Lưu ý khi dùng thuốc điều trị lao xương

Mục lục

Thuốc điều trị lao là những thuốc có khả năng chống lại vi khuẩn lao, tác nhân chính gây bệnh lao ở phổi và một số cơ quan khác trên cơ thể trong đó có hệ cơ xương khớp. Vậy điều trị lao xương thế nào và cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc điều trị lao xương khớp ?

1. Thông tin chung về lao xương khớp

Lao xương khớp là một tình trạng nhiễm trùng của xương do sự tấn công của trực khuẩn lao - Mycobacterium Tuberculosis. Trong y khoa, lao xương khớp được mô tả là một thể lao ngoài phổi khá thường gặp. Số người mắc lao xương khớp chiếm khoảng 10% trong tổng số các trường hợp nhiễm lao ngoài phổi. Bệnh lý này thường khởi phát ở bệnh nhân đã và đang mắc bệnh lao phổi.

Bệnh lao xương khớp có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, trong đó phần lớn bệnh nhân tập trung ở độ tuổi từ 20 - 40 tuổi. Vị trí thường gặp nhất của lao xương khớp là lao cột sống, khớp gối, khớp háng, khớp cổ chân, khớp vai, khớp cổ tay, khớp khuỷu.. Trong đó hay gặp nhất là nhiễm lao cột sống thắt lưng.

Dấu hiệu của bệnh lý lao xương khớp là đau vùng xương khớp bị tổn thương và hạn chế vận động trong giai đoạn sớm. Vào giai đoạn muộn có thể gặp phải tình trạng biến dạng xương khớp hoặc có dấu hiệu chèn ép và tê liệt. Ngoài ra có thể gặp dấu hiệu sưng đau khớp kéo dài do tràn dịch ổ khớp, xuất hiện một bên và không đối xứng, có thể bị rò mủ bã đậu.

Chẩn đoán bệnh thường dựa vào dấu hiệu lâm sàng và các đặc điểm tổn thương trên X - quang, CT - scan, MRI cột sống, khớp. Nếu có áp xe lạnh, xét nghiệm mủ dò từ ổ áp xe tìm AFB cho tỷ lệ dương tính cao và sinh thiết tổ chức tổn thương cho phép chẩn đoán mô bệnh tế bào.

2. Thuốc điều trị lao xương - cách điều trị lao xương

Hiện nay có hai nhóm thuốc chính được sử dụng trong điều trị bệnh lao nói chung và lao xương khớp nói riêng.

  • Thuốc kháng lao hàng 1 (thiết yếu): Rifampicin (R), Isoniazid (H), Pyrazinamide (Z), Ethambutol (E) và Streptomycin (S). Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo bổ sung thêm 2 loại thuốc là Rifabutin (Rfb) và Rifapentine (Rpt) vào nhóm thuốc chống lao hàng 1.
  • Thuốc kháng lao hàng 2:
  • Nhóm A: Levofloxacin (Lfx) hoặc Moxifloxacin (Mfx), Bedaquiline (Bdq), Linezolid (Lzd).
  • Nhóm B: Clofazimine (Cfz), Cycloserine (Cs) hoặc Terizidone (Trd).
  • Nhóm C: Ethambutol (E), Delamanid (Dlm), Pyrazinamide (Z), Imipenem-cilastatin (Ipm-Cln) hoặc Meropenem (Mpm), Amikacin (Am) hoặc Streptomycin (S), Ethionamide (Eto) hoặc Prothionamide (Pto), p-aminosalicylic acid (PAS).

2.1. Phác đồ sử dụng thuốc điều trị lao xương

Phác đồ điều trị lao xương khớp cho người lớn: Phác đồ B1 – 2RHZE/10RHE.

  • Giai đoạn tấn công (2 tháng), bao gồm các thuốc Rifampicin (R), Isoniazid (H), Pyrazinamide (Z), Ethambutol (E) dùng hằng ngày.
  • Giai đoạn duy trì (10 tháng), bao gồm các thuốc Rifampicin (R), Isoniazid (H), Ethambutol (E) dùng hằng ngày.

Phác đồ điều trị lao xương khớp cho trẻ em: Phác đồ B1 – 2RHZE/10RH.

  • Giai đoạn tấn công (2 tháng), bao gồm các thuốc Rifampicin (R), Isoniazid (H), Pyrazinamide (Z), Ethambutol (E) dùng hằng ngày.
  • Giai đoạn duy trì (10 tháng), bao gồm các thuốc Rifampicin (R), Isoniazid (H) dùng hằng ngày.

2.2. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị lao xương

2.2.1. Nguyên tắc điều trị bằng thuốc

Phối hợp các thuốc kháng lao

  • Mỗi loại thuốc kháng lao có tác dụng khác nhau như diệt khuẩn, kìm khuẩn... do vậy phải phối hợp các thuốc kháng lao trong điều trị.
  • Với lao xương còn nhạy cảm với thuốc cần phối hợp ít nhất 3 loại thuốc trong giai đoạn tấn công và ít nhất 2 loại kháng lao trong giai đoạn duy trì.
  • Với bệnh lao xương khớp đa kháng cần phối hợp ít nhất 5 thuốc, bao gồm Pyrazinamid và 4 thuốc kháng lao hàng hai có hiệu lực tốt.

Dùng thuốc đúng liều

  • Các thuốc kháng lao tác dụng hiệp đồng, mỗi thuốc sẽ có nồng độ tác dụng nhất định. Nếu dùng liều thấp sẽ không mang lại hiệu quả và nguy hiểm hơn là dễ tạo ra các chủng vi khuẩn đa kháng thuốc, nếu dùng liều quá cao thì dễ gây tai biến hoặc tác dụng phụ.
  • Đối với điều trị lao xương khớp ở trẻ em cần điều chỉnh liều thuốc hàng tháng theo cân nặng của bé.

Dùng thuốc đều đặn

  • Các thuốc kháng lao phải được uống cùng một lần vào một thời điểm nhất định trong ngày, uống thuốc xa bữa ăn để đạt hấp thu thuốc cao nhất.
  • Với bệnh lao xương khớp đa kháng thường dùng thuốc 6 ngày trên tuần, đa số thuốc dùng một lần vào buổi sáng hoặc tùy theo khả năng dung nạp của bệnh nhân có thể chia liều 2 lần sáng – chiều để giảm tác dụng phụ không mong muốn.
  • Giảm liều trong 2 tuần đầu tiên nếu thuốc không dung nạp tốt hoặc bệnh nhân gặp tác dụng phụ của thuốc tiêm.

Dùng thuốc đủ thời gian gồm 2 giai đoạn tấn công và duy trì

  • Giai đoạn tấn công nhằm tiêu diệt nhanh lượng lớn vi khuẩn để ngăn chặn các vi khuẩn lao đột biến kháng thuốc. Giai đoạn duy trì nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao tại vùng tổn thương để tránh tái phát.
  • Phác đồ cá nhân có thể thay đổi thời gian sử dụng của từng loại thuốc tùy thuộc vào kết quả kháng sinh đồ, đáp ứng điều trị, tiền sử điều trị và khả năng dung nạp thuốc của bệnh nhân.

2.2.2. Thận trọng khi sử dụng thuốc điều trị lao xương

Cần thận trọng khi sử dụng thuốc điều trị lao xương cho những trường hợp sau:

  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú
  • Phụ nữ đang dùng thuốc tránh thai
  • Bệnh nhân có bệnh lý gan như viêm gan cấp tính, bệnh gan mạn tính, có tổn thương gan do thuốc lao...
  • Bệnh nhân bị suy thận
  • Bệnh nhân lao đồng mắc đái tháo đường
  • Bệnh nhân lao đồng mắc HIV/AIDS

2.2.3. Tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị lao xương

Các tác dụng phụ của thuốc điều trị lao xương bao gồm:

Các phản ứng tại da

Dấu hiệu da đỏ, có hoặc không có phát ban, kèm theo mẩn ngứa da, xuất hiện trên da vùng mặt và da đầu, kèm chảy nước mắt. Cảm giác nóng bừng, hồi hộp, đau đầu, có hoặc không có tăng huyết áp thường xuất hiện ngay lập tức hoặc 2 - 3 giờ sau sử dụng thuốc. Ở trẻ em có thể gặp dấu hiệu phát ban có thể kèm theo sốt, cần phân biệt

Sốc phản vệ

  • Khởi phát cấp tính với dấu hiện như mày đay toàn thân, phù thanh môn, môi, lưỡi, ngứa, xung huyết.
  • Khó thở, thở khò khè, thiếu oxy máu, co thắt thanh quản, thở rít.
  • Tụt huyết áp, ngất lịm, giảm ý thức, rối loạn cơ tròn.
  • Buồn nôn, nôn, đau quặn bụng.

Tác dụng phụ cho gan

Dấu hiệu điển hình là tăng nồng độ các men gan. Ngoài ra còn có thể đi kèm buồn nôn, nôn mửa, gan to, đau hạ sườn phải, vàng da, niêm mạc, vàng mắt, đau bụng.

Tác dụng phụ cho thận

Dấu hiệu đau vùng thắt lưng đột ngột, sốt, vô niệu cấp hoặc thiểu niệu, tăng nồng độ Creatinin máu, suy thận trong khoảng 7 - 10 ngày đầu điều trị, giảm nồng độ Magie và Kali máu.

Tác dụng phụ trên xương khớp

Dấu hiệu đau khớp thường sưng đỏ và đau các khớp vai, đầu gối, chân ... mức độ nhẹ, tăng Acid Uric máu.

Các tác dụng phụ khác

  • Sốt
  • Buồn nôn, nôn, tiêu chảy
  • Động kinh
  • Các triệu chứng tâm thần
  • Viêm dây thần kinh ngoại vi
  • Giảm thính lực, ù tai, điếc
  • Thiểu năng tuyến giáp
  • Viêm dạ dày
  • Rối loạn điện giải
  • Xuất huyết, thiếu máu tan máu.

Thuốc điều trị lao hiện nay được sử dụng phổ biến và mang lại hiệu quả cảo trong việc điều trị lao nói chung và lao xương khớp nói riêng. Tuy nhiên, bệnh nhân và nhân viên y tế cần lưu ý những thông tin liên quan đến thuốc như nguyên tắc điều trị và tác dụng phụ không mong muốn để hạn chế được những biến chứng nguy hiểm và giúp liệu trình chữa bệnh được thành công

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ