Nguyên nhân đau khớp háng có thể đang là vấn đề mà nhiều bệnh nhân tìm kiếm khi nhận ra những cơn đau tại vùng háng bắt đầu xuất hiện. Đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý thông thường, tuy nhiên cũng có thể là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm cần phải được điều trị sớm. Vậy đâu là những nguyên nhân hay gặp nhất?
Hỏi
Chào bác sĩ,
Em năm nay 27 tuổi. Năm 6 tuổi, em có bị viêm khớp háng, nằm viện 1 tháng thì chữa khỏi. Dạo gần đây, em có tập những bài tập thể dục phần thân dưới và cơ mông thì lại bị đau ở khớp háng chân trái. Em nghỉ 5 ngày rồi tập lại thì bị đau khớp háng bên chân phải. Cho em xin hỏi nguyên nhân đau khớp háng là do đâu và cách khắc phục? Em xin cảm ơn.
Hoàng Mai (1994)
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Tuyết Nhung - Bác sĩ Cơ xương khớp - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào Hoàng Mai! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Tuyết Nhung - Bác sĩ Cơ xương khớp - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Để trả lời cho câu hỏi “Nguyên nhân đau khớp háng là do đâu?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Nếu bạn bị đau khớp háng khi tập luyện và giảm đau khi nghỉ ngơi, có thể cơn đau liên quan đến các động tác tập luyện gây căng quá mức cho gân cơ và dây chằng quanh khớp.
Để khắc phục, bạn nên tránh các động tác quá sức tập trung vào một khớp cụ thể. Nếu tình trạng đau kéo dài, bạn nên đi khám chuyên khoa cơ xương khớp để xác định chính xác nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.
Ngoài ra, để giúp bạn có thêm thông tin tham khảo, dưới đây là phần giải đáp về tất cả các nguyên nhân đau khớp háng và các cách điều trị:
1. Nguyên nhân đau khớp háng là do đâu?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng đau khớp háng, có thể kể đến như:
- Chấn thương: Các va chạm do chấn thương cơ học làm tổn thương dây chằng, gân hoặc cơ. Qua đó, khớp háng bị tổn thương và gây đau khớp háng.
- Thoái hoá khớp háng: Các khớp bị mài mòn theo thời gian có thể làm lớp sụn khớp biến mất. Từ đó, khớp háng bị thoái hoá, gây ra tình trạng đau khớp háng.
- Viêm khớp dạng thấp: Đây là một loại bệnh tự miễn khi hệ miễn dịch làm tổn thương khớp của người bệnh, qua đó khiến bệnh nhân bị đau khớp háng.
- Các bệnh lý khác: Một số bệnh lý khác có thể gây ra tình trạng đau khớp háng. Có thể kể đến như nhiễm trùng đường tiết niệu, sưng hạch bạch huyết, thoái hoá khớp, u nang buồng trứng hoặc viêm ruột.
- Hoại tử vô khuẩn: Một số mạch máu cung cấp dinh dưỡng cho chỏm xương đùi bị tổn thương, gây ra tình trạng hoại tử vô khuẩn. Tình trạng này có thể gây ra triệu chứng đau khớp háng và hạn chế vận động.
- Thoát vị bẹn: Khi niêm mạc ruột di chuyển khỏi khoang bụng và bị mắc kẹt ở ống bẹn sẽ gây thoát vị bẹn, từ đó tạo ra sức ép cho các cơ ở vùng háng, gây đau khớp háng. Đây là một nguyên nhân đau khớp háng mà ít bệnh nhân biết đến.

2. Các cách điều trị
Nếu bị đau khớp háng khi tập và đỡ đau khi nghỉ tập, cách khắc phục tốt nhất là tránh các động tác tập luyện quá mức với một khớp nào đó. Nếu tình trạng vẫn kéo dài, bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa cơ xương khớp để có thể được chẩn đoán và có phương pháp điều trị thích hợp.
Ngoài ra, còn một số phương pháp điều trị đau khớp háng khác bao gồm:
- Vật lý trị liệu: Các biện pháp như bấm huyệt, xoa bóp, nhiệt, laser có thể giúp cải thiện tình trạng đau khớp háng ở bệnh nhân.
- Thuốc: Một vài loại thuốc có thể được kê đơn nhằm thuyên giảm các cơn đau hoặc điều trị triệt để các nguyên nhân đau khớp háng như viêm cơ hoặc viêm gân. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên lạm dụng thuốc.
- Phẫu thuật: Nếu nguyên nhân gây đau khớp háng đến từ bệnh lý và bệnh đã diễn tiến nặng, phẫu thuật sẽ được áp dụng để điều trị triệt để tình trạng.

Vừa rồi là câu trả lời mà Vinmec cung cấp cho bạn đọc về nguyên nhân đau khớp háng và cách điều trị. Nếu vẫn còn thắc mắc về đau khớp háng, người bệnh có thể đến bệnh viện thuộc hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn luôn có thật nhiều sức khoẻ.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.