Dấu hiệu ung thư phổi ở nam giới thường trở nên rõ ràng khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn 2 hoặc 3, khi ung thư bắt đầu lan ra các bộ phận khác. Đây là lý do ung thư phổi thường khó phát hiện sớm. Các triệu chứng ban đầu của ung thư phổi như ho, khó thở, dễ bị nhầm với các bệnh nhiễm trùng ít nghiêm trọng, khiến nhiều người chủ quan và không kiểm tra sớm.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Những triệu chứng bệnh ung thư phổi có thể gặp ở cả nam lẫn nữ
Ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến nhất và có tỷ lệ tử vong rất cao, đặc biệt ở những người hút thuốc. Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhiều so với người không hút thuốc, do các chất độc hại trong khói thuốc gây tổn thương cho phổi và tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển. Điều nguy hiểm là ung thư phổi thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, chỉ khi bệnh tiến triển và lan sang các bộ phận khác, người bệnh mới bắt đầu cảm thấy khó chịu và nghĩ đến việc chẩn đoán ung thư.

Thông thường các dấu hiệu ung thư phổi ở nam giới và nữ giới đều khá giống nhau, điển hình như:
- Cơn ho có thể kéo dài hơn nhiều tuần.
- Ho ra máu.
- Thở khò khè, khó thở, khi thở hoặc ho cảm thấy đau.
- Xuất hiện những cơn đau ở ngực.
- Bị khàn giọng.
Nếu trong phổi người bệnh phát triển ung thư biểu mô tế bào vảy, người bệnh có thể gặp phải triệu chứng cận ung thư (Paraneoplastic Syndrome), xảy ra khi các tế bào ung thư hoặc tế bào hệ thống miễn dịch sản sinh hormone hoặc những chất làm thay đổi mô xung quanh, dẫn đến các triệu chứng như:
- Khó khăn trong đi lại và giữ thăng bằng.
- Bị chuột rút.
- Bị suy nhược cơ bắp.
- Tay chân co giật bất thường.
- Gặp khó trong việc nuốt thức ăn.
- Khó nói chuyện rõ ràng.

Bên cạnh đó, ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) từng phổ biến ở nam hơn so với nữ, nhưng tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi ở nam đang giảm dần. SCLC thường phát triển gần đường thở trung tâm phổi, lan lên não gây ra những cơn đau đầu, thay đổi tầm nhìn, bị suy nhược một bên cơ thể và có khả năng khiến người bệnh trở nên cáu gắt, khó chịu.
2. Những dấu hiệu ung thư phổi ở nam giới và nữ giới có thể xảy ra sớm
Khi ung thư phổi mới bắt đầu ở giai đoạn ủ bệnh sẽ chỉ có một vài triệu chứng nhất định hoặc thậm chí không có dấu hiệu rõ rệt nào. Lúc đó phần lớn đều cho rằng đó là do họ hút thuốc hoặc đang mắc những căn bệnh ít nghiêm trọng hơn. Điều này khiến nhiều người dễ bỏ qua và không thực hiện chẩn đoán từ sớm để kịp thời phát hiện, lên kế hoạch điều trị.
Do đó, nếu gặp phải các tình trạng bất thường như đau ngực, nhức xương, sụt cân không rõ nguyên nhân hoặc cảm thấy khó thở, đau đầu, ho dai dẳng và ho ra máu thì cần đến gặp bác sĩ, thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu.
3. Những xét nghiệm và chẩn đoán phát hiện ung thư phổi
Thông thường, để xác định các dấu hiệu ung thư phổi ở nam giới và nữ giới, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi về tiền sử và triệu chứng của người bệnh gặp phải. Bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm vật lý, xét nghiệm chức năng phổi thông qua việc yêu cầu người bệnh thổi vào thiết bị máy đo phế dung có hình xoắn ốc để chẩn đoán những vấn đề của phổi. Bên cạnh đó là thực hiện xét nghiệm máu để loại trừ các tình trạng bệnh khác như viêm phổi.
Để đảm bảo chẩn đoán chính xác, bác sĩ thường sẽ yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm như chụp X-Ray ngực, chụp CT, xét nghiệm tế bào học từ đờm của người bệnh và sinh thiết học bằng cách chèn một ống mỏng qua miệng hoặc mũi người bệnh để thu thập, phân tích mẫu tế bào phổi.

4. Các biện pháp giúp giảm bớt triệu chứng bệnh
Hiện nay, có một số liệu pháp tương đối đơn giản để khắc phục các triệu chứng, dấu hiệu ung thư phổi ở nam giới và nữ giới, ngăn không cho chúng trở nên nghiêm trọng hơn. Một trong những điều quan trọng hàng đầu là ngừng hút thuốc và sử dụng các sản phẩm có cồn khác. Ngoài ra có thể áp dụng các biện pháp sau đây để giúp khắc phục tình trạng khó thở:
- Thở chậm, hít nhẹ vào mũi và thở nhẹ ra ở miệng.
- Nghe nhạc, ngồi thiền hoặc đọc sách để thư giãn, tránh cảm xúc căng thẳng.
- Ngồi hứng gió từ cửa sổ hoặc bật quạt trực tiếp vào mặt.
- Tránh những vận động mạnh có thể dẫn tới thở dốc như leo cầu thang hoặc tập thể dục quá sức.
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để giảm áp lực cho hệ tiêu hóa.
- Thực hành các biện pháp giảm đau, giảm căng thẳng và áp lực như mát-xa, tập yoga, ngồi thiền, châm cứu,…

Nhìn chung, ung thư phổi là một căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao, khá phổ biến ở cả nam lẫn nữ, hoàn toàn có thể bị bỏ qua nếu không chú ý đến những triệu chứng và dấu hiệu từ sớm. Ngay khi gặp phải các dấu hiệu bất thường và có thể kéo dài, nên đến gặp bác sĩ để thực hiện chẩn đoán ngay, từ đó giúp đưa ra phác đồ điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.