Dị ứng tỏi là một phản ứng bất thường của hệ miễn dịch với tỏi. Với các triệu chứng từ nhẹ như ngứa miệng, phát ban, đến nghiêm trọng hơn như sưng môi, khó thở, dị ứng tỏi có thể ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày. Để giảm thiểu nguy cơ, người mắc dị ứng tỏi cần nhận biết triệu chứng sớm, hiểu rõ nguyên nhân và áp dụng các biện pháp đối phó phù hợp để tránh những biến chứng không mong muốn.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Miễn Dịch Dị Ứng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Dị ứng tỏi: Phản ứng của hệ miễn dịch
Tỏi là một loại thảo mộc dạng củ, thường được sử dụng trong nấu ăn tương tự như hành tây và hẹ để mang đến hương vị đậm đà, cay nhẹ. Tuy nhiên, đối với một số người, dị ứng tỏi có thể gây nguy hiểm.
Giống như tất cả các loại dị ứng khác, dị ứng tỏi bắt nguồn từ phản ứng của hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch nhầm tưởng một chất vô hại (như các protein trong tỏi) là có hại, sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại. Các kháng thể này dẫn đến các triệu chứng dị ứng khi tấn công những chất vô hại đó.

Dị ứng thực phẩm là một dạng dị ứng đặc biệt, có thể được kích hoạt ngay cả với một lượng nhỏ, gây ảnh hưởng đến khoảng 8% trẻ em và 3% người lớn. Các loại thực phẩm thường gây dị ứng bao gồm đậu phộng, các loại hạt cây và động vật có vỏ.
So với các dị ứng thực phẩm khác, dị ứng tỏi khá hiếm gặp. Các nghiên cứu lâm sàng về tỏi chủ yếu chỉ ra tác dụng phụ là hôi miệng và mùi cơ thể. Tuy nhiên, một số trường hợp cho thấy tỏi cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng.
2. Triệu chứng dị ứng tỏi
Các triệu chứng phổ biến của dị ứng tỏi bao gồm:
- Viêm da tiếp xúc: Nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy trên da.
- Hen suyễn: Khó thở, thở khò khè.
Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể gặp:
- Mề đay, ngứa ngáy hoặc da ửng đỏ.
- Ngứa miệng.
- Sưng môi, lưỡi, mặt hoặc cổ họng.
- Bị khò khè hoặc khó thở.
- Sốc phản vệ.
- Nhịp tim nhanh.
- Đau bụng.
- Tiêu chảy.
- Buồn nôn hoặc nôn.
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu.
Giống như các trường hợp dị ứng khác, triệu chứng của dị ứng tỏi có thể khác nhau ở mỗi người và thường xuất hiện trong vài phút đến vài giờ sau khi ăn tỏi.
3. Chẩn đoán dị ứng tỏi
Chẩn đoán dị ứng tỏi gặp nhiều khó khăn do các triệu chứng có thể không xuất hiện cho đến 2 giờ sau khi người bệnh tiếp xúc với thực phẩm gây dị ứng. Nếu bệnh nhân đã ăn các loại thực phẩm khác trong khoảng thời gian đó hoặc nếu thực phẩm có nhiều thành phần nguyên liệu thì việc xác định nguyên nhân phản ứng sẽ khó khăn.
Dị ứng thực phẩm thường bị nhầm lẫn với không dung nạp thực phẩm. Hệ thống miễn dịch của người bệnh không phải là nguyên nhân gây ra chứng không dung nạp. Thay vào đó, có thể do:
- Cơ thể người bệnh thiếu một loại enzyme nhất định cần thiết để xử lý một loại thực phẩm cụ thể.
- Tình trạng bệnh lý như hội chứng ruột kích thích hoặc bệnh celiac.
- Căng thẳng.
Không dung nạp thực phẩm thường ít nghiêm trọng hơn dị ứng thực phẩm vì các triệu chứng thường chỉ giới hạn ở hệ tiêu hóa.
Nếu bản thân nghi ngờ mình bị dị ứng tỏi, hãy thăm khám bác sĩ để được điều trị kịp thời. Lúc này, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng và tiền sử bệnh. Nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị dị ứng tỏi, xét nghiệm da hoặc xét nghiệm máu sẽ được tiến hành để xác định chắc chắn nguyên nhân.
4. Các vấn đề về sức khỏe liên quan đến dị ứng
Phản ứng dị ứng khó có thể dự đoán, vì vậy, nếu người bệnh đã từng bị dị ứng tỏi trước đó, các phản ứng sau có thể nghiêm trọng hơn, nhẹ hơn hoặc giống nhau. Điều này khiến người bệnh khó biết những triệu chứng nào có thể xuất hiện khi xảy ra phản ứng dị ứng sau này.
Nguy cơ lớn nhất của việc bị dị ứng thực phẩm là sốc phản vệ - một phản ứng dị ứng đe dọa đến tính mạng xảy ra khi hệ miễn dịch của người bệnh giải phóng một lượng lớn hóa chất vào cơ thể, dẫn đến tình trạng sốc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ thống trong cơ thể.
Các triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm:
- Mạch yếu, nhanh.
- Huyết áp thấp.
- Phát ban da.
- Buồn nôn hoặc nôn.
- Lưỡi hoặc cổ họng sưng.
- Thở khò khè hoặc khó thở.
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu.

5. Đối phó với dị ứng
Hầu hết các bệnh dị ứng không thể chữa khỏi. Điều này có nghĩa là cách tốt nhất để đối phó với dị ứng thực phẩm là tránh tiếp xúc với thực phẩm đó. Người bệnh nên:
- Rửa bát đĩa kỹ lưỡng trước khi nấu ăn.
- Rửa sạch bề mặt như mặt bếp sau khi người khác nấu ăn.
- Thông báo cho mọi người về tình trạng dị ứng tỏi của bản thân và yêu cầu họ không sử dụng tỏi khi người bệnh đến ăn ở nhà.
- Cho đầu bếp nhà hàng biết về tình trạng dị ứng với tỏi của bản thân và yêu cầu họ chế biến thức ăn của người bệnh riêng biệt với các món ăn khác trong thực đơn.
- Chỉ ăn đồ ăn tại các bữa tiệc khi bản thân biết chắc chắn thành phần của từng món ăn.

5.1 Epinephrine
Người bệnh cần mang theo epinephrine khẩn cấp, chẳng hạn như EpiPen, nếu bác sĩ yêu cầu.
Nếu bệnh nhân có phản ứng dị ứng tỏi nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức, ngay cả khi người bệnh đã sử dụng EpiPen. EpiPen có thể hết tác dụng sau 30 phút hoặc ít hơn và bác sĩ sẽ cần theo dõi người bệnh để đảm bảo phản ứng dị ứng không tái phát.
Trẻ em có thể dần hết dị ứng thực phẩm khi lớn lên. Tuy nhiên, vì phản ứng dị ứng có thể nguy hiểm, việc kiểm tra xem trẻ đã hết dị ứng hay chưa chỉ nên được thực hiện bởi bác sĩ.
5.2 Xét nghiệm da
Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm da trước tiên để xem dị ứng tỏi có còn hay không. Xét nghiệm da được thực hiện bằng cách tiếp xúc một lượng nhỏ chất gây dị ứng lên da và theo dõi phản ứng. Điều quan trọng là phải thực hiện việc này dưới sự giám sát của bác sĩ để đề phòng trường hợp phản ứng nặng. Nếu kết quả xét nghiệm ban đầu thuận lợi, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thực phẩm để đảm bảo trẻ có thể thực sự dung nạp lại tỏi.
Người lớn có tỷ lệ giảm dị ứng thực phẩm thấp hơn nhiều so với trẻ em, và có thể phát triển dị ứng thực phẩm ở bất kỳ độ tuổi nào. Những dị ứng này khó dự đoán, vì vậy, ngay cả khi dị ứng với tỏi chỉ ở mức độ nhẹ, người bệnh vẫn cần chú ý cẩn thận đến tình trạng dị ứng này trong tương lai.
Dị ứng tỏi có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và thậm chí nguy hiểm cho người bệnh. Việc hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu và các biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng để kiểm soát tình trạng này một cách an toàn. Nếu nghi ngờ mình bị dị ứng tỏi, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có phương án điều trị phù hợp. Việc lưu ý đến thành phần thực phẩm và biết cách xử lý khi gặp phản ứng dị ứng sẽ giúp người bệnh duy trì sức khỏe, tránh những biến chứng không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.