Lựa chọn phẫu thuật nào khi mắc bệnh trĩ?

Mục lục

Cách chữa trị bệnh trĩ bằng phẫu thuật ngày càng tiến bộ với nhiều phương pháp khác nhau tùy theo tình trạng bệnh trĩ. Trong số đó, phương pháp Longo được nhiều người bệnh quan tâm đặc biệt vì những ưu điểm như: Thời gian mổ nhanh, ít đau sau mổ, phục hồi sớm và ít gây hẹp hậu môn. Cùng tìm hiểu thêm về phương pháp Longo và những lưu ý cần biết sau khi phẫu thuật trĩ.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Tổng quan về bệnh trĩ

1.1 Bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ là là một trong những bệnh lý phổ biến nhất liên quan đến hậu môn, chiếm tỷ lệ cao trong các vấn đề sức khỏe ở khu vực này.  Bệnh trĩ hình thành do sự phình to bất thường của một hoặc nhiều tĩnh mạch thuộc hệ thống tĩnh mạch trĩ trên, tĩnh mạch trĩ dưới hoặc đồng thời cả hai. Sự giãn nở quá mức này gây ra các búi trĩ ở vùng hậu môn và trực tràng, dẫn đến các triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.

Mặc dù không phải là bệnh lý đe dọa trực tiếp đến tính mạng, nhưng bệnh trĩ gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống hàng ngày. Người bệnh thường cảm thấy khó chịu, bực bội vì các triệu chứng của bệnh, đồng thời phải đối mặt với những bất tiện trong sinh hoạt thường nhật.

Theo thống kê từ Hội Hậu môn Trực tràng Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh trĩ tại Việt Nam dao động từ 50-55% dân số, với nhóm đối tượng chủ yếu là người trong độ tuổi lao động. Các triệu chứng điển hình của bệnh trĩ bao gồm chảy máu khi đại tiện, sa búi trĩ, đau rát và chảy dịch vùng hậu môn, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

1.2 Phân loại và biểu hiện từng loại bệnh trĩ

Bệnh trĩ được phân thành bốn loại chính: trĩ nội, trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp và trĩ vòng, tùy thuộc vào vị trí xuất hiện của búi trĩ trên hoặc dưới đường lược của ống hậu môn.

1.2.1 Trĩ ngoại

Bệnh trĩ ngoại có búi trĩ thuộc tĩnh mạch trĩ dưới, cuống nằm dưới đường lược. Trĩ ngoại được chia thành hai cấp độ như sau:

  • Cấp độ nhẹ: Biểu hiện của bệnh trĩ trong trường hợp này là cảm giác cộm hoặc vướng tại vùng hậu môn. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể sờ thấy các búi trĩ có kích thước nhỏ ở gần ngoài cửa hậu môn
  • Cấp độ nặng: Búi trĩ phát triển lớn, sưng đau, căng phồng, da ở khu vực hậu môn có dấu hiệu ngứa ngáy, lở loét. Trong một số trường hợp, búi trĩ sẽ có cục máu đông rắn và cứng, gây ra những cơn đau nghiêm trọng.

1.2.2 Trĩ nội

Búi trĩ nội xuất phát từ tĩnh mạch trĩ trên, với cuống búi trĩ nằm trên đường lược. Bệnh trĩ nội được chia thành 4 cấp độ với các dấu hiệu bệnh trĩ như sau:

  • Độ 1: Búi trĩ cương tụ, chỉ gây chảy máu khi đi đại tiện.
  • Độ 2: Búi trĩ sa ra ngoài khi rặn nhưng tự thụt lên sau khi đi tiêu.
  • Độ 3: Búi trĩ sa ra ngoài khi rặn, cần dùng tay đẩy vào lại hậu môn.
  • Độ 4: Búi trĩ sa ra ngoài thường xuyên, không thể tự thụt vào.

1.2.3 Trĩ hỗn hợp

Đây là tình trạng trong cùng một bệnh nhân xuất hiện cả trĩ nội và trĩ ngoại, khi búi trĩ đã phát triển từ bên trong ống hậu môn ra ngoài, gây tổn thương cả ở vùng niêm mạc và da xung quanh hậu môn.

1.2.4 Trĩ vòng

Đây là tình trạng khi các búi trĩ chính thường xuất hiện ở các vị trí 3h, 7h và 11h đối với hậu môn khi bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa. Bên cạnh các búi trĩ chính, còn có thể xuất hiện thêm các búi trĩ phụ. Các búi trĩ chính và phụ này liên kết với nhau, tạo thành một vòng trĩ hoàn chỉnh.

Táo bón kéo dài khiến cho việc đi đại tiện trở nên khó khăn và gây ra áp lực rất lớn lên ống hậu môn.
Táo bón kéo dài khiến cho việc đi đại tiện trở nên khó khăn và gây ra áp lực rất lớn lên ống hậu môn.

2. Nguyên nhân bệnh trĩ

Những yếu tố sau đây được xem là điều kiện thuận lợi góp phần gây ra bệnh trĩ:

  • Táo bón kinh niên: Bệnh nhân bị táo bón thường xuyên phải rặn mạnh mỗi khi đi đại tiện, khiến áp lực trong ống hậu môn tăng lên gấp 10 lần. Táo bón kéo dài làm tăng nguy cơ hình thành các búi trĩ và khi các búi trĩ này phát triển quá lớn sẽ sa ra ngoài.
  • Hội chứng lỵ: Bệnh nhân mắc bệnh lỵ thường có thói quen đại tiện nhiều lần trong ngày và mỗi lần đi cầu phải rặn mạnh, làm tăng áp lực trong ổ bụng.  
  • Tăng áp lực ổ bụng: Những bệnh nhân mắc viêm phế quản mạn tính, dãn phế quản phải ho nhiều hoặc những người làm lao động nặng, khuân vác thường xuyên sẽ làm tăng áp lực trong ổ bụng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh trĩ dễ dàng hình thành.
  • Tư thế đứng: Tỷ lệ mắc bệnh trĩ cao hơn ở những người phải đứng lâu, ngồi nhiều và ít vận động, như thư ký bàn giấy, nhân viên bán hàng, thợ may,...
  • U bướu hậu môn trực tràng và vùng xung quanh: Các bệnh lý như ung thư trực tràng, u bướu vùng tiểu khung hoặc thai nhi nhiều tháng có thể gây chèn ép, cản trở đường tĩnh mạch hồi lưu, làm tăng áp lực trong khu vực hậu môn và dẫn đến sự giãn nở các đám rối tĩnh mạch, tạo thành bệnh trĩ. Trong những trường hợp này, bệnh trĩ hình thành do nguyên nhân cụ thể, rõ ràng nên được gọi là trĩ triệu chứng. Vì vậy, việc điều trị bệnh cần phải tập trung vào việc điều trị nguyên nhân gây bệnh.

3. Những cách chữa trị bệnh trĩ

Tùy vào loại bệnh và mức độ trĩ, bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân. Có nhiều cách chữa trị bệnh trĩ, bao gồm:

3.1 Cách chữa trị bệnh trĩ bằng điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa được áp dụng cho bệnh trĩ nội độ 1 và độ 2. Phương pháp điều trị này bao gồm việc sử dụng thuốc uống, thuốc đặt hậu môn dạng viên đạn và thuốc mỡ bôi ngoài. Bên cạnh đó, các bài thuốc đông y cũng là cách chữa trị bệnh trĩ hiệu quả.

3.2 Cách chữa trị bệnh trĩ bằng điều trị thủ thuật

Điều trị thủ thuật được áp dụng cho các trường hợp trĩ độ II, III và IV, nhằm can thiệp vào các búi trĩ và giảm triệu chứng. Các phương pháp điều trị thủ thuật bao gồm:

  • Chích xơ: Tiêm xơ là một cách chữa trị bệnh trĩ đơn giản, nhanh chóng và an toàn. Mục đích của phương pháp này là làm xơ teo mạch máu và các tổ chức của búi trĩ, giúp búi trĩ dần teo nhỏ và không sa xuống nữa, từ đó chữa dứt bệnh. Tuy nhiên, tiêm xơ cũng có thể gây một số biến chứng như: chảy máu tại điểm tiêm, rò hậu môn, rò âm đạo...
  • Thắt trĩ bằng vòng cao su: Vòng cao su được đặt vào cuống búi trĩ để cắt đứt nguồn cung cấp máu, khiến búi trĩ dần dần bị hoại tử và rụng đi. Đây là một phương pháp hiệu quả để điều trị trĩ độ II và III.
  • Quang đông hồng ngoại: Phương pháp này sử dụng tia hồng ngoại để tạo nhiệt làm đông vón các mô xung quanh búi trĩ, giúp giảm kích thước và làm cho búi trĩ co lại, từ đó giảm đau và chảy máu.
Các thủ thuật thắt trĩ
Các thủ thuật thắt trĩ

3.3 Cách chữa trị bệnh trĩ bằng phẫu thuật Longo

Bên cạnh phương pháp mổ mở và phẫu thuật triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn siêu âm Doppler (THD) thì kỹ thuật Longo là một trong những cách chữa trị bệnh trĩ được ứng dụng rộng rãi.  

Ưu điểm của phẫu thuật Longo:

  • Phẫu thuật Longo là cách chữa trị bệnh trĩ phù hợp với những trường hợp trĩ nội độ II, III, IV, đặc biệt là khi có kèm theo tình trạng sa niêm mạc.
  • Đây là phương pháp phẫu thuật trĩ an toàn, có thể áp dụng cho cả người cao tuổi.
  • Sau mổ ít đau, thời gian phục hồi nhanh chóng, giảm bớt công chăm sóc hậu phẫu và chưa ghi nhận tỷ lệ tái phát bệnh.

Phẫu thuật Longo được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1993 bởi bác sĩ Antonio Longo tại Bệnh viện Đại học Palermo (Ý). Phương pháp này thực hiện việc triệt mạch (vừa cắt vừa khâu) và đã được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Tại các hội nghị về hậu môn - trực tràng, phẫu thuật Longo nhận được đánh giá rất cao nhờ vào hiệu quả vượt trội, ít gây đau đớn và giảm thiểu biến chứng sau phẫu thuật.

Nguyên lý của phẫu thuật Longo là triệt mạch các búi trĩ một cách triệt để, thực hiện cắt và khâu ở vùng đường lược - nơi có ít cảm giác đau. Đồng thời, niêm mạc được kéo lên và tạo hình ở phía ngoài để cắt đứt nguồn cung cấp máu cho các búi trĩ. Cách chữa trị bệnh trĩ này không cần phải cắt cơ niêm hay gây tổn thương da, cũng như không làm ảnh hưởng đến hệ thống cơ vòng, điều mà các phương pháp phẫu thuật truyền thống thường gặp phải và dễ dẫn đến biến chứng như teo hẹp ống hậu môn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể xuất viện trong vòng 1-2 ngày.

Hiện nay, phẫu thuật Longo đã trở thành cách chữa trị bệnh trĩ được ưu tiên lựa chọn của các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật hậu môn - trực tràng trên toàn thế giới. Phương pháp này cũng đang được áp dụng rộng rãi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Phẫu thuật Longo là cách chữa trị bệnh trĩ đang phổ biến hiện nay.
Phẫu thuật Longo là cách chữa trị bệnh trĩ đang phổ biến hiện nay.

4. Những lưu ý sau khi phẫu thuật trĩ

4.1 Chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật trĩ

Sau khi phẫu thuật trĩ, chế độ ăn uống rất quan trọng để hỗ trợ quá trình hồi phục và ngăn ngừa các biến chứng. Trong vài ngày đầu tiên sau phẫu thuật, người bệnh nên ăn theo chế độ ít dư lượng, bao gồm các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh và trái cây. Nên ưu tiên các món ăn lỏng như súp, nước trái cây hoặc phở gà để giúp ngăn ngừa tình trạng buồn nôn, nôn mửa và táo bón.

Ngoài ra, người bệnh nên tránh các thực phẩm gây táo bón, như sản phẩm từ sữa, thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn (như bánh pizza, đồ đông lạnh, mì ống) và các sản phẩm chứa đường (như bánh ngọt, bánh nướng, bánh rán) cũng như đồ uống có chứa caffeine.

Sau khi phục hồi, người bệnh nên duy trì chế độ ăn uống giàu chất xơ và uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo hệ tiêu hóa hoạt động tốt và ngăn ngừa táo bón tái phát

4.2 Làm gì để ngăn ngừa bệnh trĩ tái phát sau phẫu thuật

Để phòng ngừa bệnh trĩ tái phát sau khi điều trị, người bệnh cần thực hiện một số biện pháp quan trọng sau:

  • Tăng cường chất xơ: Để ngăn ngừa trĩ tái phát, người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý, bao gồm việc uống đủ 2 lít nước mỗi ngày và tăng lượng chất xơ trong khẩu phần ăn. Chất xơ giúp thúc đẩy nhu động ruột khỏe mạnh và đều đặn, đồng thời giảm nguy cơ táo bón và tiêu chảy. Các thực phẩm giàu chất xơ như rau sống, ngũ cốc nguyên hạt, cám lúa mì, trái cây và đậu rất có lợi trong việc ngăn ngừa bệnh trĩ tái phát.
  • Quản lý cân nặng hợp lý: Béo phì là một yếu tố nguy cơ làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch của trực tràng và hậu môn, từ đó dễ dẫn đến sưng và viêm các tĩnh mạch, gây bệnh trĩ. Do đó, việc duy trì cân nặng hợp lý là rất quan trọng để giảm nguy cơ tái phát bệnh trĩ.
  • Không rặn mạnh và không ngồi lâu khi đại tiện: Rặn quá mức là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh trĩ hoặc làm bệnh tái phát. Thêm vào đó, việc ngồi bồn cầu lâu cũng tạo áp lực lớn lên trực tràng và hậu môn, làm tăng nguy cơ tái phát trĩ. Người bệnh cần tránh tình trạng này để bảo vệ sức khỏe hậu môn.  

Bệnh trĩ là một vấn đề về tiêu hóa lành tính, tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Việc đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh trĩ sẽ giúp quá trình điều trị trở nên dễ dàng hơn, nâng cao khả năng khỏi bệnh và tiết kiệm chi phí, thời gian điều trị. Đặc biệt, việc hiểu rõ cách chữa trị bệnh trĩ sẽ giúp người bệnh có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ