Suy tim cấp (STC) là đề cập đến tình trạng khởi phát nhanh hoặc nặng hơn của các triệu chứng và/hoặc dấu hiệu của suy tim, đe dọa tính mạng, thường dẫn đến nhập viện, cần đánh giá và điều trị cấp cứu/khẩn cấp. Suy tim cấp là một thuật ngữ mang tính chất tương đối, dùng để mô tả suy tim tiến triển nhanh trong vài giờ đến vài ngày. Điểm đặc trưng về lâm sàng của STC là bệnh cảnh suy tuần hoàn cấp tính kiểu sốc tim. Đặc trưng sinh bệnh học là suy tim toàn bộ (suy cả tim phải và trái).
Nguyên nhân suy tim cấp
Suy tim cấp có thể khởi phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân gây suy tim cấp ở trẻ em khác biệt rõ rệt so với ở người lớn. Nguyên nhân chính gây suy tim cấp ở người lớn chủ yếu do bệnh lý động mạch vành, bệnh van tim, tăng huyết áp không khống chế. Trẻ em nguyên nhân chính suy tim cấp khác nhau ở lứa tuổi, khu vực địa lý, quốc gia phát triển và đang phát triển. Ở Việt Nam nguyên nhân chủ yếu là viêm cơ tim cấp và các bệnh lý khác gây giảm chức năng tim đột ngột.
1. Các bệnh lý cơ tim
Các bệnh lý cơ tim: tất cả các bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh tim mắc phải khi tổn thương cơ tim đều có khả năng gây suy tim cấp do giảm khả năng co bóp của cơ tim, cơ tim giãn quá mức hoặc cơ tim không giãn được.
- Viêm cơ tim cấp: là tình trạng viêm, hoại tử cấp tính của tổ chức kẽ và tế bào cơ của khối cơ tim, gây rối loạn chức năng co bóp của cơ tim ở các mức độ trầm trọng khác nhau. Nguyên nhân gây viêm cơ tim cấp rất đa dạng trong đó viêm cơ tim do vi rút là phổ biến nhất. Biểu hiện lâm sàng của viêm cơ tim phụ thuộc vào lứa tuổi, trẻ bú mẹ thường biểu hiện cấp tính đến tối cấp, trẻ lớn và trẻ vị thành niên thường ít cấp tính một số trường hợp ít triệu chứng bị bỏ sót để lại hậu quả bệnh cơ tim giãn sau này. Virus gây viêm cơ tim cấp hay gặp nhất là Coxsackie B và Adenovirus. Sinh thiết nội tâm mạc là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm cơ tim cấp, có độ đặc hiệu cao, kết hợp chẩn đoán hình ảnh cho kết quả chính xác.
- Bệnh cơ tim giãn: là bệnh cơ tim tiên phát hay gặp nhất, trong đó các tâm thất giãn và giảm nặng chức năng co bóp. Nguyên nhân trong đa số trường hợp ở trẻ em có thể có tính di truyền hoặc tiền sử nhiễm virus, bệnh cơ tim giãn có thể là một di chứng của viêm cơ tim trước đó. Viêm cơ tim cấp hoạt động được xác định 2% đến 15% trên bệnh nhân cơ tim giãn.
Trong nhiều trường hợp bệnh có tính chất gia đình, di truyền trội và lặn, liên kết với nhiễm sắc thể giới tính X và di truyền ty thể. Chẩn đoán bệnh mang tính chất loại trừ sau khi đã tìm kiếm các nguyên nhân kể cả rối loạn chuyển hóa và mô bệnh học đều không phát hiện bệnh lý nào. Bệnh cảnh lâm sàng giống như viêm cơ tim cấp, bán cấp hoặc xơ chun nội mạc.
- Bệnh cơ tim do chuyển hóa: các rối loạn chuyển hóa có thể gây suy tim cấp như suy/cường cận giáp, hạ đường máu, bệnh dự trữ glycogen (như bệnh Pompe), bệnh Mucopolysaccharide, thiếu hụt carnitine, bệnh Fabry, rối loạn acid béo, toan chuyển hóa, hạ thân nhiệt, hạ calci máu.
- Phản ứng có hại của thuốc có thể gây tổn thương tim gây suy tim cấp như Sulfonamide, Penicillin. Cơ chế gây tổn thương tim của Sulfonamide và Penicillin chưa rõ ràng nhưng thường kết hợp trong phản ứng phản vệ. Thuốc điều trị ung thư anthracyclines gây suy tim cấp đã được mô tả trong y văn về ung thư, tùy thuộc vào liều dùng, thời gian sử dụng của thuốc, thuốc tích tụ trong máu càng nhiều thì khả năng suy tim càng cao. Anthracyclines gây ngộ độc cơ tim theo 2 giai đoạn, giai đoạn cấp các triệu chứng thường thoáng qua dễ bỏ sót, giai đoạn muộn biểu hiện của bệnh cảnh cơ tim giãn toàn bộ.
- Bệnh mô liên kết như Lupus ban đỏ hệ thống SLE (Systemic Lupus Erythematosus)... cũng có thể gây tổn thương cơ tim, gây suy tim cấp. Đặc biệt tổn thương tim trong bệnh SLE là một trong những tổn thương nặng nề và là một trong những nguyên nhân gây tử vong của bệnh. Trong SLE mọi cấu trúc của tim đều có thể bị tổn thương như màng ngoài tim, màng trong tim, cơ tim, dẫn truyền trong tim, dẫn đến các bệnh lý tim mạch đa dang như viêm màng ngoài tim, viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim, tổn thương mạch vành...trong đó viêm màng ngoài tim hay gặp nhiều nhất.
- Rối loạn thần kinh cơ gây bệnh cơ tim thường trong giai đoạn muộn của bệnh như loạn dưỡng cơ Duchene, teo cơ tủy, bệnh rối loạn điều hòa Friedreich.
2. Dị tật tim bẩm sinh
Tất cả các bệnh tim bẩm sinh đều có thể gây suy tim sớm trừ nhóm tim bẩm sinh ít máu lên phổi gây suy tim muộn.
Tim bẩm sinh có luồng shunt trái → phải
Thông liên thất, còn ống động mạch lớn, thông sàn nhĩ – thất, chuyển gốc động mạch, thân chung động mạch, thông liên nhĩ, cửa sổ chủ phế, động mạch vành trái xuất phát bất thường từ động mạch phổi ALCAPA... các bệnh tim bẩm sinh có luồng shunt trái → phải đều gây suy tim trái ngoại trừ thông liên nhĩ gây suy tim phải.
Các bệnh lý tim bẩm sinh này sẽ biểu hiện suy tim cấp sớm khi sức cản mạch phổi giảm xuống. Với bệnh lý này máu sẽ chọn con đường ít kháng trở nhất để đi, đó là động mạch phổi, do đó luồng máu ưu tiên đổ về động mạch phổi dẫn đến cung lượng tim tưới máu cho tuần hoàn hệ thống không đủ, còn gây tình trạng xung huyết phổi.
Tương tự như vậy trong trường hợp động mạch vành trái xuất phát bất thường từ động mạch phổi, khi sức cản của mạch phổi giảm xuống, dòng máu đến động mạch phổi, thiếu máu mạch vành tăng lên, kết quả làm giảm co bóp cơ tim, giảm cung lượng tim và có thể gây rối loạn nhịp tim, cuối cùng gây suy tim cấp có thể sốc tim.
Cản trở tống máu
Hội chứng thiểu sản thất trái, hẹp eo động mạch chủ nặng, hẹp van động mạch chủ, hẹp động mạch phổi, hẹp hai lá... Các loại tim bẩm sinh này đều phụ thuộc ống động mạch; tưới máu mạch vành và mạch hệ thống trong những bệnh này phụ thuộc dòng máu từ tim phải sang tim trái từ động mạch phổi vào động mạch chủ qua ống động mạch.
Các dị tật tim bẩm sinh khác: tĩnh mạch phổi đổ về bất thường, bệnh lý về động mạch vành, hở van hai lá, hở van động mạch chủ....
3.Bệnh tim mắc phải
Viêm màng ngoài tim co thắt, tràn dịch màng ngoài tim nặng gây chèn ép tim cấp (tamponade). Chèn ép tim cấp gây giảm thể tích tâm thất cả 2 bên, trong khi chức năng tâm thu bình thường, cung lượng tim và thể tích tống máu giảm.
Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn: là tình trạng viêm nội tâm mạc có loét sùi thường xảy ra trên bệnh nhân đã có tổn thương tim từ trước do mắc phải hoặc bẩm sinh. Suy tim xung huyết gặp 30% các trường hợp.
4.Rối loạn dẫn truyền
Loạn nhịp kéo dài, cơn nhịp nhanh thất, trên thất, rung nhĩ. Block nhĩ thấp cấp 3, đặc biệt khi nhịp tim nhỏ hơn 50 lần/phút.
5.Do các bệnh khác ngoài tim
- Các bệnh thận gây tăng huyết áp: viêm cầu thận cấp thể cao huyết áp, hẹp động mạch thận...
- Bệnh nội tiết: ngộ độc giáp (cơn cường giáp kịch phát), tăng huyết áp do u tủy thượng thận, tiểu đường...
- Toan máu nặng, thiếu máu, nhiễm khuẩn huyết, hạ đường huyết
- Các nguyên nhân khác: Viêm phổi, thiếu dinh dưỡng (thiếu vitamin B1, thiếu Carnitine, Selenium....) u trung thất chèn ép.
6. Phân loại các nguyên nhân suy tim cấp theo lứa tuổi
Thai nhi
- Thiếu máu nặng.
- Nhịp nhanh trên thất.
- Nhịp nhanh thất.
- Block nhĩ – thất hoàn toàn.
Trẻ sơ sinh
- Quá tải dịch truyền.
- Còn ống động mạch lớn.
- Còn ống nhĩ thất chung thể hoàn toàn.
- Thông liên thất lớn.
- Bệnh lý cơ tim do ngạt.
- Dị dạng động – tĩnh mạch.
- Bệnh tim bẩm sinh có tắc luồng ra tim trái (hẹp eo động mạch chủ, thiểu sản tim trái).
- Dị dạng phối hợp nặng (tim một buồng thất, thân chung động mạch).
- Viêm cơ tim do virus.
- Tâm phế mạn (do loạn sản phế quản phổi sau thở máy).
Trẻ nhỏ
- Bệnh tim bẩm sinh có luồng thông trái phải lớn (đặc biệt là thông liên thất và còn ống động mạch).
- U mạch khổng lồ (thông động – tĩnh mạch).
- Dị dạng động mạch vành trái.
- Bệnh cơ tim chuyển hóa.
- Tăng huyết áp cấp tính (hội chứng ure huyết – huyết tán).
- Cơn nhịp nhanh trên thất kéo dài.
- Bệnh Kawasaki.
Trẻ lớn
- Thấp tim.
- Tăng huyết áp cấp tính (viêm cầu thận cấp).
- Viêm cơ tim do virus.
- Ngộ độc giáp trạng.
- Bệnh cơ tim nhiễm sắt (hemosiderosis do tan máu mạn tính nặng).
- Tai biến do điều trị ung thư (tai xạ, adriamycin).
- Bệnh thiếu máu hồng cầu liềm.
- Viêm màng trong tim nhiễm khuẩn.
- Suy tim trong các bệnh nhiễm khuẩn nặng (bạch hầu, thương hàn, rickettsia).
- Tâm phế mạn (hen nặng lâu ngày, xơ nang tụy).
- Bệnh lý cơ tim (phì đại, giãn, sau viêm cơ tim virus).
7. Phân loại các nguyên nhân suy tim cấp trong và ngoài hệ tim mạch
Nguyên nhân suy tim cấp do hệ tim mạch
- Các bệnh tim bẩm sinh gây tăng lưu lượng do có các luồng thông: thông liên thất lớn, còn ống động mạch lớn, còn ống nhĩ thất, thông liên nhĩ lớn, rò động – tĩnh mạch, thân chung động mạch, đổi chỗ các mạch máu lớn.
- Các bệnh mắc phải gây tăng lưu lượng tim: hở 2 lá, hở van động mạch chủ, vỡ phình van valsalva do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn .
- Các bệnh làm tim phải tăng sức co bóp: hẹp van động mạch chủ hoặc hẹp eo động mạch chủ, hẹp van hoặc thân động mạch phổi, tăng huyết áp.
- Các loại loạn nhịp tim.
- Các bệnh lý cơ tim, nội tâm mạc.
- Các bệnh màng ngoài tim: chèn ép tim do tràn dịch hay tràn máu, viêm dày dính màng ngoài tim.
- Bệnh mạch vành gây thiếu máu hay nhồi máu cơ tim: bẩm sinh (lạc chỗ) hay mắc phải (bệnh Kawasaki).
Nguyên nhân suy tim cấp do các bệnh xuất hiện ngoài hệ tim mạch
- Các bệnh lý do viêm: thấp tim, các bệnh tạo keo...
- Các bệnh lý nhiễm trùng: virus (ECHO, Coxsakie), các bệnh do Ricketsia, các bệnh do vi khuẩn: thương hàn, bạch hầu, viêm phổi nặng, các tình trạng nhiễm khuẩn nặng...
- Các bệnh nội tiết: ngộ độc giáp trạng, suy giáp trạng bẩm sinh.
- Các bệnh chuyển hóa: thiếu vitamin B1, thiếu L-cartinine, bệnh ứ đọng glycogen.
- Thiếu máu nặng.
- Nhồi máu phổi lan rộng hoặc rải rác nhiều nơi.
- Các bệnh lý gây ứ nước (suy thận cấp), do điều trị không đúng: truyền dịch quá nhiều hoặc quá nhanh.
- Toan chuyển hóa nặng, rối loạn điện giải (hạ canxi, kali hay mage máu).
- Do thuốc chống ung thư (adriamycin, dauracyclin).
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.