Đau quặn bụng thắt từng cơn trên rốn dấu hiệu bệnh gì là câu hỏi được nhiều người quan tâm khi gặp phải triệu chứng này. Đây có thể là biểu hiện của đau quặn bụng từng cơn do các bệnh lý liên quan đến dạ dày - tá tràng, gan, mật, tụy hoặc đại tràng ngang. Việc tìm hiểu nguyên nhân và điều trị kịp thời là rất quan trọng để tránh biến chứng.
Bài viết này được tư vấn bởi BSCK I Đồng Xuân Hà - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Hỏi
Chào bác sĩ! Em thường xuyên gặp tình trạng đau bụng quặn thắt từng cơn ở vùng trên rốn, mỗi cơn kéo dài khoảng 5-10 phút và diễn ra liên tục trong 3-4 tiếng trước khi giảm dần. Bác sĩ cho em hỏi, đau bụng quặn thắt ở vị trí này có thể là dấu hiệu của bệnh gì? Để xác định chính xác nguyên nhân, em cần thực hiện những xét nghiệm nào ạ?
Đỗ Thị Phương (1990)
Chào bạn Đỗ Thị Phương! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến BSCK I Đồng Xuân Hà - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Về thắc mắc “Đau quặn bụng thắt từng cơn trên rốn dấu hiệu bệnh gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Nếu triệu chứng này xuất hiện lặp đi lặp lại, bạn cần đi khám sớm vì đau quặn thắt vùng trên rốn có thể liên quan đến các bệnh lý như dạ dày - tá tràng, đại tràng ngang, gan, mật, tụy hoặc mạc treo ruột. Khi khám, bác sĩ sẽ cần thêm thông tin chi tiết như: thời gian xuất hiện triệu chứng (kéo dài bao lâu), tần suất đau, cơn đau có liên quan đến bữa ăn (thời điểm, loại thức ăn) hoặc các yếu tố như lao động nặng, căng thẳng không. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến các triệu chứng đi kèm như buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, thay đổi thói quen đại tiện, táo bón hoặc tiêu chảy.
Trong một số trường hợp, triệu chứng này có thể xảy ra do ăn thức ăn lạ hoặc không đảm bảo vệ sinh, khiến ruột co bóp mạnh hơn để loại bỏ thức ăn không phù hợp. Thông thường, triệu chứng sẽ tự khỏi sau một thời gian.
Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, kiểm tra phân, siêu âm bụng hoặc nội soi tiêu hóa, từ đó xác định nguyên nhân, mức độ bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Sau khi biết chính xác nguyên nhân gây đau quặn bụng từng cơn trên rốn, điều trị là bước tiếp theo vô cùng quan trọng.
Những thông tin dưới đây để bạn tham khảo thêm về đau quặn bụng thắt từng cơn trên rốn dấu hiệu bệnh gì.

1. Đau quặn bụng trên rốn là gì?
Đau bụng trên rốn là cảm giác đau xuất hiện ở vùng giữa rốn và xương sườn, thường liên quan đến các vấn đề như khó tiêu hoặc trào ngược dạ dày. Các triệu chứng đi kèm có thể bao gồm buồn nôn, nôn, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đau vùng trên rốn có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng hơn như nhồi máu cơ tim, viêm tụy cấp hoặc viêm túi mật cấp.
Nếu người bệnh cảm thấy đau quặn bụng từng cơn, cơn đau kéo dài không giảm sau vài giờ hoặc xuất hiện các biểu hiện nguy hiểm như khó thở, tức ngực, chóng mặt, vã mồ hôi, cần đến cơ sở y tế ngay để được bác sĩ khám, xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời.
2. Hướng dẫn cách chữa đau bụng trên rốn an toàn
Người bệnh có thể áp dụng các cách trị đau bụng quặn từng cơn trên rốn an toàn và hiệu quả như sau.
2.1 Đến khám và gặp bác sĩ điều trị
Người bệnh không nên chủ quan khi xuất hiện triệu chứng đau bụng trên rốn vì đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng, cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là các triệu chứng kèm theo, nếu gặp phải, người bệnh cần đến cơ sở y tế khám sớm:
- Sốt cao liên tục.
- Đau bụng dữ dội hoặc xuất hiện đột ngột.
- Buồn nôn hoặc nôn ói kéo dài.
- Vàng da, vàng mắt.
- Khó thở hoặc cảm giác đau tức ngực.
- Có tiền sử chấn thương vùng bụng.
- Nôn ra máu hoặc phát hiện máu trong phân.
- Sờ thấy khối u ở vùng bụng.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Sau khi khám và xác định đau quặn bụng thắt từng cơn trên rốn dấu hiệu bệnh gì, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Thông thường, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc để giảm triệu chứng và điều trị nguyên nhân gốc. Trong những trường hợp bệnh nặng, bác sĩ có thể đề nghị nhập viện hoặc thực hiện phẫu thuật nhằm ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như phẫu thuật cắt bỏ túi mật hoặc ruột thừa.

2.2 Cách giảm đau bụng trên rốn tại nhà
Người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà để giảm nhẹ triệu chứng đau bụng trên rốn. Dưới đây là những cách hỗ trợ hiệu quả:
- Chườm ấm: Dùng túi chườm ấm hoặc khăn nóng đặt lên vùng bụng trong 15 – 20 phút. Phương pháp này giúp thư giãn cơ bụng bị căng cứng và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng như táo bón hoặc khó tiêu.
- Tắm nước ấm: Việc tắm với nước ấm có tác dụng làm dịu triệu chứng khó tiêu và đau dạ dày do stress.
- Uống đủ nước: Đau bụng trên rốn đôi khi liên quan đến tình trạng mất nước. Người bệnh nên uống đủ lượng nước mỗi ngày để giảm cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, cần uống từ từ và chia thành nhiều lần trong ngày, tránh uống quá nhiều nước cùng một lúc.
- Gừng: Gừng là một phương pháp tự nhiên giúp cải thiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói và táo bón. Người bệnh có thể sử dụng bằng cách uống trà gừng hoặc thêm gừng tươi vào các món ăn hàng ngày.
- Bạc hà: Trà bạc hà là một cách hiệu quả để giảm sự khó chịu ở đường tiêu hóa. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể ăn lá bạc hà sống, thêm vào món ăn, hoặc sử dụng tinh dầu bạc hà để massage vùng bụng, giúp thư giãn, giảm buồn nôn và làm dịu cơn đau bụng.
- Quế: Quế từ lâu đã được sử dụng trong điều trị các bệnh lý tiêu hóa như chướng bụng, đầy hơi nhờ vào đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và tăng cường hệ miễn dịch. Người bệnh có thể uống trà quế hoặc thêm bột quế vào các món ăn để giảm triệu chứng đau quặn bụng từng cơn và hỗ trợ tiêu hóa.
Nếu bạn còn thắc mắc về việc đau quặn bụng kèm thắt từng cơn trên rốn, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.