Tổn thương xương khớp là một vấn đề sức khỏe ngày càng trở nên nghiêm trọng trong xã hội hiện đại, ảnh hưởng đến khả năng vận động và chất lượng cuộc sống. Nhiều người không nhận ra rằng, một số thói quen và yếu tố trong cuộc sống hàng ngày có thể dẫn đến tổn thương cho hệ xương khớp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Mang vác nặng có thể gây tổn thương xương khớp
Mỗi 453 gram tăng thêm trên cơ thể sẽ tạo ra 1,8 kg áp lực lên đầu gối. Lực tác động này không chỉ ảnh hưởng đến đầu gối mà còn lan đến các khớp khác như lưng, hông và bàn chân. Theo thời gian, việc mang vác nặng liên tục sẽ dẫn đến hao mòn và tổn thương xương khớp.
Béo phì hay thừa cân cũng làm làm tăng áp lực lên các khớp chịu lực, nhất là đầu gối, hông, cột sống sẽ đẩy nhanh quá trình thoái hóa. Những nơi phải chịu lực lớn trong thời gian dài sẽ dẫn đến thoái hoá khớp.
2. Ngủ nằm sấp
Ngủ sấp là tư thế ngủ phổ biến giúp giảm ngáy nhưng lại có nhiều tác động tiêu cực đến cơ thể. Tư thế này gây áp lực lên cột sống, cổ và vai, có thể dẫn đến đau nhức và khó chịu. Khi nằm sấp, đầu thường xoay sang một bên trong thời gian dài, khiến cổ và vai bị cứng. Ngoài ra, tư thế này còn có thể tạo nếp nhăn trên mặt do áp lực lên da và làm hạn chế khả năng di chuyển của phổi, gây khó thở.

3. Tình trạng Texting thumb
Nhắn tin trên điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến nhưng hành động này có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe, đặc biệt là cho ngón tay cái và cổ vai gáy. "Texting thumb" là tình trạng đau gân ở ngón tay do sử dụng ngón tay cái quá nhiều để nhắn tin, vuốt màn hình hoặc chơi game.
Ngoài ra, việc cúi đầu nhìn điện thoại lâu cũng ảnh hưởng xấu đến cổ và vai gáy. Mỗi cm cúi đầu sẽ làm tăng áp lực lên cơ cổ. Nếu cúi xuống đến mức cằm chạm ngực, lực tác động lên cổ có thể gấp 5 lần bình thường.
4. Giày cao gót
Giày cao gót có thể mang lại vẻ đẹp và sự tự tin cho người phụ nữ nhưng đi kèm với đó là nguy cơ tiềm ẩn gây tổn thương xương khớp, đặc biệt là đầu gối. Giày với gót càng cao, trọng lượng cơ thể càng dồn về phía trước, khiến cơ đùi phải hoạt động nhiều hơn để giữ cho đầu gối thẳng. Điều này có thể dẫn đến đau nhức và khó chịu ở đầu gối.
Ngoài ra, giày cao gót còn làm tăng lực xoắn ở đầu gối. Lực xoắn này có thể làm tổn thương sụn khớp và dẫn đến thoái hoá khớp - một căn bệnh thoái hóa xương khớp nguy hiểm. thoái hoá khớp khiến cho xương và đệm giữa các khớp bị phá vỡ, gây ra các triệu chứng như đau nhức, cứng khớp, sưng tấy,... Nguy cơ mắc thoái hoá khớp do giày cao gót càng cao khi đi với tần suất thường xuyên.

5. Mang giày không phù hợp
Mang giày sai có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể, từ bàn chân, mắt cá chân đến đầu gối, hông, lưng và tổn thương xương khớp. Giày mòn không cung cấp đủ sự hỗ trợ cho bàn chân và mắt cá chân, dẫn đến tình trạng chuyển động sai lệch và tác động đến các khớp khác.
Chọn giày không phù hợp với môn thể thao cũng có thể gây ra nhiều vấn đề. Ví dụ, giày cao cổ dành cho bóng rổ có thể bảo vệ mắt cá chân khỏi bong gân, nhưng giày có quá nhiều đệm có thể hạn chế chuyển động tự nhiên của bàn chân, dẫn đến đau nhức.
6. Bẻ khớp ngón tay gây tổn thương xương khớp
Khi bẻ khớp ngón tay, âm thanh "bốp" phát ra do bong bóng nhỏ trong chất lỏng quanh khớp vỡ ra hoặc dây chằng va vào xương. Mặc dù nhiều người lo ngại rằng việc này có thể gây tổn thương xương khớp và viêm khớp nhưng không có bằng chứng rõ ràng cho thấy điều đó.
Tuy nhiên, thói quen bẻ khớp thường xuyên có thể làm bàn tay sưng lên và làm yếu đi sự gắn kết giữa các khớp, dẫn đến nguy cơ tổn thương xương khớp. Vì vậy, tốt nhất là nên tránh bẻ khớp. Thay vào đó, hãy thử xoa bóp hoặc kéo giãn nhẹ nhàng để giảm căng thẳng và giữ cho khớp linh hoạt.
7. Mang túi nặng không đều
Khi mang vác vật nặng, đặc biệt nếu chỉ mang ở một bên vai, có thể gây ra nhiều vấn đề cho cổ, vai và cột sống. Túi xách, ba lô hoặc túi đeo chéo quá nặng có thể làm mất cân bằng và tạo áp lực lên cơ bắp cũng như khớp ở một bên cơ thể. Để tránh tổn thương nên chia đều trọng lượng giữa hai bên vai, sử dụng túi hoặc ba lô có đệm để giảm bớt áp lực lên cơ bắp và khớp.
8. Hút thuốc lá gây tổn thương xương khớp
Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe phổi mà còn gây hại cho khớp. Nicotine trong thuốc lá làm giảm lưu lượng máu đến xương khớp, từ đó giảm lượng oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho khớp.
Việc hút thuốc thường xuyên làm hạn chế khả năng hấp thụ canxi - một khoáng chất quan trọng để xây dựng và duy trì xương chắc khỏe. Đồng thời, thói quen hút thuốc cũng làm phá vỡ estrogen - một loại hormone giúp bảo vệ xương, đặc biệt là ở phụ nữ sau mãn kinh và làm chậm quá trình phát triển xương mới, khiến xương trở nên yếu hơn và dễ gãy hơn.

9. Thực hiện các hành động sai tư thế
Sử dụng cơ bắp không đúng cách trong các hoạt động hàng ngày có thể gây ra tổn thương cho cơ bắp và xương khớp. Ví dụ, nếu mở cửa nặng bằng ngón tay, có thể làm đau khớp ngón tay và cổ tay. Thay vào đó, hãy dùng vai để đẩy cửa.
Khi nâng vật nặng, nếu chỉ dùng lưng sẽ dễ bị đau lưng. Lúc này, người bệnh nên uốn cong đầu gối và dùng cơ bắp chân để nâng. Nếu mang vác vật nặng bằng tay, có thể gây mỏi tay và đau vai. Tốt nhất là sử dụng lưng và hông để hỗ trợ trọng lượng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.