Dấu hiệu ung thư cổ tử cung khi mang thai thường không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng bình thường của thai kỳ. Tuy nhiên, mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý những dấu hiệu bất thường như: chảy máu âm đạo bất thường, đau vùng chậu, đau khi quan hệ tình dục, dịch tiết âm đạo có màu sắc và mùi lạ.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Dấu hiệu ung thư cổ tử cung khi mang thai
Ung thư cổ tử cung, một bệnh phụ khoa ác tính, được ghi nhận là một trong những loại ung thư phổ biến. Tuy nhiên, việc chẩn đoán bệnh lý này ở phụ nữ mang thai hoặc hậu sản tương đối thấp.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường diễn tiến âm thầm và không biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Các dấu hiệu ung thư cổ tử cung thường xuất hiện khi khối u đã phát triển và xâm lấn các mô lân cận, thai phụ cần chú ý đến những dấu hiệu bất thường như sau:
- Chảy máu âm đạo bất thường:
- Chảy máu sau khi quan hệ tình dục.
- Tiết dịch âm đạo bất thường, có thể lẫn máu.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Đau vùng chậu.

Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân có thể gặp thêm các triệu chứng ung thư cổ tử cung khi mang thai như:
- Tiểu ra máu.
- Sưng phù chân.
- Khó tiểu, khó đại tiện.
- Mệt mỏi, chán ăn.
Đặc biệt lưu ý, một số dấu hiệu ung thư cổ tử cung khi mang thai dễ bị nhầm lẫn với các biến chứng thường gặp trong thai kỳ. Do đó, việc theo dõi chặt chẽ và thông báo bất kỳ thay đổi nào với bác sĩ là vô cùng quan trọng.
2. Biến chứng có thể xảy ra
Một số ảnh hưởng của ung thư cổ tử cung đối với thai phụ gồm có:
- Xuất huyết khi sinh.
- Khối u bị vỡ trong quá trình sinh.
- Ung thư di căn sang các vị trí khác trên cơ thể.
- Chuyển dạ sớm.
- Hình thành nguy cơ tắc mạch.
Ngoài ra, một số phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung cũng có thể gây biến chứng cho thai kỳ. Hóa trị, một phương pháp điều trị ung thư phổ biến, được chỉ định cho nhiều bệnh nhân ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, việc áp dụng hóa trị trong tam cá nguyệt thứ nhất có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như sảy thai. Vì vậy, các chuyên gia thường trì hoãn hóa trị cho phụ nữ mang thai cho đến khi thai nhi đủ 12 tuần tuổi.

Mặc dù trì hoãn điều trị đến sau sinh có thể là một lựa chọn hiệu quả, nhưng điều này lại làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh, đặc biệt ở những trường hợp chẩn đoán sớm.
Do đó, hóa trị trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba được xem là lựa chọn tối ưu. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng hóa trị trong giai đoạn này có độ an toàn tương đối cao đối với thai nhi.
3. Chẩn đoán
Một nghiên cứu năm 2019 đã xác định ba bước chẩn đoán chính đối với ung thư cổ tử cung ở phụ nữ mang thai:
- Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung: Phương pháp sàng lọc này giúp phát hiện bất thường trong các mẫu tế bào cổ tử cung, cho thấy tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư. Tuy nhiên, phương pháp này có thể cho ra kết quả dương tính giả.
- Soi cổ tử cung: Đây là một phương pháp sàng lọc ít xâm lấn, cho phép kiểm tra cổ tử cung, âm đạo và âm hộ. Soi cổ tử cung giúp phát hiệu các dấu hiệu ung thư cổ tử cung khi mang thai. Bác sĩ có thể khuyến nghị thai phụ thực hiện phương pháp này vào tam cá nguyệt đầu tiên và thứ 2 (nếu có nghi ngờ nguy cơ mắc bệnh).
- Sinh thiết cổ tử cung: Đây là thủ thuật lấy mẫu mô bệnh phẩm để đánh giá mô bệnh học, xác định chính xác bản chất của tổn thương và loại trừ các bệnh lý khác.
4. Điều trị cho chị em có dấu hiệu ung thư cổ tử cung khi mang thai
Quyết định phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung ở sản phụ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi thai, kích thước và mức độ xâm lấn của khối u cũng như mong muốn của bệnh nhân.
Hiện nay, chưa có một phác đồ điều trị chuẩn hóa cho chị em có dấu hiệu ung thư cổ tử cung khi mang thai. Các khuyến cáo điều trị chủ yếu dựa trên các nghiên cứu quy mô nhỏ và còn nhiều hạn chế.
4.1 Mang thai dưới 3 tháng
Giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất, hay 3 tháng đầu của thai kỳ, là thời điểm quan trọng trong quá trình phát triển phôi thai. Để đảm bảo an toàn cho thai nhi, hóa trị thường không được khuyến cáo thực hiện. Hóa trị liệu có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng đến thai nhi, bao gồm dị tật bẩm sinh và tăng nguy cơ sảy thai.
Trong trường hợp bệnh nhân muốn tiếp tục điều trị ung thư trong giai đoạn này, việc tư vấn về các lựa chọn y tế (bao gồm cả khả năng đình chỉ thai kỳ) là cần thiết.
4.2 Mang thai ở tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba
Các chuyên gia y tế có thể cân nhắc trì hoãn điều trị đến giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba của thai kỳ.
- Trong một số trường hợp, sinh mổ có thể được chỉ định để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
- Tùy thuộc vào đặc điểm của khối u, bao gồm kích thước và mức độ xâm lấn, cũng như mong muốn của bệnh nhân về khả năng sinh sản sau này, phẫu thuật cắt tử cung có thể được thực hiện đồng thời với sinh mổ.

Sau khi sinh, các phác đồ điều trị bổ trợ như hóa trị liệu có thể được đề xuất để tăng hiệu quả điều trị và ngăn ngừa tái phát.
4.3 Đối với chị em có khối u nhỏ
Cắt bỏ một phần cổ tử cung và âm đạo trên là một thủ thuật ngoại khoa có thể được chỉ định để loại bỏ khối u cổ tử cung. Tuy nhiên, phẫu thuật cổ tử cung trong thai kỳ tiềm ẩn nguy cơ xuất huyết và sảy thai. Hiện nay, vẫn còn hạn chế về dữ liệu lâm sàng đánh giá hiệu quả và độ an toàn của thủ thuật này khi áp dụng cho phụ nữ mang thai.
4.4 Đối với chị em có khối u to
Đối với các khối u có kích thước lớn, hóa trị liệu có thể được cân nhắc thực hiện trong tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3. Cơ chế tác động của hóa trị liệu là tiêu diệt các tế bào ác tính và ức chế quá trình phân bào, từ đó hạn chế sự tăng sinh và di căn của khối u.
Mặc dù các nghiên cứu về tác động của hóa trị liệu đối với thai nhi vẫn đang được tiếp tục thực hiện, nhưng đa số các chuyên gia đồng thuận rằng việc điều trị bằng hóa trị liệu sau tuần thai thứ 12 thường được xem là an toàn.
Tầm soát ung thư cổ tử cung là cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh và tăng khả năng điều trị thành công. Phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm các xét nghiệm tầm soát để phát hiện các tế bào ung thư. Đặc biệt, phụ nữ mang thai cần được theo dõi sát sao hơn để phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư cổ tử cung.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.