Tại sao bị hội chứng ruột kích thích là câu hỏi được nhiều người đặt ra, vì đây là một rối loạn chức năng thường gặp ở đường tiêu hóa, đặc biệt ảnh hưởng đến đại tràng. Các triệu chứng như đau bụng, co thắt ruột, trướng bụng, đầy hơi, rối loạn nhu động ruột dẫn đến táo bón hoặc tiêu chảy. Hội chứng này gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích (IBS - Irritable Bowel Syndrome), hay còn gọi là viêm đại tràng co thắt, là một rối loạn chức năng của đại tràng, đặc trưng bởi sự tái phát các triệu chứng tiêu hóa mà không phát hiện tổn thương thực thể nào về mặt giải phẫu, sinh hóa hay cấu trúc của ruột khi khám sức khỏe. Tuy không đe dọa đến tính mạng, hội chứng này ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, gây lo lắng kéo dài và suy nhược cơ thể. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Đau bụng : Thường xuất hiện sau khi ăn, chủ yếu ở vùng bụng dưới hoặc hố chậu trái, cơn đau có xu hướng giảm sau khi trung tiện hoặc đại tiện.
- Tiêu chảy: Đi ngoài 3 - 5 lần/ngày, phân nát hoặc lỏng, đôi khi lẫn chất nhầy nhưng không có máu.
- Táo bón: Phân khô, lượng ít, đôi khi có chất nhầy và có thể xen kẽ với tiêu chảy.
- Chướng bụng: Tình trạng chướng bụng trở nên tăng nặng vào ban ngày, đặc biệt sau bữa trưa và giảm bớt vào ban đêm.

Trong phần lớn các trường hợp, IBS là một bệnh lý mãn tính. Các triệu chứng có thể thuyên giảm, trở nên nghiêm trọng hơn hoặc tạm thời biến mất, nhưng thường tái phát sau một thời gian.
2. Tại sao bị hội chứng ruột kích thích?
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra IBS vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy rối loạn tương tác giữa não bộ và đường tiêu hóa có thể làm xuất hiện những cơn co thắt bất thường ở đại tràng, dẫn đến các triệu chứng như tiêu chảy hoặc táo bón. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích do đại tràng có độ nhạy cảm cao bất thường.
Các yếu tố có thể làm khởi phát hội chứng ruột kích thích:
2.1 Thực phẩm
Một số loại thực phẩm có thể làm triệu chứng nặng hơn, bao gồm:
- Rau họ cải (bắp cải, bông cải xanh).
- Sữa và các sản phẩm từ sữa.
- Sô-cô-la, gia vị cay, các loại đậu.
- Đồ uống có ga, rượu bia.
2.2 Căng thẳng tâm lý
- Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích thường nặng hơn khi người bệnh trong các giai đoạn căng thẳng tâm lý hoặc áp lực.
- Căng thẳng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra IBS nhưng có thể làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
2.3 Nội tiết tố
- Phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích cao gấp đôi nam giới, có thể do ảnh hưởng từ nội tiết tố.
- Nhiều bệnh nhân nữ nhận thấy triệu chứng trở nên nặng hơn trong hoặc xung quanh chu kỳ kinh nguyệt.
2.4 Một số bệnh lý khác
- Nhiễm trùng đường tiêu hóa (như viêm dạ dày ruột)
- Loạn khuẩn đường ruột.
Những nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc hội chứng ruột kích thích:
- Người trẻ tuổi: Bệnh thường gặp nhất ở người dưới 45 tuổi.
- Phụ nữ: Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao gấp đôi nam giới.
- Người có tiền sử gia đình mắc IBS: Điều này có thể liên quan đến gen hoặc các yếu tố sinh hoạt trong gia đình.
- Người có vấn đề sức khỏe tâm thần: Những người từng trải qua trầm cảm, lo âu, tiền sử lạm dụng tình dục, bạo hành gia đình… có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

3. Các phương pháp chẩn đoán
Khi người bệnh có các thay đổi bất thường trong thói quen đi tiêu hoặc xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ IBS, cần chủ động đi khám sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc chẩn đoán IBS chủ yếu dựa vào khai thác bệnh sử và khám lâm sàng, từ đó làm rõ lý do tại sao bị hội chứng ruột kích thích do bệnh không gây tổn thương thực thể rõ ràng.
Các tiêu chí chẩn đoán chính:
3.1 Tiêu chí Rome
- Triệu chứng hội chứng ruột kích thích chính là đau bụng hoặc khó chịu ở bụng, xảy ra ít nhất 3 ngày mỗi tháng và kéo dài trong 3 tháng gần đây.
Kết hợp với ít nhất 2 trong các biểu hiện sau:
- Tăng hoặc giảm số lần đại tiện.
- Thay đổi hình dạng hoặc độ đặc của phân (phân lỏng, nát, hoặc rắn).
3.2 Tiêu chí Manning
Tập trung vào các biểu hiện sau:
- Đau bụng giảm sau khi đi tiêu.
- Cảm giác đi tiêu không hết phân.
- Sự hiện diện của chất nhầy trong phân.
- Thay đổi độ đặc của phân.
Số lượng triệu chứng càng nhiều thì khả năng mắc IBS càng cao.
Nếu bệnh nhân có các triệu chứng dưới đây bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm và kiểm tra bổ sung:
- Khởi phát bệnh sau 50 tuổi.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Sốt, chảy máu trực tràng.
- Buồn nôn hoặc nôn ói kéo dài.
- Đau bụng dữ dội, tiêu chảy kéo dài.
- Thiếu máu do thiếu sắt.
Các phương pháp kiểm tra bổ sung bao gồm:
- Chẩn đoán hình ảnh: Nội soi đại tràng sigma bằng ống mềm, nội soi đại tràng toàn bộ, chụp X-quang hoặc CT.
- Kiểm tra hơi thở
- Xét nghiệm không dung nạp lactose.
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm phân

4. Phương pháp điều trị
Do chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra IBS, phương pháp điều trị chủ yếu tập trung vào việc giảm nhẹ triệu chứng, giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống. Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng nhẹ có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và giảm căng thẳng. Đối với trường hợp trung bình hoặc nghiêm trọng, người bệnh có thể cần điều trị bằng thuốc. Các phương pháp điều trị cụ thể bao gồm:
4.1. Thay đổi chế độ dinh dưỡng
- Loại bỏ gluten: Tránh các thực phẩm chứa gluten như lúa mì, lúa mạch và các sản phẩm chế biến từ lúa mì.
- Hạn chế nhóm thực phẩm FODMAPs: Giảm tiêu thụ các loại ngũ cốc, trái cây, rau củ và chế phẩm từ sữa.
- Bổ sung chất xơ: Tăng dần lượng chất xơ từ ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ và các loại đậu hoặc sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ.
- Tránh thực phẩm kích thích: Hạn chế rượu, sô-cô-la, cà phê, nước ngọt, kẹo cao su và các sản phẩm từ sữa nếu gây triệu chứng.
- Ăn uống điều độ: Không bỏ bữa, ăn đúng giờ hàng ngày và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp trong mỗi bữa ăn.
4.2. Sử dụng thuốc
- Thuốc điều trị táo bón
- Thuốc điều trị tiêu chảy
- Thuốc chống co thắt đại tràng
- Thuốc chống trầm cảm

4.3. Liệu pháp tâm lý
Nếu căng thẳng hoặc trầm cảm làm trầm trọng thêm các triệu chứng, do đó bệnh nhân có thể lựa chọn liệu pháp tư vấn tâm lý.
4.4. Điều trị tại nhà
- Uống nhiều nước: Giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru và giảm nguy cơ táo bón.
- Tập thể dục thường xuyên: Hỗ trợ cải thiện chức năng tiêu hóa và giảm căng thẳng.
- Sử dụng thuốc cẩn trọng: Hạn chế lạm dụng thuốc nhuận tràng và thuốc chống tiêu chảy
Việc điều trị IBS cần phối hợp nhiều phương pháp và sự tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần được theo dõi thường xuyên để điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe.
5. Biện pháp phòng ngừa
Sau khi đã hiểu rõ tại sao bị hội chứng ruột kích thích, mọi người nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa và ngăn ngừa các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa là yếu tố quan trọng hàng đầu. Do nguyên nhân gây ra hội chứng này chưa được xác định chính xác, nên cần duy trì hệ tiêu hóa trong trạng thái ổn định để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý và thói quen sống khoa học đóng vai trò thiết yếu trong việc phòng tránh IBS cũng như các bệnh tiêu hóa khác. Dưới đây là các khuyến nghị cụ thể:
- Không bỏ bữa và duy trì ăn uống điều độ: Tránh bỏ bữa hoặc ăn uống thất thường, vì điều này có thể gây rối loạn hoạt động tiêu hóa.
- Ăn chậm, nhai kỹ: Hạn chế ăn quá nhanh để giảm áp lực lên dạ dày và đường ruột.
- Tránh thực phẩm không lành mạnh: Hạn chế tiêu thụ các món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, thực phẩm đóng hộp hoặc chế biến sẵn.
- Hạn chế sử dụng rượu bia và nước ngọt có ga: Những loại đồ uống này có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và ruột.
- Kiểm soát lượng trái cây chứa nhiều fructose: Một số loại trái cây có hàm lượng fructose cao nên được tiêu thụ ở mức vừa phải, không nên vượt quá 240g mỗi ngày.
Hội chứng ruột kích thích không gây nguy hiểm nghiêm trọng đến tính mạng nhưng có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần chủ động đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, việc hiểu rõ tại sao bị hội chứng ruột kích thích, điều chỉnh chế độ ăn uống, thay đổi thói quen sinh hoạt phù hợp và giảm căng thẳng tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị hội chứng này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.