Troynoxa là thuốc tác dụng lên hệ tim mạch, thường được chỉ định để ngăn ngừa sự hình thành huyết khối, giảm nguy cơ đột quỵ do nhồi máu não và bệnh mạch vành. Thuốc phải được kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà khi chưa có sự đồng ý từ bác sĩ.
1. Troynoxa là thuốc gì?
- Troynoxa có thành phần chính là Enoxaparin - thuộc nhóm thuốc chống đông máu. Enoxaparin là 1 loại heparin trọng lượng phân tử thấp, tác dụng ngăn ngừa và điều trị các cục máu đông nhưng ít gây chảy máu, giúp máu lưu thông dễ dàng bằng cách giảm các hoạt động của các protein gây đông máu.
- Troynoxa hấp thu nhanh và hoàn toàn sau khi tiêm, thời gian đạt nồng độ đỉnh trong máu trong 3 đến 5 giờ. Thuốc chuyển hóa ở gan, sinh khả dụng đạt gần 100% và cuối cùng thải trừ qua đường nước tiểu.
2. Chỉ định của thuốc Troynoxa
Thuốc Troynoxa được chỉ định trong các trường hợp:
- Cơn đau thắt ngực không ổn định, bệnh lý nhồi máu cơ tim không có sóng Q.
- Phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu nguy cơ thuyên tắc phổi ở bệnh nhân suy hô hấp, suy tim và liệt giường.
- Dự phòng huyết khối sau các phẫu thuật bụng, phẫu thuật khớp háng, khớp gối, bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
3. Chống chỉ định của thuốc Troynoxa
Một số trường hợp không được sử dụng thuốc Troynoxa gồm:
- Người bị giảm tiểu cầu do thành phần Enoxaparin hoặc 1 Heparin khác phân đoạn hay không.
- Dị ứng với thành phần Enoxaparin natri, Heparin hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
- Bệnh lý viêm nội tâm mạc cấp do nhiễm khuẩn.
- Bệnh lý chảy máu khó kiểm soát, rối loạn chảy máu nặng, xuất huyết não và loét dạ dày ruột.
- Bệnh nhân suy thận nặng, tăng huyết áp không kiểm soát và không có chỉ định dùng Troynoxa.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Troynoxa
- Cần theo dõi công thức máu, số lượng tiểu cầu trước và trong khi điều trị thuốc Troynoxa. Nếu số lượng tiểu cầu giảm trên 50% xem xét ngưng điều trị với thuốc.
- Bệnh nhân suy thận, suy gan cần theo dõi nghiêm ngặt chức năng gan thận khi dùng thuốc.
- Bệnh nhân nguy cơ chảy máu, viêm nội tâm mạc, rối loạn đông máu, loét dạ dày tá tràng, sau phẫu thuật não, tủy sống,... dùng thuốc Troynoxa sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Troynoxa có thể ức chế tiết aldosteron của thượng thận và gây tăng kali máu.
5. Tương tác thuốc của Troynoxa
- Phối hợp Troynoxa với acid acetylsalicylic, các thuốc kháng viêm không steroid, thuốc chống đông, chống kết tập tiểu cầu sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết.
- Các muối kali, thuốc lợi tiểu giữ kali, thuốc ức chế angiotensin II, thuốc ức chế enzym chuyển, NSAID, các heparin, Cyclosporin, Tacrolimus và Trimethoprim,... dùng chung với Troynoxa có thể làm tăng kali huyết.
Để tránh tình trạng tương tác, trước khi được kê đơn Troynoxa thì người bệnh nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để kê đơn Troynoxa phù hợp.
6. Liều dùng và cách dùng
Cách dùng:
Thuốc Troynoxa được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm. Tiêm dưới da, không tiêm bắp, không pha chung với các dung dịch tiêm khác.
Liều dùng:
- Cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim không có sóng Q: 1mg/ kg/ 12 giờ. Tiêm dưới da kết hợp với aspirin uống.
- Phòng ngừa huyết khối thuyên tắc mạch: Phẫu thuật tổng quát: 20mg (0,2ml)/ ngày/ lần. Phẫu thuật chỉnh hình: 40mg (0,4ml)/ ngày. Tiêm liều trước phẫu thuật 12 giờ.
- Bệnh nhân nội khoa ở khoa chăm sóc đặc biệt nguy cơ huyết khối do nằm lâu: 40mg/ lần/ ngày.
- Thời gian chỉ định và liều dùng tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể theo chỉ định của bác sĩ.
7. Tác dụng phụ của thuốc Troynoxa
Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng Troynoxa gồm:
- Nguy cơ chảy máu.
- Xuất huyết giảm tiểu cầu.
- Tại vị trí chích thuốc có thể xảy ra tụ máu, nốt cứng và hoại tử da.
- Phản ứng dị ứng.
- Tăng kali máu.
Như vậy, Troynoxa là thuốc chống đông máu ngăn chặn sự hình thành cục máu đông trong hệ tuần hoàn. Thuốc có nhiều tương tác và tác dụng phụ không mong muốn, vì vậy phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ khi dùng.