Mổ thoát vị đĩa đệm có bị liệt không? Thông tin cần biết

Mục lục

Mổ thoát vị đĩa đệm có bị liệt không là mối quan tâm của nhiều người khi cân nhắc phẫu thuật điều trị bệnh lý cột sống này. Thoát vị đĩa đệm gây đau đớn, hạn chế vận động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Phẫu thuật thường được áp dụng khi các phương pháp bảo tồn không còn hiệu quả.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Thoát vị đĩa đệm và phương pháp điều trị bằng phẫu thuật

Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý thường gặp ở những người trung niên, ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và hoạt động hàng ngày. Người bị thoát vị đĩa đệm thường gặp nhiều khó khăn khi vận động, nếu để lâu ngày mà không tiến hành điều trị sẽ có nguy cơ bại liệt.  

Có một số lựa chọn khác nhau để chữa bệnh thoát vị đĩa đệm. Đối với những trường hợp nặng và không đáp ứng được các biện pháp điều trị khác, bác sĩ thường sẽ khuyến nghị tiến hành phẫu thuật.

Những trường hợp thoát vị đĩa đệm không đáp ứng các phương án điều trị khác có thể phải tiến hành phẫu thuật.
Những trường hợp thoát vị đĩa đệm không đáp ứng các phương án điều trị khác có thể phải tiến hành phẫu thuật.

Phẫu thuật được xem là lựa chọn cuối cùng, khiến cho không ít người muốn biết liệu mổ thoát vị đĩa đệm có bị liệt không..

2. Những phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm thường áp dụng

Trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ điều trị sẽ tiến hành nhiều bước xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh khác nhau để xác định mức độ tổn thương của người bị thoát vị đĩa đệm, từ đó đề xuất lựa chọn thích hợp.

2.1. Đặt đĩa đệm nhân tạo

Đây là một phương pháp chỉ định dành cho một số đối tượng nhất định, giúp thay thế đĩa đệm bị tổn thương bằng một đĩa đệm nhân tạo. Theo khuyến nghị của bác sĩ, một số trường hợp không phù hợp để thực hiện đặt đĩa đệm nhân tạo bao gồm:

  • Người bị dị ứng với các vật liệu cấu tạo của đĩa đệm nhân tạo.
  • Người có xương yếu do loãng xương, khiến cột sống không đủ vững chắc để hỗ trợ đĩa đệm nhân tạo.
  • Người mắc bệnh thoái hóa cột sống tiến triển, đặc biệt khi bệnh ảnh hưởng đến nhiều đốt sống hoặc làm mất ổn định cột sống.

2.2. Phẫu thuật cắt cung sau

Đây là một phương pháp điều trị tổn thương và các bệnh lý liên quan đến cột sống, bao gồm cả u cột sống. Phẫu thuật này loại bỏ một phần vòm đốt sống (lamina) để tạo ra khoảng trống, giúp giảm áp lực lên rễ thần kinh hoặc tủy sống. Điều này giúp giảm đau và cải thiện các vấn đề do chèn ép thần kinh.

Nhiều người quan tâm đến việc mổ thoát vị đĩa đệm có bị liệt không.
Nhiều người quan tâm đến việc mổ thoát vị đĩa đệm có bị liệt không.

2.3. Hợp nhất cột sống

Phương pháp này sử dụng xương ghép từ người hiến tặng hoặc chính xương của bệnh nhân để kết nối các đốt sống bị tổn thương. Các đốt sống sẽ được cố định bằng ốc vít, thanh kim loại hoặc thanh nhựa để giữ vững cột sống trong quá trình lành. Mục tiêu của liệu pháp này là cố định vĩnh viễn cột sống, giúp giảm đau và cải thiện chức năng. Tuy nhiên, bệnh nhân cần chuẩn bị tâm lý sống chung với các dụng cụ cố định này suốt đời.

2.4. Phẫu thuật cắt bỏ vi mô

Một trong những phương án phẫu thuật thoát vị đĩa đệm phổ biến nhất chính là cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ đĩa đệm đang chèn ép rễ thần kinh, giúp người bệnh giảm đau.

3. Mổ thoát vị đĩa đệm có bị liệt không?

Cột sống là nơi bảo vệ tủy sống và chứa các dây thần kinh quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong việc điều khiển vận động và cảm giác của cơ thể. Vì vậy, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm thường được xem là giải pháp cuối cùng, chỉ áp dụng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.

Phẫu thuật tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể gây tổn thương đến rễ thần kinh, dẫn đến mất cảm giác, giảm khả năng vận động hoặc gây đau mãn tính. Nếu tủy sống bị tổn thương, hậu quả có thể nghiêm trọng hơn như bại liệt hoặc mất chức năng vĩnh viễn.

Hiện nay, với sự phát triển của y học hiện đại, tay nghề chuyên môn của bác sĩ ngày càng được nâng cao, tỷ lệ xảy ra biến chứng khi thực hiện phẫu thuật thoát vị đĩa đệm đã giảm đi đáng kể và khả năng tái phát chỉ chiếm khoảng 5 đến 15%.  

Người bệnh cần chú ý tăng cường sức khỏe và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh tái phát sau phẫu thuật. Điều này rất quan trọng vì phẫu thuật chỉ giúp giảm đau ở phần đĩa đệm bị tổn thương, không thể bảo vệ hoặc kiểm soát các đĩa đệm khác khỏi nguy cơ bị ảnh hưởng.

Tay nghề bác sĩ đã được nâng cao nên tỷ lệ gặp biến chứng sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là rất ít.
Tay nghề bác sĩ đã được nâng cao nên tỷ lệ gặp biến chứng sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là rất ít.

4. Những lưu ý sau khi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm

Vấn đề mổ thoát vị đĩa đệm có bị liệt không đã được các chuyên gia y tế nhận định là nguy cơ rất thấp và hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng những biện pháp tăng cường sức khỏe sau khi phẫu thuật.

Tuy nhiên, người bệnh cần nắm rõ các lưu ý sau:

  • Nghỉ ngơi hợp lý: Tránh ngồi quá lâu để giảm áp lực lên lưng. Nếu công việc đòi hỏi ngồi nhiều, nên đứng dậy đi lại thường xuyên. Hạn chế lái xe đường dài để tránh gây căng thẳng cho cột sống.
  • Tránh động tác sai tư thế: Không thực hiện các động tác uốn hoặc vặn người. Khi cần nâng vật, hãy khuỵu gối và giữ lưng thẳng để tránh gây tổn thương.
  • Kiên nhẫn trong quá trình hồi phục: Thời gian hồi phục của cột sống thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần. Nếu cần, có thể dùng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Theo dõi các dấu hiệu bất thường: Đảm bảo tái khám đúng lịch hẹn. Nếu xuất hiện các dấu hiệu như sốt cao, vết mổ sưng tấy, chảy máu hoặc dịch mủ hoặc cảm giác đau ở ngực hay bắp chân, cần liên hệ ngay với bác sĩ để kiểm tra.
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý: Uống đủ nước mỗi ngày và xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng để cơ thể phục hồi nhanh chóng. Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung thực phẩm chức năng để tăng cường sức khỏe xương khớp.
Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ hỗ trợ hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm.
Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ hỗ trợ hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm.

Sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, quá trình phục hồi của mỗi người sẽ hoàn toàn khác nhau tùy vào mức độ chấn thương trước khi mổ, nhưng đều cần có một khoảng thời gian nhất định. Thảo luận với bác sĩ để lên kế hoạch phục hồi phù hợp với trạng thái cơ thể sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể nguy cơ gặp những biến chứng ngoài ý muốn như bại liệt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ