Thức khuya có bị trễ kinh không và ảnh hưởng thế nào?

Mục lục

Thức khuya có bị trễ kinh không là câu hỏi phổ biến của nhiều chị em phụ nữ khi gặp phải tình trạng kỳ kinh nguyệt không đều.  Bài sẽ viết phân tích mối liên hệ giữa việc thức khuya và tình trạng trễ kinh, đồng thời giải thích các ảnh hưởng của thói quen ngủ không hợp lý đối với chu kỳ kinh nguyệt.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Trễ kinh là tình trạng gì?

Hiện tượng trễ kinh (hay chậm kinh) là tình trạng chu kỳ kinh nguyệt diễn ra muộn hơn so với chu kỳ thông thường. Bình thường, chu kỳ kinh nguyệt lặp lại mỗi tháng với khoảng thời gian trung bình từ 21 đến 35 ngày. Nếu kinh nguyệt không xuất hiện trong khoảng thời gian này, đó được gọi là trễ kinh. Thời gian trễ có thể khác nhau ở mỗi người, từ vài ngày đến vài tuần. Đây là hiện tượng phổ biến nhưng có thể liên quan đến nhiều yếu tố sức khỏe hoặc lối sống.

Trễ kinh trong vài ngày đôi khi là hiện tượng bình thường của cơ thể và không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu trễ kinh diễn ra thường xuyên hoặc kéo dài có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, bao gồm:

  • Rối loạn nội tiết tố nữ, làm giảm sức khỏe tổng thể.
  • Gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
  • Tác động đến ngoại hình như da xấu đi, rụng tóc hoặc tăng cân.

Những ảnh hưởng này đặc biệt rõ rệt ở phụ nữ trên 30 tuổi, do chức năng nội tiết tố bắt đầu thay đổi theo tuổi tác, làm cho tình trạng rối loạn kinh nguyệt trở nên nghiêm trọng hơn. 

Trễ kinh kéo dài có thể làm thay đổi nội tiết tố nữ, từ đó tác động tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt là đối với những phụ nữ trên 30 tuổ
Trễ kinh kéo dài có thể làm thay đổi nội tiết tố nữ, từ đó tác động tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt là đối với những phụ nữ trên 30 tuổ

2. Thức khuya có bị trễ kinh không

Chu kỳ kinh nguyệt có thể bị rối loạn do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm rối loạn nội tiết tố, mang thai hoặc thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Trong đó, việc thức khuya kéo dài là một trong những yếu tố góp phần gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Thức khuya thường xuyên ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan như buồng trứng và tuyến yên, làm giảm nồng độ các hormone quan trọng như progesteroneestrogen, cũng như các thành phần cần thiết khác cho chu kỳ kinh nguyệt.

Rối loạn nội tiết tố do thức khuya có thể dẫn đến các vấn đề như trễ kinh, thậm chí vô kinh, mệt mỏi hoặc các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt. Người bị rối loạn kinh nguyệt do thức khuya thường gặp các dấu hiệu như:

  • Tắc kinh (kinh nguyệt không xuất hiện).
  • Lượng máu kinh thay đổi, có thể ít hoặc nhiều hơn bình thường.
  • Máu kinh có màu nâu đen, khác với màu sắc thông thường.

Ngoài ra, thức khuya cũng có thể làm tăng tiết cortisol - một hormone có tác dụng tăng đường huyết và huyết áp, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe lâu dài. Vì vậy, để duy trì sức khỏe tốt và ổn định chu kỳ kinh nguyệt, chị em cần hạn chế thói quen thức khuya. 

Thức khuya có bị trễ kinh không là thắc mắc chung của nhiều chị em phụ nữ.
Thức khuya có bị trễ kinh không là thắc mắc chung của nhiều chị em phụ nữ.

3. Những tác hại của việc thức khuya

Thức khuya có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần và chất lượng cuộc sống của con người, đặc biệt là đối với phụ nữ. Nếu chị em thức khuya đến 2-3 giờ sáng, chắc chắn sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải và khó tập trung vào công việc vào ngày hôm sau. Đây là một trong những hệ quả rõ ràng của thói quen thức khuya.

Ngoài ra, việc thức khuya kéo dài cũng ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ theo nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một số tác hại nghiêm trọng mà thức khuya có thể gây ra:

3.1. Đẩy nhanh quá trình lão hóa

Giấc ngủ ban đêm là thời gian quan trọng để làn da tái tạo và phục hồi sau một ngày dài tiếp xúc với các yếu tố ô nhiễm. Khi thức khuya, cơ thể không thể sản xuất đủ collagen, khiến các tế bào biểu bì da không được phục hồi, dẫn đến tình trạng làn da xỉn màu, sạm da, dễ xuất hiện nám, tàn nhang và nếp nhăn. Thức khuya còn làm cho khuôn mặt thiếu sức sống, mắt có quầng thâm và dễ nổi mụn.

3.2. Tăng nguy cơ mắc ung thư vú

Thức khuya có thể tăng nguy cơ mắc ung thư vú lên đến 1,5 lần so với người có thói quen ngủ sớm. Nguyên nhân là do sự mất cân bằng hormone sinh dục estrogen và progesterone, làm giảm ham muốn tình dục cũng như tăng nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ.

Thức khuya làm rối loạn quá trình sản sinh hormone melatonin – loại hormone giúp cơ thể thư giãn, dễ ngủ, đồng thời hỗ trợ chống ung thư và điều hòa trao đổi chất. Khi nồng độ melatonin giảm do thức khuya, nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ cũng tăng lên. 

Để hiểu rõ thức khuya có bị trễ kinh không, chị em nên đi thăm khám để được bác sĩ tư vấn.
Để hiểu rõ thức khuya có bị trễ kinh không, chị em nên đi thăm khám để được bác sĩ tư vấn.

4. Các phương pháp cải thiện tình trạng thức khuya để tránh những tác hại xấu

Sau khi đã hiểu rõ thức khuya có bị trễ kinh không cùng những tác hại khác, việc thay đổi thói quen sinh hoạt là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số biện pháp cụ thể giúp cải thiện tình trạng thức khuya:

4.1. Xây dựng lịch trình sinh hoạt khoa học

Thiết lập thời gian biểu hợp lý cho các hoạt động hàng ngày là yếu tố then chốt để điều chỉnh thói quen thức khuya. Chị em nên lập kế hoạch chi tiết để cân bằng công việc, nghỉ ngơi, ăn uống và các hoạt động giải trí, giúp giảm căng thẳng, tạo điều kiện cho cơ thể có được giấc ngủ sâu cũng như chất lượng hơn.  

Mặc dù ban đầu có thể gặp khó khăn khi thay đổi thói quen, nhưng nếu kiên trì thực hiện trong ít nhất 21 ngày, chị em sẽ hình thành được thói quen sinh hoạt lành mạnh, giúp bảo vệ sức khỏe một cách hiệu quả.

4.2. Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ

Các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, laptop… phát ra ánh sáng xanh, có thể làm gián đoạn quá trình đi vào giấc ngủ. Vì vậy, để cải thiện chất lượng giấc ngủ, chị em nên tránh sử dụng các thiết bị này ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ. Thay vì tiếp xúc với công nghệ, chị em có thể thử đọc sách, nghe podcast hoặc thực hành các phương pháp thư giãn khác.

Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, chị em nên tránh sử dụng các thiết bị điện tử ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ.
Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, chị em nên tránh sử dụng các thiết bị điện tử ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ.

Trên đây là những giải đáp về câu hỏi "Thức khuya có bị trễ kinh không?" của chị em phụ nữ. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp chị em hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của thói quen thức khuya đối với cơ thể cũng như những phương pháp giúp cải thiện tình trạng thức khuya. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ