Hiểu về rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh

Mục lục

Rối loạn kinh nguyệt tuổi tiền mãn kinh là vấn đề mà gần như tất cả phụ nữ sẽ phải trải qua. Bước vào giai đoạn này, cơ thể của chị em sẽ có nhiều sự thay đổi về sức khoẻ sinh lý và cả tâm trạng. Mỗi sự thay đổi đều khiến cho phụ nữ lo lắng không yên. Vậy, rối loạn kinh nguyệt trong thời kỳ tiền mãn kinh là gì và làm sao để khắc phục tình trạng này.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Rối loạn kinh nguyệt tuổi tiền mãn kinh là gì?

Tiền mãn kinh là thời điểm trước khi phụ nữ bước sang giai đoạn mãn kinh thật sự. Ở thời điểm này, cơ thể của phụ nữ sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng bất thường. Các dấu hiệu này có thể kéo dài trong vài tháng hoặc thậm chí vài năm, tính từ kỳ kinh nguyệt cuối cùng.

Khi bước sang giai đoạn này, cơ thể phụ nữ sẽ có những sự thay đổi về tâm sinh lý và cả tâm trạng. Các dấu hiệu và thay đổi này có thể khiến bệnh nhân trở nên lo lắng không yên.  

Một trong những khó chịu mà các chị em nhận thấy trong giai đoạn tiền mãn kinh là tình trạng rối loạn kinh nguyệt với các biểu hiện như:

  • Kỳ kinh nguyệt có thể đến sớm hoặc muộn.
  • Số ngày hành kinh bất thường, có thể ngắn hoặc dài.
  • Lượng máu kinh thay đổi, có thể ra nhiều hoặc nhỏ giọt. Nhiều người có máu kinh ra nhiều, thấm qua cả băng vệ sinh. Nếu ra ít, thậm chí người bệnh không cần dùng đến băng vệ sinh.
  • Chu kỳ kinh nguyệt trở nên thưa hơn: Có thể 2-3 tháng mới xuất hiện kinh nguyệt thay vì 28 ngày như bình thường.
  • Mất kinh nguyệt trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh cũng có thể gặp một số tình trạng như: dễ bốc hỏa, đổ mồ hôi nhiều, mất ngủ, khó ngủ, tâm trạng thay đổi thất thường, dễ nổi giận vô cớ, làn da sạm đen, đau đầu hay chóng mặt.

2. Rối loạn kinh nguyệt tuổi tiền mãn kinh có nguy hiểm không?

Theo các chuyên gia, rối loạn kinh nguyệt tuổi tiền mãn kinh là tình trạng phổ biến và không đáng lo ngại. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, tình trạng này có thể là sự cảnh báo cho một số bệnh lý như:

Người bệnh nên đến bệnh viện để thăm khám và lên phác đồ điều trị khi xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Chảy máu nhiều một cách bất thường trong kì kinh. Người bệnh có thể thay nhiều hơn 1 miếng băng vệ sinh trong 1 giờ.
  • Có kinh thường xuyên hơn 3 tuần một lần.
  • Kỳ kinh nguyệt của người bệnh dài hơn bình thường.
  • Chảy máu khi quan hệ tình dục hoặc trong thời gian giữa các kỳ kinh nguyệt.
  • Chảy máu trở lại khi ngưng hành kinh trong 12 tháng liên tục.
  • Đau dữ dội ở vùng bụng và xương chậu khi có kinh nguyệt.

3. Các biện pháp khắc phục rối loạn kinh nguyệt tuổi tiền mãn kinh

Rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh nói riêng và các triệu chứng khác trong giai đoạn này nói chung sẽ gây suy giảm chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Vì thế, việc thực hiện các biện pháp khắc phục như tập luyện, ăn uống hay cải thiện tâm trạng sẽ giúp giảm thiểu sự khó chịu mà tình trạng rối loạn kinh nguyệt gây ra. Dưới đây là một số gợi ý giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống trong giai đoạn tiền mãn kinh. 

Rối loạn kinh nguyệt tuổi tiền mãn kinh sẽ làm suy giảm chất lượng cuộc sống của phụ nữ.
Rối loạn kinh nguyệt tuổi tiền mãn kinh sẽ làm suy giảm chất lượng cuộc sống của phụ nữ.

3.1 Thiết lập chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh

Một chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh trải qua giai đoạn tiền mãn kinh một cách nhẹ nhàng và dễ chịu hơn. Vì vậy, phụ nữ cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất có lợi cho sức khỏe trong giai đoạn này.  

Omega 3omega 6 là những chất rất cần thiết khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Các chất này có thể được tìm thấy trong một số thực phẩm như rong biển, dầu mè, hạt hướng dương hay đậu nành.

Ngoài ra, phụ nữ tiền mãn kinh có thể tăng cường hấp thụ trái cây tươi và rau có màu xanh. Đây là các thực phẩm nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, góp phần cải thiện sức đề kháng, chống lão hoá và làm đẹp da. Một số loại rau xanh được khuyến nghị sử dụng như súp lơ, rau chân vịt, khoai lang, ớt chuông và xà lách.

Không chỉ thế, chất đạm cũng không thể nào bỏ qua trong các bữa ăn hàng ngày. Đây là một thành phần có tác dụng làm giảm lượng cholesterol xấu hấp thu vào máu. Từ đó, chất đạm giúp hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và cao huyết áp. Một số thực phẩm giàu chất đạm có thể kể tên như thịt gà và cá hồi.

Bên cạnh các thực phẩm lành mạnh, người bệnh cũng nên tránh xa hoặc hạn chế các thực phẩm có tác động xấu đến sức khoẻ. Có thể kể đến như đường, đồ ngọt, các chất kích thích hoặc đồ uống có cồn.

3.2 Sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần thoải mái, lạc quan

Triệu chứng rối loạn kinh nguyệt tuổi tiền mãn kinh sẽ trở nên trầm trọng hơn khi người bệnh làm việc quá sức, căng thẳng, mệt mỏi và không nghỉ ngơi đủ. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo rằng phụ nữ nên có sự cân bằng trong sinh hoạt.

Có kế hoạch làm việc hợp lý, phân bổ thời gian ngủ nghỉ phù hợp sẽ giúp tinh thần và sức khoẻ của người bệnh được phục hồi. Qua đó, tâm trạng cũng sẽ trở nên tốt hơn và thoải mái hơn.

Những phụ nữ đang ở giai đoạn tiền mãn kinh nên hạn chế tối đa lo âu và stress kéo dài. Một số hoạt động có thể giảm stress và lo âu bao gồm yoga, thiền, đọc sách, sinh hoạt ở các câu lạc bộ, đi bộ.

3.3 Duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày

Bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ không cần phải tập thể dục ở cường độ cao. Thay vào đó, nên duy trì các hoạt động thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, chạy chậm, bơi lội hoặc yoga.

Các bài tập này sẽ giúp phụ nữ duy trì cân nặng, có một cơ thể dẻo dai, vóc dáng đẹp và giữ được tâm trạng thoải mái, ít lo âu.

3.4 Ngủ đủ giấc

Mất ngủ sẽ khiến phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh cảm thấy mệt mỏi. Bên cạnh đó, mất ngủ cũng khiến cho nội tiết tố trong cơ thể của người bệnh bị rối loạn. Vì vậy, việc ngủ đủ giấc sẽ góp phần giúp phụ nữ cải thiện được tình trạng rối loạn kinh nguyệt.

Do đó, phụ nữ ở thời điểm tiền mãn kinh nên ngủ sớm, dậy sớm và tập thể dục. Trong trường hợp mất ngủ kéo dài, người bệnh có thể dùng các biện pháp cải thiện giấc ngủ. Uống trà sen, trà gừng là một số biện pháp dân gian giúp cải thiện giấc ngủ cho người bệnh.

Bên cạnh đó, bệnh nhân nên tránh dùng các loại thuốc ngủ và thuốc an thần vì dễ gây ra các ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

Hy vọng, những thông tin mà Vinmec vừa cung cấp đã giúp các chị em phụ nữ hiểu rõ hơn về tình trạng rối loạn kinh nguyệt tuổi tiền mãn kinh. Từ đó, người bệnh có thể trải qua giai đoạn này một cách dễ chịu và thoải mái. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ