Polyp đại tràng 1.8 cm có nguy hiểm không là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi được chẩn đoán với tình trạng này. Với kích thước 1.8 cm, polyp được xem là tương đối lớn, khiến nhiều người lo ngại về khả năng tiến triển thành ung thư hoặc gây biến chứng sức khỏe. Trong bài viết này sẽ giải đáp chi tiết hơn về vấn đề này.
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tạ Quế Phương - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Em mới sinh bé được tròn 3 tháng, 2 tháng trước có triệu chứng đau bụng như đau bụng kinh kéo dài 1 tuần và em có đi xét nghiệm soi cuống đại tràng và phát hiện 1 polyp đại tràng có kích thước 1.8cm. Bác sĩ có khuyên em vì mới sinh bé nên đợi bé được 6 tháng thì đi cắt sau. Em dạo này thi thoảng hay thấy đau bụng khó chịu kèm buồn nôn, có ngày 1 ngày đi đại tiện 3-4 lần. Sữa thì đột nhiên ít đi không đủ cho bé bú, em không biết có phải do bệnh này ảnh hưởng không? Bác sĩ cho em hỏi polyp đại tràng 1.8 cm có nguy hiểm không? Em cảm ơn bác sĩ.
Nguyễn Thị Hương
Chào bạn Hương,
Với câu hỏi “Polyp đại tràng 1.8 cm có nguy hiểm không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Polyp đại tràng là sự hình thành của các khối nhỏ tế bào trên niêm mạc đại tràng (ruột già). Phần lớn polyp đại tràng là lành tính, tuy nhiên, theo thời gian, một số polyp có thể phát triển thành ung thư đại tràng nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Polyp có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc với số lượng nhiều ở đại tràng. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị polyp đại tràng và các yếu tố làm tăng nguy cơ này bao gồm:
- Tuổi tác: Polyp xuất hiện ở đại tràng được phát hiện ở khoảng 15-20% người trưởng thành, đặc biệt phổ biến hơn ở những người trên 50 tuổi. Đây cũng là độ tuổi mà bác sĩ khuyến nghị nên kiểm tra polyp ở đại tràng.
- Tiền sử bệnh: Những người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc polyp hoặc ung thư đại tràng có nguy cơ cao bị polyp. Ngoài ra, những người từng mắc ung thư buồng trứng hoặc tử cung trước tuổi 50 cũng có nguy cơ gia tăng.
- Lối sống và bệnh lý: Các yếu tố như hút thuốc, uống rượu, không tập thể dục, thừa cân hoặc mắc các bệnh viêm ruột như viêm loét đại tràng và bệnh Crohn đều làm tăng nguy cơ hình thành polyp ở đại tràng.
- Tiền sử gia đình: Người có cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con mắc polyp ở đại tràng hoặc ung thư có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nếu nhiều thành viên trong gia đình mắc bệnh, nguy cơ càng tăng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mối liên hệ này không mang tính di truyền.
- Yếu tố chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn (dù hiếm).
- Bệnh lý nền: Đái tháo đường type 2 không được kiểm soát tốt cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành polyp đại tràng.
- Polyp di truyền: Đây là một bệnh lý hiếm gặp ở những người mang đột biến gen di truyền gây ra polyp đại tràng. Những người mang đột biến này có nguy cơ cao phát triển ung thư đại trực tràng. Việc tầm soát và phát hiện sớm đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sự phát triển, lây lan của bệnh.
Nếu đang gặp các triệu chứng như đau bụng khó chịu, buồn nôn và rối loạn đại tiện, bạn nhân nên đến khám lại tại chuyên khoa tiêu hóa để được đánh giá chi tiết. Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết như siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm phân trước khi quyết định can thiệp cắt polyp. Đồng thời, bạn nên duy trì chế độ nghỉ ngơi hợp lý và tránh căng thẳng để không ảnh hưởng đến sức khỏe và lượng sữa tiết ra.
Để cung cấp thêm thông tin tham khảo, dưới đây là giải đáp chi tiết về polyp đại tràng 1.8 cm có nguy hiểm không và phương pháp điều trị.
1. Polyp đại tràng là gì?
Polyp đại tràng là một khối u nhỏ bất thường mọc trên bề mặt niêm mạc của thành đại trực tràng, có thể có cuống hoặc không. Nguyên nhân là do sự tăng sinh quá mức niêm mạc đại trực tràng. Một người có thể chỉ có một polyp hoặc xuất hiện nhiều polyp cùng lúc, được gọi là tình trạng đa polyp.
Các triệu chứng polyp đại tràng thường gặp gồm:
- Đau bụng.
- Tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài một cách bất thường.
- Chảy máu trực tràng.
- Mệt mỏi và khó thở.

2. Polyp đại tràng 1.8 cm có nguy hiểm không?
Phần lớn polyp đại tràng thường lành tính nhưng trong một số trường hợp có thể tiến triển thành ác tính (ung thư). Đặc biệt, nếu xuất hiện nhiều polyp hoặc một vài polyp với kích thước lớn, cần đặc biệt chú ý vì nguy cơ phát triển thành ung thư sẽ cao hơn.
Một số trường hợp polyp ở đại tràng có nguy có cao phát triển thành ung thư:
- Polyp tăng sản hiếm.
- Polyp u tuyến có kích thước lớn thường có nguy cơ cao phát triển thành ung thư, đặc biệt là những polyp có kích thước trên 2cm, có khả năng xuất hiện các vùng nhỏ bị ung thư hóa.
- Polyp đại tràng không cuống có nguy cơ cao phát triển thành ung thư.
3. Polyp đại tràng lớn bao nhiêu thì cắt?
Dựa trên các đánh giá về kích thước, hình dạng, đặc điểm và khả năng tiên lượng mức độ ác tính của polyp đại bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện cắt bỏ như sau:
- Polyp kích thước dưới 0,2cm: Nếu polyp có bề mặt nhẵn và không có dấu hiệu bất thường, bệnh nhân không cần cắt bỏ nhưng nên thực hiện nội soi định kỳ. Ngược lại, các polyp có dấu hiệu bất thường như sần sùi, xung huyết, gai nhọn, chân lan rộng hoặc ăn sâu sẽ được bác sĩ chỉ định cắt bỏ ngay.
- Polyp có kích thước từ 0,2 đến 2cm: Được cắt bỏ qua nội soi.
- Polyp lớn hơn 2cm: Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ xâm lấn và ranh giới tổn thương để quyết định cắt nội soi hoặc mổ mở.
Sau khi cắt bỏ, polyp đại tràng sẽ được xét nghiệm để đánh giá nguy cơ ung thư và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
4. Phương pháp điều trị
Tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là những cách điều trị phổ biến:
- Cắt bỏ polyp trong quá trình nội soi: Polyp có thể được xử lý trong quá trình nội soi đại tràng kẹp hoặc thòng lọng (snare). Nếu polyp có kích thước lớn, bác sĩ sẽ tiêm chất lỏng để nâng và tách polyp khỏi mô xung quanh, sau đó tiến hành cắt bỏ.
- Phẫu thuật nội soi cắt polyp đại tràng: Với các polyp quá lớn, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật nội soi để cắt bỏ phần ruột chứa polyp.
- Cắt bỏ đại tràng: Phương pháp này được áp dụng đối với trường hợp bệnh nhân có tình trạng di truyền như polyp tuyến gia đình.

Nếu bệnh nhân còn băn khoăn về polyp đại tràng, hãy đến các cơ sở thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để được kiểm tra và tư vấn kỹ lưỡng hơn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng Vinmec. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.