Gây mê nội khí quản trong mổ nội soi u nang buồng trứng mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân. Bằng cách kiểm soát hoàn toàn quá trình hô hấp, phương pháp này giúp đảm bảo an toàn tối đa cho bệnh nhân trong suốt ca mổ. Bên cạnh đó, nhờ vào kỹ thuật mổ nội soi, các vết mổ nhỏ hơn, ít để lại sẹo và giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng hơn.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Bác sĩ Gây mê hồi sức, giảm đau - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. U nang buồng trứng là gì?
U nang buồng trứng là gì? U nang buồng trứng là những khối u lành tính hình thành trong hoặc trên buồng trứng. Chúng có kích thước khác nhau, từ vài milimet đến vài centimét và thường chứa dịch bên trong.
Phần lớn u nang buồng trứng không gây ra triệu chứng và tự tiêu biến. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe như rối loạn kinh nguyệt, đau bụng và thậm chí là vô sinh. Một loại u nang buồng trứng thường gặp là u nang liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), gây ra bởi sự mất cân bằng nội tiết tố.
2. Gây mê nội khí quản trong mổ nội soi u nang buồng trứng là gì?
Kỹ thuật gây mê nội khí quản trong phẫu thuật nội soi u nang buồng trứng là một phương pháp gây mê toàn thân. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ đặt ống nội khí quản vào đường thở của bệnh nhân để kiểm soát hô hấp, đảm bảo cung cấp oxy liên tục và an toàn suốt ca mổ. Phương pháp này cũng hỗ trợ tốt trong giai đoạn hồi sức sau phẫu thuật, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn.
3. Phẫu thuật nội soi u nang buồng trứng khi nào?
Phẫu thuật nội soi buồng trứng thường được áp dụng cho phụ nữ gặp các tình trạng sau:
- Nang xuất hiện ở cả hai buồng trứng.
- Kích thước nang lớn hơn 7,6 cm.
- Nang không tự tiêu biến hoặc tiếp tục phát triển sau 2-3 tháng theo dõi.
- Siêu âm cho thấy không phải là nang cơ năng.
- Không thể xác định rõ u nang là nang cơ năng hay nang thực thể.
- Các khối u nang thực thể cần được phẫu thuật trong mọi tình huống.
- Nghi ngờ có dấu hiệu u nang buồng trứng ác tính.
- U nang xuất hiện ở phụ nữ đã mãn kinh hoặc không còn ý định sinh con.

4. Chỉ định và chống chỉ định của gây mê nội khí quản
Trong những tình huống dưới đây, phương pháp gây mê nội khí quản được lựa chọn:
- Tiến hành phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân bị u nang buồng trứng.
- Việc kiểm soát hô hấp bằng mặt nạ không khả thi.
- Cần sử dụng thuốc mê đường hô hấp để duy trì trạng thái mê.
Những trường hợp không nên tiến hành gây mê nội khí quản bao gồm:
- Khi bệnh nhân chưa đồng ý.
- Thiếu các thiết bị hoặc phương tiện cần thiết cho gây mê và hồi sức.
- Kỹ thuật viên chưa thành thạo kỹ thuật thực hiện.
- Bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc đường tiêu hóa.
- Bệnh nhân mắc viêm thanh quản cấp tính hoặc ung thư thanh quản.
- Bệnh nhân bị lao thanh quản ở giai đoạn nặng.

5. Các biến chứng trong gây mê nội khí quản
Trong quá trình sử dụng phương pháp gây mê nội khí quản trong mổ nội soi u nang buồng trứng, có thể phát sinh các biến chứng sau:
- Rụng răng: Cần nhanh chóng lấy răng ra và dùng gạc để cầm máu.
- Đặt sai vị trí ống nội khí quản vào thực quản: Biểu hiện gồm mất tiếng rì rào phế nang, thượng vị bị phồng hoặc nghe thấy âm thổi tại vùng này khi bóp bóng. Để xử lý, cần rút ống ra, đảm bảo da và niêm mạc của bệnh nhân trở lại bình thường thông qua bóp bóng, sau đó thử đặt lại ống.
- Đặt ống nội khí quản vào một bên phổi: Tiếng rì rào phế nang chỉ phát hiện ở một bên phổi, lúc này cần rút ống nội khí quản ra khoảng 1-2 cm, sau đó kiểm tra lại bằng cách nghe phổi.
- Ngừng tim do phản xạ: Quan sát thấy đường điện tim trở thành đường thẳng, cần tiến hành đấm mạnh vào vùng trước tim từ 3 đến 5 lần. Nếu tim vẫn không đập trở lại, phải thực hiện các biện pháp cấp cứu ngừng tim và phổi ngay lập tức.
- Co thắt thanh khí phế quản: Triệu chứng là tím tái và xuất hiện tiếng thở rít. Hướng xử trí là tiêm tĩnh mạch aminophylin liều 5 mg/kg và solumedrol liều 40 mg.
- Khi ống nội khí quản bị tắc nghẽn hoặc đầu ống chạm vào thành khí quản hoặc khi đờm, máu gây tăng áp lực đường thở, máy gây mê sẽ báo động. Cách xử lý: Điều chỉnh lại vị trí đầu của bệnh nhân nếu ống bị lún sâu, hút sạch đờm, máu trong lòng ống nội khí quản nếu có tắc nghẽn.
- Viêm phổi do hít phải dịch vị có thể dẫn đến suy hô hấp ở bệnh nhân với hình ảnh tổn thương lan rộng ở cả hai phế trường trên phim X-quang. Hướng điều trị: Rửa đường hô hấp bằng dung dịch natri bicarbonat 1%, sử dụng kháng sinh, tiêm solumedrol 40 mg và hỗ trợ thở máy.

6. Mổ nội soi u nang buồng trứng mất bao lâu và có đau không?
Mổ nội soi u nang buồng trứng mất bao lâu? Thời gian thực hiện phẫu thuật nội soi bóc u buồng trứng thường dao động từ 30 đến 60 phút. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, như bệnh nhân đã từng phẫu thuật trước đó hoặc khối u bị dính, thời gian mổ có thể kéo dài hơn.
Phẫu thuật nội soi u nang buồng trứng được đánh giá cao nhờ tính xâm lấn tối thiểu, giúp giảm đau so với mổ hở, rút ngắn thời gian hồi phục và mang lại tính thẩm mỹ cao. Với phương pháp này, bệnh nhân thường có thể trở lại sinh hoạt bình thường sau khoảng 2-4 tuần tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng sức khỏe.
Còn về câu hỏi "Mổ nội soi u nang buồng trứng có đau không?" thì câu trả lời là ít đau hơn nhiều so với mổ hở, nhưng không hoàn toàn không đau. Bệnh nhân vẫn có thể cảm thấy khó chịu nhẹ ở vùng mổ hoặc do tác động của khí CO2 được sử dụng trong quá trình phẫu thuật.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang triển khai phương pháp điều trị u nang buồng trứng tiên tiến bằng công nghệ phẫu thuật nội soi robot. Kỹ thuật này mang lại nhiều lợi thế vượt trội so với các phương pháp truyền thống:
- Xâm lấn tối thiểu.
- Giảm đau.
- Phục hồi nhanh chóng.
- Người bệnh có thể xuất viện chỉ sau 2 ngày.
- Đảm bảo độ an toàn cao, ít gặp biến chứng.
- Không để lại sẹo ở bụng.
- Giảm tác động đến sức khỏe sinh sản.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.