanh.
- Atorvastatin: Tăng nguy cơ tiêu cơ vân.
- Cisapride: Sử dụng đồng thời với Binozyt có thể kéo dài thời gian tác dụng của Cisapride, rối loạn nhịp thất và xoắn đỉnh.
- Thuốc chống đông máu đường uống loại Coumarin: Cần theo dõi thời gian Prothrombin nếu dùng đồng thời với Binozyt.
- Cyclosporin: Gia tăng nồng độ trong huyết tương của chất này.
- Nelfinavir: Làm tăng nồng độ của Azithromycin trong huyết tương khi dùng đồng thời với Binozyt.
- Rifabutin: Tăng nguy cơ giảm bạch cầu trung tính nếu dùng cùng Binozyt.
Để tránh tình trạng tương tác thuốc, trước khi được kê đơn Binozyt thì người bệnh nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để kê đơn Binozyt phù hợp.
7. Lưu ý khi sử dụng thuốc Binozyt và cách bảo quản
Lưu ý khi sử dụng thuốc Binozyt:
- Sử dụng Binozyt trên phụ nữ mang thai: Chỉ sử dụng sử dụng Binozyt khi thật sự cần thiết, phải cân nhắc giữa lợi ích của mẹ và tác hại đối với thai nhi.
- Với bà mẹ cho con bú: Hoạt chất Azithromycin đã được báo cáo là tiết vào sữa mẹ. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu lâm sàng đầy đủ và có kiểm soát ở phụ nữ cho con bú, vì vậy cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng Binozyt.
- Những người lái xe và vận hành máy móc: Chưa có báo cáo về ảnh hưởng của Binozyt đến khả năng lái xe và vận hành máy móc. Tuy nhiên người bệnh nên thận trọng khi sử dụng vì thuốc Binozyt có nguy cơ gây giảm thị lực và mờ mắt.
- Cần chỉnh liều Binozyt cho bệnh nhân suy gan, suy thận (ClCr <40ml/ phút).
- Nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn không nhạy cảm và viêm đại tràng màng giả có thể xảy ra khi sử dụng các kháng sinh phổ rộng như Azithromycin.
- Thận trọng sử dụng vì Azithromycin có khả năng gây dị ứng như phù thần kinh mạch và phản vệ dù rất hiếm gặp.
Bảo quản thuốc Binozyt:
- Bảo quản thuốc Binozyt ở nhiệt độ dưới 25 độ C.
- Giữ thuốc Binozyt ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
- Bảo quản thuốc Binozyt trong bao bì gốc để tránh nhầm lẫn với các loại thuốc khác.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Binozyt, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Binozyt là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.