Phân biệt loãng xương với thiếu xương

Mục lục

Loãng xương và thiếu xương đều là tình trạng suy giảm khối lượng xương nhưng ở các mức độ khác nhau. Đo mật độ xương giúp chẩn đoán tình trạng thiếu xương, loãng xương và đánh giá nguy cơ gãy xương. Tùy theo từng loại bệnh mà bác sĩ sẽ có phương án điều trị phụ hợp và hiệu quả nhất với bệnh nhân bị thiếu xương hay loãng xương.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Loãng xương là gì?

Loãng xương là tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng khối lượng xương thường do thiếu canxi, vitamin D, magie cũng như các vitamin và khoáng chất khác. Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh có thể gặp phải các vấn đề như giảm chiều cao, còng lưng, gù vẹo và đau nhức. Phụ nữ thường bị ảnh hưởng bởi loãng xương nhiều hơn so với nam giới.

2. Thiếu xương là gì?

Thiếu xương là tình trạng khối lượng xương thấp hơn mức bình thường. Nguyên nhân gây ra thiếu xương có thể xuất phát từ các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp, bệnh Celiac, rối loạn ăn uống, xạ trị hoặc một số thuốc gây giảm mật độ xương. Ngoài ra, lối sống không lành mạnh như hút lá, lười vận động và uống nhiều rượu bia, đồ uống có gas cũng là nguyên nhân dẫn đến thiếu xương.

Mặc dù sự giảm sút này không được coi là nghiêm trọng nhưng lại là một yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến loãng xương.  

Thiếu xương thường xuất hiện ở người trên 50 tuổi, với mật độ xương thấp hơn bình thường nhưng chưa đạt mức loãng xương.

Trắc nghiệm: Người thoái hóa khớp gối có nên đi bộ?

Thoái hóa khớp gối là một căn bệnh phức tạp có tác động không nhỏ tới cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Người bị thoái hóa khớp gối cũng nên lưu ý bên cạnh chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp. Vậy bị thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Võ Sỹ Quyền Năng , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Võ Sỹ Quyền Năng
Võ Sỹ Quyền Năng
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Ngoại chấn thương chỉnh hình
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

3. Dấu hiệu nhận biết loãng xương và thiếu xương

Các dấu hiệu nhận biết loãng xương:

  • Đau ở lưng, háng, mông, đùi hoặc đầu gối với nhiều mức độ khác nhau.
  • Chiều cao giảm dần theo độ tuổi.
  • Khom và lưng gù khi đi lại.
  • Sau một cú ngã hoặc chấn thương nhẹ bệnh nhân dễ bị gãy xương đốt sống, xương cổ tay, xương vùng hông (bao gồm cả gãy cổ xương đùi).

Đối với thiếu xương sẽ không có triệu chứng, bệnh chỉ được phát hiện khi thực hiện xét nghiệm đo mật độ xương.

4. Phân biệt giữa thiếu xương và loãng xương bằng cách nào?

Các bác sĩ sẽ tiến hành đo mật độ xương (Bone Mineral Density: BMD) hay còn gọi là đo độ loãng xương để chẩn đoán tình trạng thiếu xương hoặc loãng xương.

Việc đo mật độ xương cho phép xác định mức canxi trong xương, từ đó đánh giá nguy cơ gãy xương. Phương pháp kiểm tra này không xâm lấn, không gây đau đớn và có thể được thực hiện tại các vị trí như xương hông, cột sống, cổ tay, ngón tay hoặc gót chân.

Một số yếu tố gây ra loãng xương và thiếu xương:

  • Phụ nữ có nguy cơ mất xương cao hơn nam giới do khối lượng xương thấp hơn. Đồng thời, nữ giới cũng trải qua sự mất mát khối lượng xương lớn sau thời kỳ mãn kinh và sinh đẻ.
  • Nếu có tiền sử gia đình về khối lượng xương thấp hoặc loãng xương, nguy cơ mắc loãng xương có thể lên đến 50-85%.
  • Người trên 50 tuổi (cả nam và nữ) thường mất khoảng 5% khối lượng xương mỗi năm.
  • Lối sống cũng ảnh hưởng đến nguy cơ loãng xương bao gồm chế độ ăn kiêng nghèo canxi và vitamin D, hút thuốc lá và tiêu thụ quá nhiều rượu, bia, cà phê…
  • Người bị cường giáp, cường cận giáp, hội chứng Cushing, tiểu đường...
  • Sử dụng nhiều các thuốc corticoides, chống động kinh, tim mạch...

5. Phương pháp đo mật độ xương

Thiết bị đo độ loãng xương bao gồm hai loại: thiết bị đo trung tâm và thiết bị đo ngoại vi. 

Đo mật độ xương được thực hiện bằng thiết bị đo trung tâm và thiết bị đo ngoại vi.
Đo mật độ xương được thực hiện bằng thiết bị đo trung tâm và thiết bị đo ngoại vi.

5.1. Thiết bị đo trung tâm

Máy đo DEXA scan được sử dụng để đo độ mật độ xương tại khớp háng và cột sống. Phương pháp cho kết quả rất chính xác trong đánh giá tình trạng loãng xương. Quy trình thực hiện nhanh chóng và không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Ngoài ra, người bệnh còn có thể tìm đến loại máy có công nghệ hiện đại hơn là Quantitative CT scan.

5.2. Thiết bị đo ngoại vi

Thiết bị này có thể được tìm thấy tại hầu hết các bệnh viện đa khoa và ngay cả trong các nhà thuốc. Thiết bị chỉ dùng để đo mật độ xương ở các vị trí ngoại vi như xương gót nhưng vẫn có thể đánh giá nguy cơ gãy xương cột sống và cổ xương đùi. Tuy nhiên, thiết bị không được sử dụng để chẩn đoán xác định tình trạng loãng xương hoặc thiếu xương.

Kết quả đo độ loãng xương được xác định bằng 2 chỉ số T-score và Z-score.

  • T-score: Là chỉ số mật độ xương của bệnh nhân được so sánh với mật độ xương đỉnh của người cùng giới, cùng màu da trong trạng thái khỏe mạnh khi trưởng thành (khoảng 25 tuổi). T-score cho thấy độ lệch của bệnh nhân so với chỉ số chuẩn của người trẻ.
  • Z-score: Được sử dụng để so sánh mật độ xương của người bệnh loãng xương với mật độ xương của một người có cùng độ tuổi, giới tính, trọng lượng và màu da trong tình trạng chuẩn. Lúc này, Z-score thể hiện độ lệch của bệnh nhân so với người cùng có cùng những tiêu chuẩn như đã nêu ở trên. Chỉ số này rất hữu ích vì có thể gợi ý cho chẩn đoán loãng xương thứ phát. Khi Z-score nhỏ hơn -1,5 cho thấy có những yếu tố bất thường ảnh hưởng đến sự mất xương. Bác sĩ cần điều tra nguyên nhân gây ra sự mất xương bất thường này.

6. Một số biện pháp phòng chống loãng xương

Một số biện pháp giúp duy trì sức khỏe cho bộ xương có thể áp dụng bao gồm:

  • Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ canxi, magie, vitamin K, D, C và các khoáng chất khác.
  • Tập thể dục đều đặn với các bài tập chịu tải trọng cơ thể, aerobics và đi bộ thể dục để giảm thiểu sự mất xương.
  • Hạn chế tối đa hút thuốc lá và uống rượu.
  • Sử dụng thuốc để ngăn ngừa mất xương và tăng cường tạo xương khi phát hiện khối lượng xương giảm.
  • Kiểm tra định kỳ với bác sĩ chuyên khoa về mật độ xương, đặc biệt quan trọng đối với những người trên 50 tuổi hoặc nhóm có nguy cơ cao. 
Đối tượng trên 50 tuổi cần kiểm tra mật độ xương định kỳ.
Đối tượng trên 50 tuổi cần kiểm tra mật độ xương định kỳ.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những cơ sở y tế hàng đầu, không chỉ đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ dày dạn kinh nghiệm mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và điều trị toàn diện, chuyên nghiệp. Bệnh viện có không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và được tiệt trùng tối đa.

Thạc sĩ Lê Dương Tiến đã có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội. Đặc biệt, bác sĩ Tiến có nhiều năm kinh nghiệm chuyên sâu về nội cơ xương khớp, thần kinh, nội tiết và tim mạch, hiện đang giữ vị trí Bác sĩ Nội tổng hợp tại Khoa Nội tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ