Thực đơn cho người bệnh gout và tiểu đường: Nên ăn gì?

Mục lục

Thực đơn cho người bệnh gout và tiểu đường có thể có nhiều điểm chung hơn so với suy nghĩ của nhiều người. Người mắc bệnh gout có khả năng cao mắc tiểu đường và ngược lại, người bị tiểu đường cũng có khả năng cao mắc phải bệnh gout do mối liên quan chặt chẽ giữa hai căn bệnh này. Vì thế, việc có một thực đơn tốt có thể giúp bệnh nhân phòng tránh các bệnh này tốt hơn.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Tổng quan về nguyên nhân gây bệnh gout và tiểu đường

1.1 Nguyên nhân gây ra bệnh gout

Gout là một dạng viêm khớp xảy ra do axit uric trong máu tích tụ quá nhiều, lâu dần hình thành các tinh thể muối urat. Khi các tinh thể này tích tụ tại khớp sẽ gây ra tình trạng sưng, đau và viêm. Bệnh gout thường ảnh hưởng đến ngón chân cái nhưng cũng có thể xuất hiện ở các khớp khác như đầu gối, mắt cá chân, cổ tay hoặc khuỷu tay.

1.2 Tiểu đường

Tiểu đường là một bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa glucose - nguồn năng lượng chính của cơ thể. Insulin - một hormone do tuyến tụy sản xuất, có nhiệm vụ giúp đưa glucose từ máu vào tế bào để cung cấp năng lượng.

Khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin hiệu quả, lượng glucose trong máu sẽ tăng cao, gây ra tình trạng dư thừa. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tiểu đường.

1.3 Mối liên quan giữa bệnh gout và tiểu đường

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người mắc bệnh gout có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cao hơn so với người không bị gout. Ngoài ra, bệnh nhân bị gout thường gặp phải một số triệu chứng như huyết áp cao, béo phì.  

Béo phì là tình trạng có mối liên quan chặt chẽ với tiểu đường vì khi cơ thể thừa cân, nồng độ insulin trong máu sẽ tăng cao và dẫn đến lượng đường huyết cao. Cùng với đó, khả năng bài tiết urat của thận cũng giảm, gây ảnh hưởng tới người bệnh gout. 

Bệnh nhân bị gout có thể bị béo phì - tình trạng có liên quan chặt chẽ đến bệnh tiểu đường.
Bệnh nhân bị gout có thể bị béo phì - tình trạng có liên quan chặt chẽ đến bệnh tiểu đường.

Vì vậy, nếu bệnh nhân đang mắc bệnh gout và tiểu đường cùng lúc, một chế độ ăn uống phù hợp có thể giúp bệnh nhân kiểm soát được tình trạng bệnh, cải thiện chất lượng sống.

2. Thực đơn cho người bệnh gout và tiểu đường

Việc có một thực đơn ăn uống hợp lý không chỉ giúp người bệnh kiểm soát lượng đường huyết trong cơ thể mà còn giúp duy trì trọng lượng hợp lý, từ đó nâng cao sức khỏe cho người bệnh.

2.1 Những thực phẩm nên ăn

Một số thực phẩm mà người mắc bệnh gout và tiểu đường nên ăn gồm:

2.1.1 Chất xơ

Chất xơ có thể giúp tăng cường khả năng đào thải axit uric qua thận. Bên cạnh đó, một loại chất xơ hòa tan là pectin có thể giúp giảm cholesterol rất hiệu quả.

Vì thế, thực đơn cho người bệnh gout và tiểu đường cần phải có ít nhất một loại thực phẩm giàu chất xơ trong các bữa ăn. Các thực phẩm thuộc nhóm này có thể kể đến như cam, lúa mạch, cà rốt, cần tây, dứa, yến mạch và dưa chuột. Trung bình, bệnh nhân cần tiêu thụ khoảng 21 gam chất xơ mỗi ngày. 

Thực đơn cho người bệnh gout và tiểu đường rất cần sự xuất hiện của chất xơ - một chất có rất nhiều trong dưa chuột.
Thực đơn cho người bệnh gout và tiểu đường rất cần sự xuất hiện của chất xơ - một chất có rất nhiều trong dưa chuột.

2.1.2 Omega-3  

Axit béo omega-3 có thể giúp cải thiện tình trạng kháng insulin ở người bệnh gout và tiểu đường, qua đó làm giảm nguy cơ khiến bệnh trầm trọng hơn. Hơn nữa, EPA có trong omega-3 cũng có thể làm giảm nồng độ axit uric và cholesterol trong cơ thể.

Các thực phẩm giàu chất này có thể kể đến như cá mòi, cá hồi, đậu nành, hạt óc chó, súp lơ, tôm và bí ngô.

2.1.3 Anthocyanin

Anthocyanin là một chất có khả năng ngăn chặn sự kết tinh của axit uric cũng như hạn chế sự lắng đọng của tinh thể urat trong khớp. Ngoài ra, chất này cũng giúp làm giảm nguy cơ hạ đường huyết và giúp giảm lượng đường trong máu.

Một số thực phẩm giàu anthocyanin có thể kể đến như việt quất, nam việt quất, nho đen, lựu, anh đào hoặc mận.

2.2 Những thực phẩm cần tránh

Một số thực phẩm không nên xuất hiện trong thực đơn của người bệnh tiểu đường và gout gồm:

2.2.1 Rượu bia

Những đồ uống có cồn như rượu bia có thể ảnh hưởng tới quá trình đào thải axit uric ra khỏi cơ thể. Khi rượu chuyển hóa thành axit lactic, chất này sẽ làm giảm chức năng thận trong quá trình đào thải axit uric ra ngoài.  

Hơn nữa, tiêu thụ rượu bia có thể khiến bệnh nhân bị ảnh hưởng đến độ nhạy cảm của cơ thể với insulin. 

Rượu bia có thể làm ảnh hưởng tới độ nhạy cảm của cơ thể người bệnh với insulin, qua đó cũng cần phải tránh né các đồ uống này.
Rượu bia có thể làm ảnh hưởng tới độ nhạy cảm của cơ thể người bệnh với insulin, qua đó cũng cần phải tránh né các đồ uống này.

2.2.2 Đồ ăn giàu purin

Vì axit uric được chuyển hóa từ purin, do đó việc hạn chế các thực phẩm chứa chất này là rất quan trọng. Hơn nữa, nồng độ axit uric cao cũng khiến bệnh nhân có nguy cơ bị kháng insulin, qua đó biến bệnh tiểu đường trở nên nghiêm trọng hơn.

Một số thực phẩm nhiều purin mà bệnh nhân cần tránh tiêu thụ gồm: Nội tạng động vật, thịt đỏ, đậu khô, thực phẩm đóng hộp và mì ăn liền.

2.2.3 Các thực phẩm nhiều fructose

Fructose cần rất nhiều năng lượng để có thể được chuyển hóa bên trong cơ thể. Vì thế, cơ thể dễ bị cạn kiệt năng lượng và sản sinh ra các chất như axit lactic hay axit uric, khiến bệnh  gout và tiểu đường trầm trọng hơn.

Thêm vào đó, fructose có thể làm tăng đường huyết của người bệnh. Một số thực phẩm nhiều fructose có thể kể đến như đồ uống có ga, nước trái cây, sô cô la, bánh ngọt.

Bên cạnh các thực phẩm nên và không nên tiêu thụ đối với bệnh nhân bị tiểu đường và gout, cũng còn đó một số thói quen ăn uống lành mạnh mà người bệnh nên thực hiện như:

  • Chia bữa ăn thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày.
  • Xác định rõ ràng lượng thực phẩm tiêu thụ từ các nhóm thực phẩm khác nhau.
  • Tính toán khối lượng carbohydrate cần thiết cho thực đơn
  • Xác định khối lượng protein cần thiết mỗi ngày.
  • Tiêu thụ chất béo tốt thay vì các chất béo xấu.

Vừa rồi là những thông tin mà Vinmec cung cấp cho người bệnh về thực đơn dành cho người bị gout và tiểu đường. Hy vọng rằng những thông tin này đã giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về những thực phẩm tốt nhất đối với tình trạng của mình. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ