Viêm gan B mạn tính khi điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cần trao đổi kỹ với bác sĩ và tuân thủ phác đồ điều trị được đưa ra. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân nên tái khám đúng hẹn để theo dõi tình trạng và kiểm soát một số tác dụng phụ có thể xảy ra. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về các loại thuốc điều trị cũng như là lưu ý cần biết.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Khi nào thì điều trị viêm gan B mạn tính bằng thuốc?
Người bệnh được xác định nhiễm virus viêm gan B mạn tính dựa trên dấu hiệu sau:
- Người bệnh được chẩn đoán nhiễm virus viêm gan B mạn tính nếu có kết quả xét nghiệm kháng nguyên HBsAg dương tính kéo dài ít nhất 6 tháng hoặc kết quả xét nghiệm Anti-HBc IgG và HBsAg đều dương tính.
- Nồng độ AST và ALT tăng từng đợt hoặc liên tục trong 6 tháng.
- Có bằng chứng về tổn thương mô gan tiến triển thành xơ gan, được xác định thông qua sinh thiết gan, đo độ đàn hồi gan bằng phương pháp siêu âm Fibroscan hoặc qua chỉ số APRI và Fibrotest, không liên quan đến các nguyên nhân khác.
Trong nhiều trường hợp, người bệnh cần phải điều trị bằng thuốc suốt đời. Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc cho viêm gan B mạn tính khi người bệnh có các dấu hiệu sau:
- Nồng độ ALT tăng lên gấp đôi so với giá trị bình thường hoặc có bằng chứng xác nhận xơ hóa gan tiến triển hoặc xơ gan, bất kể mức nồng độ ALT hiện tại là bao nhiêu.
- Nồng độ HBV-DNA từ 20,000 IU/ml (tương đương 10^5 copies/ml) trở lên nếu HBeAg dương tính hoặc từ 2,000 IU/ml (tương đương 10^4 copies/ml) trở lên nếu HBeAg âm tính.
2. Viêm gan B mạn tính phải uống thuốc trong bao lâu? Các loại thuốc được chỉ định
Nhiều người quan tâm đến việc dùng thuốc nào và thời gian điều trị bao lâu khi nhiễm virus viêm gan. Điều trị viêm gan B mạn tính bằng thuốc không chỉ ức chế sự nhân lên của virus mà còn giúp ngăn ngừa và giảm nguy cơ tổn thương gan. Các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị bao gồm:
2.1 Peginterferon alfa 2-a
Đây là thuốc kích thích hệ miễn dịch tấn công virus viêm gan B, thường được chỉ định cho những người có chức năng gan còn tốt. Liệu trình điều trị kéo dài 48 tuần, mỗi tuần tiêm một lần. Người bệnh có thể gặp tác dụng phụ như sốt, đau khớp và đau cơ khi mới bắt đầu sử dụng thuốc nhưng các phản ứng này sẽ giảm dần theo thời gian.
2.2 Nhóm thuốc kháng virus viêm gan B
Nhóm thuốc kháng virus viêm gan B thường được chỉ định cho những người không thể sử dụng Peginterferon alfa 2-a hoặc có chức năng gan kém. Liệu trình điều trị với thuốc kháng virus thường yêu cầu uống hàng ngày. Thời gian điều trị phụ thuộc vào tải lượng virus và trong một số trường hợp, người bệnh viêm gan B cần phải uống thuốc suốt đời. Các thuốc kháng virus viêm gan B thường dùng bao gồm:
- Tenofovir disoproxil (Viread) và Tenofovir alafenamide (Vemlidy) là hai thuốc có tỷ lệ kháng thuốc thấp, thường được xem là lựa chọn hàng đầu trong điều trị cho người nhiễm HBV.
- Entecavir (Baraclude): Có hiệu quả tương tự Tenofovir và được biết đến với tỷ lệ kháng thuốc thấp.
- Telbivudine (Tyzeka hoặc Sebivo): Thường được xem là lựa chọn sau Tenofovir và Entecavir do ít gây tác dụng phụ. Liệu trình điều trị bằng Telbivudine có thể kéo dài từ 1 năm trở lên, tùy thuộc vào tải lượng virus và đáp ứng của người bệnh.
- Adefovir Dipivoxil (Hepsera): Giống như Telbivudine, thuốc này là lựa chọn thứ hai trong điều trị viêm gan B. Adefovir ít gây tác dụng phụ nhưng cần theo dõi chức năng thận trong suốt quá trình điều trị.
- Lamivudine (Epivir-HBV, Zeffix hoặc Heptadin): Sử dụng Lamivudine theo đúng liệu trình có thể cải thiện các triệu chứng lâm sàng, đưa nồng độ ALT về mức bình thường, mang lại kết quả mô học gan tốt và giảm đáng kể tải lượng virus. Tuy nhiên, tỷ lệ kháng thuốc với Lamivudine đang tăng lên, hiện ở mức khoảng 70%, khiến cho việc sử dụng không còn phổ biến như trước.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phối hợp thuốc trong điều trị viêm gan B mạn tính có thể mang lại hiệu quả cao hơn so với việc sử dụng thuốc đơn lẻ. Kết hợp chất tăng cường miễn dịch như Interferon pegylat với thuốc kháng virus Lamivudin thường cho kết quả tốt hơn khi sử dụng riêng lẻ từng loại.
Tuy nhiên, kết quả khi phối hợp hai loại thuốc kháng virus lại không nhất quán. Trong trường hợp sử dụng Lamivudin kết hợp với Adefovir cho những bệnh nhân đề kháng với Lamivudin, khoảng 80% người bệnh cho thấy phản ứng tích cực qua việc giảm tải lượng virus và 84% bệnh nhân có nồng độ ALT trở về mức bình thường.
Mặc dù kết hợp Lamivudin và Telbivudin cho thấy hiệu quả cao hơn so với việc sử dụng đơn lẻ Lamivudin nhưng lại không mang lại lợi ích vượt trội so với việc sử dụng riêng Telbivudin. Do những kết quả không nhất quán này, phương pháp phối hợp thuốc trong điều trị lâm sàng vẫn chưa được áp dụng rộng rãi.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị viêm gan B mạn tính
Trong điều trị viêm gan B mạn tính, việc tuân thủ chỉ định điều trị là vô cùng quan trọng, bao gồm các lần tái khám định kỳ và tuân theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đã đề ra. Thời gian điều trị cụ thể sẽ tùy thuộc vào tải lượng virus trong cơ thể người bệnh và mức độ đáp ứng với thuốc.
Dưới đây là một số điểm cần lưu ý khi người bệnh sử dụng thuốc trong điều trị:
- Liệu trình điều trị có thể kéo dài nhiều năm hoặc cần phải dùng thuốc suốt đời. Tuy nhiên, do lo ngại về chi phí và tác dụng phụ, nhiều người bệnh không theo đúng chỉ định mà tìm đến các phương pháp thay thế như thuốc Nam hoặc Đông y. Điều này có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và khi tái khám các tổn thương gan đã trở nên nặng nề, khó có thể khắc phục.
- Khi đang điều trị viêm gan B mạn tính, trước khi dùng bất kỳ loại thuốc bổ, vitamin hay thực phẩm chức năng nào, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị. Việc này cần thiết để tránh nguy cơ các sản phẩm này tương tác với thuốc điều trị, gây giảm hiệu quả điều trị hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh lý, từ đó gây hại cho gan.
- Tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ là rất quan trọng để theo dõi tình trạng bệnh, đáp ứng của người bệnh với phác đồ điều trị và sớm phát hiện các biến chứng như xơ gan, suy gan hay ung thư gan. Thực hiện đúng phác đồ điều trị và tái khám định kỳ giúp người bệnh viêm gan B mạn tính cải thiện sức khỏe và có thể sống cuộc sống bình thường như người khỏe mạnh.
- Điều trị viêm gan B bằng thuốc kháng virus có thể kèm theo một số tác dụng phụ. Để giảm thiểu các tác dụng này, người bệnh nên duy trì một lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống cân bằng, bao gồm việc tăng cường ăn trái cây tươi và thực phẩm giàu dinh dưỡng. Nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn và các món ăn có nhiều dầu mỡ để bảo vệ gan và hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả hơn.
Đa số bệnh nhân mắc viêm gan B mạn tính cần tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng virus lâu dài, đôi khi suốt đời. Điều trị này hiệu quả trong việc ngăn chặn sự nhân lên và hoạt động của virus, giảm nguy cơ tổn thương gan, làm chậm các biến chứng và hạn chế khả năng lây truyền virus sang người khác.

Bên cạnh đó, việc điều trị bằng thuốc kháng virus - hoạt động bằng cách ức chế sự sao chép của virus, có thể dẫn đến sự quay trở lại hoạt động của virus khi ngừng thuốc, tăng nguy cơ kháng thuốc. Do đó, quyết định ngưng thuốc phải do bác sĩ chuyên môn dựa trên tình trạng và phản ứng của người bệnh. Dù có thể ngưng thuốc, người bệnh vẫn cần tái khám thường xuyên do nguy cơ tái phát bệnh cao.
Việc ngừng thuốc ức chế sao chép HBV dạng uống được cân nhắc bởi bác sĩ dựa trên các tiêu chí sau:
- Đối với trường hợp xét nghiệm HBeAg dương tính: Người bệnh có chuyển đổi huyết thanh HBeAg và HBV – DNA không phát hiện sau 6 – 12 tháng điều trị;
- Đối với trường hợp xét nghiệm HBeAg âm tính: Nồng độ HBV – DNA không phát hiện trong ba lần xét nghiệm liên tiếp, mỗi lần cách nhau 6 tháng.
4. Các biện pháp phòng ngừa
Ngoài việc điều trị viêm gan B mạn tính ra thì phòng ngừa là điều rất quan trọng. Các cách phòng ngừa dưới đây giúp hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra:
- Không được tiếp xúc với máu hoặc dịch của người bệnh viêm gan B tiết ra.
- Sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ.
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân và kim tiêm.
- Không tiêu thụ quá nhiều rượu bia và hút thuốc lá để bảo vệ gan khỏi những tổn thương do chất kích thích gây ra.
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến gan, đặc biệt là viêm gan B.
- Xây dựng và tuân thủ chế độ ăn lành mạnh, thói quen sống khoa học.
- Tuân thủ theo liệu trình điều trị của bác sĩ đưa ra để tránh các biến chứng nguy hiểm.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B để tránh nhiễm bệnh, đặc biệt là trẻ em, người có bệnh lý mạn tính khác và người chưa có kháng thể chống lại HBV.

Tóm lại, trong giai đoạn bị viêm gan B mạn tính, người bệnh thường phải uống thuốc suốt đời. Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc khi người bệnh có các dấu hiệu như mức ALT tăng gấp đôi so với giá trị bình thường hoặc khi có bằng chứng xác nhận gan đã bị xơ hóa tiến triển, bất kể mức độ ALT hiện tại là bao nhiêu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.