Công dụng thuốc Sibetinic

Mục lục

Sibetinic là thuốc kê đơn, được để dùng điều trị dự phòng cơn đau nửa đầu khi các phương pháp khác không còn hiệu quả. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng thuốc Sibetinic, người bệnh cũng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin trong bài viết dưới đây.

1. Thuốc Sibetinic công dụng là gì?

1.1. Sibetinic là thuốc gì?

Thuốc Sibetinic thuộc nhóm thuốc trị đau nửa đầu, có số đăng ký VD-26046-17, Công ty TNHH dược phẩm USA - NIC (USA - NIC Pharma) – Việt Nam sản xuất.

Thuốc được bào chế dạng viên nén bao phim, vỉ 10 viên, hộp 10 vỉ hoặc chai 100 viên. Với thành phần hoạt chất chính là 5,9mg Flunarizine Dihydroclorid tương đương với Flunarizine hàm lượng 5,0mg.

Thuốc Sibetinic khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành.

1.2. Thuốc Sibetinic có tác dụng gì?

Thuốc Sibetinic được kê đơn chỉ định trong những trường hợp:

  • Điều trị và dự phòng hội chứng đau nửa đầu.
  • Điều trị triệu chứng của rối loạn tiền đình: Chóng mặt, hoa mắt, ù tai.
  • Điều trị chứng rối loạn trí nhớ, thiếu tập trung, kích động và rối loạn giấc ngủ.
  • Điều trị triệu chứng co cứng cơ khi đi bộ hoặc nằm, lạnh đầu chi, dị cảm.

Chống chỉ định:

  • Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính Flunarizine.
  • Bệnh nhân đã bị bệnh Parkinson từ trước khi điều trị.
  • Có tiền sử đã từng có triệu chứng ngoại tháp.
  • Bệnh nhân bị trầm cảm hoặc có tiền sử đã từng bị trầm cảm.
  • Người bệnh đang dùng thuốc chẹn beta.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai.
  • Trẻ nhỏ dưới 12 tuổi.

2. Cách sử dụng của thuốc Sibetinic

2.1. Cách dùng thuốc Sibetinic

  • Thuốc Sibetinic dùng đường uống, nên uống thuốc trước khi đi ngủ do tác dụng phụ của thuốc gây ngủ gà.
  • Uống nguyên viên Sibetinic cùng với cốc nước lọc, không nghiền nát viên thuốc hay trộn chung thuốc với dung dịch hay hỗn hợp nào khác.
  • Tuân thủ đúng liều chỉ định của bác sĩ điều trị, không thêm hay bớt liều dùng để thuốc phát huy được tác dụng điều trị.

2.2. Liều dùng của thuốc Sibetinic

Người trưởng thành dưới 65 tuổi:

  • Liều 5mg/ ngày (tương đương 1 viên), uống vào buổi tối, liên tục trong ít nhất 4 tuần. Nếu có triệu chứng của trầm cảm hay triệu chứng ngoại tháp cần ngưng sử dụng thuốc ngay.
  • Nếu sau tối đa 8 tuần điều trị bệnh nhân không cải thiện, xem như bệnh nhân không đáp ứng với điều trị và nên chuyển thuốc khác.
  • Nếu đáp ứng trên lâm sàng không đầy đủ, có thể tăng liều lên đến 10mg/ ngày (tương đương 2 viên) nhưng cần cân nhắc trong khả năng dung nạp thuốc.
  • Thời gian điều trị thuốc không quá 6 tháng.

Người cao tuổi trên 65 tuổi:

Liều 5mg/ngày (tương đương 1 viên), uống vào buổi tối, trong 4 đến 8 tuần.

  • Nếu có triệu chứng của trầm cảm hay triệu chứng ngoại tháp cần ngưng sử dụng thuốc ngay.
  • Nếu sau 8 tuần điều trị bằng Sibetinic không có sự cải thiện, nên chuyển thuốc khác.

Xử lý khi quên liều:

  • Để thuốc Sibetinic phát huy tác dụng điều trị cố gắng không quên liều. Thuốc thường uống trước khi đi ngủ nên nếu bạn không nhớ có thể nhờ người thân nhắc hộ hoặc đặt lịch ghi nhớ.
  • Nếu đã quên một ngày không uống gấp đôi liều vào ngày hôm sau.

Xử trí khi quá liều:

  • Quá liều (với liều Flunarizine trên 600mg) có thể gây ra kích động, an thần và nhịp tim nhanh.
  • Trong trường hợp này dung các liệu pháp hỗ trợ như tiến hành rửa dạ dày và nếu cần thiết thì có thể dùng than hoạt tính. Vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Sibetinic

  • Không dùng thuốc Sibetinic khi đã quá hạn sử dụng,thuốc bị mốc, có mùi lạ, vỏ thuốc hay nắp lọ bị hở.
  • Liều đáp ứng với đa phần bệnh nhân nên được kiểm tra sau 2 tháng kể từ khi bắt đầu điều trị bằng Sibetinic.
    • Đáp ứng: Đáp ứng thuốc cần được kiểm tra định kỳ đều đặn (như 1 tháng một lần) sau đó quyết định việc có nên tiếp tục dùng thuốc hay không.
    • Không đáp ứng: Nên ngưng sử dụng thuốc và khám lại.
    • Không xác định: Tạm ngưng sử dụng thuốc. Tùy theo mức độ trầm trọng của các triệu chứng ở bệnh nhân mà bác sĩ sẽ quyết định có tiếp tục dùng thuốc hay không.
  • Do hoạt chất Flunarizin có thể làm tăng các triệu chứng ngoại tháp (vận động chậm, liệt mặt ngoại tháp, đứng ngồi không yên) và trầm cảm (mệt mỏi, mất sức, rối loạn giấc ngủ, cảm thấy kích động hoặc vô dụng, hay nghĩ đến cái chết) hay bộc phát hội chứng Parkinson (run, giật), đặc biệt với người cao tuổi. Bởi vậy, cần thận trọng khi sử dụng Sibetinic trên các bệnh nhân này.
  • Với một vài trường hợp triệu chứng ngoại tháp có thể xuất hiện muộn (sau khoảng 1 năm). Đa phần các trường hợp không nặng, nhưng có thể tồn tại nhiều tháng sau khi ngưng dùng thuốc. Sự cải thiện ở bệnh nhân có thể không hoàn toàn và có thể cần một liệu trình điều trị bằng thuốc chống Parkinson. Một số ít trường hợp, triệu chứng này có thể tồn tại mặc dù đã được can thiệp điều trị.
  • Các trường hợp hội chứng trầm cảm đã được báo cáo, xuất hiện sau 5 đến 8 tháng kể từ khi bắt đầu điều trị. Các trường hợp này thường không nặng, nhưng trong một vài trường hợp, phải kê đơn thuốc chống trầm cảm cho bệnh nhân hoặc điều trị trong bệnh viện nếu cần.
  • Bệnh nhân có thể tăng cân khi điều trị với chế phẩm có chứa Flunarizin.
  • Do tác dụng phụ của thuốc gây an thần hay ngủ gà nên không nên vận hành máy móc hay lái xe trong khi dùng thuốc để tránh xảy ra tai nạn.
  • Phụ nữ đang cho con bú cần cân nhắc lợi ích cũng như nguy cơ mang lại khi sử dụng Sibetinic.

4. Tác dụng phụ của thuốc Sibetinic

Quá trình sử dụng Sibetinic, người bệnh vẫn có thể gặp phải các tác dụng phụ như:

  • Viêm mũi;
  • Tăng cảm giác thèm ăn;
  • Trầm cảm, mất ngủ;
  • Ngủ gà;
  • Bất thường phối hợp vận động, mất định hướng, ngủ lịm, dị cảm, bồn chồn không yên, chậm chạp, uể oải, ù tai và vẹo cổ;
  • Chứng bồn chồn đứng ngồi không yên, vận động chậm chạp, cứng cơ dạng bánh xe răng cưa, rối loạn vận động, run nguyên phát, rối loạn ngoại tháp, hội chứng Parkinson, buồn ngủ và run;
  • Hồi hộp đánh trống ngực;
  • Hạ huyết áp;
  • Táo bón, khó chịu ở dạ dày, buồn nôn;
  • Tắc ruột, khô miệng, rối loạn dạ dày, ruột
  • Tăng men gan;
  • Tăng tiết mồ hôi;
  • Phát ban;
  • Đau cơ;
  • Co thắt cơ; giật cơ;
  • Cứng cơ;
  • Kinh nguyệt không đều; đau vú;
  • Rong kinh, rối loạn kinh nguyệt, thưa kinh, phì đại tuyến vú, giảm khả năng tình dục;
  • Tăng tiết sữa;
  • Mệt mỏi;
  • Phù nề toàn thân; phù nề ngoại vi, suy nhược;
  • Tăng cân.

Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Sibetinic và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.

5. Tương tác thuốc Sibetinic

Không dùng chung Sibetinic với các thuốc hay chế phẩm sau:

  • Thuốc chống trầm cảm có tác dụng an thần (Amitriptyline, Doxepin, Mianserin, Mirtazapine, Trimipramin);
  • Thuốc điều trị tăng huyết áp tác dụng lên thần kinh trung ương;
  • Thuốc nhóm benzodiazepin, các thuốc giải lo âu khác không thuộc nhóm benzodiazepin;
  • Thuốc chống co thắt Atropinic, Disopyramid;
  • Thuốc điều trị Parkinson kháng cholinergic, thuốc chống trầm cảm Imipramine;
  • Hầu hết các thuốc kháng histamin H1;
  • Đồ uống có cồn hoặc rượu.

6. Cách bảo quản thuốc Sibetinic

  • Thời gian bảo quản thuốc Sibetinic là 36 tháng từ ngày sản xuất.
  • Bảo quản Sibetinic trong bao bì gốc của thuốc ở nhiệt độ phòng tại những nơi khô ráo thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, và các nguồn nhiệt hay những nơi có độ ẩm dưới 70%.
  • Để thuốc khỏi tầm với của trẻ.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Sibetinic, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Sibetinic là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Chia sẻ