Mách mẹ những mũi tiêm vắc-xin bảo vệ con cả đời

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hải Hà - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Tiêm vắc-xin là đưa vào cơ thể kháng nguyên (một phần hay cả virus hoặc vi khuẩn gây bệnh đã yếu đi) để kích thích hệ miễn dịch sản xuất kháng thể đặc hiệu giúp bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn hoặc virus đó.

Tiêm vắc-xin cho con yêu đầy đủ và đúng lịch không chỉ giúp tăng sức đề kháng, phòng ngừa các bệnh nguy hiểm mà còn giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí não. Vì vậy, hãy chủ động bảo vệ con yêu bằng cách nắm vững lịch tiêm chủng cho con theo từng độ tuổi cha mẹ nhé.

1. Sơ sinh

  • Viêm gan B: Trong vòng 24 giờ sau khi sinh trẻ sẽ được tiêm vắc-xin phòng viêm gan B giúp con chống lại virus viêm gan B. Mũi tiêm này sẽ được nhắc lại vào lúc 2, 3, 4 và 18 tháng trong mũi vắc-xin kết hợp - thành phần kháng nguyên có chứa viêm gan B.
  • Nếu mẹ mang virus viêm gan B (HBsAg Dương tính) thì cần tiêm vắc-xin và huyết thanh chống virus viêm gan B ngay trong vòng 24 giờ, tốt nhất là trong 12 giờ đầu sau sinh, tiêm nhắc vắc-xin viêm gan B mũi 2 lúc 1 tháng, mũi 3 lúc 6 tháng tuổi, mũi 4 lúc 18 tháng tuổi.
  • Thông thường trẻ ít có phản ứng sau tiêm nhưng có thể có bé sốt nhẹ và bị đau ở vết tiêm nên các mẹ đừng lo lắng khi thấy con bị sốt nhé.

Tiêm vắc-xin đầy đủ và đúng lịch sẽ giúp phòng ngừa các bệnh nguy hiểm
Tiêm vắc-xin đầy đủ và đúng lịch sẽ giúp phòng ngừa các bệnh nguy hiểm

2. Trước khi con tròn 1 tháng tuổi

  • Cần tiêm BCG phòng lao để bảo vệ con nhiễm lao sơ nhiễm và các thể lao nặng khác.

3. Khi con 6 tuần đến 4 tháng tuổi

  • Cần tiêm 3 mũi vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi do HiB vào 2,3,4 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi con 18 tháng tuổi.
  • Uống vắc-xin phòng tiêu chảy do Rotavirus cũng rất cần thiết ở giai đoạn này.
  • Ngoài ra trẻ cần tiêm vắc-xin phòng phế cầu để phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu với 3 liều cơ bản cách nhau 1 tháng, bắt đầu từ lúc 6 tuần tuổi và 1 liều nhắc thứ 4 tối thiểu cách liều 3 là 6 tháng.

4. Khi con 6-9 tháng tuổi

  • Tiêm vắc-xin phòng cúm: con có thể gặp một vài tác dụng phụ của triệu chứng giả cúm như hắt hơi, chảy nước mũi trong sau tiêm vắc-xin 1-2 ngày nhưng các mẹ đừng lo lắng, chúng ta vẫn nên tiêm phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi với 2 liều cách nhau 1 tháng và nhắc lại hàng năm để phòng biến chứng viêm phổi nặng do cúm.
  • Viêm màng não do não mô cầu nhóm B+C: tiêm 2 mũi, cách nhau tối thiểu 6-8 tuần (thường là 2 tháng).
  • Sởi đơn hoặc Sởi – quai bị - rubella có thể tiêm từ lúc 9 tháng tuổi để phòng sởi sớm cho trẻ khi kháng thể chống virus sởi của mẹ truyền cho con đã giảm. Sau khi tiêm vắc-xin phòng sởi hoặc sởi –quai bị -rubella 6 tháng cần tiêm vắc-xin phòng sởi –quai bị -rubella (thường là 15 tháng tuổi). Những vùng có dịch sởi, vắc-xin MVVAC phòng sởi có thể được tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi.

Thông thường trẻ ít có phản ứng sau tiêm nhưng có thể có bé sốt nhẹ
Thông thường trẻ ít có phản ứng sau tiêm nhưng có thể có bé sốt nhẹ

5. Khi con 9-12 tháng tuổi trở lên

  • Thuỷ đậu: tiêm mũi 1 từ tròn 12 tháng tuổi trở lên và nên tiêm nhắc lại mũi 2 sau 4 năm nếu có nguy cơ cao
  • Viêm não Nhật Bản: xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt nhóm nguy cơ cao là trẻ em từ 2-6 tuổi. Tại Việt Nam, có 2 loại vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản là vắc-xin Jevax (vắc-xin bất hoạt sản xuất tại Việt Nam) và Imojev (vắc-xin sống giảm độc lực của hãng Sanofi- Pháp, sản xuất tại Thái Lan).
  • Vắc-xin Jevax: mũi đầu tiên nên tiêm lúc trẻ 1 tuổi, mũi thứ hai tiêm sau mũi thứ nhất từ 1-2 tuần và mũi thứ ba tiêm sau mũi thứ hai 1 năm. Sau đó, nhắc lại sau mỗi 3 năm cho đến khi trẻ 15 tuổi.
  • Vắc-xin Imojev: tiêm từ 9 tháng -18 tuổi: tiêm 2 liều cách nhau 1-2 năm. Nếu từ 18 tuổi trở lên: tiêm 1 mũi duy nhất
  • Nếu hoàn thành xong liệu trình cơ bản 3 mũi Jevax trở lên có thể tiêm nhắc 1 mũi Imojev vào thời điểm nhắc mũi vắc-xin Jevax tiếp theo.
  • Sởi – quai bị - rubella: tiêm sau mũi vắc-xin phòng sởi đơn hoặc MMR tiêm lúc 9 tháng tuổi ít nhất là 6 tháng và nhắc lại sởi – quai bị - rubella liều tiếp theo sau 4 năm để con có miễn dịch đầy đủ. Nếu trước 1 tuổi trẻ chưa được tiêm vắc-xin có kháng nguyên sởi thì có thể tiêm vắc-xin phòng sởi – quai bị - rubella lúc 12 tháng tuổi, nhắc lại mũi 2 sau 4 năm và 6 tháng sau mũi vắc-xin phòng sởi- quai bị-rubella số 1, tiêm tăng cường 1 mũi vắc-xin phòng sởi hoặc sởi –rubella (MR).
  • Viêm gan A: tiêm 2 liều cách nhau 6 tháng. Nếu tiêm vắc-xin phòng viêm gan A của Pháp (Avaxim) có thể bắt đầu tiêm từ 12 tháng tuổi. Nếu tiêm vắc-xin Havax sản xuất từ Việt Nam thì bắt đầu tiêm mũi 1 từ 2 tuổi.
  • Vắc-xin phòng dại: có thể tiêm phòng từ 1 tuổi để phòng trước khi bị súc vật cắn.

6. Khi con 18 tháng tuổi

  • Là lịch nhắc lại của vắc-xin phòng bạch hầu, ho hà, uốn ván, bại liệt, HiB, viêm gan B mũi 4.
  • Có thể nhắc lại sởi mũi 2 nếu trẻ mới tiêm được 1 mũi vắc-xin có thành phần kháng nguyên sởi.

7. Khi con 2-3 tuổi

  • Thương hàn: là bệnh nhiễm trùng toàn thân và đường ruột cấp tính do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Vắc-xin phòng thương hàn của Pháp có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi, 3 năm nhắc lại 1 lần.
  • Viêm não mô cầu nhóm A+C: 3 năm nhắc lại 1 lần. Dự kiến vắc-xin phòng viêm màng não do não mô cầu AC 4 typ sẽ tiêm cho trẻ bắt đầu sớm hơn.

Cần tiêm BCG phòng lao để bảo vệ con nhiễm lao sơ nhiễm và các thể lao nặng khác
Cần tiêm BCG phòng lao để bảo vệ con nhiễm lao sơ nhiễm và các thể lao nặng khác

8. Khi con trên 4 tuổi

  • Nhắc lại vắc-xin phòng sởi – quai bị - rubella, thủy đậu, viêm não Nhật Bản theo lịch; tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm và nhắc lại bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt lúc 6 tuổi, nhắc bạch hầu – ho gà – uốn ván lúc 11- 13 tuổi.
  • Vắc-xin phòng HPV: Phòng ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn... và sùi mào gà sinh dục của Mỹ (Gardasil) tiêm cho nữ từ 9-26 tuổi: 3 liều; vắc xin phòng HPV của Bỉ (Cervarix) với 3 liều cũng giúp phòng ung thư cổ tử cung cho nữ từ 10-25 tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Hải Hà (Trưởng đơn nguyên Vắc-xin, BV ĐKQT Vinmec Times City – Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec) cho biết: Vắc-xin cần bảo quản dây chuyền lạnh 2-8 độ C để đảm bảo chất lượng và có thể có phản ứng phản vệ sau tiêm chủng mặc dù tỉ lệ rất ít nên cha mẹ cần cho trẻ tiêm tại cơ sở y tế có đủ điều kiện về an toàn tiêm chủng, tránh tiêm tại nhà. Và sau khi con tiêm phòng, cha mẹ cũng cần lưu ý lưu lại ít nhất 30 phút tại cơ sở tiêm chủng để theo dõi phản ứng sau tiêm và báo ngay với nhân viên y tế nếu con xuất hiện một trong các triệu chứng sau đây:

  • Mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay và sưng to quanh chỗ tiêm
  • Thở khò khè, khó thở, tím tái
  • Đau quăn bụng, ỉa đái không tự chủ
  • Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa
  • Choáng váng, vật vã, giãy giụa, co giật
  • Mạch nhanh nhỏ, khó bắt.

Sau đó trong vòng 24-48 giờ tại nhà, bố mẹ nên theo dõi thêm trẻ sau tiêm để xử trí hạ sốt khi trẻ sốt cao, theo dõi sưng đau vị trí tiêm và kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có dấu hiệu bất thường: sốt cao liên tục, dùng thuốc hạ sốt không hạ, nổi mày đay trên da, co giật, li bì, kích thích, quấy khóc kéo dài không dỗ được, tím tái, khó thở, bú kém, bỏ bú....

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe