Gai cột sống có chữa được không là vấn đề được nhiều người quan tâm, do bệnh ngày càng trở nên phổ biến và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hãy tìm hiểu thêm thông tin trong bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi PGS.TS.BS Lưu Hồng Hải Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Tìm hiểu bệnh lý gai cột sống
1.1. Gai cột sống là như thế nào?
Bệnh gai cột sống, hay còn gọi là thoái hoá cột sống, là tình trạng hình thành xương giống như "gai" trên phần ngoài hoặc hai bên của cột sống. Phần lớn các phần của cột sống đều có thể bị ảnh hưởng, nhưng gai thường xuất hiện nhiều nhất ở cột sống thắt lưng và cổ.
1.2. Triệu chứng bệnh gai cột sống
Triệu chứng của bệnh gai cột sống không dễ nhận biết ở giai đoạn đầu. Thường chỉ khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn sau, người bệnh mới phát hiện ra qua những cơn đau không thể chịu đựng được, khiến họ phải tìm đến bác sĩ.
Trước khi tìm câu trả lời cho câu hỏi liệu gai cột sống có chữa được không, hãy cùng điểm qua các triệu chứng của bệnh này:
- Đau buốt liên tục ở vùng thắt lưng hoặc cổ: Ban đầu, bệnh thường chỉ có biểu hiện dưới dạng mệt mỏi hoặc cảm giác cứng khớp. Nhưng sau một thời gian, cảm giác này có thể tiến triển thành đau nhức khó chịu, các cơn đau tăng dần, đặc biệt là khi vận động.
- Đau lan rộng ra các chi: Đây là dấu hiệu trở nặng của bệnh. Đau không chỉ tập trung ở vùng cột sống mà còn lan rộng ra cả hai tay, thậm chí cả hai chân.
- Cảm giác tê bì hoặc mất cảm giác ở tay chân: Bởi vì các gai xương có thể gây áp lực lên hệ thống dây thần kinh và các cơ bắp, dẫn đến cảm giác tê bì hoặc mất cảm giác ở tay chân.
- Mất kiểm soát của việc tiểu tiện, đại tiện: Đây là biểu hiện ở giai đoạn nặng của bệnh, khi gai xương phát triển dẫn đến thu hẹp ống dẫn tủy. Khi đó, người bệnh không thể kiểm soát được nhu cầu tiểu tiện hoặc đại tiện mà phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân.
Bên cạnh những triệu chứng đã đề cập, những người mắc bệnh gai cột sống còn có những dấu hiệu phổ biến khác thường gặp: giảm cân đột ngột, cảm thấy mệt mỏi khắp cơ thể, gặp khó khăn khi di chuyển hoặc vận động, và mất cảm giác ở vùng cột sống mà có gai xương phát triển.
1.3 Nguyên nhân bệnh gai cột sống
Để hiểu liệu bệnh gai cột sống có chữa được không, chúng ta cần hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này. Gai cột sống thường hình thành chủ yếu do các nguyên nhân sau đây:
- Tuổi già: Đây là yếu tố phổ biến nhất gây ra bệnh gai cột sống. Khi tuổi già đến, khớp xương dần lão hóa, có thể dẫn đến các vấn đề như gai cột sống hoặc thoái hóa khớp.
- Thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Công việc nặng nhọc, tư thế sai lệch khi vận động, hoặc các hoạt động hàng ngày không đúng cách đều có thể gây tổn thương cho cột sống, dần dần hình thành nên gai cột sống.
- Viêm cột sống mạn tính: Khi cột sống bị viêm nhiễm, cơ thể có thể tự cố gắng khắc phục tình trạng này thông qua quá trình tự điều chỉnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, quá trình này có thể thất bại, dẫn đến sự hình thành của gai xương.
2. Bệnh gai cột sống có chữa được không?
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lưu Hồng Hải, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng, trong giai đoạn đầu của bệnh gai cột sống, người bệnh thường không nhận ra các dấu hiệu của bệnh. Chỉ khi bệnh đã tiến triển đến mức độ nghiêm trọng, các triệu chứng như đau vai, đau thắt lưng, tê bì ở chân tay xuất hiện, hoặc thông qua các cuộc kiểm tra sức khỏe tổng quát, họ mới nhận ra tình trạng của mình. Khi đó, việc điều trị gai cột sống thường gặp phải nhiều khó khăn.
Bác sĩ Lưu Hồng Hải cũng nhấn mạnh rằng để điều trị bệnh gai cột sống, đầu tiên cần phải xác định được nguyên nhân gây ra bệnh. Có rất nhiều người thắc mắc “liệu bệnh gai cột sống có chữa được không”, vì tình trạng này ảnh hưởng khá nhiều đến khả năng di chuyển và chất lượng cuộc sống của họ. Bệnh gai cột sống không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng và hạn chế sự phát triển của gai xương bằng một số phương pháp sau:
2.1. Tập luyện nhẹ nhàng
Để giảm các chứng đau do gai cột sống, bệnh nhân có thể thực hiện các bài tập và môn thể thao nhẹ nhàng như: đạp xe, bơi lội, yoga, đi bộ… Tuy nhiên, mọi người nên lưu ý rằng phương pháp này chỉ hỗ trợ cải thiện cơn đau tạm thời. Do đó, người bệnh cần phối hợp việc tập luyện với các liệu pháp điều trị khác để mang lại kết quả chữa bệnh tốt hơn.
2.2. Sử dụng thuốc tây y
Đây là phương pháp phổ biến nhất để cải thiện tình trạng gai cột sống. Những loại thuốc sau đây có thể giúp giảm các cơn đau bệnh gai cột sống:
- Acetaminophen hoặc paracetamol.
- Ibuprofen.
- Naproxen.
Tuy nhiên, mọi người cần nhớ rằng các loại thuốc này chỉ giúp giảm đau tạm thời. Việc sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên có thể gây ra các tác dụng phụ như:
- Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của dạ dày, gây viêm loét đường tiêu hóa, đục thủy tinh thể, tăng huyết áp, và loãng xương nếu sử dụng trong thời gian dài.
- Người mẫn cảm với steroid có thể gặp phản ứng dị ứng khi sử dụng.
2.3. Sử dụng dược liệu dân gian
Có một số bài thuốc dân gian được biết đến với khả năng điều trị gai cột sống như: bưởi, chanh, ngải cứu,... Ngoài ra, trên thị trường hiện nay, có nhiều loại bài thuốc Đông y được làm từ các thảo dược tự nhiên, có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng gai cột sống.
Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này thường chỉ mang tính tạm thời. Hơn nữa, không ít trường hợp người bệnh tự mua và sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng cho gan thận, rối loạn chuyển hóa, và trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
2.4. Vật lý trị liệu
Có hai phương pháp chính để phục hồi chức năng của cột sống là vật lý trị liệu và phẫu thuật. Vật lý trị liệu bao gồm các liệu pháp như sóng ngắn, hồng ngoại,... kết hợp với các bài tập phục hồi để cải thiện tình trạng sức khỏe.
Vật lý trị liệu được xem là một phương pháp an toàn và hiệu quả, giúp tăng cường tính linh hoạt của các cơ bắp và xương khớp đồng thời giúp giảm đau. Tuy nhiên, người bệnh cần phải kiên nhẫn và thực hiện luyện tập thường xuyên trong một khoảng thời gian dài để đạt được kết quả.
2.5. Phẫu thuật
Trong trường hợp bệnh tiến triển nghiêm trọng hoặc việc sử dụng thuốc kê đơn không mang lại kết quả như mong đợi, phẫu thuật loại bỏ gai xương hình thành ở cột sống sẽ được bác sĩ chỉ định nếu cần thiết. Tuy nhiên, các bác sĩ thường không khuyến khích sử dụng phương pháp này do các lý do sau:
- Rủi ro phát sinh biến chứng trong và sau khi phẫu thuật tương đối cao.
- Sau khi loại bỏ gai xương, vẫn có nguy cơ tái phát mọc ra chồi xương khác.
- Chi phí của quá trình phẫu thuật không nhỏ, điều này có thể khiến cho một số người bệnh gặp khó khăn trong việc tiếp cận phương pháp điều trị này.
3. Biện pháp phòng ngừa cũng như hỗ trợ cải thiện cơn đau do gai cột sống gây ra
Đáp án cho câu hỏi gai cột sống có chữa được không chính là không thể chữa khỏi hoàn toàn. Do đó, mọi người cần tập trung vào việc phòng ngừa bệnh để bảo vệ tốt sức khoẻ của bản thân. Đồng thời, việc duy trì điều trị bằng thuốc giảm đau kết hợp với lối sống lành mạnh có thể giúp người bệnh gai cột sống kiểm soát bệnh, phòng tránh biến chứng và giảm tần suất đau.
Để phòng ngừa cũng như cải thiện các cơn đau do gai đốt sống, mọi người cần xây dựng một số thói quen sau:
- Bệnh nhân cần dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn: Hoạt động vận động quá mức thường gây đau cột sống. Do đó, việc nghỉ ngơi và thư giãn kết hợp với việc tập luyện nhẹ nhàng giúp phòng tránh việc xuất hiện những cơn đau cấp tính.
- Tăng cường lượng chất xơ, vitamin D và các thực phẩm giàu dinh dưỡng khác trong khẩu phần ăn hàng ngày.
- Hạn chế hút thuốc và tránh xa các thực phẩm có khả năng gây tăng cân.
- Tập luyện nhẹ nhàng nhằm giảm các chứng đau do gai cột sống, người bệnh có thể lựa chọn đạp xe, yoga, bơi lội, đi bộ,...
- Tránh ngồi một chỗ quá lâu.
- Tránh tham gia các hoạt động thể thao quá sức như cử tạ, sử dụng dụng cụ tập thể dục, thực hiện động tác hít đất,... và tránh mang vác những vật nặng.
Bài viết trên đã cung cấp thông tin giúp giải đáp câu hỏi “gai cột sống có chữa được không” của những người đang mắc bệnh này. Mặc dù việc chữa trị hoàn toàn bệnh gai cột sống là không khả thi, nhưng bệnh nhân vẫn có thể giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh bằng cách sử dụng thuốc tây, các liệu pháp dân gian, tập phục hồi chức năng và duy trì một chế độ nghỉ ngơi phù hợp.
Hơn nữa, việc phòng tránh bệnh quan trọng hơn việc chữa trị, do đó, việc khám sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện sớm các tiến triển xấu của bệnh gai cột sống nói riêng, cũng như các bệnh lý sức khỏe nói chung, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp, giúp mọi người bảo vệ tốt nhất sức khỏe của mình.
Tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có triển khai các gói khám sức khỏe định kỳ cho từng đối tượng bệnh nhân, do đó khi có vấn đề gì về sức khỏe người bệnh cần tới bệnh viện để được thăm khám nhằm có hướng điều trị phù hợp nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.