Hiểu rõ về các đường lây truyền viêm gan B là vô cùng quan trọng để phòng tránh bệnh hiệu quả. Virus HBV chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc với máu nhiễm bệnh, quan hệ tình dục không an toàn và từ mẹ sang con. Việc nhận biết các con đường lây nhiễm viêm gan B giúp chúng ta có những biện pháp phòng ngừa thích hợp, bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Hỏi
Chào bác sĩ,
Vừa rồi, cháu có chơi thể thao và bị va chạm với 1 bạn, kết quả bạn ấy cắn trúng rồi chảy máu. Bạn ấy cũng vừa xét nghiệm là bị viêm gan B. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi đường lây truyền viêm gan B? Không biết cháu có bị lây không? Cháu cảm ơn bác sĩ.
Khách hàng ẩn danh
Trả lời
Chào bạn,
Với câu hỏi “Đường lây truyền viêm gan B?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Viêm gan B có thể lây truyền qua đường máu, qua quan hệ tình dục và từ mẹ sang con.
Virus viêm gan B có tồn tại trong nước bọt của người bị nhiễm, nhưng với nồng độ cực kỳ thấp. Tuy nhiên, nếu bị người mắc viêm gan B cắn chảy máu, nguy cơ lây nhiễm viêm gan B vẫn có thể xảy ra, đặc biệt nếu bạn chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh hoặc đã tiêm nhưng cơ thể chưa tạo ra kháng thể chống lại virus này.
Để xác định có nhiễm viêm gan B hay không, bạn cần thực hiện xét nghiệm HBsAg ngay lúc này. Nếu kết quả dương tính, điều đó chứng tỏ bạn đã bị nhiễm virus viêm gan B. Ngược lại, nếu kết quả âm tính, có nghĩa là bạn chưa nhiễm loại virus này.
Sau 2-3 tháng, bạn cần xét nghiệm lại HBsAg. Nếu kết quả vẫn âm tính, bạn không bị lây nhiễm. Tuy nhiên, nếu kết quả HBsAg dương tính, điều này chứng tỏ bạn đã nhiễm virus viêm gan B từ lần tiếp xúc trước đó, với điều kiện bạn không tiếp xúc với nguồn lây như quan hệ tình dục không an toàn với người mắc viêm gan B hoặc dùng chung dao cạo râu với họ trong khoảng thời gian này.
Để cung cấp thêm thông tin cho bạn, dưới đây là giải đáp thêm về đường lây truyền viêm gan B.
1. Bệnh viêm gan B là gì?
Bệnh viêm gan B là gì? Đây là một căn bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B (HBV) gây ra, đang là một vấn đề được quan tâm trong sức khỏe cộng đồng. Virus HBV tấn công gan, gây viêm nhiễm và tổn thương tế bào gan nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành xơ gan, suy gan và thậm chí là ung thư gan.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay có hơn 2 tỷ người mang mầm bệnh HBV và khoảng 400 triệu người đang sống chung với viêm gan B mãn tính. Việt Nam có tỷ lệ nhiễm HBV cao, là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Điều đáng lo ngại là phần lớn người nhiễm HBV không có triệu chứng rõ ràng, dẫn đến việc chẩn đoán muộn và tăng nguy cơ biến chứng.
2. Đường lây truyền viêm gan B
Con đường lây nhiễm viêm gan B chủ yếu qua ba con đường chính:
- Đường máu: Khi được hỏi viêm gan B lây qua những đường nào, chắc chắn phải kể đến đường máu. Virus viêm gan B có mặt trong máu của người nhiễm bệnh. Việc tiếp xúc trực tiếp với máu nhiễm bệnh, qua các hoạt động như:
- Truyền máu hoặc các chế phẩm từ máu chưa được sàng lọc.
- Sử dụng chung kim tiêm, dụng cụ y tế không được tiệt trùng.
- Tiếp xúc với máu qua các vết thương hở.
- Thực hiện các thủ thuật y khoa xâm lấn không đảm bảo vô trùng.
- Sử dụng chung các vật dụng cá nhân có thể dính máu như dao cạo râu, bàn chải đánh răng.
- Đường tình dục: Virus viêm gan B có mặt trong các dịch tiết sinh dục như tinh dịch và dịch âm đạo. Do đó, con đường lây nhiễm viêm gan B có thể là qua quan hệ tình dục không an toàn.
- Đường lây truyền viêm gan B có thể là từ mẹ sang con: Phụ nữ mang thai nhiễm viêm gan B có thể truyền virus cho thai nhi qua nhau thai hoặc trong quá trình sinh nở. Nguy cơ lây truyền cao nhất ở giai đoạn cuối thai kỳ.

3. Vợ bị viêm gan B có lây sang chồng không?
Nhiều người băn khoăn về liệu vợ bị viêm gan B có lây sang chồng không. Vợ hoặc chồng bị viêm gan B sẽ có nguy cơ lây nhiễm sang bạn đời của mình. Tuy nhiên, chúng ta có thể kiểm soát con đường lây nhiễm viêm gan B thông qua các biện pháp phòng ngừa.
Việc tiêm phòng vắc-xin viêm gan B, thực hiện các biện pháp an toàn, không sử dụng chung vật dụng cá nhân sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Nếu đã được tiêm phòng đầy đủ và duy trì hệ miễn dịch tốt, nguy cơ người chồng bị nhiễm bệnh sẽ giảm đáng kể.
Nếu bạn cần giải đáp thêm về con đường lây nhiễm viêm gan B, hãy đến các bệnh viện trong Hệ thống Y tế Vinmec để được kiểm tra và tư vấn chi tiết. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn luôn khỏe mạnh.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.