Mẹ bầu bị viêm khớp dạng thấp có sinh nở bình thường không?

Mục lục

Mẹ bầu bị viêm khớp dạng thấp có thể gặp phải những triệu chứng thất thường do thay đổi hormone và hệ miễn dịch trong thai kỳ. Vì vậy, người bệnh cần gặp bác sĩ để được tư vấn chi tiết, đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Theo dõi và điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp là rất quan trọng, vì một số loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp có thể không an toàn trong thai kỳ.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh viêm mãn tính không chỉ ảnh hưởng đến khớp mà còn có thể tác động đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể như da, mắt, phổi, tim và mạch máu. Đây là một rối loạn tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh của cơ thể.

Khác với thoái hoá khớp do hao mòn khớp, viêm khớp dạng thấp làm tổn thương lớp niêm mạc khớp, gây sưng đau kéo dài và có thể dẫn đến xói mòn xương hoặc biến dạng khớp nếu không được điều trị.

Tình trạng viêm do bệnh này còn có thể gây tổn thương cho các cơ quan khác trong cơ thể. Dù các phương pháp điều trị hiện đại đã giúp kiểm soát bệnh tốt hơn, nhưng ở các trường hợp nặng, viêm khớp dạng thấp vẫn có thể gây ra khuyết tật về thể chất.

2. Mẹ bầu bị viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào ?

Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sảy thai ở phụ nữ mắc viêm khớp dạng thấp (RA) là 17% - tương đương với tỷ lệ chung trong dân số (11-22%).

Tuy nhiên, phụ nữ mang thai mắc bệnh có nguy cơ gặp các biến chứng cao hơn, như:

  • Tiền sản giật: Theo một nghiên cứu, phụ nữ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mắc tiền sản giật cao hơn. Tiền sản giật là một biến chứng thai kỳ có thể gây huyết áp cao và protein niệu, thậm chí xảy ra sau sinh.
  • Sinh non: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phụ nữ mang thai mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ sinh non cao hơn so với người không mắc bệnh. Một nghiên cứu trên 440 phụ nữ mang thai mắc bệnh chỉ ra rằng, phụ nữ có triệu chứng viêm khớp dạng thấp nặng có nguy cơ sinh non cao hơn.
  • Trẻ sinh nhẹ cân: Một nghiên cứu từ năm 2009 cho rằng, phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng làm tăng nguy cơ sinh con nhẹ cân.

Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp trong thai kỳ như mệt mỏi, khó thở, đau khớp và sưng, thường dễ nhầm lẫn với các triệu chứng thông thường khi mang thai, khiến việc quản lý bệnh trở nên phức tạp hơn. 

Mẹ bầu bị viêm khớp dạng thấp thường dễ xảy ra các biến chứng nguy hiểm nên cần sự theo dõi của bác sĩ.
Mẹ bầu bị viêm khớp dạng thấp thường dễ xảy ra các biến chứng nguy hiểm nên cần sự theo dõi của bác sĩ.

3. Các triệu chứng mẹ bầu bị viêm khớp dạng thấp có thể cải thiện trong thai kỳ không?

Trong thai kỳ, hệ miễn dịch của người mẹ thay đổi để bảo vệ thai nhi đang phát triển. Điều này có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp (RA). Khoảng 50% phụ nữ mắc bệnh có triệu chứng bệnh giảm rõ rệt khi mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.

Sưng và đau khớp thường cải thiện trong tam cá nguyệt thứ hai và khoảng 20-40% phụ nữ có ít hoặc không còn triệu chứng trong ba tháng cuối. Tuy nhiên, khoảng 20% phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp có thể gặp triệu chứng nghiêm trọng hơn trong thai kỳ, cần được theo dõi và điều trị y tế để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.

4. Rủi ro khi mẹ bầu bị viêm khớp dạng thấp?

Phụ nữ mắc viêm khớp dạng thấp (RA) vẫn có thể mang thai thành công và sinh con khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu bệnh ảnh hưởng đến hông hoặc cột sống thắt lưng, việc sinh nở có thể gặp khó khăn và bác sĩ có thể đề xuất phương án sinh mổ.

Mặc dù rủi ro đối với cả mẹ và bé là thấp, phụ nữ mắc viêm khớp dạng thấp nên thảo luận với bác sĩ trước khi quyết định mang thai. Một số loại thuốc điều trị có thể ảnh hưởng đến thai nhi, vì vậy bác sĩ có thể yêu cầu ngừng hoặc thay thế thuốc trước khi thụ thai hoặc ngay khi phát hiện mang thai. Việc lập kế hoạch kỹ lưỡng và theo dõi y tế sẽ giúp đảm bảo một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. 

Phụ nữ có thể khó mang thai khi đang bị viêm khớp dạng thấp hoặc đang sử dụng thuốc điều trị.
Phụ nữ có thể khó mang thai khi đang bị viêm khớp dạng thấp hoặc đang sử dụng thuốc điều trị.

5. Viêm khớp dạng thấp và khả năng mang thai  

Phụ nữ mắc viêm khớp dạng thấp (RA) có thể gặp khó khăn hơn trong việc thụ thai so với những người không mắc bệnh. Điều này có thể do ảnh hưởng của bệnh lên sức khỏe sinh sản, tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị hoặc cả hai.

Vì vậy, phụ nữ mắc bệnh muốn mang thai nên thảo luận với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng và thời điểm tốt nhất để thụ thai. Bác sĩ có thể khuyên chọn thời gian mang thai khi bệnh đang thuyên giảm và ngừng một số loại thuốc để tăng khả năng thụ thai cũng như đảm bảo an toàn cho thai nhi.

Thảo luận với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng và thời điểm tốt nhất để thụ thai.
Thảo luận với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng và thời điểm tốt nhất để thụ thai.

Nhìn chung, mẹ bầu bị viêm khớp dạng thấp hoàn toàn có thể sinh con khỏe mạnh nhưng cần phải có kế hoạch cẩn thận và luôn tới gặp bác sĩ để nhận được tư vấn kịp thời nếu có xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Hãy tìm đến sự giúp đỡ của cả bác sĩ sản khoa và bác sĩ xương khớp để có thể lựa chọn các loại thuốc và hướng điều trị an toàn nhất cho cả mẹ và bé nhé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ