Dị ứng son môi: Nguyên nhân và cách khắc phục tại nhà

Mục lục

Dị ứng son môi là một phản ứng không mong muốn mà nhiều chị em phụ nữ có thể gặp phải khi sử dụng các sản phẩm trang điểm. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ của người sử dụng. Bài viết này sẽ đi sâu vào nguyên nhân cũng như các biện pháp điều trị hiệu quả từ đó giúp chị em phụ nữ có thể lựa chọn son môi phù hợp.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng Vinmec.

1. Dị ứng son môi là gì?  

Dị ứng son môi là một loại phản ứng dị ứng với mỹ phẩm xảy ra khi da vùng môi phản ứng với một số thành phần trong son môi. Có hai loại dị ứng son môi thường gặp là dị ứng cấp tính và dị ứng mạn tính.

1.1 Dị ứng cấp tính

Triệu chứng dị ứng này xuất hiện ngay sau khi sử dụng son môi. Các biểu hiện có thể bao gồm sưng môi, đỏ, ngứa, cảm giác nóng rát và thậm chí là bong tróc da môi. Mức độ nghiêm trọng của phản ứng dị ứng có thể khác nhau, từ nhẹ đến nặng và đôi khi có thể ảnh hưởng đến cả vùng mặt và cổ tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng người. 

Dị ứng son môi là tình trạng da môi bị kích ứng khi tiếp xúc với một hoặc nhiều thành phần trong son môi.
Dị ứng son môi là tình trạng da môi bị kích ứng khi tiếp xúc với một hoặc nhiều thành phần trong son môi.

1.2 Dị ứng mạn tính

Trong trường hợp này, các triệu chứng dị ứng không xuất hiện ngay lập tức mà thường xuất hiện sau vài giờ tiếp xúc với chất gây dị ứng trong son môi. Các triệu chứng này có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, thậm chí vài tháng nếu người dùng tiếp tục sử dụng sản phẩm gây dị ứng. Dị ứng mạn tính có thể gây ra tình trạng khó chịu lâu dài và ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như vẻ đẹp của môi.

2. Nguyên nhân dị ứng son môi

Dị ứng son môi là một tình trạng khá phổ biến, phát sinh do da môi dị ứng với một số thành phần hóa học có trong son môi.  

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng kích ứng do son môi là do tiếp xúc lâu dài với những chất gây dị ứng trong các sản phẩm son môi. Điều này kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể sản xuất histamin và các chất khác để chống lại các yếu tố gây hại, dẫn đến các triệu chứng dị ứng. 

Dị ứng son môi là tình trạng khá phổ biến, xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng lại với một hoặc nhiều thành phần trong son môi.
Dị ứng son môi là tình trạng khá phổ biến, xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng lại với một hoặc nhiều thành phần trong son môi.

Các thành phần trong son môi thường được kiểm soát nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn và không phải ai cũng mắc tình trạng dị ứng. Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây dị ứng son môi.

2.1 Cơ địa nhạy cảm

Một số người có làn da đặc biệt nhạy cảm với các thành phần hóa học. Nếu thuộc nhóm này, hãy xác định các thành phần cụ thể trong son môi có thể gây kích ứng để tránh sử dụng sản phẩm có chứa chúng. Các chất có thể gây dị ứng có thể kể đến như: chất bảo quản, hương liệu và chì,..

2.2 Sử dụng son môi kém chất lượng

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều mỹ phẩm giả hoặc kém chất lượng, trong đó có son môi. Những sản phẩm này có thể chứa kim loại nặng và hương liệu ở mức độ cao hơn mức cho phép, gây kích ứng nặng nề cho môi.

2.3 Hạn sử dụng của son môi

Sản phẩm son môi được tạo thành từ nhiều loại hóa chất khác nhau. Khi những sản phẩm này quá hạn sử dụng, các thành phần hóa học bên trong có thể biến đổi, không còn giữ được tính ổn định ban đầu, dẫn đến tình trạng dị ứng cho người sử dụng.

2.4 Vệ sinh môi không đúng cách

Nếu không làm sạch môi một cách kỹ lưỡng sau khi sử dụng son môi, các chất như chì và các hóa chất khác có trong son có thể tích tụ trên môi. Điều này có thể gây ra các phản ứng viêm nhiễm bao gồm sưng, mụn nước và cảm giác ngứa ngáy.

3. Các biện pháp điều trị dị ứng son môi tại nhà hiệu quả

Nếu chị em phụ nữ có bất kỳ dấu hiệu nào của dị ứng son môi, điều quan trọng là phải ngừng sử dụng sản phẩm ngay lập tức và áp dụng các biện pháp xử lý sau đây:

  • Lau sạch son môi cẩn thận: Sử dụng bông tẩy trang hoặc khăn mềm, nhẹ nhàng lau sạch son môi. Không nên chà xát mạnh để tránh làm tổn thương da môi và gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng hơn.
  • Chọn nước tẩy trang không chứa cồn: Nên sử dụng nước tẩy trang không chứa cồn và các chất dễ gây kích ứng khác. Nước tẩy trang có cồn có thể khiến da môi trở nên khô và dễ kích ứng hơn.
  • Sử dụng thuốc chống dị ứng: Các loại thuốc chống dị ứng chứa antihistamine như Benadryl có thể giúp giảm các triệu chứng dị ứng như sưng, ngứa và đỏ. Lưu ý là nên tuân thủ hướng dẫn sử dụng hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Áp dụng chườm lạnh: Để giảm đau và ngứa, bạn có thể chườm lạnh lên vùng môi bị kích ứng bằng cách sử dụng bao đá hoặc khăn mát.
  • Dùng gel nha đam: Gel nha đam là một lựa chọn tuyệt vời để làm dịu và giảm sưng, đỏ. Thoa một lớp mỏng gel nha đam lên môi để hỗ trợ làm dịu da.
  • Tránh sử dụng các sản phẩm dưỡng môi có chất gây kích ứng: Hãy lựa chọn các sản phẩm dưỡng môi không chứa chất bảo quản hoặc hương liệu để chăm sóc môi mà không gây kích ứng thêm. 
Thấm một ít nước tẩy trang môi vào bông tẩy trang, nhẹ nhàng lau khắp môi cho đến khi không còn vết son môi.
Thấm một ít nước tẩy trang môi vào bông tẩy trang, nhẹ nhàng lau khắp môi cho đến khi không còn vết son môi.

Nếu các triệu chứng dị ứng không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc trở nên tồi tệ hơn, hãy đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu để được tư vấn và điều trị phù hợp. Việc hiểu rõ về các dấu hiệu và cách xử lý khi dị ứng son môi sẽ giúp chị em phụ nữ có thể chăm sóc môi của mình không lo lắng về các phản ứng dị ứng. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ