Những lý do khiến tình trạng dị ứng không thuyên giảm dù đã tuân thủ theo kế hoạch điều trị là vấn đề được nhiều bệnh nhân thắc mắc. Trong đó, một số nguyên nhân thường gặp bao gồm do thuốc kê đơn không còn hiệu quả hoặc các chất gây dị ứng khác gây ra… Lúc này, mọi người nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị thích hợp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Vinmec.
1. Các nguyên nhân khiến tình trạng dị ứng không thuyên giảm
1.1 Các chất gây dị ứng
Hệ miễn dịch sẽ phản ứng quá mức với những chất có trong môi trường, gây ra các triệu chứng dị ứng như hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi và ngứa mắt, mũi, cổ họng.
Nhiều loại phấn hoa từ cây, cỏ và cỏ dại có thể gây ra các phản ứng dị ứng. Để giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác, người bệnh cần chú ý đến thời điểm và địa điểm xuất hiện các triệu chứng.

1.2 Dùng sai thuốc
Thông thường, khi bệnh nhân bị nghẹt mũi sẽ tìm đến thuốc thông mũi để giải quyết nhanh. Tuy thuốc có hiệu quả tức thì nhưng việc lạm dụng lại dẫn đến tình trạng nghẹt mũi kéo dài.
Thêm vào đó, thuốc kháng histamin tuy giảm sổ mũi và hắt hơi nhưng lại không thực sự cải thiện tình trạng nghẹt. Vì vậy, corticosteroid dạng xịt mũi là lựa chọn an toàn và hiệu quả hơn trong việc kiểm soát toàn diện các triệu chứng bao gồm cả nghẹt mũi, hắt hơi và chảy nước mũi.

1.3 Không sử dụng thuốc điều trị
Dù thuốc xịt mũi corticosteroid rất hiệu quả nhưng nhiều người lại chọn thuốc viên vì sự tiện lợi. Tuy nhiên, người sử dụng cần phải tuân thủ đúng hướng dẫn khi sử dụng thuốc dị ứng.
Một số loại thuốc dị ứng có tác dụng kéo dài, vì vậy nên bắt đầu sử dụng trước khi mùa dị ứng bắt đầu. Nếu chi phí thuốc là vấn đề, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ để được kê đơn các loại thuốc phù hợp với ngân sách. Ngoài ra, rửa xoang cũng là một phương pháp hỗ trợ, nhưng không phải lúc nào cũng giúp giảm hết mọi triệu chứng dị ứng.
1.4 Dị ứng do thú cưng
Các bác sĩ thường không khuyên mọi người từ bỏ thú cưng khi bị dị ứng. Tuy nhiên, để giảm thiểu tiếp xúc với chất gây dị ứng, mọi người nên giữ cho phòng ngủ luôn sạch sẽ và hạn chế cho thú cưng vào.
Ngoài ra, việc tắm rửa thường xuyên cho thú cưng (ngoại trừ mèo) cũng rất quan trọng. Đối với mèo, việc loại bỏ hoàn toàn protein gây dị ứng trên lông là rất khó khăn do các protein này có khả năng bám rất lâu.

1.5 Không thể tránh được các tác nhân gây bệnh
Để kiểm soát các triệu chứng, người bệnh cần kết hợp dùng thuốc, thay đổi hành vi và môi trường sống.
Để hạn chế tiếp xúc với phấn hoa hoặc nấm mốc ngoài trời, mọi người nên:
- Đóng chặt cửa sổ và cửa ra vào.
- Đeo khẩu trang khi cắt cỏ hoặc thuê người làm việc này.
- Sử dụng máy lọc không khí có bộ lọc HEPA trong phòng ngủ.
- Bật điều hòa trong xe hơi và ở nhà.
Ngoài ra, có thể kiểm soát các chất gây dị ứng trong nhà bằng cách:
- Không cho thú cưng nằm trên đồ nội thất.
- Hút bụi thường xuyên.
- Giặt khăn trải giường thường xuyên bằng nước ấm.
1.6 Chuyển địa điểm làm việc
Khi làm việc trong một môi trường mới, bệnh nhân có thể tiếp xúc với các loại phấn hoa khác nhau. Nếu sống gần đường lớn hoặc phải di chuyển quãng đường dài, cơ thể sẽ tiếp xúc nhiều hơn với khói bụi. Ngoài ra, các sản phẩm vệ sinh trong văn phòng hoặc bụi bẩn, nấm mốc trong các tòa nhà cũ cũng có thể gây ra viêm mũi dị ứng liên quan đến nghề nghiệp.
1.7 Các chất có trong buổi tiệc
Dị ứng có thể trở nên nặng hơn nếu người bệnh hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc. Các biện pháp như hút thuốc ở một số phòng riêng, mở cửa sổ hay dùng quạt không giúp cải thiện tình hình. Chỉ khi hoàn toàn bỏ thuốc hoặc tránh xa môi trường có khói thuốc, các triệu chứng mới thuyên giảm.
Ngoài ra, rượu cũng làm tăng phản ứng dị ứng với phấn hoa vì trong bia, rượu vang và rượu mạnh chứa nhiều histamine - chất gây ra các triệu chứng dị ứng. Vì vậy, người bệnh nên hạn chế hoặc tránh uống rượu, đặc biệt khi lượng phấn hoa trong không khí cao.
1.8 Liệu pháp miễn dịch
Nếu thuốc không còn hiệu quả, người bệnh có thể cân nhắc liệu pháp miễn dịch. Đây là một phương pháp điều trị lâu dài, giúp cơ thể làm quen dần với các chất gây dị ứng bằng cách tiếp xúc với chúng theo liều lượng tăng dần. Qua thời gian, liệu pháp này có thể làm giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn các triệu chứng dị ứng, giúp cơ thể ngừng phản ứng quá mức với các tác nhân dị ứng.
1.9 Một số nguyên nhân khác
Tắc nghẽn mũi có thể do cấu trúc mũi bất thường, viêm xoang mãn tính hoặc polyp mũi – các khối u nhỏ bên trong mũi. Nếu không xác định được nguyên nhân rõ ràng, người bệnh nên đến gặp bác sĩ tai mũi họng để được thăm khám và điều trị chi tiết.

2. Kết luận
Trên đây là tất cả thông tin giải đáp thắc mắc ”những lý do khiến tình trạng dị ứng không thuyên giảm”. Tóm lại, dị ứng là một vấn đề phức tạp với nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc tự điều trị tại nhà có thể mang lại hiệu quả nhất thời nhưng không phải lúc nào cũng giải quyết được vấn đề tận gốc. Vì vậy, để kiểm soát tốt các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống, mọi người nên chủ động khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.