Mối liên hệ giữa lạc nội mạc tử cung và nguy cơ vô sinh là vấn đề đáng lo ngại mà nhiều phụ nữ đang phải đối mặt. Bệnh lý này không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản. Vậy đâu là nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả căn bệnh này? Bài viết dưới đây sẽ giúp người bệnh có cái nhìn tổng quan nhất.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Mối liên hệ giữa lạc nội mạc tử cung và nguy cơ vô sinh và lạc nội mạc tử cung là gì?
Hiện nay, lạc nội mạc tử cung và nguy cơ vô sinh là mối quan tâm hàng đầu của nhiều phụ nữ. Tình trạng lạc nội mạc tử cung xảy ra khi mô nội mạc tử cung vốn dĩ chỉ có trong tử cung lại phát triển ra bên ngoài. Trong đó, những vị trí thường bị ảnh hưởng bao gồm buồng trứng, ống dẫn trứng, trực tràng, bàng quang hoặc ruột. Sự xuất hiện của u nang, các tổn thương hoặc mô sẹo khiến các khu vực xung quanh trở nên dày hơn.
Bệnh lý này có thể không gây nhiều khó chịu ở một số phụ nữ. Tuy nhiên, một số trường hợp khác thường xuất hiện cơn đau trước kỳ kinh cơn đau, trong thời gian hành kinh hoặc khi quan hệ tình dục. Một số trường hợp khác lại bị đau kéo dài trong suốt thời gian đó.
Khi bị bệnh, các mô nội mạc vốn nằm trong lòng tử cung lại phát triển ra ngoài và lan đến ống dẫn trứng. Những mô này vẫn hoạt động như mô nội mạc tử cung thông thường, nghĩa là sẽ bong ra và chảy máu trong chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, máu không thể thoát ra ngoài cơ thể mà bị tích tụ lại gây chảy máu trong, dẫn đến viêm, phù nề và các triệu chứng khác do các mô nội mạc phát triển bên ngoài tử cung.
Bên cạnh đó, bệnh chủ yếu xảy ra ở buồng trứng, ống dẫn trứng, ruột hoặc các mô vùng chậu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh lại lan rộng ra các cơ quan bên ngoài vùng chậu. Những mô lạc nội mạc này dễ bị kích ứng, gây đau, hình thành các túi dịch hoặc mô sẹo dẫn đến khó khăn trong việc thụ thai, đây cũng chính là mối liên hệ giữa lạc nội mạc tử cung và nguy cơ vô sinh.
Lạc nội mạc tử cung và nguy cơ vô sinh là một vấn đề sức khỏe sinh sản nghiêm trọng. Ở Hoa Kỳ có khoảng 10% phụ nữ mắc bệnh, trong đó khoảng 25% trường hợp bị ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

2. Nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung?
Nguyên nhân chính xác gây bệnh hiện nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Thông thường, trong kỳ kinh nguyệt, mô nội mạc tử cung sẽ được cơ thể loại bỏ qua cổ tử cung và âm đạo. Tuy nhiên, một số mô có khả năng chảy ngược qua các ống dẫn trứng hoặc di chuyển đến các khu vực khác trong vùng bụng. May mắn thay, tình trạng này thường không gây ra vấn đề.
Nhiều chuyên gia cho rằng ở một số phụ nữ, tình trạng lạc nội mạc tử cung xảy ra do mô nội mạc tử cung làm tổ bên ngoài tử cung. Một số khác lại cho rằng bệnh có liên quan đến hệ thống miễn dịch. Theo giả thuyết này, hệ miễn dịch có nhiệm vụ tiêu diệt các mô bất thường trước khi bám vào bên ngoài tử cung. Do đó, bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch không đủ khả năng loại bỏ các mô ở vị trí không đúng.
Theo một giả thuyết khác, lạc nội mạc tử cung bắt nguồn từ những tàn tích của mô phôi thai trong cơ thể phụ nữ. Những yếu tố sau đây được xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
- Sự trào ngược của kinh nguyệt: Tế bào nội mạc tử cung trong máu kinh bị đẩy ngược qua các ống dẫn trứng vào khoang chậu, từ đó dính vào phúc mạc của vùng chậu cũng như các bề mặt cơ quan vùng chậu thay vì di chuyển ra ngoài cơ thể.
- Sự chuyển dạng tế bào phôi thai: Trong giai đoạn dậy thì, tế bào phôi thai trong vùng chậu biến đổi thành tế bào giống nội mạc tử cung dưới tác động của hormone estrogen.
- Từng thực hiện phẫu thuật: Các tế bào nội mạc tử cung sẽ dính vào những vết sẹo hình thành từ phẫu thuật như cắt tử cung hoặc mổ lấy thai, từ đó gây ra bệnh. Ngoài ra, hệ thống mạch máu và mạch bạch huyết cũng có thể mang các tế bào này đi khắp cơ thể.
- Rối loạn hệ miễn dịch: Tình trạng này khiến cơ thể không thể nhận diện và tiêu hủy các mô nội mạc tử cung phát triển ngoài tử cung, từ đó gây ra bệnh

3. Những dấu hiệu lạc nội mạc tử cung
Bệnh sẽ không gây ra bất kỳ triệu chứng nào ở một số phụ nữ. Tuy nhiên, những trường hợp khác có thể xuất hiện một hoặc nhiều dấu hiệu sau, với mức độ từ nhẹ đến nặng, bao gồm:
- Đau trước kỳ kinh.
- Khi có kinh, bệnh nhân bị đau vùng chậu, lưng hoặc một bên.
- Chảy máu nhiều trong kỳ kinh
- Trong kỳ kinh xuất hiện tình trạng đi tiêu bị đau, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Thường xuyên đi tiểu hoặc đau trong kỳ kinh.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Khó mang thai.
- Bị đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục
- Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài, lượng máu chảy ra nhiều hơn bình thường hoặc có hiện tượng ra máu âm đạo ở giữa chu kỳ.
- Xuất hiện máu trong phân, nước tiểu
- Vô sinh.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như mệt mỏi, đầy hơi, buồn nôn, đặc biệt trong thời kỳ kinh nguyệt.


5. Lạc nội mạc tử cung có chữa được không?
Mặc dù hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh một cách triệt để nhưng người bệnh có thể chọn lựa một số biện pháp điều trị thay thế nhằm giảm thiểu tác động của triệu chứng bệnh cũng như mối liên hệ giữa lạc nội mạc tử cung và nguy cơ vô sinh. Quá trình lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, vị trí và kích thước của các khối u.
Tuổi tác cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng và cách điều trị bệnh, các triệu chứng của bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi phụ nữ già đi. Tuy nhiên, sau khi mãn kinh, các triệu chứng này thường sẽ giảm dần.

6. Điều trị lạc nội mạc tử cung
Mối liên hệ giữa lạc nội mạc tử cung và nguy cơ vô sinh là một trong những lý do khiến việc điều trị sớm đóng vai trò quan trọng. Bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp sau khi xác định mức độ của bệnh là tối thiểu, nhẹ, trung bình hay nặng. Các lựa chọn điều trị sẽ được quyết định dựa vào việc người bệnh có muốn mang thai hay không.
6.1 Các lựa chọn nếu người bệnh muốn mang thai
6.1.1 Mức độ tối thiểu hoặc nhẹ
- Trong quá trình nội soi, bác sĩ có khả năng loại bỏ các khối phát triển bất thường. Đối với trường hợp này, phụ nữ có khoảng 40% cơ hội mang thai trong vòng 8 đến 9 tháng sau khi thực hiện thủ thuật.
- Trong trường hợp phụ nữ dưới 35 tuổi không gặp vấn đề về khả năng sinh sản thì có thể bỏ qua điều trị trong sáu tháng và thử thụ thai tự nhiên. Nếu không có thai sau thời gian này, bác sĩ thường khuyên dùng phương pháp thụ tinh trong tử cung (IUI) với sự hỗ trợ của thuốc sinh sản.
- Đối với phụ nữ từ 35 tuổi trở lên, việc cân nhắc các phương pháp hỗ trợ sinh sản như IUI hoặc IVF trước khi hết 6 tháng là điều nên làm. Việc sử dụng clomiphene citrate kết hợp với IUI mang lại tỷ lệ mang thai từ 9 đến 10% trong mỗi chu kỳ điều trị. Nếu dùng gonadotropins (thuốc tiêm giúp kích thích rụng trứng và phát triển nhiều trứng) kết hợp với IUI, tỷ lệ mang thai sẽ tăng lên từ 9 đến 15% mỗi chu kỳ điều trị.
- Khi điều trị bằng thuốc hỗ trợ sinh sản và IUI không đạt hiệu quả, phẫu thuật nội soi có thể giúp ích cho quá trình điều trị.
6.1.2 Lạc nội mạc tử cung trung bình hoặc nặng
- Phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở ổ bụng (phẫu thuật thông qua một vết rạch lớn ở bụng) sẽ được chỉ định.
- Nếu sau ba đến sáu tháng kể từ khi phẫu thuật mà người bệnh vẫn chưa thể mang thai, bác sĩ thường đề nghị thực hiện thụ tinh ống nghiệm, nhất là khi bệnh nhân từ 35 tuổi trở lên. Tỷ lệ thành công của IVF là khoảng 42% đối với phụ nữ dưới 34 tuổi, 30% đối với những phụ nữ từ 35 đến 37 tuổi, 21% với phụ nữ từ 38 đến 40 tuổi, 15% đối với phụ nữ từ 41 đến 42 tuổi và 2% đối với phụ nữ trên 43 tuổi.
6.2. Các lựa chọn điều trị nếu người bệnh không muốn mang thai
6.2.1 Mức độ tối thiểu, nhẹ hoặc trung bình
- Khám định kỳ là cần thiết để theo dõi tình trạng bệnh nhưng điều trị y tế có thể không cần thiết. Khi đến tuổi mãn kinh, bệnh có khả năng biến mất vì lúc này người bệnh không còn rụng trứng và ngừng hành kinh.
- Thuốc giảm đau không kê đơn đủ để làm giảm sự khó chịu nếu người bệnh chỉ cảm thấy đau nhẹ trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt.
- Bằng cách ngăn cản sự rụng trứng, thuốc tránh thai giúp giảm các triệu chứng, khiến nội mạc tử cung chảy máu ít và thưa hơn (vài tháng một lần thay vì hàng tháng). Điều này góp phần làm chậm quá trình phát triển của u nang và mô sẹo mới, đồng thời ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.

6.2.2 Mức độ trung bình hoặc nặng
Những loại thuốc gọi là chất chủ vận hormone giải phóng gonadotropin (GnRH) sẽ giúp điều trị đau do bệnh mức độ vừa hoặc nặng. Thuốc tác động bằng cách giả lập những thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh, làm giảm lượng estrogen trong cơ thể. Điều này khiến nội mạc tử cung không phát triển mạnh mẽ và giúp các triệu chứng trở nên nhẹ hơn.
Tuy nhiên, mặc dù thuốc GnRH có tác dụng ngăn chặn sự tiến triển của bệnh nhưng không thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Khi ngừng sử dụng thuốc, bệnh có thể tái phát. Ngoài ra, thuốc cũng khá đắt và có khả năng gây các tác dụng phụ tương tự như mãn kinh như khô âm đạo, bốc hỏa và mất mật độ xương.
Người bệnh sẽ nhận được lời khuyên từ bác sĩ về việc áp dụng phương pháp điều trị này trong sáu tháng hoặc ít hơn. Tuy nhiên, nếu estrogen và progestin liều thấp được chỉ định để giảm thiểu tác dụng phụ, thời gian sử dụng thuốc chủ vận GnRH có thể kéo dài hơn sáu tháng.
- Khi các triệu chứng không thuyên giảm dù đã điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Nội soi hoặc phẫu thuật mở ổ bụng là các phương pháp giúp loại bỏ khối nội mạc tử cung mà không cần loại bỏ các cơ quan bị ảnh hưởng.
- Bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật loại bỏ các cơ quan bị tổn thương bao gồm buồng trứng, tử cung hoặc ống dẫn trứng nếu tình trạng bệnh quá nghiêm trọng. Điều này cũng có nghĩa rằng, nếu tử cung bị cắt bỏ thì khả năng mang thai sẽ không còn.

7. Điều trị lạc nội mạc tử cung mất bao lâu?
Các phương pháp điều trị đều có hiệu quả giảm bớt tình trạng bệnh nhưng không có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này. Dù chọn liệu pháp hormone hay phẫu thuật, bệnh vẫn có thể tái phát hoặc trở nên nghiêm trọng hơn.
Một vài phương pháp giúp giảm cơn đau do lạc nội mạc tử cung ngay lập tức bao gồm:
- Nghỉ ngơi trên giường hoặc một chiếc ghế dài.
- Tắm nước ấm.
- Chườm nóng lên bụng bằng một miếng chườm hoặc chai nước nóng.
- Để ngăn ngừa táo bón, người bệnh hãy ăn nhiều chất xơ từ ngũ cốc, trái cây hoặc rau.
- Thực hành các bài tập thư giãn như thiền, yoga, hít thở sâu và hình dung.
- Hỏi bác sĩ về thuốc giảm đau theo toa hoặc không kê đơn.

8. Lạc nội mạc tử cung có thể ngăn ngừa được không?
Mặc dù có nhiều phương pháp điều trị giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh nhưng không thể ngăn ngừa được căn bệnh này.
Trên đây là tất cả các thông tin về mối liên hệ giữa lạc nội mạc tử cung và nguy cơ vô sinh. Nhìn chung, tình trạng này gần như là một bệnh lý mãn tính và không có cách nào để ngăn chặn hoàn toàn. Tuy nhiên, khi được phát hiện, bệnh nhân có nhiều lựa chọn điều trị giúp giảm triệu chứng đau và phục hồi khả năng sinh sản.
Ngoài ra, không phải tất cả các trường hợp lạc nội mạc tử cung đều gây vô sinh nên người bệnh không cần quá lo ngại. Hầu hết những khó chịu do bệnh này gây ra xuất phát từ những cơn đau trong kỳ kinh nguyệt và hiện nay đã có nhiều loại thuốc hỗ trợ giảm đau để người bệnh vượt qua những ngày này dễ dàng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.