Thuốc điều trị viêm loét đại tràng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng của bệnh. Viêm loét đại tràng là một bệnh mãn tính, không có thuốc chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên, với sự hỗ trợ của thuốc, người bệnh có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Viêm loét đại tràng là gì?
Viêm loét đại tràng là căn bệnh chủ yếu tác động đến ruột già, xảy ra do những phản ứng không bình thường của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Các dấu hiệu viêm loét đại tràng thường gặp bao gồm:
- Triệu chứng viêm loét đại tràng phổ biến nhất là đau bụng, cảm giác khó chịu và co thắt đại tràng.
- Tiêu chảy kéo dài.
- Phân có lẫn máu khi đi vệ sinh.
2. Thuốc điều trị viêm loét đại tràng
2.1 Thuốc chống viêm
2.1.1 Nhóm thuốc aminosalicylate
Thuốc thuộc nhóm này có tính chất kháng viêm đối với đường tiêu hóa, đặc biệt hữu ích trong việc điều trị bệnh mức độ nhẹ và vừa. Các chuyên gia cho rằng, thuốc có thể làm giảm sinh tổng hợp prostaglandin, một chất trung gian tham gia vào quá trình viêm, từ đó giúp giảm sự viêm nhiễm trong đường tiêu hoá.
Tùy thuộc vào vùng bị viêm loét, bác sĩ có thể kê đơn thuốc ở dạng viên nén, viên đạn,... Nhóm thuốc này cũng có tác dụng ngăn ngừa hoặc làm giảm số lần tái phát của bệnh và thường được ưu tiên sử dụng trong phác đồ điều trị.
Nhóm aminosalicylate bao gồm các thuốc điều trị viêm loét đại tràng như:
- Balsalazide: Thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ nhẹ và phổ biến như đau đầu, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, đau khớp và các vấn đề về hô hấp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như rối loạn tạo máu và suy gan.
- Mesalamine: Các tác dụng phụ thường thấy là tiêu chảy, đau đầu, cảm giác buồn nôn và đau bụng. Một số trường hợp hiếm hoi có thể gặp phải là đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều và suy gan.
- Olsalazine: Các tác dụng phụ phổ biến hơn và ít nghiêm trọng bao gồm tiêu chảy, đau bụng, phát ban và ngứa. Tuy nhiên, những tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng hiếm gặp như suy gan, vấn đề về tim và rối loạn tạo máu cũng có thể xảy ra.
- Sulfasalazine có thể gây những tác dụng phụ nhẹ và phổ biến hơn như ăn không ngon, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa và đau bụng. Nam giới có thể gặp tình trạng giảm số lượng tinh trùng. Các tác dụng phụ nghiêm trọng, mặc dù hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra (như hội chứng Stevens-Johnson, suy gan và các vấn đề về thận).

2.1.2 Nhóm thuốc corticosteroid
Thuốc điều trị viêm loét đại tràng thuộc nhóm corticosteroid hoạt động bằng cách ức chế hoạt động của Phospholipase A2, giảm việc tổng hợp Leukotriene và Prostaglandin. Thuốc được chỉ định cho bệnh mức độ nặng đến trung bình, tuy nhiên không nên sử dụng lâu dài vì có nhiều tác dụng phụ. Trong các phác đồ điều trị, bệnh nhân có thể kết hợp thuốc này với aminosalicylate và kháng sinh.
Một số loại thuốc điều trị viêm loét đại tràng nằm trong nhóm corticosteroid:
- Budesonide: Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm đau đầu, buồn nôn, giảm nồng độ hormone cortisol, đau bụng trên, đầy hơi, cảm giác mệt mỏi, nhiễm trùng đường tiết niệu, táo bón và đau khớp. Những phản ứng nghiêm trọng hơn có thể xảy ra như sốc phản vệ, nguy cơ nhiễm trùng cao ở người dùng thuốc ức chế miễn dịch, huyết áp tăng và tình trạng hạ kali máu, thể hiện qua chuột rút ở chân.
- Prednisone: Các tác dụng phụ thường gặp gồm có: tăng đường huyết, lo âu, huyết áp cao, phù nề do tích tụ nước, tăng cảm giác thèm ăn, tăng cân, nhức đầu, da mỏng và sự thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Những biến chứng và tác dụng phụ nghiêm trọng có thể gặp phải là: sốc phản vệ, loãng xương, nguy cơ gãy xương cao, vấn đề về tim như cơn đau tim, đau ngực, thay đổi nhịp tim, co giật và tình trạng kali trong máu thấp.
2.2 Thuốc điều hòa hệ miễn dịch
Các thuốc điều hòa miễn dịch hoạt động bằng cách làm giảm các phản ứng của cơ thể với hệ miễn dịch, góp phần giảm viêm.
- Azathioprine, Purinethol, và Mercaptopurine là các loại thuốc điều hòa miễn dịch phổ biến, thường được chỉ định để điều trị bệnh viêm ruột. Tuy nhiên, khi sử dụng những loại thuốc này, bệnh nhân cần được bác sĩ giám sát cẩn thận và xét nghiệm máu định kỳ để phát hiện các tác dụng phụ, đặc biệt là những tác động đối với gan và tuyến tụy.
- Cyclosporine: Thuốc này chủ yếu được sử dụng khi các loại thuốc khác không mang lại hiệu quả, tuy nhiên, loại thuốc này có nguy cơ gây ra tác dụng phụ nặng nề và không được khuyến khích dùng lâu dài.
- Tofacitinib: Đây là một loại thuốc phân tử nhỏ hoạt động bằng cách ức chế quá trình viêm trong cơ thể. Thuốc được chỉ định khi các phương pháp điều trị khác không mang lại kết quả mong muốn. Một số tác dụng phụ đáng chú ý là nguy cơ nhiễm zona cao hơn và hình thành huyết khối.
2.3 Thuốc ức chế JAK
- Janus kinase (JAK) ức chế phản ứng miễn dịch của cơ thể và chặn các tín hiệu gây viêm trong đại tràng. Nhờ vậy, nhóm thuốc này mang lại hiệu quả nhanh hơn so với nhiều liệu pháp khác.
- Tofacitinib: Năm 2018, FDA đã phê duyệt tofacitinib là một loại thuốc điều trị viêm loét đại tràng.
Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy, đau đầu, nhiễm trùng (bao gồm viêm ruột thừa và viêm phổi), ung thư da, tắc mạch phổi và thiếu máu.
2.4 Thuốc sinh học
Thuốc sinh học này tác động đến các protein mà hệ thống miễn dịch sản sinh ra. Chúng được sử dụng để điều trị bệnh, đặc biệt dành cho những người mẫn cảm với các loại thuốc khác hoặc không chịu đựng được những phương pháp điều trị khác.
Thông thường, thuốc cần được sử dụng trong tối đa 8 tuần để có thể nhận thấy hiệu quả. Vào tháng 2 năm 2021, Humira đã được FDA chấp thuận để điều trị viêm loét đại tràng từ mức độ trung bình đến nặng cho trẻ từ 5 tuổi trở lên.
- Infliximab, Adalimumab, và Golimumab là các loại thuốc có tác dụng trung hòa một loại protein mà hệ miễn dịch cơ thể tạo ra. Chúng thường được sử dụng để điều trị bệnh ở mức độ nặng.
- Vedolizumab: Ngăn không cho các tế bào viêm tiến đến vùng tổn thương do viêm.
- Ustekinumab: Cơ chế của thuốc là ức chế một loại protein tham gia vào phản ứng viêm.
Một vài tác dụng không mong muốn từ thuốc sinh học bao gồm: đau đầu, sốt, cảm giác lạnh run, buồn nôn, nổi mẩn đỏ trên da và nguy cơ nhiễm trùng tăng cao.
2.5 Thuốc điều trị viêm loét đại tràng không kê đơn
- Thuốc chống tiêu chảy Loperamide có thể có hiệu quả đối với tiêu chảy nặng nhưng bệnh nhân cần thận trọng khi sử dụng và tham khảo bác sĩ, vì thuốc này có thể làm tăng nguy cơ bị phình đại tràng.
- Paracetamol (còn được biết đến với tên acetaminophen) là loại thuốc giảm đau có thể mua mà không cần đơn thuốc, giúp giảm đau mức độ nhẹ và vừa. Thuốc không gây kích ứng, không làm tổn thương niêm mạc dạ dày hay chảy máu, điều mà nhiều loại thuốc giảm đau không kê đơn khác có thể gây ra.
- Thuốc chống co thắt: Các bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống co thắt để làm dịu cơn đau do co thắt đại tràng.
- Chất bổ sung sắt: Viêm loét đại tràng có thể làm cho bệnh nhân bị chảy máu đường ruột mãn tính, dẫn đến thiếu sắt và thiếu máu. Do đó, bác sĩ cần bổ sung sắt cho cơ thể người bệnh.
Thuốc điều trị viêm loét đại tràng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của bệnh. Các loại thuốc như mesalazine, corticosteroid, thuốc sinh học... được sử dụng để giảm viêm, bảo vệ niêm mạc đại tràng và giảm phản ứng của cơ thể với hệ miễn dịch. Việc lựa chọn thuốc phù hợp sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ và không tự ý sử dụng thuốc để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic, healthline