Một số loại thực phẩm bổ sung như vitamin và thảo dược giúp tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch. Do đó, nhiều người bệnh thường sử dụng với mục đích hỗ trợ quá trình điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như ung thư, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng do các tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Thực phẩm bổ sung là gì?
Thực phẩm bổ sung có nhiều dạng khác nhau như viên nén, bột, kẹo dẻo hoặc dạng lỏng. Chúng chứa ít nhất một thành phần dinh dưỡng quan trọng, bao gồm vitamin, khoáng chất, thảo mộc, chiết xuất thực vật, axit amin hoặc enzyme, giúp hỗ trợ sức khỏe và cung cấp các dưỡng chất cần thiết.
Vitamin tổng hợp và thảo dược là hai loại thực phẩm bổ sung được ưa chuộng hiện nay.
- Vitamin tổng hợp nổi bật với sự kết hợp của nhiều loại vitamin, khoáng chất và các thành phần khác, giúp bổ sung các dưỡng chất cần thiết mà chế độ ăn uống hàng ngày có thể thiếu.
- Thảo dược bổ sung bao gồm các loại từ thực vật như rễ cây nữ lang, cây echinacea (cúc dại) và cây ban Âu. Những loại thảo dược này đã được sử dụng trong y học truyền thống hàng thế kỷ và được coi là có tác dụng hỗ trợ sức khỏe hoặc điều trị bệnh.
Cả hai loại thực phẩm bổ sung này đều mang lại lợi ích tiềm năng và được nhiều người tin dùng để cải thiện sức khỏe tổng thể.

2. Thực phẩm bổ sung trong quá trình điều trị ung thư có hiệu quả không?
Nhiều người cho rằng việc sử dụng thực phẩm bổ sung trong quá trình điều trị ung thư là cần thiết nhưng thực tế không phải vậy. Nếu không mang thai, không có tiền sử thiếu hụt vitamin hoặc không thuộc nhóm có nguy cơ thiếu chất thì một chế độ ăn uống cân bằng đã đủ để cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Dù có hóa trị hay không, một lối sống lành mạnh vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe. Các biện pháp hiệu quả bao gồm tập thể dục thường xuyên và duy trì chế độ ăn giàu rau xanh, trái cây, carbohydrate phức hợp, dầu ô liu và protein chất lượng cao. Đặc biệt, chế độ ăn Địa Trung Hải được đánh giá là tối ưu để hỗ trợ hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể.
Mặc dù không thể thay thế các phương pháp điều trị ung thư, chế độ ăn uống hợp lý vẫn có thể cải thiện sức khỏe và giảm bớt một số tác dụng phụ của điều trị. Thực phẩm giàu chất xơ giúp kiểm soát táo bón do thuốc hoặc điều trị gây ra, trong khi các thực phẩm giàu calo hỗ trợ duy trì cân nặng, đặc biệt khi cảm giác thèm ăn bị ảnh hưởng trong quá trình điều trị.

3. Thực phẩm bổ sung trong quá trình điều trị ung thư có gây nguy hiểm không?
Nhiều bệnh nhân mong muốn làm mọi cách để hỗ trợ cơ thể, bao gồm việc sử dụng thực phẩm bổ sung trong quá trình điều trị ung thư. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không kiểm soát thực phẩm bổ sung giống như thuốc, nên không có sự đảm bảo chắc chắn về thành phần ghi trên nhãn.
Ngoài ra, không phải mọi sản phẩm ghi "tự nhiên" đều an toàn. Một số chất độc hại nguy hiểm nhất trên thế giới cũng được coi là "tự nhiên." Niềm tin rằng thực phẩm tự nhiên hoặc bổ sung là hoàn toàn tốt có thể dẫn đến hiểu lầm và rủi ro không đáng có.
Người bệnh cần thận trọng trước những "phương pháp chữa bệnh kỳ diệu" thường được quảng bá gồm các chất bổ sung, liệu pháp tự nhiên hoặc vi lượng đồng căn. Việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ chuyên môn là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị.
Một số phương pháp bổ sung trong quá trình điều trị ung thư có thể không gây hại, nhưng nhiều phương pháp khác lại tiềm ẩn nguy cơ làm giảm hiệu quả điều trị hoặc thậm chí gây hại. Dưới đây là các nguy cơ cụ thể:
- Giảm hiệu quả điều trị: Một số chất bổ sung có thể làm giảm hiệu quả của hóa trị và xạ trị. Các liệu pháp này thường tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách tạo ra các gốc tự do. Tuy nhiên, việc sử dụng các chất bổ sung chống oxy hóa như vitamin A, C và E có thể trung hòa các gốc tự do, bảo vệ tế bào ung thư và làm suy giảm hiệu quả điều trị.
- Tương tác có hại: Một số thực phẩm bổ sung như cây ban Âu có thể gây tương tác với thuốc hóa trị hoặc xạ trị, làm tăng nguy cơ nhạy cảm da và gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm.
- Kết quả điều trị kém hơn: Bệnh nhân ung thư vú sử dụng thực phẩm bổ sung trong hoặc trước khi điều trị đã được ghi nhận có kết quả kém hơn so với những người không sử dụng. Ngoài ra, tỷ lệ tái phát ung thư cũng cao hơn ở những người dùng chất chống oxy hóa hoặc một số vitamin như B12 và sắt.
Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ thực phẩm bổ sung nào trong quá trình điều trị ung thư để tránh những tác động tiêu cực không mong muốn.
4. Những loại thực phẩm bổ sung nào có thể dùng trong quá trình điều trị?
Trong quá trình điều trị, phần lớn các loại chất bổ sung là không cần thiết hoặc nên được hạn chế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung thực phẩm bổ sung trong quá trình điều trị ung thư nếu người bệnh đang thực hiện hóa trị.
Để điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ và u trung biểu mô ác tính, pemetrexed (một loại hóa trị liệu) cần được kết hợp với axit folic cùng vitamin B12 để giảm thiểu độc tính nghiêm trọng cho tủy xương. Thêm vào đó, người bệnh có thể cần bổ sung canxi và vitamin D khi sử dụng các thuốc tăng cường xương như axit zoledronic.
Trong trường hợp không ra ngoài để đón nắng hoặc không ăn đủ các loại thực phẩm giàu vitamin D, người bệnh nên xem xét việc uống vitamin D. Bên cạnh đó, gừng có tác dụng làm giảm triệu chứng buồn nôn.
5. Khi nào nên tham khảo ý kiến với bác sĩ
Người bệnh nên thảo luận với nhóm chăm sóc sức khỏe trước khi bắt đầu quá trình điều trị ung thư. Bác sĩ sẽ cung cấp thông tin về những gì là an toàn để sử dụng trong giai đoạn trước, trong và sau quá trình điều trị.

Nhìn chung, dù các chất bổ sung tự nhiên thường được xem là an toàn nhưng có thể gây hại trong quá trình điều trị ung thư. Một số chất thậm chí còn làm suy yếu hiệu quả của các phương pháp điều trị như hóa trị hoặc xạ trị. Vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ thực phẩm bổ sung nào, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn và tránh những tác động tiêu cực không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.