Thuốc Cefoflam 100 là thuốc tây dược thuộc nhóm thuốc kháng sinh. Với thành phần chính là Cefpodoxim được chỉ định dùng điều trị các bệnh lý do nhiễm khuẩn. Cũng giống như thuốc chữa bệnh khác, thuốc Cefoflam 100 cũng có những hiệu quả và tác dụng phụ không như ý muốn nhất định. Vậy nên, người bệnh cần đọc kỹ các thông tin về sản phẩm trước khi sử dụng.
1. Cefoflam 100 là thuốc gì?
Thuốc Cefoflam 100 được cấu tạo thành từ hoạt chất chính là Cefpodoxime và các tá dược khác. Trong đó, dược chất chính Cefpodoxime là kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ 3.
Dược chất này có đặc tính phổ kháng khuẩn rộng với cả vi khuẩn Gram âm và Gram dương. Cefpodoxime kìm hãm sự phát triển và tiêu diệt vi khuẩn bằng cách ức chế quá trình tổng hợp vách tế bào vi khuẩn.
Cefpodoxime có hoạt lực mạnh đối với các cầu khuẩn như Streptococcus pneumoniae, tụ cầu khuẩn Staphylococcus aureus, các liên cầu khuẩn nhóm A, B, C, G và S.epidermidis. Nhờ vậy mà hoạt tính chống các loại vi khuẩn Gram âm gây bệnh như E.Coli, Klebsiella và Citrobacter càng mạnh hơn.
2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Cefoflam 100mg
Thuốc Cefoflam 100mg là thuốc kháng sinh được chỉ định dùng điều trị cho các trường hợp bao gồm:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cụ thể là viêm tai giữa, viêm họng, viêm xoang, viêm amidan.
- Viêm phổi cấp tính mắc phải ở cộng đồng mức độ nhẹ đến trung bình.
- Viêm phế quản mạn cấp phát tính.
- Nhiễm cầu lậu cấp chưa biến chứng, nhiễm khuẩn đường tiết niệu chưa có biến chứng.
- Viêm nhiễm nội mạc tử cung, trực tràng hoặc hậu môn.
- Nhiễm khuẩn da và các tổ chức da từ nhẹ đến trung bình.
Thuốc Cefoflam 100 chống chỉ định dùng cho các trường hợp:
- Người bệnh có tiền sử dị ứng với Cefpodoxime hoặc tá dược trong cấu tạo thuốc.
- Người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa Porphyrin.
- Người bệnh dị ứng với kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin.
Người bệnh cần đọc kĩ các thông tin hướng dẫn đi kèm.
3. Cách dùng và liều dùng
3.1. Cách dùng
Thuốc Cefoflam 100mg được bào chế dạng viên nén bao phim dùng bằng đường uống. Nên uống thuốc trực tiếp với nước lọc, không nghiền nát hoặc nhai thuốc vì có thể làm thay đổi dược tính của thuốc. Nếu muốn thay đổi cách uống thì cần trao đổi trước với bác sĩ. Có thể uống thuốc trước, trong và sau khi ăn đều được.
3.2. Liều dùng
Liều dùng thường được kê theo độ tuổi. Do đó, người bệnh cần tuân thủ đúng theo liều lượng được kê theo đơn. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn còn lo lắng có thể tham khảo thêm liều dùng phù hợp đã được tổng hợp dưới đây:
Người lớn:
- Điều trị viêm phế quản mạn, viêm phổi cấp tính thể nhẹ đến vừa mắc phải của cộng đồng: 200mg/lần x 2 lần/ ngày, mỗi lần cách nhau 12 tiếng và dùng đều trong khoảng 10 - 14 ngày.
- Viêm amidan, viêm họng: 100mg/lần x 2 lần/ngày mỗi lần cách nhau 12 tiếng và dùng đều trong khoảng 10 ngày liên tục.
- Nhiễm lậu cầu chưa có biến chứng: 200mg/ lần ( dùng 1 liều duy nhất).
- Người bệnh nhiễm khuẩn đường tiểu chưa có biến chứng: 100mg/lần x 2 lần/ngày mỗi lần cách nhau 12 tiếng và dùng đều trong khoảng 7 ngày liên tục.
- Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da: 400mg/lần x 2 lần/ngày mỗi lần cách nhau 12 tiếng và dùng đều trong khoảng 7 - 14 ngày.
Bệnh nhân suy gan: không cần điều chỉnh liều nếu không cần thiết.
Trẻ em
- Viêm tai giữa cấp tính: 10mg/kg thể trọng/ngày, tối đa 400mg/ngày và chia đều làm 2 lần, dùng đều trong khoảng 10 ngày.
- Viêm họng và viêm amidan: 10mg/kg thể trọng/ ngày, tối đa 200mg/ngày .chia đều làm 2 lần, dùng đều trong khoảng 10 ngày.
Ngoài ra, với những bé nhỏ hơn đơn thuốc sẽ phụ thuộc vào cân nặng của bé:
- Từ 15 ngày tuổi đến 6 tháng: 8mg/kg/ngày x 2 lần/ngày;
- Từ 6 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi: 40mg/lần x 2 lần/ngày;
- Từ 36 tháng tuổi đến 8 tuổi: 80mg/lần x 2 lần/ngày;
- >9 tuổi: 100mg/lần x 2lần/ngày;
4. Tác dụng phụ
Khi sử dụng thuốc Cefoflam để trị bệnh nhiễm khuẩn, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ đó là:
- Thường gặp: Rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu đau bụng, dị ứng trên da bao gồm nổi mẩn đỏ, phát ban, ngứa ngáy.
- Ít gặp: vàng da ứ mật, dị ứng, viêm gan, sốt, đau khớp,...
- Rất hiếm gặp: bạch cầu ưa eosin tăng cao, rối loạn công thức máy, khó ngủ, hoa mắt, dễ căng thẳng, lo âu
Chủ động thông báo cho bác sĩ ngay khi xuất hiện biểu hiện bất thường.
5. Tương tác thuốc
Tương tác thuốc không thể tránh nếu dùng chung thuốc Cefoflam với các thuốc sau:
- Thuốc kháng acid hoặc ức chế H2: Dùng đồng thời với Cefpodoxime proxetil sẽ khiến cho nồng độ trong huyết tương giảm khoảng 30%, từ đó gây độc cho thận.
- Probenecid: Làm cho nồng độ cefpodoxime trong huyết tương tăng và kéo dài.
- Cephalosporins: Thay đổi kết quả xét nghiệm.
Người bệnh không tự ý dùng chung thuốc Cefoflam với bất kỳ thuốc tây dược hay các thực phẩm chức năng mà chưa được bác sĩ cho phép.
6. Lưu ý dùng thuốc
Trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Cefoflam 200, người bệnh cần lưu ý đến những điều dưới đây:
- Cung cấp cho bác sĩ đầy đủ các thông tin tiền sử dị ứng, tiền sử dùng kháng sinh, để dễ dàng kiểm soát tình hình đề phòng có trường hợp dị ứng gây ra các tác dụng phụ, khiến bệnh trở nên nặng.
- Người bệnh cần dùng thuốc đúng liều, đúng cách và đúng thời gian.
- Mặc dù kháng sinh nhóm Cephalosporin khá an toàn với phụ nữ mang thai, nhưng trước khi dùng người bệnh nên tham khảo thêm kiến bác sĩ chuyên môn.
- Lượng thuốc bài tiết qua sữa mẹ khá nhỏ, vậy nên phụ nữ đang cho con bú có thể dùng, nhưng cần theo dõi kĩ biểu hiện của trẻ.
- Thuốc có những ảnh hướng nhất định đến khả năng hoạt động vận hành, lái xe hoặc sản xuất, vậy nên cần cân nhắc thời gian sử dụng thuốc phù hợp.
7. Xử trí quá liều và quên liều
Thuốc Cefoflam 100 là thuốc chữa bệnh được bán và sử dụng theo đơn. Thế nên, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn trong đơn. Tuy nhiên, nếu trường hợp dùng quá hoặc quên liều thì người bệnh hãy bình tĩnh xử lý theo hướng dẫn sau:
Nếu uống thuốc Cefoflam 100mg quá liều mà ngay sau đó xuất hiện triệu chứng buồn nôn, đi ngoài, nôn mửa, đau thượng vị. Thì hãy ngừng dùng thuốc và gọi ngay 115. Xử trí: Thẩm phân máu hoặc thẩm phân phúc mạc để đào thải lượng Cefpodoxime dư ra ngoài.
Người bệnh nên dùng liều bị quên ngay lúc nhớ ra. Tuy nhiên, nếu liều đó quá gần với lần dùng thuốc kế tiếp, bỏ qua liều bị quên và tiếp tục dùng liều kế tiếp như chỉ định. Không dùng đồng thời 2 liều cùng lúc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.