Dương tính với virus viêm gan B nên điều trị thế nào?

Mục lục

Dương tính với virus viêm gan B nên điều trị thế nào? Đây là câu hỏi thường gặp khi nhiều người mắc phải lo lắng về các biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan do căn bệnh này gây ra. Việc điều trị kịp thời, đúng phương pháp và kết hợp chế độ sinh hoạt lành mạnh không chỉ giúp kiểm soát bệnh hiệu quả mà còn đảm bảo sức khỏe lâu dài.

Bài viết này được tư vấn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Hỏi

Xin chào bác sĩ, tôi vừa đi kiểm tra và nhận kết quả dương tính với virus viêm gan B. Theo tôi tìm hiểu, nếu cơ thể khỏe mạnh sẽ có khả năng tự đào thải virus trong vòng 4 đến 6 tháng. Tuy nhiên, nếu sau 6 tháng xét nghiệm lại vẫn dương tính, cần xác định virus ở dạng hoạt động hay không hoạt động để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Vậy tôi có nên chờ sau 6 tháng để kiểm tra lại hay cần khám ngay để biết tình trạng virus đang ở dạng động hay tĩnh? Và dương tính với virus viêm gan B nên điều trị thế nào? Xin cảm ơn bác sĩ!

Câu hỏi khách hàng ẩn danh

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để trả lời câu hỏi bị viêm gan B nên điều trị thế nào, trước hết chúng ta cần xác định tình trạng bệnh xem đây là viêm gan B cấp tính hay mạn tính.

Nếu viêm gan B cấp tính, khoảng 95% trường hợp hệ miễn dịch có thể tự loại bỏ virus viêm gan B trong vòng 6 tháng mà không cần điều trị, chỉ có 5% chuyển sang viêm gan B mãn tính. Vì vậy, bạn cần kiểm tra lại sau 6 tháng để đánh giá tình trạng.

Nếu được xác định là viêm gan B mãn tính, bác sĩ sẽ phân loại:

  • Dạng không hoạt động: Không cần điều trị, nhưng cần theo dõi định kỳ.
  • Dạng hoạt động: Cần điều trị kháng virus theo hướng dẫn của bác sĩ.

Dưới đây là một số thông tin liên quan đến viêm gan B và phương pháp điều trị của bệnh mà mọi người có thể tham khảo qua.  

1. Tổng quan về viêm gan B

Viêm gan B hay còn gọi là viêm gan siêu vi B, là một bệnh truyền nhiễm do vi rút viêm gan B (HBV) gây ra. Bệnh có thể lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn và từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi rút sẽ tấn công và gây tổn thương các tế bào gan, làm suy giảm chức năng gan.

Ở một số trường hợp, viêm gan B chỉ xảy ra trong thời gian ngắn (được gọi là nhiễm trùng cấp tính) và sau khi hồi phục, cơ thể sẽ tạo được miễn dịch với vi rút. Tuy nhiên, ở nhiều người, vi rút có thể gây nhiễm trùng mạn tính kéo dài, dẫn đến nguy cơ cao bị xơ gan hoặc ung thư gan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.

2. Dương tính với virus viêm gan B nên điều trị thế nào?  

Theo Quyết định số 3310/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 29/07/2019, hướng dẫn điều trị viêm gan B bao gồm các nội dung chính sau đây:

2.1 Viêm gan B cấp tính

Viêm gan B cấp tính là tình trạng viêm gan do virus viêm gan B gây ra, thường gặp ở người trưởng thành. Điều may mắn là hơn 95% trường hợp người lớn nhiễm bệnh có thể tự hồi phục mà không cần điều trị bằng thuốc kháng virus. Tuy nhiên, việc chăm sóc và hỗ trợ điều trị đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục. Dưới đây là một số phương pháp hỗ trợ cho tình trạng cấp tính cần thực hiện:  

  • Người bệnh cần được nghỉ ngơi đầy đủ, tránh các hoạt động gắng sức hoặc lao động nặng nhọc sau khi phát hiện bệnh.  
  • Về chế độ ăn uống, cần kiêng rượu bia và hạn chế các thực phẩm nhiều chất béo để giảm gánh nặng cho gan. Trong các trường hợp bệnh nhân nôn ói nhiều hoặc không thể ăn uống, việc nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch sẽ được thực hiện để đảm bảo cơ thể nhận đủ dưỡng chất.
  • Người bệnh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc có chuyển hóa qua gan để tránh làm tình trạng gan xấu đi.  
  • Đối với các trường hợp bệnh diễn biến nặng, cần đảm bảo các chức năng sống quan trọng như hô hấp và tuần hoàn, đồng thời bác sĩ có thể chỉ định tiêm vitamin K1, điều chỉnh rối loạn đông máu, chống phù não hoặc thực hiện lọc huyết tương tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng.

Việc sử dụng thuốc kháng virus chỉ được cân nhắc trong những trường hợp đặc biệt như viêm gan B thể tối cấp hoặc viêm gan B cấp tính kèm theo ít nhất hai trong ba dấu hiệu sau: bệnh não gan, bilirubin toàn phần trong máu vượt quá 3 mg/dL (hoặc > 51 µmol/L) hoặc INR > 1,5. Ngoài ra, nếu bệnh kéo dài hơn 4 tuần và có bilirubin vẫn tăng, bác sĩ sẽ đánh giá và quyết định việc dùng thuốc kháng virus viêm gan B để hỗ trợ điều trị.  

2.2 Viêm gan B mạn tính

Việc điều trị viêm gan B mạn tính thường bắt đầu với nhóm thuốc kháng virus nucleot(s)ide analogues (NAs). Đây là phương pháp điều trị lâu dài và trong một số trường hợp có thể phải duy trì suốt đời. Để đạt hiệu quả kiểm soát bệnh, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định điều trị của bác sĩ.  

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, việc sử dụng thuốc kháng virus trong điều trị viêm gan B mạn tính dựa trên ba yếu tố chính: nồng độ ALT (enzyme Alanine Aminotransferase – một enzyme có chủ yếu trong tế bào gan), tải lượng HBV-DNA (tải lượng virus viêm gan B trong máu) và mức độ xơ hóa gan. Đánh giá xơ hóa gan có thể được thực hiện thông qua các phương pháp không xâm lấn hoặc sinh thiết, tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.

Đối với những trường hợp bệnh nhân viêm gan B không có xơ hóa gan, việc điều trị chỉ được chỉ định khi đáp ứng đủ hai tiêu chí: tổn thương tế bào gan và sự gia tăng sinh sôi của virus. Đặc biệt, phụ nữ mang thai và trẻ em – những đối tượng nhạy cảm – cần được xem xét kỹ lưỡng trước khi bắt đầu điều trị viêm gan B mạn tính. Trong những trường hợp này, cần loại trừ các yếu tố có thể gây tổn thương gan khác trước khi quyết định liệu trình điều trị phù hợp. 

Dương tính với virus viêm gan B nên điều trị thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: mức độ tổn thương gan, mức độ xơ hoá gan,...
Dương tính với virus viêm gan B nên điều trị thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: mức độ tổn thương gan, mức độ xơ hoá gan,...

2.3 Viêm gan B sau khi phơi nhiễm

Điều trị dự phòng sau khi phơi nhiễm với virus viêm gan B là biện pháp rất quan trọng để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh. Khi tiếp xúc với máu hoặc dịch thể của người nhiễm viêm gan B, nếu chưa từng tiêm vắc-xin, không chắc chắn về tình trạng tiêm phòng hoặc chưa có miễn dịch bảo vệ, cần phải tiêm HBIG (Globulin miễn dịch kháng viêm gan B) ngay lập tức, càng sớm càng tốt.

Hiệu quả của globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG) phụ thuộc vào thời gian tiêm sau khi phơi nhiễm với virus viêm gan B.

  • Nếu phơi nhiễm qua đường máu hoặc từ mẹ sang con, HBIG cần được tiêm trong vòng 7 ngày. Sau 7 ngày, hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm hoặc không còn tác dụng.
  • Nếu phơi nhiễm qua đường tình dục, HBIG cần được tiêm trong vòng 14 ngày. Sau thời gian này, biện pháp này sẽ không còn hiệu quả.

Vì vậy, việc tiêm HBIG kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm virus HBV.

2.4 Nhiễm đồng thời cả virus viêm gan B và viêm gan C

Viêm gan C là một bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan cao, đồng thời có khả năng gây tổn thương gan nghiêm trọng, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như xơ gan hoặc ung thư gan. Đặc biệt, trong trường hợp bệnh nhân đồng nhiễm cả viêm gan B và viêm gan C, việc điều trị cần được cá nhân hóa cũng như dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.

2.5 Điều trị biến chứng viêm gan B

Biến chứng phổ biến và nguy hiểm nhất của viêm gan B là xơ gan và ung thư gan. Theo thống kê:

  • Khoảng 30% người mắc viêm gan B mạn tính, đặc biệt nếu không được điều trị hoặc kiểm soát tốt, sẽ tiến triển thành xơ gan.
  • Trong số đó, 5-10% có nguy cơ phát triển thành ung thư gan.

Tại Việt Nam, hơn 60% các trường hợp ung thư gan có liên quan đến viêm gan B, cho thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu không được quản lý tốt.

Trong điều trị xơ gan giai đoạn đầu, mục tiêu chính là kiểm soát nguyên nhân gây bệnh, cụ thể là virus viêm gan B. Người bệnh thường được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc kháng virus để ngăn virus phát triển. Đồng thời, việc thay đổi lối sống như cai rượu bia, giảm cân và duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh giúp giảm áp lực lên gan và cải thiện chức năng gan.

Khi viêm gan B đã tiến triển thành ung thư gan, bác sĩ sẽ tiến hành hội chẩn với các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực như Ung bướu, Tiêu hóa và Mạch máu. Mục tiêu là xác định chính xác giai đoạn và loại ung thư để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, khi xơ gan tiến triển khiến gan mất khả năng hoạt động hoặc ung thư gan gây hậu quả nặng nề mà các phương pháp điều trị khác không còn hiệu quả, ghép gan có thể được xem xét như lựa chọn cuối cùng để cứu sống người bệnh.

Qua bài viết, chúng ta đã có câu trả lời rõ ràng cho thắc mắc: "dương tính với virus viêm gan B nên điều trị thế nào”. Tóm lại, việc điều trị viêm gan B đúng cách kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, phần lớn người bệnh vẫn có thể duy trì sức khỏe ổn định và đạt được tuổi thọ cao.

Bạn có thể đến các cơ sở y tế uy tín hoặc các bệnh viện trong hệ thống Y tế Vinmec để được bác sĩ chuyên môn thăm khám và tư vấn chi tiết, phù hợp với tình trạng cụ thể của bạn. Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi dương tính với virus viêm gan B nên điều trị thế nào đến Vinmec.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ