Dị ứng chỉ tự tiêu xảy ra khi cơ thể không dung nạp loại chỉ này, khiến chỉ không thể tự phân hủy và dẫn đến một số triệu chứng bất thường. Mức độ và biểu hiện của dị ứng sẽ khác nhau tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người. Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết này nhé.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng Vinmec.
1. Tìm hiểu về chỉ tự tiêu dùng trong phẫu thuật
Trong lĩnh vực phẫu thuật xâm lấn, chỉ tự tiêu đóng vai trò quan trọng như một loại chỉ chuyên dụng.
1.1. Chỉ tự tiêu là gì?
Chỉ tự tiêu là loại chỉ y tế được làm từ các thành phần đặc biệt như collagen có trong ruột bò, cừu, polyme tổng hợp hoặc protein động vật. Nhờ đặc tính dễ phân hủy và hấp thụ bởi cơ thể người, người bệnh không cần quay lại bệnh viện để thực hiện cắt chỉ sau phẫu thuật, mang lại sự tiện lợi cho người bệnh.
Chỉ tự tiêu có khả năng khép kín miệng vết thương và sẽ tự phân hủy theo thời gian bởi các enzyme trong cơ thể, thông thường mất khoảng 10 ngày. Song song với quá trình phân hủy, khả năng chịu lực của chỉ cũng giảm dần.
Bên cạnh đó, mặc dù khả năng chịu lực của chỉ tự tiêu ngắn hơn chỉ không tiêu nhưng lại có những ưu điểm riêng như:
- Hạn chế phản ứng của cơ thể với ngoại vật.
- Hạn chế nguy cơ nhiễm trùng sau sinh và nhiễm trùng tại vết mổ.
- Không cần loại bỏ chỉ sau khi vết thương ổn định.
- Tăng tính thẩm mỹ, giảm nguy cơ hình thành sẹo xấu.
1.2. Phân loại các loại chỉ tự tiêu được sử dụng phổ biến hiện nay
Một số loại chỉ tự tiêu được sử dụng trong phẫu thuật, bao gồm:
- Chỉ tự tiêu catgut: Loại chỉ này được làm từ huyết thanh và collagen trong ruột động vật có khả năng phân hủy trong khoảng 10 ngày.
- Chỉ tự tiêu polyglycolic acid: Polyglycolic Acid là nguyên liệu chính tạo nên loại chỉ này, kết hợp với lớp phủ Poly giúp cho chỉ có khả năng phân hủy trong vòng 60 đến 90 ngày.
- Chỉ tự tiêu polyglyconate: Loại chỉ này thuộc nhóm chỉ tự tiêu có độ dai vượt trội nhờ cấu tạo đơn sợi, đồng thời đảm bảo độ an toàn cao.
- Chỉ tự tiêu polydioxanone: Polydioxanone được làm từ các vật liệu tổng hợp, thường được dùng cho các vết khâu trên mô mềm và có thời gian phân hủy sau khoảng 60 ngày.
- Chỉ tự tiêu polygratin acid: Loại chỉ này có độ bền cao, do đó thời gian phân hủy cũng kéo dài hơn so với các loại chỉ khác.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng chỉ tự tiêu trong các trường hợp sau:
- Phẫu thuật răng miệng và các phần mô mềm liên quan đến miệng.
- Phẫu thuật mô liên kết và cơ.
- Phẫu thuật ghép da.
- Vùng bụng đã từng phẫu thuật
- Phẫu thuật phụ khoa và tầng sinh môn trong trường hợp sinh thường.
2. Dị ứng chỉ tự tiêu khi đẻ mổ và triệu chứng của sản phụ khi dị ứng
2.1. Sản phụ sau đẻ mổ dị ứng với chỉ tự tiêu
Bởi vì chỉ tự tiêu được làm từ những nguyên liệu đặc biệt, nên việc tương thích hoàn toàn với cơ địa của mọi người là điều rất khó có thể xảy ra. Do đó, dị ứng chỉ tự tiêu xảy ra khi cơ thể không tiếp nhận loại chỉ này, khiến chỉ không thể tự phân hủy và dẫn đến một số triệu chứng bất thường. Mức độ và biểu hiện của dị ứng với chỉ tự tiêu sẽ khác nhau tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người.

Việc phát hiện dị ứng chỉ tự tiêu khá khó khăn, đặc biệt là đối với các sản phụ sau khi sinh mổ. Trong giai đoạn này, vết thương chưa hoàn toàn lành và chỉ tự tiêu khi gây kích ứng với cơ thể có thể tạo ra phản ứng chậm. Đồng thời, sản phụ vẫn có thể cảm thấy đau nhức, vết thương dễ bị nhiễm trùng và mưng mủ, các triệu chứng này rất giống với những biểu hiện của dị ứng với chỉ tự tiêu.
2.2. Triệu chứng của sản phụ đẻ mổ dị ứng
Dị ứng với chỉ tự tiêu là tình trạng phổ biến sau sinh mổ. Dù thai phụ đã được xét nghiệm tiền phẫu thuật kỹ lưỡng nhưng quá trình xác định mẹ bầu có dị ứng với chỉ tự tiêu trước khi mổ hay không là rất khó.
Dị ứng chỉ tự tiêu không diễn ra tức thì sau mổ mà thường biểu hiện sau vài ngày, khi sản phụ đã xuất viện. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Vùng phẫu thuật bị đỏ, sưng nề.
- Vết thương có dịch chảy và mủ.
- Dễ bị nhiễm trùng, ngứa và rất khó chịu.
- Sản phụ bị sốt từ nhẹ đến cao.

3. Một số phương pháp điều trị
Dị ứng chỉ tự tiêu sau sinh mổ là một tình trạng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình lành lại và phục hồi của vết mổ. Do đó, sản phụ cần chủ động tìm kiếm sự trợ giúp của bác sĩ chuyên khoa.
Với những sản phụ bị dị ứng với chỉ tự tiêu, phương pháp điều trị hiệu quả nhất là phẫu thuật rạch vết mổ để nạo mủ và thấm hút dịch.
Ngược lại, nếu chủ quan không điều trị kịp thời, ổ viêm nhiễm sẽ lan rộng và kéo dài thời gian điều trị lên đến 1 tháng, thậm chí dẫn đến biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, hoại tử tại vị trí mổ do kích ứng từ chỉ tự tiêu.
4. Những lưu ý cần nhớ
Cơ địa là yếu tố then chốt dẫn đến tình trạng kích ứng, dị ứng với chỉ tự tiêu. Tuy nhiên, nếu người bệnh không chăm sóc và vệ sinh vết mổ sau phẫu thuật cũng có thể làm gia tăng nguy cơ kích ứng.
Để tránh dị ứng chỉ tự tiêu sau sinh mổ, chị em cần lưu ý:
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát.
- Giữ vết mổ khô ráo, sạch sẽ.
- Vệ sinh vết mổ theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C, A, B6, B12, E.
- Tránh ngâm bồn, bơi lội, hoạt động mạnh.
- Không gãi, tác động vào vết mổ.
- Hạn chế thực phẩm dễ gây sẹo.

Dị ứng chỉ tự tiêu là một vấn đề cần được chú ý, đặc biệt khi sử dụng chỉ khâu trong quá trình phẫu thuật. Việc nhận biết sớm các triệu chứng và điều trị kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Bệnh nhân nên luôn thảo luận với bác sĩ về tiền sử dị ứng của mình trước khi tiến hành phẫu thuật và tuân thủ các hướng dẫn chăm sóc sau phẫu thuật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.