Tắc tia sữa, làm thế nào nhanh khỏi?

Mục lục

Tắc tia sữa là tình trạng khiến nhiều bà mẹ trẻ mới lần đầu có con thường băn khoăn và không biết phải xử lý như thế nào khi gặp phải vấn đề này. Vậy thì, chị em phụ nữ cần chú ý đến vấn đề tắc tia sữa làm thế nào nhanh khỏi một cách an toàn, từ đó tránh các biến chứng như áp xe hoặc viêm tuyến vú gây ảnh hưởng lên sức khỏe của người mẹ.

Nội dung được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thu Hương - Trưởng Đơn nguyên Vú - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

1.Tắc tia sữa là gì?

Tắc tia sữa là hiện tượng sữa bị ứ đọng lại trong các ống dẫn sữa của bầu ngực, thường gặp ở các bà mẹ sau sinh, đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ. Tình trạng này có thể gây ra khó khăn, đau đớn khi cho con bú hoặc khi hút sữa để dự trữ.

Mặc dù tắc tia sữa không phải là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm vú, nhiễm trùng, thậm chí là áp xe vú. Áp xe vú có thể để lại các sẹo xơ hóa hoặc u xơ tuyến vú. Hơn nữa, tắc ống dẫn sữa còn ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sữa, dẫn đến tình trạng mất sữa và buộc mẹ phải dừng cho con bú và chuyển sang sử dụng sữa ngoài để nuôi trẻ. 

Tắc tia sữa làm thế nào nhanh khỏi là câu hỏi khá phổ biến ở những bà mẹ sau khi sinh con lần đầu chưa có nhiều kinh nghiệm.
Tắc tia sữa làm thế nào nhanh khỏi là câu hỏi khá phổ biến ở những bà mẹ sau khi sinh con lần đầu chưa có nhiều kinh nghiệm.

2. Thời điểm thường xảy ra tình trạng tắc tia sữa

Trong vài ngày sau khi sinh, các bà mẹ thường cảm thấy tình trạng căng tức và nóng ở vùng ngực, khi mà sữa bắt đầu được tiết ra thành tia, tuyến vú căng sữa dẫn đến cảm giác như nổi cục dù dịch sữa vẫn đang được tiết ra.  

Tình trạng căng sữa thường xảy ra trong vòng 2-3 ngày sau khi sinh. Nếu không được xử lý, tình trạng này có thể dẫn đến những biến chứng khác như nhiễm trùng vú, sốt hoặc thậm chí là trầm cảm sau sinh ở phụ nữ.

3. Tắc tia sữa làm thế nào nhanh khỏi?

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thu Hương - Trưởng Đơn nguyên Vú - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, tắc ống dẫn sữa là tình trạng khá phổ biến ở những bà mẹ sau khi sinh, đặc biệt là các bà mẹ lần đầu tiên sinh con. Tình trạng này không đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhưng nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như viêm vú, áp xe vú và thậm chí là nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ. Ngoài ra, tắc tia sữa kéo dài còn có thể dẫn đến tình trạng mất sữa.

Tắc tia sữa thường xảy ra trong vài ngày sau sinh. Dấu hiệu nhận biết đầu tiên là cảm giác cứng khi chạm vào một hoặc nhiều vùng trên bầu vú, ngực to và căng hơn bình thường, đi kèm với cảm giác đau, sốt và lượng sữa tiết ra ít hoặc không có.

Vậy tắc tia sữa làm thế nào nhanh khỏi? Tùy vào tình trạng cụ thể của từng trường hợp mà người mẹ có những biện pháp phù hợp. Đối với các trường hợp nhẹ, các bà mẹ có thể tự thông tắc tia sữa tại nhà bằng cách vắt sữa bằng tay hoặc sử dụng máy hút sữa. Việc này giúp sữa thông trở lại, giảm nguy cơ viêm và áp-xe mà không cần dùng đến kháng sinh.  

Tuy nhiên, nếu sau 24 giờ áp dụng các biện pháp tại nhà mà tình trạng không thuyên giảm, người mẹ cần đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa khám và có hướng xử lý phù hợp, tránh những biến chứng không đáng có.

Tại bệnh viện, bác sĩ có thể áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu như massage, chườm ấm, xoa bóp và day ngực theo phương pháp đúng để điều trị tắc tia sữa. Bác sĩ cũng khuyến cáo các bà mẹ nên áp dụng các cách thông tắc tia sữa tại nhà và tránh tìm đến dịch vụ thông tắc ống dẫn  sữa bên ngoài vì có thể gây ra các hậu quả không mong muốn.

4. Các biện pháp ngăn ngừa tắc tia sữa sau sinh

Sau sinh, tình trạng tắc tia sữa không chỉ gây đau đớn, mệt mỏi cho các bà mẹ mà còn làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh. Hơn nữa, tình trạng này còn ảnh hưởng đến việc cung cấp sữa có chứa dưỡng chất thiết yếu và kháng thể tự nhiên cho trẻ. Do đó, việc phòng ngừa tắc tia sữa là hết sức quan trọng và cần được thực hiện qua các biện pháp sau:

  • Duy trì thói quen hút sữa thường xuyên: Ngoài việc cho trẻ bú đúng giờ và thường xuyên, các bà mẹ cần hút sữa đều đặn sau mỗi lần trẻ bú xong. Điều này giúp đảm bảo không có sữa ứ đọng trong tuyến sữa và sữa mới liên tục được sản xuất.
  • Áp dụng lối sống khoa học: Các bà mẹ sau sinh cần phải ăn uống đầy đủ, cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý và tránh căng thẳng hoặc mệt mỏi kéo dài để không ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa.
  • Uống đủ lượng nước hàng ngày: Việc đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn thúc đẩy quá trình sản xuất sữa, giúp khơi thông các tuyến sữa một cách hiệu quả.
  • Hạn chế những tác động lên bầu ngực: Các bà mẹ không nên mặc áo ngực quá chật, tránh nằm sấp khi ngủ và cần giảm thiểu những tác động mạnh lên vùng ngực để tránh gây tắc tia sữa.
  • Tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng: Các bài tập nhẹ nhàng như yoga, bài tập Kegel, hoặc đi bộ không chỉ hỗ trợ quá trình sản xuất sữa mà còn giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và vóc dáng của người mẹ sau sinh.

Việc áp dụng các biện pháp này sẽ giúp các bà mẹ sau sinh ngăn ngừa hiệu quả tình trạng tắc tia sữa, qua đó duy trì được sức khỏe tốt cho cả mẹ và bé. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ