Thuốc Kaldaloc có thành phần chính là Cilnidipin có tác dụng điều trị bệnh tăng huyết áp. Việc tìm hiểu đầy đủ thông tin về công dụng, thành phần cách sử dụng sẽ giúp tăng cao hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn.
1. Kaldaloc là thuốc gì?
Kaldaloc là thuốc gì? Thuốc Kaldaloc có thành phần chính là Cilnidipin. Thuốc Kaldaloc bào chế dạng viên nén bao phim và được sản xuất bởi Công ty CP DP Agimexpharm.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Kaldaloc
2.1. Chỉ định
Thuốc kaldaloc có tác dụng gì? Thuốc Kaldaloc được chỉ định điều trị bệnh tăng huyết áp.
2.2. Chống chỉ định sử dụng thuốc Kaldaloc
Chống chỉ định sử dụng thuốc Kaldaloc trong những trường hợp sau đây:
- Người bệnh bị quá mẫn với hoạt chất hay bất kỳ những thành phần nào có trong thuốc.
- Phụ nữ có thai hoặc có khả năng mang thai.
3. Cách dùng và liều dùng thuốc Kaldaloc
3.1. Liều dùng
- Người lớn: Liều lượng được sử dụng là từ 5-10mg/lần/ngày. Liều dùng của thuốc có thể được điều chỉnh theo độ tuổi, triệu chứng của người bệnh. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tăng liều điều chỉnh lên 20mg/lần/ngày
- Người mắc bệnh cao huyết áp nặng: Sử dụng liều lượng 10-20 mg/lần/ngày
Cần lưu ý: Liều lượng thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh không nên tự ý áp dụng mà cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ kê đơn tư vấn.
3.2.Cách dùng
Thuốc Kaldaloc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim nên thuốc được dùng bằng đường uống. Người bệnh có thể sử dụng bằng cách uống 1 lần/ngày sau bữa ăn sáng.
4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Kaldaloc
Trong quá trình sử dụng thuốc Kaldaloc, người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:
- Thận trọng khi sử dụng thuốc ở những người bị rối loạn chức năng gan nặng: Nồng độ thuốc Kaldaloc trong huyết tương có thể tăng lên.
- Người bệnh có tiền sử đã gặp phải những phản ứng phụ nghiêm trọng với thuốc đối kháng calci.
- Cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ khi giảm liều thuốc Kaldaloc. Việc ngừng đột ngột thuốc đối kháng calci có thể làm nặng thêm các triệu chứng. Nếu ngừng từ liều 5 mg/ngày thì nên tiến hành những biện pháp thích hợp, ví dụ như thay thế bằng các loại thuốc chống huyết áp khác. Bên cạnh đó, cần phải chỉ dẫn bệnh nhân không được tự ý ngừng thuốc này mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Người cao tuổi: Khi đối tượng này sử dụng thuốc Kaldaloc cần được bác sĩ theo dõi sát sao về tình trạng bệnh và nên sử dụng với liều khởi đầu thấp hơn (ví dụ 5 mg). Theo đó, cần chú ý, nên tránh tác dụng hạ huyết áp quá mức ở người già, tuổi cao.
- Trẻ em: Hiện nay, vẫn chưa có kinh nghiệm lâm sàng khi sử dụng Cilnidipine ở trẻ em, vì vậy chưa xác định được độ an toàn dành cho đối tượng này.
- Sử dụng cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú: Không sử dụng thuốc Kaldaloc cho phụ nữ mang thai, hay những người đang nuôi con bằng sữa mẹ.
- Sử dụng cho người lái xe và vận hành máy móc: Thận trọng khi dùng thuốc Kaldaloc cho người lái xe và vận hành máy móc.
5. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Kaldaloc
Trong quá trình sử dụng thuốc Kaldaloc, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau đây:
- Rối loạn chức năng gan, vàng da: Rối loạn chức năng gan và bệnh vàng da đi kèm với tăng AST , ALT và γ-GTP có thể xảy ra khi bạn sử dụng thuốc Kaldaloc. Do đó, cần phải tiến hành theo dõi sát, nếu quan sát thấy bất kỳ bất thường nào thì người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc.
- Giảm tiểu cầu: Vì tình trạng giảm tiểu cầu có thể xảy ra, nên cần phải tiến hành theo dõi sát. Nếu quan sát thấy bất kỳ bất thường nào thì người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ được biết.
Ngoài những tác dụng phụ kể trên, người bệnh khi sử dụng thuốc có thể gặp các phản ứng phụ khác với tần suất như sau:
0,1% ≤ ADR< 5% :
- Gan: Làm tăng AST (GOT), ALT (GPT), LDH,...
- Thận: Làm tăng creatinin, nitơ urê, protein niệu dương tính
- Tâm thần kinh: Gây nhức đầu, chóng mặt, chóng mặt khi đứng lên hoặc cứng cơ vai
- Tim mạch: đánh trống ngực, cảm giác nóng, đỏ bừng mặt, đo điện tâm đồ bất thường, tụt huyết áp
- Tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn, khó tiêu
- Quá mẫn: nổi ban
- Huyết học: Làm tăng hoặc giảm bạch cầu (WBC), giảm bạch cầu trung tính và hemoglobin.
ADR< 0,1%:
- Gan: Làm tăng ALP
- Thận: Gây cặn lắng trong nước tiểu
- Tâm thần kinh: hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ, rối loạn giấc ngủ, run ngón tay, suy giảm trí nhớ
- Tim mạch: đau ngực, nhịp tim nhanh, block nhĩ thất, ớn lạnh
- Tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa, táo bón, chướng bụng, khát, ợ nóng, tiêu chảy
- Quá mẫn: ngứa ngáy, mẩn đỏ
- Huyết học: Làm tăng hoặc giảm hồng cầu (RBC), hematocrit, bạch cầu ưa eosin, tế bào lympho
Một số các phản ứng phụ khác cũng có thể xảy ra: cảm giác người yếu, co cứng cơ sinh đôi cẳng chân, khô mắt, sung huyết mắt, rối loạn vị giác, tăng hoặc giảm đường huyết khi đói, ho, protein toàn phần, calci và CRP huyết thanh, ho.
6. Tương tác thuốc Kaldaloc
Tương tác thuốc Kaldaloc có thể xảy ra trong quá trình sử dụng như sau:
- Các thuốc điều trị tăng huyết áp khác: Khi sử dụng đồng thời với loại thuốc tăng huyết áp khác có thể làm cộng thêm hoặc hiệp đồng làm huyết áp hạ xuống quá mức cho phép.
- Digoxin: Hiện nay đã có báo cáo về một số thuốc đối kháng calci có thể làm tăng nồng độ digoxin trong huyết tương. Nếu người bệnh quan sát thấy bất kỳ những dấu hiệu triệu chứng báo hiệu độc tính do digoxin thì cần tiến hành các biện pháp thích hợp, ví dụ như: điều chỉnh liều lượng digoxin hoặc ngừng sử dụng thuốc tùy theo thể trạng của bệnh nhân.
- Cimetidin: Khi sử dụng đồng thời có thể làm tăng sự hấp thu các loại thuốc đối kháng calci. Nguyên nhân là do cimetidin có thể làm giảm lưu lượng máu qua gan, từ đó làm ngăn cản sự chuyển hóa thuốc đối kháng calci do enzym ở microsom gan.
- Rifampicin: Loại thuốc này làm giảm tác dụng của thuốc đối kháng calci. Nguyên nhân là do enzyme chuyển hóa thuốc ở gan được cảm ứng bởi rifampicin, từ đó thúc đẩy sự chuyển hóa các thuốc này.
- Nhóm azol chống nấm như itraconazol, miconazol,...: có thể làm tăng nồng độ của thuốc Kaldaloc trong huyết tương. Nguyên nhân là do nhóm azol chống nấm ức chế enzym chuyển hóa thuốc CYP3A4 đối với Kaldaloc
- Nước ép bưởi: Nước ép bưởi làm tăng nồng độ Amnol trong huyết tương.
7. Xử lý khi quên liều và quá liều thuốc Kaldaloc
- Xử trí khi quên liều Kaldaloc: Nếu người bệnh trong quá trình sử dụng thuốc bị quên một liều thì hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu thời gian quên đã gần với liều kế tiếp thì người bệnh hãy bỏ qua liều thuốc đã quên và dùng liều thuốc kế tiếp vào thời điểm đúng như kế hoạch. Lưu ý rằng, tuyệt đối dùng gấp đôi liều thuốc Kaldaloc đã quy định.
- Xử trí khi quá liều: Dùng quá liều Kaldaloc có thể làm giảm huyết áp xuống quá mức cho phép. Nếu huyết áp giảm rõ rệt thì cần tiến hành các biện pháp xử trí thích hợp như nâng cao chi dưới, điều trị truyền dịch, dùng các thuốc tăng huyết áp. Phương pháp loại bỏ thuốc Kaldaloc bằng thẩm phân máu không hiệu quả do tỷ lệ gắn kết cao của thuốc Kaldaloc với protein.
Bảo quản thuốc Kaldaloc ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh sáng trực tiếp, nhiệt độ dưới 30 độ C. Để thuốc Kaldaloc xa tầm tay trẻ em của trẻ em và vật nuôi trong gia đình.
Thuốc Kaldaloc có thành phần chính là Cilnidipin có tác dụng điều trị bệnh tăng huyết áp. Người bệnh trước khi sử dụng thuốc cần đọc kỹ hướng dẫn và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Không nên tự ý mua thuốc tự điều trị tại nhà vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.