Gãy xương khuỷu tay bao lâu thì lành là câu hỏi thường gặp sau khi gặp chấn thương ở khuỷu tay. Thời gian phục hồi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, phương pháp điều trị và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Thông thường, quá trình lành xương có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Gãy xương khuỷu tay là gì?
Gãy xương khuỷu tay là tình trạng gãy 1 hoặc nhiều xương ở khu vực khuỷu tay. Khu vực này sẽ có ba xương khác nhau: xương trụ, xương quay và xương cánh tay. Gãy xương có thể khiến cho người bệnh đau đớn và thậm chí không thể nào cử động.

Gãy xương khuỷu tay có thể gây ra tình trạng tổn thương xương và cấu trúc của khuỷu tay. Qua đó, các chức năng và chuyển động cũng bị ảnh hưởng theo, ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt của bệnh nhân.
Ở trẻ nhỏ, gãy xương khuỷu tay còn ảnh hưởng tới sự phát triển của xương. Trẻ càng nhỏ tuổi, nguy cơ bị vẹo xương do gãy xương khuỷu tay càng lớn. Vì thế, việc biết cách sơ cứu và điều trị có thể giúp ích rất nhiều khi xảy ra gãy xương.
Nhìn chung, gãy xương khuỷu tay có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Đặc biệt, trẻ em có nguy cơ bị gãy xương khuỷu tay nhiều hơn so với người lớn.

2. Điều trị gãy xương khuỷu tay
Trước khi tìm câu trả lời cho gãy xương khuỷu tay bao lâu thì lành, người bệnh nên biết về cách sơ cứu và điều trị. Từ đó, bệnh nhân sẽ có cái nhìn tổng quát hơn khi vấn đề xảy ra.
Khi bị gãy xương khuỷu tay, các bác sĩ sẽ sơ cứu khẩn cấp bằng nẹp. Điều này sẽ giúp cố định lại khu vực bị gãy. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng có thể sử dụng một số cách như sau:
- Chườm lạnh để giảm tình trạng phù nề, sưng.
- Sử dụng thuốc giảm đau như naproxen, paracetamol, ibuprofen,...
Một số loại thuốc có thể được tiêm trực tiếp vào cơ hoặc tĩnh mạch của người bệnh. Tiêm thuốc sẽ được áp dụng đối với những cơn đau từ trung bình cho đến nặng. Đôi lúc, thuốc sẽ được đưa trực tiếp vào khuỷu tay bị gãy.

Khi sơ cứu xong, các bác sĩ sẽ đánh giá chấn thương của người bệnh, giúp bác sĩ nhận định tình trạng có nên phẫu thuật hay không. Đối với những trường hợp gãy nhẹ, xương không di lệch, thường sẽ không cần phẫu thuật. Người bệnh sẽ được cố định vết thương bằng nẹp và tiến hành bó bột để xương liền lại.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần khám định kỳ để theo dõi tình trạng của xương để đảm bảo các mảnh xương gãy không bị di chuyển ra khỏi vị trí ban đầu. Nếu như có mảnh xương gãy di chuyển ra khỏi vị trí, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật. Lúc này, các bác sĩ sẽ ghép hoặc chỉnh sửa các mảnh xương sao cho đúng vị trí.
Trường hợp gãy xương khuỷu tay nặng, đặc biệt là gãy xương hở, cần can thiệp phẫu thuật sớm để tránh tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Sau khi trải qua điều trị, bệnh nhân cần thực hiện phục hồi chức năng để giảm thiểu tình trạng cứng khớp xảy ra trong quá trình xương lành. Các bác sĩ và chuyên viên y tế sẽ hướng dẫn bệnh nhân một số bài tập cải thiện, người bệnh có thể tự luyện tập tại nhà để cải thiện tình trạng.
Bệnh nhân gãy xương khuỷu tay không nên dùng tay bị chấn thương để nâng, đẩy hoặc kéo vật nặng. Điều này có thể khiến cho tình trạng gãy xương nghiêm trọng thêm.
3. Gãy xương khuỷu tay bao lâu thì lành?
Phương pháp điều trị, cơ địa và mức độ gãy sẽ ảnh hưởng tới thời gian lành vết thương. Trung bình, xương sẽ lành hẳn sau khoảng 6 tuần. Sau đó, người bệnh có thể tập luyện nhẹ nhàng và hồi phục chức năng.
Người bệnh có thể sinh hoạt như bình thường sau khoảng 4 tháng kể từ lúc gãy xương. Tuy nhiên, đa phần sẽ mất hơn 1 năm để tay bị gãy xương hoạt động như bình thường.
Nếu người bệnh thấy xương tay của mình đã lành lặn trên phim chụp X-quang nhưng cảm giác vận động vẫn chưa giống như trước, đừng quá lo lắng. Tình trạng này có thể được cải thiện dần theo thời gian. Vì thế, bệnh nhân cần thường xuyên tập luyện vật lý trị liệu để đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Mặc dù không thể ngăn ngừa tình trạng gãy xương nhưng hạn chế gãy xương là điều có thể. Người bệnh có thể hạn chế nguy cơ bị gãy xương bằng cách:
- Tập luyện và điều chỉnh tư thế chính xác cho các môn thể thao tham gia.
- Bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin D và canxi để giúp xương chắc khoẻ.
- Tập luyện thể thao thường xuyên nhằm tăng cường sức khoẻ cho xương, khớp.
- Mang các thiết bị bảo hộ khớp, khuỷu tay khi tham gia các môn thể thao.
Quá trình lành xương khuỷu tay đòi hỏi sự kiên nhẫn và chăm sóc cẩn thận. Hiểu rõ thời gian phục hồi và những yếu tố ảnh hưởng giúp người bệnh có kế hoạch điều trị, phục hồi tốt hơn. Mặc dù thời gian lành xương có thể kéo dài, việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, thực hiện các bài tập phục hồi chức năng và theo dõi sát sao sẽ giúp quá trình lành xương diễn ra thuận lợi. Hãy luôn giữ tinh thần lạc quan và kiên trì để đạt được kết quả tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.