Kết quả xét nghiệm HBsAg dương tính nhưng không có triệu chứng có phải viêm gan B giai đoạn đầu không được nhiều người bệnh quan tâm. Thông thường, bệnh lý này có thể không biểu hiện triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, các triệu chứng như mệt mỏi, sụt cân, rối loạn tiêu hóa và sốt nhẹ có thể xuất hiện ở một số người.
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Tú - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Nội tổng hợp. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bác sĩ! Em đi xét nghiệm HBsAg miễn dịch tự động cho kết quả dương tính, mà trong cơ thể em từ trước đến nay không có dấu hiệu hay triệu chứng nào của viêm gan B. Vậy bác sĩ cho em hỏi, kết quả xét nghiệm HBsAg dương tính nhưng không có triệu chứng có phải mắc viêm gan B giai đoạn đầu không ạ? Rất mong bác sĩ tư vấn, cảm ơn bác sĩ!
Câu hỏi ẩn danh
Chào bạn, bác sĩ xin được giải đáp câu hỏi: “Kết quả xét nghiệm HBsAg dương tính nhưng không có triệu chứng có phải mắc viêm gan B giai đoạn đầu không?” như sau:
Muốn biết được bạn mắc viêm gan giai đoạn nào còn cần thêm một số xét nghiệm khác mới đánh giá được. Nếu chỉ có HBsAg dương tính chỉ nói lên bạn có nhiễm virus viêm gan B.
Để cung cấp thêm thông tin cho người bệnh, dưới đây là phần giải đáp cho câu hỏi kết quả HBsAg dương tính nhưng không triệu chứng có phải viêm gan B giai đoạn đầu không.
1. Kết quả xét nghiệm HBsAg dương tính nhưng không có triệu chứng có phải viêm gan B giai đoạn đầu
Kết quả dương tính với xét nghiệm viêm gan B có nghĩ là kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg) đã xuất hiện trong máu, điều này chỉ ra rằng người bệnh đã và đang nhiễm virus viêm gan B.
Thông thường, viêm gan B cấp tính có thời gian ủ bệnh dao động từ 1 đến 6 tháng. Trong giai đoạn đầu, triệu chứng bệnh khá mờ nhạt và khó nhận diện, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Tuy nhiên, các đối tượng khác như trẻ em lớn hơn, thanh thiếu niên và người trưởng thành cũng sẽ gặp phải những triệu chứng viêm gan B giai đoạn đầu như:
- Cơ thể mệt mỏi: Virus xâm nhập vào cơ thể người bệnh, tấn công các tế bào gan và đường máu, từ đó gây rối loạn chức năng gan, khiến người bệnh cảm thấy luôn mệt mỏi và suy nhược.
- Sụt cân: Khi cơ thể mệt mỏi, người bệnh ăn không ngon, dẫn đến việc sụt cân nhanh chóng.
- Rối loạn tiêu hóa: Các triệu chứng như chán ăn, tiêu chảy và nước tiểu có màu vàng nhẹ thường xuất hiện, đặc biệt khi người bệnh ăn những thực phẩm giàu chất béo và đạm như trứng, thịt, cá. Tuy nhiên, do những dấu hiệu này khá phổ biến ở nhiều bệnh lý thông thường khác nên nhiều người bệnh có xu hướng chủ quan, không đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời.
- Sốt nhẹ: Sốt nhẹ xuất hiện vào buổi chiều là một trong những biểu hiện phổ biến trong giai đoạn đầu khi người bệnh nhiễm virus HBV. Triệu chứng này không nổi bật và dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý thường gặp khác.
Vì vậy, việc xét nghiệm HBsAg dương tính nhưng không có triệu chứng không đủ thông tin để kết luận bệnh đang ở giai đoạn nào. Để xác định chính xác giai đoạn, người bệnh nên thực hiện thêm các xét nghiệm bổ sung.

2. Một số xét nghiệm viêm gan B phổ biến
Xét nghiệm là công cụ quan trọng giúp bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh, từ đó đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất. Dưới đây là một số xét nghiệm mà người bệnh nên nắm rõ:
2.1 Xét nghiệm HBsAg
Phương pháp này khá phổ biến và gần như tất cả những ai có khả năng mắc bệnh đều sẽ phải thực hiện xét nghiệm HbsAg trước. Sau khi nhận được kết quả, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm tiếp theo. Nếu kết quả xét nghiệm HbsAg dương tính, tức là người bệnh đã bị nhiễm virus HBV. Ngược lại, nếu kết quả âm tính thì điều đó có nghĩa là không nhiễm virus.
2.2 Xét nghiệm HBeAg
Xét nghiệm viêm gan B bằng cách đo nồng độ HbeAg hỗ trợ phát hiện tình trạng gia tăng của virus. Kết quả HbeAg dương tính cho thấy virus đang lây lan nhanh và có khả năng lây nhiễm cao.
Khi kết quả xét nghiệm HbeAg âm tính thì có khả năng virus đang ở trạng thái không hoạt động hoặc virus đã đột biến. Trong trường hợp sau, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện xét nghiệm bổ sung như HBV genotyping và HBV DNA.
2.3 Xét nghiệm Anti-HBs
Phương pháp Anti-HBs được dùng để kiểm tra khả năng miễn dịch của cơ thể với virus. Với những người đã tiêm vắc-xin phòng ngừa, kháng thể anti-HBs sẽ được sinh ra sau khi tiêm. Nếu xét nghiệm Anti-HBs có kết quả dương tính, điều này chứng tỏ cơ thể đã có kháng thể chống lại virus.
2.4 Xét nghiệm Anti-HBe
Cũng như xét nghiệm Anti-HBs, xét nghiệm Anti-Hbe giúp phát hiện sự tồn tại của kháng thể chống lại virus. Tuy nhiên, Anti-Hbe chỉ đóng vai trò là một phần trong hệ miễn dịch của cơ thể.
2.5 Xét nghiệm Anti-HBc
Để xác định tình trạng viêm gan B hiện tại là cấp tính hay mãn tính, những người nhiễm virus thường làm xét nghiệm Anti-HBc. Tuy nhiên, xét nghiệm này cũng có khả năng chẩn đoán liệu bệnh nhân đã từng bị nhiễm virus hay chưa.
2.6 Xét nghiệm Anti-HBc IgM
Đối với những người có tiếp xúc với người mắc bệnh và nghi ngờ nhiễm virus, xét nghiệm Anti-HBc IgM là cần thiết để xác định tình trạng nhiễm virus. Kháng thể Anti-HBc IgM thường xuất hiện trong giai đoạn mới nhiễm virus hoặc khi viêm gan B mãn tính đang trong thời kỳ kịch phát.
Nhìn chung, việc xét nghiệm HBsAg dương tính chỉ ra người bệnh đã nhiễm virus viêm gan B. Tuy nhiên, để xác định chính xác giai đoạn, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm bổ sung. Ngoài ra, bệnh có thể không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu nên việc theo dõi định kỳ và điều trị kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa biến chứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.