Tác hại viêm gan B có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan và làm tăng nguy cơ tử vong. Để hạn chế các biến chứng nguy hiểm này, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, duy trì lịch khám định kỳ và tránh các hành vi có nguy cơ gây lây nhiễm như quan hệ tình dục không an toàn.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Tổng quan về bệnh viêm gan B
1.1. Nguyên nhân gây viêm gan B
Viêm gan B là bệnh do virus viêm gan B (HBV) gây ra, với các con đường lây nhiễm chính bao gồm: đường máu, quan hệ tình dục không an toàn và từ mẹ sang con. Virus lây qua đường máu khi tiếp xúc với máu nhiễm virus, chẳng hạn như dùng chung kim tiêm, các dụng cụ y tế không được tiệt trùng hoặc qua vết thương do kim tiêm đâm.
Virus cũng có thể lây qua tinh dịch, dịch âm đạo trong quá trình quan hệ tình dục không an toàn. Ngoài ra, phụ nữ mang thai nhiễm HBV có thể truyền virus sang con trong lúc sinh hoặc sau sinh thông qua tiếp xúc với dịch tiết.
Tuy nhiên, virus HBV không lây qua đường hô hấp hay các tiếp xúc thông thường như ôm, hôn hoặc dùng chung đồ ăn uống. Hiểu rõ nguyên nhân, tác hại viêm gan B và các con đường lây nhiễm sẽ giúp phòng bệnh hiệu quả, đặc biệt khi kết hợp với việc tiêm phòng cũng như thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết.
1.2. Các giai đoạn của bệnh viêm gan B
1.2.1 Giai đoạn cấp tính
Khi virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể, bệnh thường trải qua giai đoạn cấp tính. Đây là giai đoạn cơ thể kích hoạt hệ miễn dịch để chống lại virus. Người bệnh có thể xuất hiện một số biểu hiện của bệnh viêm gan B như:
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không có triệu chứng viêm gan B rõ ràng. Nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trong giai đoạn này, khả năng ngăn ngừa những tác hại viêm gan B hoàn toàn là rất cao.
1.2.2 Giai đoạn mạn tính
Nếu virus tồn tại trong cơ thể trên 6 tháng, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính. Trong giai đoạn này:
- Có thể có những biểu hiện tương tự giai đoạn cấp tính hoặc không xuất hiện triệu chứng nào, khiến người bệnh khó phát hiện bệnh.
- Virus có thể hoạt động mạnh, gây tổn thương gan. Trong trường hợp này, những tác hại viêm gan B gây ra cần điều trị bằng thuốc.
- Nếu virus tồn tại ở thể ẩn, người bệnh có thể chung sống lâu dài mà không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Viêm gan B thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi gây ra tổn thương nặng nề như xơ gan hoặc ung thư gan.

1.3. Phòng ngừa bệnh viêm gan B
Bệnh viêm gan B đã có vắc-xin phòng ngừa hiệu quả. Để giảm nguy cơ lây nhiễm, bản thân có thể chủ động phòng ngừa bằng cách:
- Tiêm phòng vắc-xin viêm gan B theo lịch trình, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và người lớn có nguy cơ cao.
- Những người có người thân trong gia đình mắc bệnh hoặc bạn đời nhiễm virus cần đặc biệt lưu ý tiêm phòng.
- Thực hiện các biện pháp an toàn như: tránh dùng chung kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải đánh răng và sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
Viêm gan B có thể kiểm soát và phòng ngừa nếu được tiêm vắc-xin và điều trị đúng cách. Hãy chủ động đi khám và làm các xét nghiệm định kỳ để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.

2. Tác hại viêm gan B đối với người bệnh
Viêm gan B mạn tính thường diễn tiến âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng đối với cơ thể. Các tác hại chính của viêm gan B bao gồm:
2.1. Suy gan cấp tính
Khoảng 1% người nhiễm virus viêm gan B có thể tiến triển thành suy gan cấp tính - một trong những tác hại viêm gan B và là biến chứng nguy hiểm. Tình trạng này xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các tế bào gan bị virus xâm nhập, gây tổn thương nghiêm trọng. Hậu quả dẫn đến:
- Biểu hiện lâm sàng: Vàng da nặng, nước tiểu sậm màu, bụng chướng và phù nề.
- Biến chứng nguy hiểm: Bệnh lý não gan với các triệu chứng như lú lẫn, hôn mê do tích tụ độc tố trong máu làm tổn thương hệ thần kinh trung ương.
Nếu không được điều trị kịp thời, suy gan cấp có thể khiến gan mất khả năng hoạt động hoàn toàn, dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
2.2. Suy giảm chức năng gan
Virus viêm gan B tấn công và phá hủy số lượng lớn các tế bào gan, làm giảm đáng kể khả năng thực hiện các chức năng quan trọng của gan, bao gồm:
- Tổng hợp protein và các yếu tố đông máu: Sự suy giảm chức năng này có thể gây rối loạn đông máu, dẫn đến chảy máu kéo dài.
- Chuyển hóa và giải độc: Gan bị tổn thương không thể loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, gây tích tụ các chất có hại.
- Dự trữ năng lượng: Suy gan làm ảnh hưởng đến khả năng dự trữ glycogen, gây suy nhược cơ thể và mệt mỏi.
2.3. Xơ gan
Khoảng 20% người mắc viêm gan B mạn tính có nguy cơ tiến triển thành xơ gan nếu bệnh kéo dài không được kiểm soát. Xơ gan là tình trạng gan bị tổn thương nghiêm trọng với mô sẹo thay thế các mô gan lành, làm suy giảm chức năng gan.
Do gan có khả năng tái tạo và bù trừ tốt, các triệu chứng thường không xuất hiện rõ ràng cho đến khi gan mất khả năng bù trừ. Khi tổn thương lan rộng, người bệnh có thể gặp các biểu hiện do tác hại viêm gan B gây ra như:
- Mệt mỏi, chán ăn, sợ mỡ, ăn không ngon miệng.
- Sụt cân, ngứa da, vàng da, vàng mắt.
- Nước tiểu sậm màu, đau vùng hạ sườn phải, bụng chướng.
- Phù nề, nặng mí mắt.
Trong trường hợp nặng, xơ gan có thể dẫn đến:
- Tuần hoàn bàng hệ (giãn tĩnh mạch ở bụng), xuất huyết tiêu hóa hoặc xuất huyết trên da.
- Bệnh lý não gan với các triệu chứng lú lẫn, mất ý thức.
Nếu được phát hiện sớm, xơ gan có thể được điều trị để làm giảm triệu chứng và làm chậm tiến trình bệnh, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
2.4. Ung thư gan
Theo thống kê, khoảng 5% người mắc viêm gan B mạn tính có nguy cơ phát triển thành ung thư gan, đặc biệt ở những trường hợp đã bị xơ gan trước đó.
Nguy cơ này đặc biệt cao ở những người không điều trị viêm gan B, với khả năng phát triển ung thư gan cao hơn 20 lần so với người khỏe mạnh. Ung thư gan là một bệnh lý nguy hiểm, thường diễn biến nhanh và có tỷ lệ tử vong rất cao. Các triệu chứng thường xuất hiện muộn, bao gồm:
- Đau bụng vùng gan.
- Vàng da, đột ngột giảm cân nhanh.
- Chướng bụng, suy nhược cơ thể.
Viêm gan B là căn bệnh nguy hiểm với nhiều biến chứng nặng nề. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh có thể được kiểm soát tốt, hạn chế biến chứng nguy hiểm.

3. Cần làm gì khi bị viêm gan B?
Để giảm thiểu những tác hại của viêm gan B đối với sức khỏe của bản thân và hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho người khác, người bệnh cần lưu ý các biện pháp sau:
3.1. Ngăn ngừa lây nhiễm
- Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su nếu bạn tình chưa được tiêm vắc-xin viêm gan B. Chỉ quan hệ tình dục khi chắc chắn bạn tình đã được tiêm phòng đầy đủ.
- Tránh dùng chung đồ dùng cá nhân: Không dùng chung bơm kim tiêm, bàn chải đánh răng, dao cạo râu hoặc bất kỳ vật dụng nào có nguy cơ dính máu.
- Đảm bảo an toàn y tế: Thông báo tình trạng bệnh với nhân viên y tế trước khi thực hiện các thủ thuật để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
3.2. Chế độ ăn uống lành mạnh
- Hạn chế các chất gây hại cho gan: Tránh tiêu thụ rượu bia và các loại đồ uống có cồn. Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn.
- Tăng cường thực phẩm tốt cho gan: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và uống đủ nước mỗi ngày. Chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp giảm gánh nặng cho gan và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

3.3. Tư vấn và theo dõi trong thai kỳ
Phụ nữ mang thai nhiễm viêm gan B cần được tư vấn y khoa cẩn thận để hạn chế nguy cơ lây truyền sang con. Bác sĩ sẽ đề xuất các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho trẻ ngay sau khi sinh như tiêm vắc-xin và globulin miễn dịch chống viêm gan B (HBIG).
3.4. Chủ động thực hiện khám định kỳ
Việc chủ động đi khám định kỳ là yếu tố quan trọng để kiểm soát bệnh:
- Những người nhiễm viêm gan B mạn tính, đặc biệt là thể ẩn chưa cần điều trị, cần đi khám 6 tháng một lần để theo dõi hoạt động của virus, đánh giá chức năng gan và phát hiện sớm các biến chứng.
- Đối với những trường hợp đã điều trị, việc đi khám định kỳ giúp đánh giá hiệu quả điều trị và điều chỉnh phác đồ nếu cần.
Người bệnh viêm gan B cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và điều trị phù hợp, duy trì lối sống lành mạnh cũng như đi khám định kỳ để bảo vệ sức khỏe bản thân, giảm nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Việc tìm hiểu những tác hại viêm gan B, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ là yếu tố then chốt trong việc kiểm soát bệnh hiệu quả.
Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ mắc viêm gan virus, đặc biệt là viêm gan B, ở mức khá cao. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Chính vì vậy, cần phải hiểu rõ những tác hại viêm gan B, chủ động đi khám sức khỏe định kỳ đóng vai trò đặc biệt quan trọng để ngăn ngừa các tác hại viêm gan B, bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.