Thông tin dành cho người bệnh xạ trị ung thư vú

Mục lục

Xạ trị ung thư vú là một trong những phương pháp điều trị giúp kiểm soát và tiêu diệt các tế bào ung thư, thường được áp dụng trong các kế hoạch điều trị ung thư vú. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin cần thiết về quá trình, lợi ích và những điều cần lưu ý khi tiến hành xạ trị, giúp người bệnh có cái nhìn toàn diện và chuẩn bị tốt nhất cho quá trình điều trị sắp tới. 

Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Mạnh Hà và điều dưỡng Phạm Thị Quỳnh - Trung tâm Xạ trị - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Khái niệm xạ trị  

Xạ trị là một trong các biện pháp phổ biến để điều trị ung thư, sử dụng năng lượng cao từ các tia X hoặc photon để tiêu diệt hoặc làm tổn thương tế bào ung thư, ngăn chặn sự phát triển của chúng. Các tia này ít đâm xuyên và tập trung mạnh mẽ vào khu vực cần điều trị, giúp giảm thiểu tác động đến các mô lành xung quanh. 

Tư thế bệnh nhân lúc mô phỏng và xạ trị ung thư vú sử dụng kỹ thuật kiểm soát nhịp thở.
Tư thế bệnh nhân lúc mô phỏng và xạ trị ung thư vú sử dụng kỹ thuật kiểm soát nhịp thở.

Vì xạ trị tập trung vào một khu vực nhất định, chỉ ảnh hưởng đến phần cơ thể được điều trị mà không gây ra tác động toàn thân như phương pháp hóa trị.

Xạ trị không chỉ có khả năng chữa khỏi một số loại ung thư, mà còn hỗ trợ hiệu quả trong quá trình điều trị trước và sau phẫu thuật, nâng cao kết quả của hóa trị và giảm bớt các triệu chứng do ung thư gây ra.

Sau khi phẫu thuật, xạ trị giúp giảm thiểu khả năng bệnh tái phát ở vú và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Quá trình này bao gồm việc chiếu bức xạ tập trung vào khối u, vùng ngực và các hạch bạch huyết xung quanh, nơi có tế bào ung thư chưa được phát hiện, chưa được cắt bỏ hoặc có thể còn sót lại sau phẫu thuật.

Trong nhiều trường hợp, xạ trị có thể được áp dụng đồng thời với hóa trị và phẫu thuật để tối đa hóa hiệu quả điều trị cho các loại ung thư khác nhau, bao gồm cả xạ trị ung thư vú.  

2. Tại sao cần xạ trị ung thư vú?

Người bệnh cần xạ trị ung thư vú vì phương pháp này hỗ trợ tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả. Xạ trị thường được áp dụng sau phẫu thuật để giảm thiểu khả năng ung thư tái phát. Ngoài ra, xạ trị còn có vai trò quan trọng trong việc giảm đau và các triệu chứng khác liên quan đến ung thư vú giai đoạn tiến triển.

Xạ trị cũng là phương pháp điều trị để kiểm soát ung thư vú di căn. Khi ung thư vú đã lan rộng đến các bộ phận khác của cơ thể, xạ trị được sử dụng để thu nhỏ các khối u và giảm thiểu các triệu chứng như đau và chảy máu. Đối với ung thư di căn xương, xạ trị cũng giúp làm giảm đau và ngăn ngừa nguy cơ chèn ép cấu trúc xương. 

Trắc nghiệm: Những lầm tưởng và sự thật về ung thư vú

Ung thư vú có tỷ lệ tử vong cao nhất ở nữ giới khiến họ rất lo sợ bản thân mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, không ít chị em có những hiểu biết thái quá về ung thư vú. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau sẽ giúp bạn loại bỏ được những nghi ngờ không đúng về căn bệnh này.

Bài dịch từ: webmd.com

Xạ trị ung thư vú có thể được thực hiện sau phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư tái phát.
Xạ trị ung thư vú có thể được thực hiện sau phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư tái phát.

3. Tác dụng phụ sau khi xạ trị ung thư vú

3.1 Tác dụng phụ sớm sau xạ trị ung thư vú  

Tác dụng phụ sớm của xạ trị ung thư vú thường xuất hiện ngay từ những buổi điều trị đầu tiên và có thể trở nên nghiêm trọng hơn vào tuần thứ hai và thứ ba của quá trình điều trị. Tuy nhiên, những tác dụng phụ này thường sẽ giảm dần và cải thiện sau khi kết thúc điều trị.

Người bệnh xạ trị ung thư vú có thể gặp phải các tác dụng phụ sớm sau:

Bệnh nhân xạ trị ung thư vú có thể bị viêm phổi
Bệnh nhân xạ trị ung thư vú có thể bị viêm phổi

3.2 Tác dụng phụ muộn

Tác dụng phụ muộn của xạ trị ung thư vú thường xuất hiện sau hơn 90 ngày kể từ khi kết thúc điều trị. Dưới đây là một số tác dụng phụ muộn mà người bệnh xạ trị ung thư vú có thể gặp phải:

  • Viêm phổi và viêm phổi kẽ.
  • Ảnh hưởng đến tim và tủy sống.
  • Viêm quanh khớp vai, xơ hóa.
  • Viêm đám rối thần kinh, giãn mao mạch.
  • Phù bạch huyết.

4. Lời khuyên dành cho người xạ trị ung thư vú

4.1 Chăm sóc da khu vực xạ trị

Viêm da xạ trị, một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất, có thể so sánh với tình trạng da bị cháy nắng, bao gồm các triệu chứng như đỏ, rát và kích ứng. Dựa vào mức độ tổn thương da, viêm da xạ trị được phân loại thành 4 độ:

  • Độ 0: Da không có biểu hiện bất thường.
  • Độ 1: Da xuất hiện các ban đỏ, thay đổi màu sắc, tình trạng giống như cháy nắng, có thể kèm theo mụn thịt, cảm giác ngứa và rát.
  • Độ 2: Da ẩm bị bong tróc tại các khu vực có nếp gấp hoặc chịu ma sát nhiều, không có chảy dịch, hoặc có phù nề không quá 50% diện tích da bị chiếu xạ (bong tróc da khô).
  • Độ 3: Tổn thương da nặng hơn, bong tróc ở cả các vùng không phải nếp gấp, phù nề, và tổn thương tới lớp thượng bì, có thể có tình trạng loét lớn hơn 2cm, chảy dịch trên 50% diện tích da bị chiếu xạ (bong da ẩm).
  • Độ 4: Các tổn thương da rất nghiêm trọng với độ ăn sâu hơn, có thể có chảy máu, triệu chứng nhiễm trùng, vết loét lan rộng, hoại tử và đe dọa tính mạng. 
Minh họa phân độ viêm da xạ trị: Độ 1, 2, 3, 4 theo thứ tự từ trái qua phải.
Minh họa phân độ viêm da xạ trị: Độ 1, 2, 3, 4 theo thứ tự từ trái qua phải.

4.1.1 Bảo vệ da

  • Khi chăm sóc vùng da xạ trị, người bệnh nên lưu ý lựa chọn quần áo rộng rãi, làm từ chất liệu cotton thấm hút mồ hôi tốt, không mặc áo bó hoặc áo con để tránh cọ sát và tích tụ mồ hôi, từ đó giảm thiểu nguy cơ gây viêm da, đau rát và tổn thương thêm cho vùng da đã nhạy cảm.
  • Nếu cảm thấy ngứa ở vùng da được điều trị, bệnh nhân không nên gãi vì điều này có thể gây kích ứng và làm bong da, dẫn đến đau rát và tổn thương da trở nên tồi tệ hơn. Một biện pháp phòng ngừa hữu ích là cắt ngắn móng tay để tránh làm tổn thương da khi vô tình chạm vào.
  • Ngoài ra, không nên sử dụng các loại miếng dán có chứa cồn để dán lên vùng da điều trị vì cồn có thể làm khô và kích ứng da.  
  • Hãy tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 15 giờ và tránh các môi trường có nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Cuối cùng, bơi lội cũng nên được hạn chế khi đang trong giai đoạn xạ trị ung thư vú bởi clo và hóa chất trong hồ bơi có thể gây kích ứng cho da. 
Hạn chế ánh nắng mặt trời giúp bảo vệ da
Hạn chế ánh nắng mặt trời giúp bảo vệ da

4.1.2 Vệ sinh da

  • Luôn giữ cho vùng da điều trị sạch sẽ. Tắm rửa nhẹ nhàng với nước ấm và xà phòng dành cho trẻ em, đảm bảo nước tắm không quá nóng hoặc quá lạnh, không chà xát vùng da đang điều trị.
  • Khi lau khô da, sử dụng khăn lông mềm và thấm khô vùng da xạ trị nhẹ nhàng mà không chà xát. Tránh sử dụng mỹ phẩm hay các hóa chất làm sạch khác lên vùng da xạ trị.

4.1.3 Giữ ẩm cho da

  • Bôi kem bảo vệ phóng xạ theo chỉ định của bác sĩ và không tự ý sử dụng các loại kem dưỡng da khác mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
  • Làm sạch da với nước muối sinh lý trước khi bôi kem.
  • Thoa kem nhẹ nhàng lên xung quanh vùng da xạ trị. Người bệnh nên thoa một lớp mỏng và đều, tránh thoa chồng chéo các lớp kem 2-3 lần mỗi ngày.  
  • Nên thoa kem trước khi xạ trị khoảng 1-2 giờ hoặc sau khi xạ trị 1 giờ. Tránh thoa kem ngay trước khi xạ trị.

Để đảm bảo hiệu quả của tia xạ không bị ảnh hưởng, bệnh nhân cần tránh bôi kem quá dày lên vùng da đang được xạ trị. Hãy tiếp tục sử dụng kem bảo vệ da ít nhất một tháng sau khi hoàn thành liệu trình xạ trị.

4.2 Lời khuyên dành cho người mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn sau khi xạ trị ung thư vú

  • Để đạt hiệu quả tối ưu trong quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe, việc thực hiện và duy trì một kế hoạch luyện tập, vận động nghỉ ngơi hợp lý là rất quan trọng.
  • Các hoạt động thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga nhẹ và các bài tập kéo giãn cơ thể nên được thực hiện thường xuyên vào buổi tối để cải thiện sức khỏe tổng thể và sức bền. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân nên tránh các động tác nặng như dạng hoặc xoay khớp vai ở bên được xạ trị.
  • Ngoài ra, việc bổ sung chế độ ăn giàu protein và calo là cần thiết, ưu tiên các nguồn protein như thịt nạc, trứng và sữa để hỗ trợ quá trình phục hồi và tái tạo cơ thể.
  • Nhiều người trong quá trình điều trị có thể trải qua các triệu chứng như đau, buồn nôn, tiêu chảy, khó ngủ, lo lắng và cảm thấy chán nản thất vọng. Những triệu chứng này không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi mà còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của quá trình điều trị. Ngược lại, những bệnh nhân duy trì được tâm trạng tích cực, tình thần lạc quan thường đáp ứng tốt hơn với điều trị.
  • Xạ trị ung thư vú có thể dẫn đến các triệu chứng buồn nôn hoặc nôn, đặc biệt khi khu vực được điều trị gần với dạ dày. Các triệu chứng này có thể kéo dài vài tuần sau khi kết thúc quá trình xạ trị. Để kiểm soát, bệnh nhân có thể cần đến thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống và đôi khi là các phương pháp trị liệu bổ sung. Thêm vào đó, tình trạng nôn và buồn nôn có thể gia tăng khi xạ trị và hóa trị được thực hiện cùng một lúc. 
Bổ sung protein vào chế độ ăn uống giúp cải thiện các tác dụng phụ sau xạ trị.
Bổ sung protein vào chế độ ăn uống giúp cải thiện các tác dụng phụ sau xạ trị.

Thông thường, buồn nôn có thể kiểm soát tốt với thuốc. Nếu cảm thấy nôn hoặc buồn nôn trong quá trình điều trị, bệnh nhân hãy thông báo với bác sĩ để được kê đơn thuốc chống nôn hiệu quả.  

Ngoài ra, người bệnh có thể thay đổi một số thói quen trong chế độ ăn uống để giúp giảm cảm giác buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, cụ thể như sau:

  • Chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa/ngày.
  • Trước khi thực hiện xạ trị, người bệnh nên ưu tiên ăn những thực phẩm dễ tiêu, tránh xa các món chiên xào, món có nhiều dầu mỡ, chất béo hoặc nhiều gia vị có thể làm dạ dày khó chịu. Nếu cảm thấy buồn nôn, tốt nhất là không nên ăn gì.
  • Nên ăn thực phẩm nguội hoặc ấm vừa phải, tránh ăn đồ quá nóng vì mùi vị mạnh có thể gây kích thích.
  • Uống đủ nước mỗi ngày, nhấp từng ngụm nhỏ và tránh uống quá nhiều nước trước bữa ăn.
  • Nên dùng các loại đồ uống giàu dinh dưỡng như sữa Forticare hoặc Ensure. Đừng để cảm giác buồn nôn dẫn đến bỏ ăn, điều này có thể làm bệnh nhân mất đi lượng lớn năng lượng cần thiết cho quá trình điều trị và hồi phục.
  • Hãy dành thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn. Các vấn đề về tâm lý như lo âu hay mệt mỏi cũng có thể làm tăng cảm giác buồn nôn.

4.3 Viêm phổi và những điều cần lưu ý

Xạ trị ung thư vú có thể tác động đến phổi, khiến bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như sốt, ho hoặc khó thở, được biết đến là viêm phổi cấp do bức xạ. 

Người bệnh xạ trị có thể bị khó thở do viêm phổi gây ra.
Người bệnh xạ trị có thể bị khó thở do viêm phổi gây ra.

Người bệnh cần phải thông báo ngay cho bác sĩ hoặc điều dưỡng nếu xuất hiện tình trạng khó thở hoặc các vấn đề nghiêm trọng hơn. Nếu bản thân có bệnh lý tim mạch hoặc sử dụng máy tạo nhịp, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ chuyên trách xạ trị để điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp.

Quá trình xạ trị triệt căn là một liệu trình dài và chuyên sâu nhằm điều trị ung thư vùng ngực, có thể gây ra các rủi ro về hô hấp lâu dài. Có khoảng 10% bệnh nhân trải qua viêm phổi xạ trị mạn tính, có thể dẫn đến tình trạng ho kéo dài và khó thở.

Người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về hô hấp sau khi xạ trị, vì đây có thể là dấu hiệu của viêm phổi do xạ trị và cần được can thiệp điều trị kịp thời.

4.4 Dự phòng phù mạch bạch huyết

Phù bạch huyết là một biến chứng gây sưng ở cánh tay, bàn tay, vú hoặc vùng ngực do sự tích tụ của chất lỏng trong mô bề mặt của cơ thể. Đây là một hậu quả phổ biến ở nhóm bệnh nhân đã trải qua việc nạo vét hạch nách, chiếm khoảng 15-20% bệnh nhân điều trị ung thư vú. Sự biến dạng và mất chức năng là những khó khăn mà người bệnh có thể gặp phải sau điều trị.  

Để phòng ngừa và quản lý tình trạng phù bạch huyết, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp sau đây:

  • Duy trì các bài tập, vật lý trị liệu giúp chống tắc nghẽn bạch huyết và cải thiện lưu thông.
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân và kiểm soát cân nặng.
  • Tập luyện nhẹ nhàng giúp kích thích dòng chảy của bạch huyết và tăng cường sức khỏe cơ bắp.
  • Thực hiện các bài tập đặc biệt cho vùng vú sau phẫu thuật, như đưa tay lên tường hay chải đầu, để nâng cao khả năng vận động.
  • Nếu thấy cánh tay, bàn tay, vú hoặc vùng ngực bị sưng lên, cảm thấy khó chịu hoặc nặng nề, hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc điều dưỡng.
  • Kết hợp treo tay cao và băng chun để giảm phù.
  • Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu một chỗ, tránh vắt chéo chân khi ngồi, sử dụng gối khi ngủ và duy trì tư thế đứng thẳng để hỗ trợ cải thiện tình trạng phù.
  • Không tiêm hoặc truyền tĩnh mạch vào chi bị ảnh hưởng.
  • Tránh mọi sang chấn và làm tổn thương da dưới mọi hình thức.
  • Tránh các hoạt động mang vác nặng, tránh tập thể dục quá mạnh ở bên bị tổn thương.
  • Không tắm nắng, sử dụng nước nóng hoặc xông hơi.

Bài tập 1:  

  • Người bệnh có thể thực hiện bài tập này trong tư thế nằm hoặc ngồi, giúp giảm phù nề sau khi phẫu thuật:
  • Bệnh nhân nằm nghiêng về bên bình thường với tay bị mổ được đặt lên trên. Đặt một chiếc gối ở tư thế duỗi thẳng ra phía trước tay, cao hơn mức của tim.
  • Hoặc bệnh nhân có thể ngồi trên một chiếc ghế có độ cao thích hợp, lưng tựa vào gối sau, tay duỗi thẳng ra trước với một chiếc gối đỡ dưới tay, giữ cho tay cao hơn tim.
  • Bệnh nhân từ từ siết chặt rồi mở rộng bàn tay bên được phẫu thuật, lặp lại từ 15 đến 25 lần.
  • Sau đó, bệnh nhân cũng nên gập và duỗi khuỷu tay bên được mổ một cách từ tốn và nhẹ nhàng, lặp lại từ 15 đến 25 lần. 

Bài tập 1
Bài tập 1
Bài tập 2
Bài tập 2
Bài tập 3
Bài tập 3
Bài tập 4
Bài tập 4
Bài tập 5
Bài tập 5

Bài tập cho tuần thứ hai sau phẫu thuật:

  • Người bệnh nên thực hiện các bài tập từ 2 đến 3 lần mỗi ngày. Các bài tập này có thể được thực hiện trong tư thế đứng, ngồi hoặc nằm.
  • Mỗi động tác được bắt đầu tập 5 lần và tăng dần mỗi ngày cho đến khi đạt 10 lần.
  • Trong quá trình tập, người bệnh có thể cảm thấy căng tại vùng tập nhưng không được để xảy ra đau.
  • Tiếp tục tập luyện cho đến khi khôi phục được tầm vận động bình thường của khớp vai, thường mất khoảng 6 tuần. 
Bài tập 6
Bài tập 6
Bài tập 7
Bài tập 7
Bài tập 8
Bài tập 8
Bài tập 9
Bài tập 9
Bài tập 10
Bài tập 10

4.5 Tình trạng đau nhói, viêm xung quanh khớp, xơ hoá và cách khắc phục

  • Người bệnh có thể cảm nhận đau đớn, co giật hoặc đau nhói ở lồng ngực.  
  • Những triệu chứng này thường không nghiêm trọng, nhưng có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm. Theo thời gian, dấu hiệu này sẽ giảm nhẹ và ít xảy ra hơn.  
  • Ngoài ra, người bệnh cũng có thể trải qua cảm giác cứng và khó chịu xung quanh khu vực vai, ngực trong và sau quá trình điều trị.  
  • Việc kiên trì tập luyện các bài tập vùng tay, vai trong suốt thời gian xạ trị ung thư vú và vài tháng sau đó có thể giúp làm giảm hoặc phòng ngừa nguy cơ cứng khớp, cảm giác khó chịu.

Việc phát sinh các tác dụng phụ khi điều trị bằng xạ trị là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nhờ vào sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật và sự hỗ trợ của thiết bị máy móc hiện đại, các tác dụng phụ này đã được kiểm soát và giảm thiểu một cách đáng kể.

Điều trị khối u là mục tiêu được ưu tiên và các nhóm chuyên gia xạ trị cũng luôn nỗ lực hết sức để giảm thiểu những ảnh hưởng không mong muốn đối với bệnh nhân.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec được biết đến là một trong những bệnh viện hàng đầu với chất lượng chuyên môn cao, đội ngũ y bác sĩ dày dặn kinh nghiệm cùng với trang thiết bị công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, bệnh viện còn cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và điều trị bệnh một cách toàn diện và chuyên nghiệp, trong một môi trường văn minh, lịch sự, an toàn và đảm bảo vô trùng tối ưu. Bệnh nhân có thể hoàn toàn tin tưởng vào độ chính xác của các kết quả xét nghiệm khi lựa chọn thực hiện tại đây.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ